Bạn biết không, một trong những yếu tố quyết định tương lai thành hay bại chính là sự thấu hiểu chính mình. Biết tính cách của mình như thế nào, biết mình muốn làm gì sẽ là bước đệm quan trọng và vững chắc chuẩn bị cho cuộc hành trình tiến tới thành công của bạn. Hôm nay, thông qua hai cuốn sách Người thông minh giải quyết vấn đề như thế nào? của Ken Watanabe và Dám ước mơ của Florence Littauer. 10Hay.com sẽ giới thiệu với các bạn 10 kiểu người cơ bản trong cuộc sống. Bạn hãy xem mình thuộc nhóm nào và mình cần làm những gì để có thể thành công nhé!
Phần I: Theo cuốn sách Người thông minh giải quyết vấn đề như thế nào?, tính cách con người tất cả chúng ta đều nằm trong 5 nhóm chính.
1. Người mộng mơ
Biểu hiện của nhóm người này là thường có những ước mơ táo bạo, những ước mơ dường như không bao giờ trở thành hiện thực. Bởi vì họ chỉ ngồi mơ, mà không hề có ý định hành động để đạt được nó, khiến bao nhiêu năm sau, ước mơ của họ vẫn cứ trì trệ, nằm yên trong tâm trí mà thôi. Họ thường hay ngồi và tự nhủ thế này:
- “Mình muốn viết một cuốn tiểu thuyết!”
- “Nếu mình mở một doanh nghiệp thì sẽ thành công lắm nhỉ?”
- “Mình muốn khi lớn lên sẽ trở thành bác sĩ.”
- “Mình là con người của ý tưởng. Đừng làm mình rối với những chi tiết vụn vặt”…
Nếu bạn thuộc nhóm người này, thì bạn phải học cách để “thực tế trở lại” và học cách tiết chế ước mơ của mình. Thay vì ngồi một chỗ và vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi đẹp, hãy chọn một ước mơ bạn khao khát nhất và bắt tay vào lập kế hoạch để thực hiện.
2. Người chỉ trích
Nhóm người này thường không khó để nhận ra, cũng là nhóm người chúng ta hay gặp nhất. Cái tên nói lên tất cả, “người chỉ trích”, nên những ai thuộc nhóm này thường hay nói những câu như:
- “Xem nào, chắc chắn việc đó sẽ không thành công. Sao mà ngớ ngẩn thế chứ!”
- “Tôi đã nói là mọi việc sẽ rối tinh lên mà. Tất cả là tại cậu.”
- “Này, tôi đã nói cho cậu biết là nên làm gì. Vậy mà tại sao cậu vẫn không làm được?”
Người chỉ trích thường rất hào hứng trong việc chỉ ra sai sót của người khác và là người luôn sẵn sàng chê trách khi bạn gặp thất bại, và là người có khả năng làm bạn xuống tinh thần nhiều nhất. Tiếp xúc với những người này rất nguy hiểm cho tinh thần của chúng ta và khiến chúng ta dễ phát điên. Bởi họ chỉ giỏi “vạch lá tìm sâu” đối với người khác, nhưng lại không bao giờ đề cập đến thiếu sót của bản thân họ, và vì thế nếu trong một công việc đòi hỏi tính tập thể có sai sót gì, cho dù là họ làm sai, họ cũng không bao giờ thừa nhận.
Theo tôi thì trong 5 kiểu người, kiểu người này là khó chấp nhận nhất, họ không chỉ bảo thủ, cứng đầu, không có tính cầu tiến mà đa phần lại khiến nhiều người khác cũng trở nên thất bại như mình. Nếu bạn là người như vậy, thì hãy dừng các sự chỉ trích và phán xét người khác lại, mà thay vào đó là kiểm điểm chính bản thân mình, xem bạn làm được gì và thiếu sót những gì. Biết lắng nghe ý kiến của người khác và có ý thức tự sửa đổi, cầu toàn, cầu tiến. Nếu không, bạn sẽ vừa là kẻ thất bại, vừa là kẻ đáng ghét đấy!
3. Người thở dài
Công việc nhóm người này thường hay làm nhất đương nhiên là “thở dài”. Họ là người đại diện cho những ai dễ dàng bỏ cuộc trước thử thách, dù đôi khi thử thách chẳng có gì to tát cả. Gần giống với nhóm Người chỉ trích, Người thở dài cũng rất hay đổ lỗi cho số phận, cho mọi người xung quanh, chỉ là họ không nói ra mà thôi. Đây cũng là nhóm người dễ rơi vào tuyệt vọng nhất, là người thất bại một lần là dường như chẳng bao giờ dám đứng lên, bước đi một lần nữa.
Họ luôn luôn thấy thất vọng vì chính bản thân họ, thất vọng về cái xã hội này. Những câu họ thường nói đa phần là:
- “Tôi không bao giờ làm được điều đó. Tôi không giỏi trong lĩnh vực đó.”
- “Tôi sẽ không thử đâu. Nếu tôi thất bại thì sao? Người ta sẽ cười tôi cho mà xem.”
- “Tại cha mẹ tôi. Tại cái xã hội này. Tại cả bạn nữa!”
- “Chẳng ai chịu hiểu tôi. Chẳng ai quan tâm đến tôi. Người ta luôn xa lánh tôi.”
Cũng khá nhiều người mắc “chứng thở dài” này, việc bạn nên làm là học cách bạo dạn và tự tin hơn, hãy dùng toàn bộ khả năng để hành động một lần, bỏ qua hết tất thảy những phán xét của người khác. Can đảm một lần rồi, bạn sẽ thấy mọi chuyện không đáng sợ như bạn vẫn nghĩ.
4. Người xông xáo
Nếu bạn không đạt đến mức cao siêu như nhóm người thứ 5, thì thuộc nhóm thứ 4 này cũng đủ mang lại cho bạn khá nhiều thành công rồi. Những ai thuộc nhóm người này nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin, dám nghĩ dám làm. Họ cũng là những người thường xuyên truyền động lực cho người khác với những câu nói chắc nịch:
- “Tôi không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ vượt qua khó khăn này!”
- “Mình phải cố gắng hơn nữa! Không được nản chí!”
- “Tôi biết việc này sẽ thành công nếu tôi nỗ lực thêm chút nữa.”
- “Tại sao phải nghĩ trước khi làm? Chỉ phí thời gian thôi. Vấn đề là phải hành động ngay!”
Tuy nhiên, một lỗi lớn mà nhóm người này mắc phải chính là hành động nhanh hơn suy nghĩ, họ ít khi dành thời gian để xem xét cái tốt cái xấu của những gì mình sẽ làm. Họ thường không biết con đường phía trước thế nào, cứ đi thôi, khi nào “tông cột” thì sẽ tìm được khác, nên để thành công họ cũng khá vất vả và mất nhiều thời gian. Nhưng chỉ cần bạn dừng lại để suy nghĩ thôi, là bạn sẽ thành người biết cách giải quyết vấn đề rồi.
5. Người biết cách giải quyết vấn đề
Những Người biết cách giải quyết vấn đề là những người luôn chuẩn bị một mục tiêu và kế hoạch cụ thể, chi tiết để đạt được mục tiêu ấy. Trong quá trình hành động, không giống như nhóm Người xông xáo, chỉ biết lao về phía trước, nhóm người người này thường hay nghỉ chân để xem kế hoạch của mình đang ở giai đoạn nào, có gặp vấn đề gì không, vì vậy họ thường sớm nhận ra sai sót và nhanh chóng điều chỉnh hướng đi của mình, không mất thời gian và công sức để làm những việc vô bổ. Chúng ta thường nghe họ nói những câu như:
- “Được rồi, mình sẽ đạt được điều này trong vòng ba tháng nữa.”
- “Đây là một trở ngại, nhưng thay vì lo sợ nó, mình sẽ tìm ra cách khắc phục nó.”
- “Nguyên nhân thật sự của việc này là gì nhỉ?”
- “Để giải quyết việc này, mình phải làm x, y và z. Phải thử ngay mới được.” •
- “Vậy phải có những yếu tố nào thì việc này mới thành công đây? Có gì sai sót nhỉ? Có cách nào để lần sau mình làm tốt hơn không?”
Thế nên đa phần, không có rắc rối nào đánh gục được họ hay khiến họ nản chí. Vì vậy thành công đối với họ là điều chẳng khó khăn gì cả. Nếu bạn là người thuộc nhóm này, hãy cố gắng phát huy hết khả năng của mình nhé!
Điều cuối cùng, sở hữu cuốn sách Người thông minh giải quyết vấn đề như thế nào? sẽ giúp bạn hiểu rõ tính cách của mình, cũng như tìm thấy nhiều phương pháp giải quyết vấn đề thông minh hơn.
Phần 2: Theo cuốn sách Dám ước mơ của Florence Littauer , tính cách con người thuộc 4 nhóm căn bản.
6. Người lạc quan
Đây là mẫu tính cách được ưa chuộng nhất. Những Người lạc quan thường nói nhiều và chủ đề là những câu chuyện đầy phấn khích, nhiều người không hiểu sẽ cho rằng Người lạc quan tự mãn vì họ thường nói những câu như: “Nếu không có tôi, bữa tiệc này nhàm chán biết bao” hoặc “Tôi nghĩ rằng cách kể chuyện của tôi thú vị hơn của anh”…nhưng thực ra đó chỉ là sự chia sẻ chân thành của họ. Ở bên cạnh mẫu người này chúng ta sẽ luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái, họ rất ít khi giận lâu hoặc chỉ trích người khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, điểm yếu của nhóm người này là thiếu kiên nhẫn để theo đuổi ước mơ, dễ thay đổi, không biết lắng nghe người khác, hay giải thích, biện minh…Vì vậy, bạn cần phải học cách lắng nghe, rèn luyện tính kiên trì và chấp nhận lỗi lầm… để có thể thành công.
7. Người quyền lực
Hay còn gọi là mẫu người của uy quyền và sự kiểm soát. Họ thường có thiên hướng làm lãnh đạo và muốn người khác làm theo ý mình. Nhưng nhờ vậy mà họ khá dễ dàng thành công. Họ nhiệt tình, sôi nổi, thể hiện quan điểm cá nhân một cách rõ ràng và hiếm khi bỏ cuộc nếu gặp thất bại. Bởi đối với họ, thành công mới chính là thước đo giá trị một con người, họ luôn muốn thành tích của bản thân cao, và cao hơn nữa.
Đó là điểm mạnh, đồng thời cũng là điểm yếu của họ, vì đôi khi để đạt được thành công, họ bất chấp những hành động cực đoan nhất. Hãy bình tĩnh và học cách sống lạc quan, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
8. Người trầm tĩnh
Hài hước mà nói thì đây chính là tính cách phổ biến của các “soái ca” trong truyện ngôn tình: lạnh lùng, ít nói, hiểu biết sâu rộng và luôn phát ngôn những lời lẽ uyên bác. Nhưng thật ra có phải như vậy?
Trái ngược với Người lạc quan, nói nhiều hơn suy nghĩ, thì Người trầm tĩnh suy nghĩ nhiều nhưng lại ít khi nói ra. Trên con đường theo đuổi ước mơ, họ kiên trì, bền bỉ và luôn cố gắng để đạt được kết quả một cách tốt nhất. Họ là người cầu toàn, nên họ biết lắng nghe người khác chỉ ra lỗi sai của họ và sửa chữa nó. Thêm vào đó, sự bình tĩnh bẩm sinh luôn khiến họ sáng suốt tìm ra cách giải quyết khi đối diện với các vấn đề của họ hoặc của người khác.
Tuy nhiên, Người trầm tĩnh không toàn diện, mà họ cũng có khá nhiều điểm yếu. Ví như: thường đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, mất quá nhiều thời gian lập kế hoạch trước khi làm việc, dễ thất vọng và buồn chán…
Người trầm tĩnh à, các bạn nên hiểu rằng, trên thế giới không có gì là hoàn hảo cả, thế nên đừng bắt chính mình và mọi người phải đều có kiến thức uyên thâm. Khi giao tiếp với mọi người, bạn cũng nên hòa đồng hơn, đừng bày tỏ sự thông thái, như vậy sẽ khiến người khác ác cảm với bạn.
9. Người ôn hòa
Theo đánh giá chung, thì đây là mẫu người chuẩn mực nhất trong cuộc sống, vì họ luôn tìm cách để cân bằng mọi việc, không quá tốt, cũng không quá tệ hại. Người ôn hòa cũng là mẫu người dễ chịu nhất khi ta tiếp xúc với họ, họ rất không thích làm mất lòng người khác, nên thường ít tranh luận hay phê bình người khác. Gần giống với Người trầm tĩnh, họ luôn bình tĩnh và biết lắng nghe mọi người, cũng như đồng cảm sâu sắc với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Dù là vậy, Người ôn hòa lại bị đánh giá là nhàm chán vì ít khi thể hiện quan điểm bản thân, bị cho là thiếu quyết đoán và không có chính kiến riêng. Họ có xu hướng lẩn trốn mọi sự chú ý, thiếu nhiệt tình trong tất cả mọi việc và dễ người khác nản lòng bởi sự thờ ơ của họ.
Lời khuyên dành cho những ai thuộc nhóm người này là, hãy chia sẻ và thảo luận quan điểm riêng với mọi người. Khi bạn thể hiện cảm xúc thật của bản thân một cách ôn hòa, bạn sẽ trở nên gần gũi và thân thiện hơn trong mắt người khác.
Để hiểu thêm về 4 nhóm người này, hiểu thêm về các ưu điểm cũng như nhược điểm và cách khắc phục của nó, các bạn có thể mua sách Dám ước mơ về tham khảo. Có rất nhiều thông tin hữu ích cho bạn đấy!
Phần III: Mẫu người “Tổng hợp”
Mẫu người này là những người thể hiện không rõ ràng trong tính cách, khi thế này, khi thế kia, khó đoán, khó lường. Nguyên nhất có thể do nguồn gen họ thừa hưởng khá đa dạng, hoặc cũng có thể do họ tiếp xúc với quá nhiều tính cách khác nhau nên dễ bị ảnh hưởng. Nếu bạn chưa xác định được bản thân thuộc nhóm người nào, thì có lẽ bạn đang nằm trong nhóm cuối cùng này đấy. Đừng lo lắng, bạn hãy xác định con người mình muốn trở thành và nỗ lực để đạt được điều đó, như vậy, bạn sẽ trở nên khác biệt hơn rất nhiều.
Bạn đã biết mình thuộc nhóm tính cách nào chưa? Nếu câu trả lời là “Rồi”, thì hãy bắt tay vào việc phát huy những ưu điẻm, khắc huy những khuyết điểm để sớm đạt được ước mơ của mình.