Những di sản thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận gồm 3 loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp gồm văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong các danh hiệu của tổ chức UNESCO, Di sản thế giới là danh hiệu lâu đời nhất và danh giá nhất. Cho đến nay, Việt Nam đã có khá nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Các di sản thế giới tại Việt Nam sau khi được công nhận luôn được đánh giá cao và được khai thác, xây dựng tích cực để phát triển thành những địa điểm, những khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển ngành du lịch nước nhà.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Việt Nam, trong năm 2015, số lượng khách tham quan đến các điểm du lịch dẫn đầu là quần thể danh thắng Tràng An, thứ hai là Vịnh Hạ Long, cố đô Huế đứng thứ 3, phố cổ Hội An đứng thứ tư, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đứng thứ 5.
Sau đây, chúng ta hãy cùng khám phá 10 di sản thế giới tại Việt Nam nổi tiếng nhất, thu hút số lượng khách du lịch đông nhất và luôn là niềm tự hào của ngành du lịch Việt Nam trên thế giới:
1. Quần thể danh thắng Tràng An
Đây là di sản thế giới tại Việt Nam rất đặc biệt vì là một di sản hỗn hợp đầu tiên ở nước ta được UNESCO công nhận (năm 2014). Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích 6172 ha, nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Được ví như Hạ Long trên cạn, nơi đây luôn hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình, những bức tranh sơn thủy sống động và không gian yên bình, tao nhã. Quần thể gồm nhiều điểm du lịch tuyệt vời như di tích cố đô Hoa Lư, quần thể hang động Tràng An, khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động, rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư,…
2. Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là một di sản thế giới tại Việt Nam khá độc đáo vì nó chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi của người Việt cổ, đồng thời cũng là tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của thiên nhiên. Năm 1994, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi những giá trị đặc biệt về mặt cảnh quan cũng như địa chất, địa mạo.
Vịnh Hạ Long thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp hòa quyện của đất trời với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, nhiều hang động kỳ thú với đầy vẻ huyền bí. Đồng thời, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng những hệ sinh thái điển hình như: rừng ngập mặn, rừng cây nhiệt đới, rạn san hô,…cùng với hàng nghìn loài động thực vật phong phú.
3. Cố đô Huế
Cố đô Huế là kinh đô một thời của Việt Nam, nổi tiếng với một hệ thống những đền, chùa, thành quách, lăng tẩm. Kiến trúc nguy nga tráng lệ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên núi sông thơ mộng. Nằm dọc hai bên bờ sông Hương và một số vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên, quần thể di tích cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận (tháng 12 năm 1993). Ngày nay, cố đô Huế vẫn còn lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
4. Phố cổ Hội An
Hội An là một thị xã cổ của người Việt nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc cổ như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ,…kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại.
5. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một khu bảo tồn thiên nhiên tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích 85.754ha. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, các loại hang động, sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, nơi đây có một hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ được mệnh danh là “Vương quốc hang động”.
Tại đây, vào tháng 4 năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới với chiều cao 200m, rộng 150m, dài khoảng 8,5km.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003.
6. Thánh địa Mỹ Sơn
Nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km thuộc địa bàn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm pa do vua Bhadravarman cho xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4 để thờ thần Siva.
Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của dân tộc Chăm tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, thể hiện được đa dạng những sắc thái, đời sống nội tâm của người thời xưa. Năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
7. Nhã nhạc cung đình Huế
Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận (năm 2003). Hội đồng UNESCO đã nhận định, đánh giá nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa âm nhạc tao nhã. Nhã nhạc đã đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên bao gồm các ngày lễ kỷ niệm, ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức.
8. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh vùng Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau như Ê đê, Bana, Mạ,…
Văn hóa cồng chiêng là loại hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số sống dọc Trường Sơn – Tây Nguyên. Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là niềm tự hào của các dân tộc vùng đất Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005.
9. Hoàng thành Thăng Long Hà Nội
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long Hà Nội có tổng diện tích khoảng 18.400ha gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn lại trong khu di tích thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.
Nơi đây là một minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
10. Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ là tòa thành bằng đá độc đáo nằm giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến năm 1407 do vua Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397. Thành nhà Hồ là công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn độc đáo có một không hai ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và Đông Á vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011.
Xem thêm: