Có rất nhiều cách chữa bệnh hắc lào khác nhau từ bài thuốc dân gian, theo Đông y và Tây y. Tuy nhiên tùy vào thời gian mắc bệnh của bạn và triệu chứng nặng hay nhẹ mà chọn cách phù hợp và mau khỏi bệnh hơn. Các bài thuốc dân gian và Đông y là rất hay bạn nên xem xét thử trước nhé. Nếu không hết các bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc Tây y.
Bệnh hắc lào hay còn gọi là lác, là bệnh gây ra do vi nấm có tên khoa học là Dermatophytes. Nấm này gồm có 3 loại là Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum. Tùy theo vị trí bệnh, người ta phân ra nấm bẹn, nấm thân, nấm mặt, nấm chân, nấm tóc,…
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và mọi giới, nhiều nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên và trung niên, nam gặp nhiều hơn nữ. Đường lây truyền chính là từ người sang người qua đồ vật trung gian như quần áo, chăn, màn, khăn,…Triệu chứng chính của bệnh là ngứa và nổi mẩn đỏ, nốt mẩn ngứa tập trung ở rìa của tổn thương tạo thành những hình tròn như đồng tiền, sau đó lan rộng ra bề mặt của cơ thể.
Hắc lào không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nó gây ngứa ngáy khó chịu cả ngày lẫn đêm. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây biến chứng như bội nhiễm, chàm hóa da, cứng da,…Có nhiều cách chữa bệnh bao gồm Đông, Tây y, những bài thuốc dân gian. Sau đây, xin giới thiệu 10 cách chữa bệnh hắc lào tận gốc hiệu quả nhất, tỷ lệ khỏi bệnh cao, tái phát thấp:
1. Bài thuốc uống dân gian
Bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết: kinh giới 10g, kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 16g, thổ phục linh 12g, đỗ đen sao 40g, cam thảo dây 10g, vòi voi 12g, cỏ xước 12g, liên kiều 10g. Sắc đặc vừa phải, uống nhiều lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang. Uống trung bình 1-2 tháng bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, để tránh tái phát bệnh, cần điều trị tất cả những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân. Quần áo, chăn màn của người bị bệnh cần phải luộc kỹ bằng nước sôi để diệt mầm bệnh của vi nấm.
2. Trị hắc lào bằng chuối xanh
Trong chuối xanh có chứa các chất làm ức chế sự phát triển của vi nấm gây bệnh hắc lào, làm mất môi trường sống của vi nấm, từ đó diệt tận gốc, làm khỏi bệnh rất hiệu quả.
Cách thực hiện: lấy một trái chuối tiêu xanh đem cắt thành từng lát mỏng. Vệ sinh sạch vùng da bị bệnh, dùng móng tay cạo nhẹ ra rồi xát chuối xanh lên cho mủ chuối tự khô trên da. Làm như vậy mỗi ngày 2 lần, kiên trì sẽ nhanh chóng thấy được hiệu quả của phương pháp này.
3. Trị hắc lào bằng gáo dừa
Đây là một cách chữa bệnh hắc lào hiệu quả nhưng ít người biết. Cách thực hiện: chuẩn bị một mảnh gáo dừa, đem đốt lên rồi lấy nhựa bôi vào vết hắc lào. Mỗi ngày tiến hành 3-4 lần, kiên trì trong 1 tháng sẽ thấy hiệu quả. Cách này khá đơn giản, rẻ tiền, được sử dụng nhiều trong dân gian và được xem như một phương thức gia truyền để chữa bệnh hắc lào.
4. Trị hắc lào bằng cây kiến cò
Kiến cò còn có tên gọi khác là nam uy linh tiên, bạch hạt, là cây nhỏ mọc thành bụi, cao 1-2m, có rễ chùm. Thân non có lông mịn. Hoa nhỏ, màu trắng, hình dạng như con hạc. Cây ra hoa tháng 8. Cây mọc hoang, được trồng ở nhiều nơi, thu hái quanh năm. Chuẩn bị: rễ cây kiến cò 50g thái nhỏ, giã nát, cồn 70 độ 100ml. Ngâm rễ cây kiến cò đã được giã nát vào dung dịch cồn trong vòng 1-2 tuần, sau đó lọc qua vải xô, lấy dịch thuốc bôi vào vùng da bị hắc lào mỗi ngày 2-3 lần trong 3-4 tuần sẽ khỏi bệnh.
5. Trị hắc lào bằng rau sam
Rau sam còn có tên gọi là Mã Xỉ Hiện vì có lá giống hình răng ngựa, là loại rau mọc dại ở khắp nơi từ bắc đến nam. Rau sam thân mập, mọng nước, màu đỏ tím nhạt. Lá mọc so le, dày, mép có viền đỏ, hoa màu vàng. Rau sam thích nghi ở những nơi ẩm mát như vườn nhà, bờ ruộng, bờ kênh mương,…
Cách thực hiện: lấy một lượng lớn rau sam chừng 500g rửa sạch, sắc đặc, gạn lấy nước cốt nấu với sáp ong. Khi sáp ong chảy ra thì cho nhỏ lửa, cô đặc thành cao. Dùng loại cao này phết lên vết hắc lào mỗi ngày 2 lần sẽ thấy hiệu quả điều trị triệt để.
6. Trị hắc lào bằng cây bạch hoa xà
Cây bạch hoa xà còn có tên khác là bạch tuyết hoa, cây chiến, cây đuôi công, là loại cỏ cao 0,6-0,7m, thân rễ. Lá mọc so le, mép nguyên, không có lông. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm. Cây mọc hoang khắp nơi trong cả nước. Cách thực hiện: giã nát rễ hoặc lá tươi của cây bạch hoa xà, cho thêm ít muối, thêm lá dâm bụt hoặc củ khoai sọ sống giã nát, trộn đều đắp lên vị trí da bị hắc lào, ngày 1-2 lần sẽ đạt hiệu quả cao.
7. Trị hắc lào bằng cây đại và củ chút chít
Cả hoa, lá, nhựa, vỏ thân và rễ cây đại đều có thể dùng làm thuốc. Để bảo quản vỏ thân đại, cần cạo sạch lớp vỏ ngoài, thái mỏng, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Hoa đại được hái lúc mới nở, có thể dùng tươi hoặc khô. Cây chút chít còn có tên là lưỡi bò, ngưu thiệt, thổ đại hoàng. Thường lấy củ chút chít dùng làm thuốc. Cách tiến hành: dùng vỏ cây đại tươi 50g, củ chút chít 50g, cồn 70 độ 100ml. Hai vị thuốc rửa sạch, giã nát, ngâm vào cồn 7 ngày, dùng dung dịch thu được bôi vào chỗ bị hắc lào ngày 2-3 lần.
8. Thuốc tắm từ phèn chua và bồ kết
Bồ kết có tác dụng thông khiếu, sát trùng (theo Đông y), kết hợp với phèn chua sẽ tạo nên tính khử khuẩn cao, giảm ngứa, điều trị được một số bệnh thể bệnh hắc lào, kể cả nấm tóc. Cách tiến hành: bồ kết 12g, phèn chua 20g thêm nước, đun sôi, để nguội rồi tắm. Mỗi ngày nên tắm với dung dịch này 1-2 lần, sau khi tắm có thể bôi thêm thuốc vào chỗ bị hắc lào sẽ giúp tăng cường hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian bệnh.
9. Trị hắc lào bằng thuốc uống Tây y
Đây là cách chữa bệnh hắc lào khá thông dụng tại các bệnh viện chuyên khoa Da liễu hiện nay. Thuốc uống được kê toa bởi các bác sĩ chuyên khoa. Trước khi chỉ định thuốc, các bác sĩ thường cho làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh nhân đang bị bệnh hắc lào. Trên cơ sở đó, các loại thuốc kháng nấm sẽ được kê đơn như Griseofulvin, Ketoconazol, BSI, ASA,… Bên cạnh đó, những loại thuốc giảm ngứa như kháng histamin, kháng viêm có thể được chỉ định kèm theo.
10. Trị hắc lào bằng thuốc bôi Tây y
Bên cạnh thuốc uống, việc sử dụng các loại thuốc bôi cũng là cách chữa bệnh hắc lào được ưa chuộng hiện nay. Thuốc thường ở dạng kem, không mùi hoặc có mùi dễ chịu. Thuốc có chứa các thành phần như: chất kháng nấm, chất làm mềm da, chất kháng viêm, giảm ngứa,…Tuy nhiên, thuốc bôi chỉ có tác dụng tại chỗ nên để phát huy hiệu quả điều trị, cần bôi đúng vị trí bị hắc lào và bôi lượng vừa phải để đạt được hiệu quả điều trị tốt, hạn chế gây kích ứng da.
Xem thêm: