Làm việc hiệu quả là một mục tiêu mà ai cũng mong muốn đạt được trong cuộc sống của mình. Để hoàn thành tốt một công việc, chúng ta cần phải có những kỹ năng nhất định, sự tập trung, suy nghĩ, sáng tạo, đôi khi là sự nỗ lực, cố gắng để vận dụng vào việc ấy. Có những việc đơn giản, chỉ làm ta tốn ít năng lượng nhưng cũng có những việc phức tạp đòi hỏi chúng ta phải huy động nhiều nguồn lực của bản thân để hoàn tất nó. Và một điều quan trọng nữa là cần thực hiện như thế nào để khi chúng ta làm xong việc mà vẫn cười nói vui vẻ, lạc quan, tràn đầy sức sống. Như vậy mới thực sự gọi là làm việc hiệu quả, và công việc ấy mới đúng là phù hợp với bạn.
Nhiều khi công việc bạn đang làm không phải lúc nào cũng là việc bạn yêu thích nhất. Và đã từ lâu dân gian có câu “Nghề chọn mình, mình không được chọn nghề”. Vì vậy, khi đã ổn định với công việc hiện tại, dù như thế nào đi nữa thì tốt nhất bạn nên sống hòa hợp với công việc ấy, cố gắng làm việc hiệu quả bằng tất cả những kỹ năng và năng khiếu mình có được. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để hoàn thiện hơn cho hành trang cuộc sống của mình.
Sau đây xin giới thiệu 10 bí quyết cơ bản để làm việc hiệu quả mà mỗi người không nên bỏ qua
1. Ngủ sớm, không nên thức khuya
Thức khuya gây giảm trí nhớ, gây cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng cho ngày hôm sau, làm cho tính tình dễ nóng nảy, bực bội; đồng thời có thể dẫn đến một số bệnh về tâm thần kinh như: thiếu máu não, rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu, trầm cảm,…
Ngủ sớm sẽ giúp đầu óc được thư giãn sau một ngày làm việc, giúp ổn định trí nhớ, tăng tập trung, ổn định lượng máu lên não, giúp ngăn ngừa một số bệnh như béo phì, tăng huyết áp, lão hóa da,…
2. Dậy sớm trước 7 giờ mỗi ngày
Ngủ nhiều quá hoặc thức dậy trễ quá không những làm cho ta trễ việc mà còn gây cảm giác uể oải, mệt mỏi, thiếu năng lượng. Nhiều nghiên cứu chứng minh dậy sớm trước thời điểm 7 giờ sáng, tập thể dục, ăn sáng, ta sẽ được hít thở không khí trong lành, lượng “hormon làm việc” tăng cao kích thích sự hưng phấn cho những hoạt động của chúng ta trong một ngày mới. Vì vậy, bạn hãy tập thói quen dậy trước 7 giờ sáng mỗi ngày.
3. Lên danh sách các công việc cần làm trong ngày
Chắc hẳn nhiều lúc chúng ta sẽ cảm thấy bối rối, lúng túng bởi một mớ công việc hỗn độn, hoặc phân vân không biết phải làm việc gì. Giải pháp tốt nhất là lấy một mẫu giấy nhỏ, hoặc đánh máy danh sách những việc cụ thể cần làm. Đơn giản như thế, nhìn vào danh sách trên, bạn sẽ hoàn toàn thoải mái và tự tin cho những gì bạn sắp sửa làm.
4. Giảm thời gian lướt web, chat, facebook
Đôi khi chúng ta mải mê lướt web, chat tán gẫu, lướt facebook và dần dần trở nên nghiện, không để ý đến thời gian, để rồi không đủ thời gian để hoàn thành công việc. Hãy hạn chế thì giờ dành cho Internet không cần thiết như những hoạt động trên, dành nhiều thời gian tập trung cho công việc chính hiện tại là một trong những điều quan trọng để làm việc hiệu quả.
5. Tránh làm nhiều việc cùng một lúc
Tranh thủ làm nhiều việc cùng một lúc với mong muốn hoàn thành nhanh các nhiệm vụ là một quan điểm sai lầm. Vì như thế, ta không thể tập trung chuyên môn cho từng công việc. Mỗi việc thường có những đặc điểm, tính chất khác nhau, nếu gom chung sẽ gây mất hiệu quả đồng bộ. Đôi khi gộp chung việc để làm cùng một lúc lại gây ra tình trạng “dở dở ương ương”, không việc nào ra việc nào, càng làm cho mọi việc trở nên rắc rối hơn.
6. Dành thời gian để thư giãn
Dành khoảng 30 phút để thư giãn sau mỗi 1 đền 2 giờ miệt mài cho công việc là một cách làm việc khoa học. Vì bộ não chúng ta chỉ có khả năng tập trung tối đa 2 giờ, sau đó sẽ giảm dần độ tập trung. Nghỉ ngơi trong khoảng thời gian ngắn với những hình thức như xem tin tức, nghe nhạc, trò chuyện, đọc báo,… giúp não lấy lại năng lượng để tiếp tục cho tiến trình của công việc.
7. Tự đánh giá kết quả đạt được
Sau mỗi công việc hoàn thành, bạn nên tự ngồi lại, suy ngẫm và đánh giá kết quả mà mình đạt được sau công việc đó. Đánh giá có thể gồm những mặt như: thời gian hoàn thành, mức độ hoàn thành, mức độ hài lòng của sếp, cách thức tiến hành công việc,… để từ đó rút ra những kinh nghiệm cho lần sau được tốt hơn.
8. Trò chuyện với đồng nghiệp
Trò chuyện với đồng nghiệp là một hoạt động không thể thiếu được khi đi làm việc tại một cơ quan. Chúng ta không nên làm việc một mình mà cần liên kết với tập thể. Trò chuyện cùng bạn bè trong cơ quan không những giúp ta có được những giây phút vui tươi, thoải mái, giảm áp lực trong công việc mà còn giúp ta trao đổi kinh nghiệm cho nhau về việc làm, gia đình, cuộc sống, sức khỏe,…
9. Đặt ra những mục tiêu
Hãy đặt ra những mục tiêu, tự tạo cho bản thân những thử thách và phấn đấu thực hiện đúng mục tiêu, vượt qua những thử thách ấy là một biện pháp giúp tăng thêm sự thú vị và hấp dẫn trong công việc. Đừng để mỗi ngày trôi qua trong bình thường, tẻ nhạt mà hãy tạo chút đổi mới, chút gập ghềnh để tự luyện tập cho mình khả năng vượt qua, phấn đấu, nỗ lực,… sẵn sàng cho tương lai.
10. Khám sức khỏe định kỳ
Bên cạnh việc làm, bạn cũng đừng quên vấn đề sức khỏe. Bởi vì có sức khỏe, bạn mới làm việc có hiệu quả được. Định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý đang tiềm ẩn, hoặc để an tâm vì mình đang khỏe mạnh, hoặc để được các bác sĩ, các chuyên gia sức khỏe tư vấn về chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.