Bóp còi xe, xi nhan, rọi đèn…là cách giao tiếp với nhau khi tham gia lưu thông. Tuy nhiên một số người dân đã không ý thức được điều này. Từ những em học sinh đến cả những người ăn mặc chỉnh tề vẫn coi như không. Cùng điểm mặt 10 nét “vô duyên” khi tham gia giao thông đường bộ dưới đây:
1. Vượt đèn đỏ
Đèn báo hiệu đèn đỏ mà bạn vẫn cố tình vượt qua là nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho chính bạn và cho người đi đường. Đồng thời kéo theo hệ lụy khác như kẹt xe hoặc đụng trúng nhau gây ẩu đả. Chậm một giây mà an toàn là ý thức chấp hành luật của mỗi một người khi tham gia lưu thông trên đường.
Nhiều người tham gia giao thông vội vã, gấp gáp về mặt thời gian do công việc chi phối, do tâm lý thích thể hiện hoặc do thói quen vô ý thức, vô kỷ luật của một bộ phận, trong đó chủ yếu vẫn là một bộ phận thanh niên… Đó là lối suy nghĩ vô cùng lệch lạc của người vi phạm.
Hiện nay vượt đèn vàng cũng bị phạt theo Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ ngày 1-8. Điều này cũng gây tranh cãi ít nhiều của cộng đồng mạng cũng như người dân thành phố. Nhưng thiết nghĩ áp dụng hình thức phạt này sẽ hạn chế được nạn vượt đèn đỏ khi chúng ta tham gia lưu thông.
2. Lấn tuyến
Lấn tuyến khi chờ đèn xanh làm cho chiều đi ngược lại phải khó khăn mới qua được là điều rất vô lý mà chúng ta thấy hằng ngày. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ùn tắt giao thông cũng như đem lại nguy hiểm cho chính bản thân và người đi đường khi tầm nhìn bị khuất. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam gần bằng thảm họa sóng thần ở Nhật Bản (11.929 người chết, 9.290 bị thương)
3. Bấm còi – Cố tình
Bấm còi khi người đằng trước chờ đèn đỏ chưa kịp lăn bánh, bấm còi khi muốn qua mặt, bấm còi khi người trước chạy chậm. Thậm chí đang kẹt xe cũng nghe tiếng còi bấm vô ý thức. Tiếng còi lớn gây ảnh hưởng đến người xung quanh, lấn át tinh thần của họ. Nói chung, ngoại trừ những trường hợp quá cấp thiết, bóp còi xe được cho là rất thiếu tôn trọng người khác.
Nhiều người khi tham gia lưu thông dù thấy tín hiệu xi nhan từ xa vẫn cố tình vượt lên trước. Hoặc thấy phía trước dòng xe đang kẹt và đèn tín hiệu báo dừng nhưng vẫn chạy, chạy qua vũng nước nhưng không giảm ga, đậu xe bên lề phải khi có đèn đỏ… những việc làm này gây kẹt xe, mất trật tự mà còn có thể xảy ra tai nạn cho người cùng tham gia lưu thông.
4. Xi nhan – Bật đèn chiếu xa, gần
Không ít trường hợp xi nhan cua rồi quên tắt, làm người chạy sau không biết có thật sự xe trước muốn cua hay không. Rồi xi nhan bên phải lại cua bên trái, tệ hơn không xi nhan hoặc vừa xi nhan đã cua. Làm người phía sau khó xử lí.
Phần lớn người tham gia lưu thông ít để ý đến đèn chiếu sáng đang trong tình trạng chiếu pha hay cos (đi trong thành phố, thị trấn thì bật đèn cos. Đi đường trường thì bật đèn pha). Nếu không được sử dụng đúng cách, chúng có thể trở thành nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn không đáng có.
5. Lạng lách – đánh võng
Nỗi khiếp sợ của người tham gia lưu thông tuổi trung niên nói riêng cũng như người đi đường nói chung là chứng kiến các hành vi lạng lách đánh võng của các quái xế. Nhất là những chủ xe hai bánh chở hàng cồng kềnh nhưng vẫn lạng vẫn lách trong đô thị.
Nhan nhãn các khẩu hiệu treo đầy đường như “An toàn là bạn, tai nạn là thù” hay “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”… đã không được phần lớn giới trẻ để ý tới. Những tai nạn giao thông thảm khốc vẫn xảy ra hằng ngày như một lời cảnh báo cũng không đủ đe dọa được họ.
6. Khạc nhổ – hất tàn thuốc
Bạn đã từng bị trúng hay thấy hành động khạc nhổ này chưa? Đây là một trong mười nét vô duyên nhất khi tham gia lưu thông trên đường. Hành động này vừa mất vệ sinh, vừa gieo rắc mầm bệnh cho cộng đồng và nói lên đây là con người thiếu văn hóa và không coi trọng người khác.
Việc hút thuốc nơi công cộng là một điều đáng lên án, sau khi hút còn vất tàn bừa bãi là hành động thiếu văn minh. Nếu tàn thuốc vô tình rơi vào bình xăng hoặc vào người của các xe đang chạy xung quanh thì hậu quả sẽ như thế nào? Bạn có biết tại thủ đô Paris nếu vất đầu lọc thuốc lá xuống đường sẽ bị phạt 68 euro (Theo Reuters).
7. Dàn hàng ngang, dừng lại bất thình lình
Dàn hàng ngang không những cản trở giao thông, gây ùn tắc mà còn khiến người điều khiển xe máy đối mặt với nguy cơ va chạm trực diện cùng phương tiện di chuyển ngược chiều. Thường thấy nhất lúc các trường tan học, bất chấp sự nguy hiểm luôn rình rập xung quanh, các em nhỏ và cả người lớn cứ vô tư cười đùa qua lại.
Từ bản chất của một con người có lối sống cá nhân như thế nào thì khi ra xã hội cũng sẽ như vậy. Bất quy tắc và không tôn trọng người cùng lưu thông: dừng lại bất ngờ mà không xi nhan gây cản trở người phía sau là những cảnh vẫn xảy ra hàng ngày.
8. Chạy quá tốc độ khi tham gia lưu thông
Theo thống kê của Phòng CSGT cho thấy, số người vi phạm luật giao thông trong độ tuổi từ 15 – 35 chiếm gần 70% tổng số người vi phạm với một số lỗi phổ biến như chạy xe quá tốc độ…Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực kiềm chế TNGT trên đường phố.
Bạn đang có chuyện gấp hay bất cứ vấn đề gì thì đó là chuyện của riêng bạn. Nhưng việc bạn chạy quá tốc độ không kịp xử lí khi có vật cản gây thiệt hại cho chính bản thân bạn và cho cả người xung quanh. Đó không chỉ là ý thức mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia lưu thông trên đường.
9. Chở quá số người quy định
Thường thấy ở các em học sinh chở nhau bằng xe đạp, đùa giỡn, la hét hay thanh niên độ tuổi trưởng thành, kẹp ba thậm chí bốn, chỉ khi thấy cảnh sát giao thông thì mới nhẩy xuống đi bộ. Nhà trường và gia đình nên trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, để khi lớn lên các em sẽ là những người có nhận thức đúng và giữ luật.
10. Vừa chạy vừa dùng điện thoại
Hành động vừa chạy xe vừa nghe hoặc bấm điện thoại cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn, kẹt xe trên đường phố. Người đồng tham gia lưu thông cảm thấy khó chịu khi cứ phải chạy sau một chiếc xe không tập trung vào tay lái.
Theo nhận xét chung thì những người có thói quen giữ kỷ luật thì khi tham gia lưu thông sẽ là người có ý thức trách nhiệm, nghiêm chỉnh và có văn hóa, chấp hành đúng luật giao thông và bên cạnh đó cũng chẳng có quy định xử phạt nào đối với hành vi gọi là ý thức giao thông kém.