Trong công cuộc mở cửa hiện nay cùng với những đổi mới trong chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đang ngày càng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA-Free Trade Agreement), những Hiệp định này nhằm loại bỏ các rào cản thương mại, tăng cường hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư, đồng thời góp tăng cường quan hệ ngoại giao giữa các bên. Sau đây là Top 10 Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã kí kết:
1. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP – Trans-Pacific Partnership Agreement) là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại, và mức độ cam kết rất cao nhằm mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
TPP đã được ký kết chính thức vào ngày 04/02/2016, hiện tại các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục nội bộ để thông qua Hiệp định. TPP dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được xem là Hiệp định mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam
2. ASEAN-Ấn Độ
Ngày 8 tháng 10 năm 2003, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Ấn Độ đã được kí kết bởi các lãnh đạo của hai bên. Hiệp định khung này đã tạo tiền đề cho hai bên đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Cụ thể:
- Hiệp định về thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Ấn Độ được ký kết vào ngày 13/8/2009 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
- Hiệp định về Đầu tư và Dịch vụ giữa ASEAN và Ấn Độ được ký lần lượt vào ngày 12/11/2014 và 13/11/2014 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2015
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AITIG) là Hiệp định FTA thứ 5 của ASEAN và các nước đối tác, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn của Ấn Độ cho các doanh nghiệp ASEAN cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nội dung chính của Hiệp định thương mại hàng hóa AITIG là thiết lập lộ trình cam kết giảm thuế đã được các bên thống nhất. Đồng thời quy định về quy tắc xuất xứ, thủ tục và cơ chế giải quyết tranh chấp, các biện pháp phi quan thuế, minh bạch hoá, chính sách, rà soát, sửa đổi cam kết, biện pháp tự vệ, ngoại lệ.
3. ASEAN-Australia và New Zealand
Ngày 27/02/2009, ASEAN, Australia và New Zeland đã ký kết Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
Hiệp định AANZFTA có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN, Úc và New Zealand. AANZFTA bao gồm các cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, đầu tư, hợp tác kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp và các điều khoản cụ thể về thủ tục hải quan, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, tiêu chuẩn kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh.
4. ASEAN – Trung Quốc
Tháng 11/2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định quan trọng sau:
- Hiệp định về thương mại hàng hóa và Thỏa thuận cơ chế giải quyết tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc được ký kết vào tháng 11 năm 2004 tại Viêng Chăn, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm 2005.
- Hiệp định thương mại dịch vụ được ký vào tháng 1 năm 2007 tại Cebu, Phillippines và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.
- Hiệp định đầu tư ASEAN-Trung Quốc được ký kết vào tháng 8 năm 2009 tại Bangkok, Thái Lan, Hiệp định này có hiệu lực từ tháng 2/2010
Các hiệp định được kí kết nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.
5. ASEAN – Hàn Quốc
Vào năm 2005, ASEAN và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết 04 Hiệp định quan trọng sau:
- Hiệp định về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp ASEAN-Hàn Quốc được ký vào tháng 12/2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia
- Hiệp định về Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc được ký vào tháng 8/2006 tại Kuala Lumpur, Malaysia, có hiệu lực từ tháng 6/2007
- Hiệp định về Thương mại Dịch vụ ASEAN-Hàn Quốc được ký vào tháng 11/2007 tại Singapore, có hiệu lực từ tháng 5/2009
- Hiệp định về Đầu tư ASEAN-Hàn Quốc được ký kết vào tháng 6/2009 tại đảo Jeju, Hàn Quốc, có hiệu lực từ tháng 6/2009
Các Hiệp định được kí kết nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc.
6. ASEAN – Nhật Bản
Tháng 4/2008, ASEAN và Nhật Bản ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP), Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/12/2008.
Hiệp định bao gồm các nội dung toàn diện trong nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Hiệp định AJCEP cũng sẽ tăng cường các quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản và tạo ra một thị trường lớn hơn, hiệu quả hơn với nhiều cơ hội hơn trong khu vực. Hiệp định tin tưởng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa các bên dựa trên một khuôn khổ pháp lý cho quan hệ đối tác kinh tế
7. FTA Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU – bao gồm các nước: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được ký kết ngày 29/5/2015.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu hướng tới việc loại trừ các rào cản thương mại và đầu từ giữa hai bên, giảm các kinh phí kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của EAEU do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này.
8. FTA Việt Nam – Nhật Bản
Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết ngày 25/12/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2009.
Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam, trong đó cả Việt Nam và Nhật Bản dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP).
Nội dung của Hiệp định này mang tính toàn diện bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển lao động, hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật… Hiệp định cũng giúp phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của hai nước trong mối tương quan chung với nền kinh tế khu vực và thế giới.
9. FTA Việt Nam-Hàn Quốc
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.
Trong Hiệp định này, Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc so với cam kết WTO và Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN –Hàn Quốc. Đồng thời Hàn Quốc cũng mở cửa hơn cho Việt Nam so với các FTA đã ký trước đây. Cụ thể, hai bên dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp hai bên có thể lựa chọn VKFTA hoặc AKFTA để áp dụng, tùy vào FTA nào có lợi hơn.
10. FTA Việt Nam-Chile
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile được ký kết ngày 11/11/2011 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
FTA này chỉ bao gồm các cam kết về hàng hóa và các vấn đề liên quan đến hàng hóa, không bao gồm các cam kết về dịch vụ, đầu tư…Đây cũng là FTA đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia ở khu vực châu Mỹ vì thế FTA Việt Nam – Chile được kí kết với mong muốn tạo bước đột phá cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập không chỉ thị trường Chile mà còn lan tỏa ra cả khu vực Mỹ Latinh cũng như hàng hóa Chile thâm nhập thị trường Việt Nam và ASEAN.
Bên cạnh đó Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng được thành lập vào ngày 31/12/2015. Đây là một trong ba trụ cột chính của ASEAN với mục tiêu hình thành một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung của khu vực. Các Hiệp định về thương mại tự do, Đầu tư và dịch vụ trong ASEAN cùng với các Thỏa thuận, Chương trình quan trọng cũng được thông qua để thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do quan trọng khác như FTA Việt Nam-EU, FTA Việt Nam-Ỉsreal, FTA Việt Nam-EFTA…
Việc tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ ngoại giao, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mà không phải phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời cải thiện các quan hệ về Đầu tư, Thương mại, Du lịch, thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư từ nước ngoài. Tuy vẫn còn nhiều thách thức được đặt khi tham gia các Hiệp định nhưng hi vọng với những chính sách, cải cách đúng đắn và kịp thời, cùng với sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp, các ngành nghề, nền kinh tế Việt Nam sẽ tận dụng được tối đa những lợi ích mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại, xứng đáng với những tiềm năng kinh tế của đất nước.
Xem thêm:
- Top ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam
- Top 10 tập đoàn, công ty lớn nhất Việt Nam
- Bộ tứ quyền lực mới của nước Việt Nam