1/3 thời gian của một ngày bạn dành để ngủ. Ngoại trừ những người đặc biệt có thể sống mà không cần ngủ thì tất cả chúng ta đều cần ngủ và đó là một yêu cầu bắt buộc của cơ thể chứ không dựa trên cảm giác thích hay không thích. Theo các nhà khoa học đã nghiên cứu thì giấc ngủ là “trạng thái giảm hoạt động vận động và sự cảnh tỉnh làm thay đổi nhiều hoặc ít một cách thường xuyên tình trạng thức ở các loài động vật cao cấp.” Còn nôm na chúng ta thường hiểu ngủ là giảm hoạt động để nghỉ ngơi và hồi phục sau một ngày dài hoặc những lúc mệt mỏi. Thế nhưng, giấc ngủ có hoàn toàn thoải mái và tưởng như được “chết” đi mỗi ngày không? Hẳn các bạn ở đây đều đã từng gặp những trường hợp dở khóc dở cười, những pha rùng mình khiếp đảm hay bực mình khó chịu sau khi choàng tỉnh giấc. Hãy cùng 10Hay.com khám phá 10 cảm giác sợ phải gặp nhất khi đặt mình chìm vào giấc ngủ để xem bạn từng gặp bao nhiêu trường hợp nhé!
1. “Giấc ngủ ngàn thu”
Có lẽ đây là cảm giác không ai muốn phải gặp vào một đêm bất thình lình phải không? Có những lúc nghĩ vu vơ, sợ rằng một đêm chìm vào giấc ngủ và mãi mãi không tỉnh dậy nữa. Đó là ý nghĩ tiêu cực và khuyến cáo các bạn không nên suy nghĩ linh tinh như thế. Hãy chìm vào giấc ngủ thật sâu và thức dậy vào mỗi buổi sáng để đón ngày mới nhé.
Thế nhưng, sự thật là trên thế giới có một người đàn ông ngừng thở khoảng 80 lần mỗi đêm và lo rằng mình sẽ không tỉnh dậy vào hôm sau. Ông được chuẩn đoán mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA). Đây là dạng rối loạn giấc ngủ mà các cơ vận động vùng hầu họng giãn ra quá mức làm hẹp đường thở dẫn đến oxy trong cơ thể giảm, bệnh nhân ngáy to và thức giấc nhiều lần. Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến OSA ở bệnh nhân 50 tuổi là cân nặng dư thừa và amidan quá phát. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn chữa được bằng phẫu thuật cắt amidan và áp dụng chế độ giảm cân đúng cách.
2. Bóng đè
Nếu bạn nào từng gặp trường hợp này trong giấc ngủ thì đây có lẽ là cảm giác kinh hoàng nhất. Bóng đè là một trạng thái bất thường khiến con người tỉnh giấc, đầu óc vẫn tỉnh táo nhưng không thể cử động chân tay, và thường xuyên cảm nhận được rất nhiều cung bậc ảo giác lạ kỳ đáng sợ. Hiện tượng bóng đè có thể xảy ra ngay cả vào ban đêm và ban ngày.
Người bị bóng đè thấy như mình đang gặp ma quỷ thật rất hoảng sợ và thường cố gắng thức dậy bằng cách cử động chân tay, đập chân thật mạnh xuống giường hay nói, ra hiệu cầu cứu, thậm chí là hét lên nhưng đều thất bại mặc dù não đã phát đi tín hiệu điều khiển thần kinh vận động. Nhiều người mô tả rằng cơ thể họ như có vật gì rất nặng đè lên ngực mà họ không thể nào đẩy ra được.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bóng đè xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức áp từ công việc, do đảo lộn chu trình của giấc ngủ, những yếu tố tâm lý này kích thích lên vỏ não, gây ra hiện tượng bóng đè. Do tư thế nằm ngủ, người để tay lên ngực khi ngủ sẽ gây khó khăn cho việc thở và dễ bị bóng đè. Cà phê và rượu cũng là tác nhân gây nên bóng đè. Chính vì vây, chúng ta nên ngủ đúng giờ, giải tỏa tâm lý tránh áp lực, tư thế ngủ thoải mái để có một giấc ngủ ngon nhé.
3. Mộng du
Mộng du được coi là một biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ, là những hành vi bất thường xảy ra trong lúc ngủ. Bạn có thể thấy qua phim ảnh, người mộng du thường đi lang thang và hai cánh tay vươn ra đằng trước. Họ ra khỏi giường ngay trong lúc vẫn đang ngủ và sau khi tỉnh dậy thì họ không thể nhớ nổi mình đã làm gì trong lúc mộng du. Cơ chế khiến cho người ta bước đi trong giấc ngủ vẫn còn là bí ẩn. Nhiều thí nghiệm được thực hiện trên người mộng du đã cho thấy bệnh có thể được xếp vào một dạng rối loạn gen.
Không có thuốc hay kỹ thuật y học nào có thể chữa được bệnh mộng du. Các nhà khoa học tin rằng căng thẳng (stress) là tác nhân chính khiến cho bệnh xuất hiện. Người ta có thể trở thành người mộng du nếu giấc ngủ của họ thường xuyên bị ngắt quãng 3-4 lần mỗi đêm, hoặc nếu họ nói trong khi ngủ và đa số mộng du xảy ra đối với trẻ em nhiều hơn.
4. Ác mộng
Giấc mơ là những trải nghiệm, những ảo tưởng trong trí óc khi ngủ. Ác mộng là một giấc mơ khó chịu của con người, nó thường mang tính tiêu cực và gây ra sự sợ hãi cho người gặp phải. Nguyên nhân gặp ác mộng thường là do sợ, sầu, lo âu hay có nỗi buồn lớn. Ác mộng có thể chứa các tình huống nguy hiểm, khó chịu hay có tính khủng bố về tâm lý và thể chất. Những người gặp ác mộng thường thức dậy trong trạng trái căng thẳng và có thể khó ngủ trở lại trong khoảng thời gian kéo dài. Cơn ác mộng có xu hướng giảm về tần số khi tuổi càng cao, nhưng lại có thể tăng lên do các stress ở bất cứ tuổi nào. Chính vì thế, để tránh gặp ác mộng các bạn nên có lối sống lành mạnh, thoải mái, giảm stress và thư giãn trước khi ngủ.
5. Nói mơ
Nói mơ khi ngủ (hay nói mớ) là một rối loạn giấc ngủ. Người mắc chứng này nói trong giấc ngủ mà không hề hay biết. Lời nói ở dạng độc thoại, hội thoại; từ ngữ linh tinh, sai ngữ pháp, thường khó hiểu và liên quan đến trải nghiệm trong quá khứ. Người bệnh có thể chỉ lẩm bẩm hoặc la hét. Hiện tượng này thường gặp nhất ở trẻ em. Ở người trưởng thành, nói mớ thường xảy ra khi cơ thể mệt mỏi hoặc căng thẳng thần kinh, ví dụ như khi bị sốt cao, stress, thiếu ngủ… Khi căng thẳng mệt mỏi, nhịp thở của chúng ta thường nhanh lên, các cơ luôn bị căng thẳng và không ngừng cử động, hoạt động của vỏ não tăng, giấc mơ xuất hiện, có người nói mớ thành tiếng, có người không. Những người nói mớ không hề ý thức được việc mình đang nói chuyện và khi tỉnh dậy cũng không nhớ gì về việc ấy.
Nói mớ không phải là một dạng bệnh lý và không nguy hiểm, tuy nhiên nó gây tâm lý lo lắng cho chính người mắc chứng nói mớ và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, không còn cách nào khác là chúng ta phải có một thể trạng và tâm lý khỏe mạnh, bằng cách ăn uống đủ chất, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không rượu bia và các chất kích thích, năng thể dục thể thao, đảm bảo giấc ngủ, tránh suy nhược và căng thẳng.
6. Mất ngủ
Mất ngủ hay khó ngủ là một chứng bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Khó ngủ có nhiều dạng, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được, hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ, mỗi lần dài hơn 30 phút.
Mất ngủ là lý do gây ra sự mất ổn định về tâm lý, tinh thần luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo âu. Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể dẫn tới bệnh trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như trạng thái tinh thần của bệnh nhân. Theo thống kê, phụ nữ thường mắc chứng mất ngủ nhiều hơn nam giới và triệu chứng càng cao khi tuổi cao. Vì thế nêu mắc chứng mất ngủ chúng ta nên tìm phương pháp chữa trị để có sức khỏe tốt nhất.
7. “Sâu đo”
Đây là hiện tượng không quá lạ lùng với nhiều. Người ngủ trong trạng thái dù đang ngủ rất sâu nhưng xoay chuyển tư thế lung tung khắp giường và thường không kiểm soát được trạng thái của mình. Bạn sẽ phải phì cười khi tỉnh dậy mình đang trong tư thế đầu dưới cuối giường hoặc đầu dưới đất, chân trên giường. Hiện tượng ngủ “sâu đo” thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhiều hơn và thường ảnh hưởng đến người ngủ cùng vì có thể làm mất giấc ngủ của họ.
8. Ngủ quên, ngủ nướng
Đây chắc là nỗi sợ với những cô cậu học trò hoặc những công nhân nhân viên đi làm bởi bạn sẽ thức dậy muộn và đi học đi làm muộn. Đó có thể là do bạn ngủ chưa đủ giấc hoặc trạng thái ì ạch muốn ngủ thêm. Ngủ nướng là trạng thái ngủ nhiều hơn so với giờ quy định và có thể là chủ định của người ngủ. Ngủ nướng sẽ không tốt cho bạn vì ngủ nhiều quá cũng gây trạng thái mệt mỏi, đau nhức, không minh mẫn.
Tuy nhiên theo nghiên cứu, phụ nữ nên kéo dài thêm giấc ngủ để đảm bảo sức khỏe vì phụ nữ sử dụng bộ não nhiều hơn đàn ông. Đối với phụ nữ, giấc ngủ không đảm bảo chất lượng liên quan đến căng thẳng tâm lý cùng những cảm xúc tiêu cực như sự thù địch, trầm cảm, giận dữ.
9. Không dám ngủ ở nơi lạ
Có lẽ đây cũng là cảm giác khiến không ít người cảm thấy sợ thường gọi là “lạ giường” bởi họ không quen ngủ nơi đó bởi nhiều yếu tố chi phối như không gian, tâm lý, sợ không an toàn. Chính vì thế có thể gây ra khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon. Một mẹo hay cho trường hợp này là nên tạo cảm giác buồn ngủ trước khi ngủ, khi đó giấc ngủ sẽ sâu hơn và ta cũng quên cảm giác mình đang ngủ ở nơi lạ.
10. Sợ có chuyện gì xảy ra khi ngủ mà không biết
Đây có lẽ chỉ xảy ra ở những người nghĩ tiêu cực hoặc họ đang lo lắng về một chuyện gì đó họ quan tâm. Họ không yên tâm khi ngủ và lo nghĩ lỡ có chuyện gì xảy ra mình không biết. Hoặc suy nghĩ này cũng xuất hiện bất chợt ở những người ngủ quá sâu kiểu “đã ngủ là không biết gì”. Nhưng có lẽ đây chỉ là nỗi sợ xảy ra với số ít người nhưng đừng vì thế mà để suy nghĩ đó ảnh hưởng xấu đến tâm lý của bạn. Hãy cứ ngủ thật sâu thật ngon để có sức khỏe và tinh thần tốt nhé.
Hy vọng với những liệt kê về các nỗi lo sợ từ nghiêm trọng đến không nghiêm trọng trên có thể giúp các bạn hình dung rõ hơn về giấc ngủ của mình và có những biện pháp phù hợp để điều chỉnh và có giấc ngủ thật ngon mỗi ngày nhé.
Xem thêm: