Ngộ độc là một thuật ngữ để chỉ tình trạng chất độc xâm nhập vào cơ thể và gây nên những rối loạn hoạt động sinh lý bình thường, có thể dẫn đến tử vong. Ngộ độc luôn được coi là trường hợp cần chữa trị khẩn cấp. Các chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như đường hô hấp, tiêu hóa, da niêm, đường máu. Tùy theo tác nhân gây độc, triệu chứng của ngộ độc có thể thay đổi đa dạng như: nôn ói, đau bụng, suy hô hấp, yếu liệt, rối loạn nhịp tim, hôn mê, nặng nhất là tử vong.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê gần đây, mỗi năm ước tính có trên 2000 trường hợp ngộ độc các loại. Trong đó, chủ yếu là các trường hợp ngộ độc thực phẩm với 7000 đến 10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong. Nhà nước phải chi trên 3 tỷ đồng cho việc điều trị, xét nghiệm và tìm ra nguyên nhân.
Sau đây là 10 loại ngộ độc nguy hiểm nhất và những triệu chứng cơ bản của từng loại ngộ độc. Khi phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh có những triệu chứng trên, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để kịp thời được giải độc và điều trị thích hợp, hạn chế những hậu quả đáng tiếc về sau.
1. Ngộ độc Paraquat
Paraquat thuộc nhóm chất diệt cỏ tác dụng nhanh và không chọn lọc, có tác dụng ăn mòn, gây ra các phản ứng oxy hóa. Hậu quả là gây hủy hoại tế bào phổi, thận, gan, tim,…dẫn đến suy đa tạng trong vòng vài giờ đến vài ngày. Tỷ lệ tử vong rất cao từ 70 – 90%. Triệu chứng ngộ độc bao gồm: viêm loét miệng, khó thở, suy thận, suy gan, suy tim, tụt huyết áp, hôn mê. Nguyên nhân ngộ độc thường là uống để tự tự. Một số trường hợp là uống nhầm hay gặp ở người say rượu, trẻ em.
2. Ngộ độc thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu có nhiều loại, thường gặp trên thị trường hai loại có chứa chất độc là Phospho hữu cơ và Carbamat. Các chất độc này khi vào cơ thể sẽ gây tích tụ Acetylcholin dẫn đến các triệu chứng ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc gồm: vã mồ hôi, nôn ói, tiêu tiểu không tự chủ, khó thở, nhịp tim chậm, yếu liệt tay chân,…Nguyên nhân của ngộ độc thường gặp nhất vẫn là uống với mục đích tự tử.Tỷ lệ tử vong thấp hơn so với ngộ độc Paraquat.
3. Ngộ độc thuốc diệt chuột
Thuốc diệt chuột có chứa các chất độc nguy hiểm như muối Phostphua (Phosphua kẽm, Phosphua nhôm), Natri flouroacetat, Flouroacetamide. Đây là những chất ăn mòn da, niêm mạc mạnh, có thể gây phù phổi cấp. Các triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài phút hoặc sau 24 giờ mới xuất hiện. Sốc và ngừng tim là nguyên nhân tử vong sớm ở những bệnh nhân uống với số lượng nhiều. Biểu hiện ngộ độc bao gồm: loét miệng, nôn ra máu, tiêu lỏng có máu, khó thở, tím tái, tụt huyết áp, đau đầu, chóng mặt, hôn mê. Nguyên nhân vẫn thường gặp là do tự tử, các trường hợp khác do uống nhầm, bị đầu độc,…
4. Ngộ độc nấm độc
Nấm độc là loại nấm có chứa độc tố gây độc cho con người và động vật khi ăn phải. Nấm độc gồm có 8 nhóm chứa 8 loại độc tố khác nhau, có loại tác dụng chậm, có loại tác dụng nhanh. Hầu như tất cả các loại nấm độc đều có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt nên con người dễ bị ngộ độc khi ăn phải chúng. Ngộ độc nấm thường có biểu hiện rõ nhất là rối loạn tiêu hóa: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Ngoài ra còn có các triệu chứng như: vàng da, xuất huyết da niêm, khó thở, tụt huyết áp, co giật, suy gan, suy thận, hôn mê. Để tránh ngộ độc, khi mua nấm, chế biến nấm, cần phải biết rõ loại và nguồn gốc của nấm để tránh ăn nhầm phải nấm độc.
5. Ngộ độc nọc cóc
Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của nó từ trứng, nòng nọc, cóc nhỏ, cóc trưởng thành. Tuyến độc của cóc nằm bao phủ toàn bộ da, tuyến mang tai. Nhiễm độc toàn thân xảy ra khi ăn thịt cóc, gan và trứng cóc, trẻ em liếm cóc, cầm cóc khi da bị tổn thương hay ngậm cóc vào miệng. Nọc cóc phun vào mắt gây nguy hiểm. Triệu chứng ngộ độc nọc cóc bao gồm: nôn, đau bụng, nhịp tim chậm, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, yếu cơ, nhìn thấy mọi vật có màu vàng hoặc xanh,… Vì vậy, để tránh ngộ độc, cần hạn chế ăn thịt cóc hoặc khi ăn cần phải chế biến kỹ lưỡng.
6. Ngộ độc mật cá trắm, cá trôi
Ở một số vùng, người ta có thói quen sử dụng mật cá để chữa bệnh vì nghĩ rằng mật cá có tác dụng nâng cao sức khỏe, chữa được một số bệnh mạn tính như hen phế quản, đau lưng, viêm đại tràng. Thực tế, các loại mật cá trắm, cá trôi đều có thể gây ngộ độc. Độc tố chính có trong mật cá là 5 Alpha cyprinol gây tổn thương chủ yếu đến gan, thận. Triệu chứng chính của ngộ độc bao gồm nôn, đau bụng, mệt mỏi, suy gan, suy thận, có thể có biến chứng phù phổi cấp, phù não và tử vong.
7. Ngộ độc độc tố cá nóc
Ở Việt Nam có gần 70 loài cá nóc khác nhau. Chất độc của cá là chất Tetrodotoxin tập trung ở trứng, da, ruột, gan, cơ. Chất độc này cũng được tìm thấy ở con kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh. Đây là một chất độc thần kinh rất độc, gây tử vong cao. Nguyên nhân tử vong là do liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau ăn từ 5 – 10 phút, muộn hơn có thể đến 3 giờ, bao gồm: tê lưỡi, miệng, mặt, ngón tay, đau đầu, đau bụng, nôn, yếu cơ, suy hô hấp, hôn mê.
8. Ngộ độc botulinum
Đây là một loại độc tố được tiết ra từ vi khuẩn Clostridium Botulinum, có nhiều trong thực phẩm đóng hộp. Ngộ độc botulinum thường thấy là những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Các triệu chứng ngộ độc thường bắt đầu từ 12 – 36 giờ sau khi chất độc xâm nhập vào cơ thể, gồm có: đau bụng, nôn,, tiêu chảy, khó thở, yếu tay chân, mờ mắt. Để phòng bị ngộ độc, cần tránh ăn những thức ăn đóng hộp đã quá hạn hoặc gần hết hạn sử dụng.
9. Ngộ độc rượu methanol
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, không phải là rượu dùng để uống mà để làm dung môi, pha sơn,…Chất này rất độc đối với cơ thể. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Các triệu chứng nhiễm độc xuất hiện sau khi uống 30 phút hoặc có thể muộn hơn bao gồm: đau đầu, chóng mặt, co giật, nhìn mờ, nhìn đôi, sung huyết kết mạc mắt, tụt huyết áp, thở yếu, vã mồ hôi,…Nguyên nhân ngộ độc thường do nhầm methanol với rượu uống được (Ethanol, rượu ethylic).
10. Ngộ độc khí Cacbon monoxide
Khí Cacbon monoxit (khí CO) là một sản phẩm thường gặp do cháy không hoàn toàn của các chất có chứa cacbon. Khí CO rất độc, gây thiếu oxy của cơ thể, ức chế hô hấp, gây toan máu và chết tế bào. Trong tình hình hiện nay, tỷ lệ ngộ độc và tử vong do khí CO khá cao. Ngộ độc thường xảy ra với nhiều người sống trong nhà. Khởi đầu biểu hiện bằng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ. Nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê. Để đề phòng ngộ độc, cần tránh tiếp xúc với những đám cháy, đám khói từ việc đốt than, củi, nung đất,…
Xem thêm: