Bệnh trầm cảm là một bệnh lý thuộc chuyên khoa Tâm Thần với biểu hiện chủ yếu là cảm xúc buồn và sự chán nản. Tỷ lệ bệnh trầm cảm chung trong dân số là 10 – 15%. Bệnh trầm cảm thường gặp ở độ tuổi từ 20 – 50 tuổi. Tuy nhiên gần đây, tỷ lệ bệnh có gia tăng ớ nhóm tuổi dưới 20 tuổi có lẽ do nghiện rượu hoặc ma túy. Đồng thời, bệnh trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi hoàn cảnh, mọi dân tộc, tôn giáo, mọi nền kinh tế,…
Ngày nay, khi nhịp sống ngày càng hối hả, việc cạnh tranh thương mại, lợi nhuận ngày càng phức tạp, áp lực công việc không ngừng gia tăng dẫn đến tăng tỷ lệ mắc các bệnh rối loạn về tâm lý, trong đó có trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất là tử vong do tự sát. Theo thống kê, bệnh trầm cảm xếp thứ 9 trong số 10 bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Có đến hơn 60% người mắc bệnh trầm cảm không nhận biết mình đang bị bệnh. Và đó là điều nguy hiểm, tạo thuận lợi cho bệnh diễn tiến ngày một nặng hơn. Vì vậy, việc tìm hiểu và nắm bắt một số kiến thức cơ bản về bệnh trầm cảm sẽ giúp cho bạn phòng tránh cũng như điều trị kịp thời để hạn chế những hậu quả xấu của bệnh. Đồng thời giúp bạn thoát khỏi nỗi buồn, sự chán nản, tìm lại được niềm vui, sự hứng khởi để làm việc và học tập có hiệu quả hơn.
Sau đây là 10 điều về bệnh trầm cảm mà bạn nên nắm rõ để một ngày nào đó bạn sẽ cần vận dụng đến trong cuộc sống:
1. Bệnh trầm cảm có biểu hiện chủ yếu là buồn bã, chán nản
90% người bị bệnh trầm cảm than phiền mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng, không còn tha thiết điều gì nữa. Hầu hết người bệnh không còn cảm thấy hứng thú với những hình thức hoạt động mà trước đó họ rất thích như hoạt động tình dục, thể thao, du lịch, học nhóm,…Bên cạnh đó, người bệnh trầm cảm còn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mất sinh lực và không muốn làm một việc gì cả.
2. Bệnh trầm cảm gặp ở mọi lứa tuổi
Người bệnh trầm cảm thường ở lứa tuổi 20 – 50 tuổi. Tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người già và trẻ em. Bệnh trầm cảm ở những đối tượng này thường không biểu hiện rõ ràng và thường được gọi là trầm cảm ẩn, điều trị cũng khó khăn hơn. Ngày nay, do việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất ma túy nên bệnh trầm cảm có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ngày càng nhiều ở những đối tượng dưới 20 tuổi.
3. Bệnh trầm cảm thường gặp ở nữ
Nhiều nghiên cứu chứng minh bệnh trầm cảm thường gặp ở nữ hơn ở nam. Một người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2 lần nam giới. Điều này có thể được giải thích là do khả năng điều hòa, cân bằng tâm lý trước những biến cố của nữ yếu hơn so với nam. Mặt khác, nữ mắc bệnh trầm cảm có mưu toan tự sát nhiều hơn nam. Tuy nhiên, tỷ lệ tự sát thành công ở nam lại cao hơn nữ.
4. Bệnh trầm cảm ảnh hưởng mạnh đến cân nặng
Khoảng 70% người bệnh trầm cảm có rối loạn về vấn đề ăn uống. Có những trường hợp người bệnh cảm thấy chán ăn, không muốn ăn hoặc ăn không ngon miệng. Điều đó dẫn đến tình trạng sụt cân, cơ thể gầy ốm, suy dinh dưỡng, suy kiệt. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người bệnh trầm cảm lấy việc ăn uống làm thú vui còn sót lại nên họ ăn rất nhiều, đặc biệt là những món ăn ngọt. Vì vậy, cân nặng của họ tăng lên rất nhanh và dễ dẫn đến béo phì.
5. Bệnh trầm cảm gây rối loạn giấc ngủ
Khoảng 80% người bệnh trầm cảm bị rối loạn giấc ngủ. Có những bệnh nhân thức dậy sớm vào lúc 4 – 5 giờ sáng và không ngủ lại được. Các triệu chứng trầm cảm ở thời điểm này là trầm trọng nhất. Ngược lại, ở những bệnh nhân khó ngủ hoặc thức giấc giữa đêm thường kèm theo lo âu. Vài bệnh nhân lại than phiền ngủ nhiều thay vì mất ngủ.
6. Bệnh trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu của tự sát
Theo thống kê của hội Tâm thần học thế giới, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu của những vụ tự sát, chiếm 75% các trường hợp tự sát trên toàn cầu. Trong đó, 15% các trường hợp tự sát thành công. Tự sát là hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh trầm cảm. 1% bệnh nhân trầm cảm tự sát trong vòng 12 tháng kể từ khi phát bệnh, với các trường hợp tái diễn thì 15% chết do tự sát.
7. Bệnh trầm cảm có thể di truyền
Các nghiên cứu tần suất bệnh trên trẻ sinh đôi, trong gia đình và ở dân số chung đã đưa đến việc phát hiện bệnh trầm cảm có thể di truyền. Người thân với người bị bệnh trầm cảm có tỷ lệ bệnh cao hơn trong dân số nói chung. Tỷ lệ bệnh trầm cảm cao nhất trong số những người có mối quan hệ thứ nhất với người bệnh. Tỷ lệ bệnh ở những trẻ sinh đôi cùng trứng là 65 – 75%, ở những trẻ sinh đôi khác trứng là 14 – 19%.
8. Bệnh trầm cảm có thể tái phát
Sau khi đã điều trị khỏi, bệnh trầm cảm vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu đời sống tinh thần không được cải thiện. Tỷ lệ tái phát cao ở những người điều trị không đủ thời gian, thường xuyên bị căng thẳng, stress, những người có tính cách trầm, nhân cách sống phụ thuộc,…Khoảng 50% người bệnh trầm cảm bị một cơn trong tương lai sẽ bị tái phát ít nhất là 3 cơn và khoảng 90% bệnh nhân đã bị 3 cơn thì sẽ bị cơn thứ tư. Khoảng 25% người bệnh trầm cảm bị tái phát trong vòng 6 tháng sau khi đã hồi phục.
9. Bệnh trầm cảm phải điều trị bằng thuốc
Nhiều người lầm tưởng rằng bệnh trầm cảm chỉ là cảm xúc buồn nhất thời và sẽ tự qua khỏi hoặc có thể tự điều trị bằng những biện pháp như: thư giãn, nghe nhạc, xem hài, đi du lịch, uống thuốc ngủ,…Tuy nhiên, các bác sĩ đã khẳng định rằng nếu bạn được chẩn đoán bị bệnh trầm cảm thì tuyệt đối phải điều trị bằng thuốc. Những biện pháp thư giãn, tâm lý trị liệu chỉ để hỗ trợ một phần trong quá trình điều trị bệnh trầm cảm mà thôi.
10. Bệnh trầm cảm có liên quan đến lạm dụng chất
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng bệnh trầm cảm ngày nay liên quan đến việc lạm dụng các chất như rượu bia, thuốc lá, thuốc lắc, hàng đá, cần sa, heroin,…Sự lạm dụng chất dễ đưa đến nghiện chất, và khi thiếu chất đó trong một thời gian ngắn sẽ dẫn đến rối loạn hoạt động của cơ thể, rối loạn tâm sinh lý mà trong đó có bệnh trầm cảm.
Xem thêm: