Phong tục đặc sắc trong tết cổ truyền Việt Nam mang tính truyền thống và được gìn giữ từ bao lâu nay dù người Việt sống nơi nào trên thế giới, họ vẫn nhớ và nhắc nhở con cháu những tập tục tốt đẹp của dân tộc trong dịp năm mới. Mỗi địa phương có một phong tục tập quán trong năm mới khác nhau nhưng nhìn chung người Việt ta thường áp dụng tập tục nào đơn giản, mang nhiều ý nghĩa và phù hợp với truyền thống đạo lý từ bao đời nay qua các thế hệ cha truyền con nối. Vậy có bao nhiêu phong tục đặc sắc trong tết cổ truyền Việt mà người Việt chúng ta chưa bao giờ quên thực hành và nhắc nhớ trong dịp năm mới hằng năm nhỉ? Hãy cùng 10Hay.com điểm lại những phong tục đáng nhớ ấy trong chuyên trang mừng năm mới an khang, hạnh phúc Đinh Dậu năm nay nhé.
1. Phong tục tặng quà ngày Tết
Đây là phong tục mang nhiều ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của những người thân quen, bạn bè dành cho nhau, con cháu nhớ đến ông bà còn sống hay đã chết đều mang những phần quà có giá trị tinh thần lẫn vật chất đến biếu tặng, dâng cúng mỗi khi tết đến xuân về. Món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tấm lòng và sự quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống đồng thời đem lại niềm vui cho người nhận cảm giác mùa xuân ấm áp đang đến thật gần.
2. Phong tục cúng đưa tiễn ông Táo ngày 23 tháng chạp
Cứ đến khuya ngày 22 tháng chạp là người miền Trung đã cúng áo giấy, hương đèn, hoa quả và bánh trái đưa tiễn ông Táo về trời. Họ tin rằng vào ngày 23 tháng chạp hằng năm, ông Táo có nhiệm vụ quay về trời trình báo những việc đã diễn ra suốt một năm trong gia đình để Ngọc Hoàng soi xét ban thưởng khi họ làm việc thiện hay trừng phạt những gì chưa tốt, cần khắc phục sữa chữa trong năm mới. Riêng người miền Bắc thì tục cúng ông Táo của họ bao giờ cũng có con cá chép còn sống để làm phương tiện cho ông Công ông Táo cỡi về trời.
3. Phong tục cúng Giao Thừa
Giao thừa hay đêm trừ tịch thường có mâm cỗ cúng bái tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới là những linh vật hay ông thần của năm đến ngự trong nhà. Một mâm cúng Giao thừa thường có hoa quả, bánh trái, dừa xiêm và trầu cau nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp và may mắn sẽ đến với gia đình trong năm mới. Đúng giây phút giao thừa, pháo hoa sáng rực trời thì gia chủ quỳ lạy, cúng bái để mong rước thần đến nhà.
4. Phong tục mừng tuổi bố mẹ, ông bà
Phong tục mừng tuổi bố mẹ, ông bà là dịp để con cháu bày tỏ tấm lòng yêu thương, quan tâm đến ông bà, cha mẹ bằng việc mừng người lớn tuổi trong nhà thêm một tuổi mới khỏe mạnh để sum vầy cùng con cháu. Điều này hoàn toàn phù hợp với đạo lý kính lão đắc thọ và hiếu thảo của người Việt đối với ông bà, cha mẹ còn sống trong dịp năm mới. Sau khi ông bà, cha mẹ được mừng tuổi thì sẽ lì xì lại cho con cháu chút lộc ngày đầu năm mới để con cháu làm ăn mua bán xuôi buồm thuận gió.
5. Phong tục xông đất đầu năm
Xông đất hay đạp đất mang ý nghĩa mượn vía của người xông đất có vận mệnh thích hợp với chủ nhà để năm mới tài lộc và bình yên đến trong gia đạo và công ăn việc làm. Người xông đất được gia chủ mượn từ những ngày trong năm cũ và được lì xì mừng tuổi khi đến xông nhà đúng giờ tốt. Có đôi khi chính chủ nhà là người trực tiếp xông đất cho gia đình mình cũng là một phong tục tập quán tốt mà bao đời nay gìn giữ.
6. Phong tục đi lễ chùa
Đi lễ chúa ngày đầu năm là việc làm không thể thiếu của các gia đình Việt từ xưa đến nay bởi họ tin rằng đến chùa lễ Phật sẽ được bình an trong tâm hồn và đón chào một năm mới nhiều an lạc, hạnh phúc. Hơn nữa, các chùa còn có phát lộc đầu năm nên mọi người thích thú với món quà ngày đầu năm mới này thế là rủ nhau cùng đến chùa lễ Phật và mừng khánh tuế sư phụ ngày mồng một đầu năm.
7. Phong tục lì xì trẻ nhỏ
Phong tục lì xì trẻ em hay trẻ nhỏ ngày đầu năm với mong muốn cầu chúc các bé hay ăn chóng lớn, ngoan ngõa vâng lời ông bà, cha mẹ. Trẻ em Việt Nam thường háo hức diện quần áo mới và tươi cười nói những lời chúc Tết đến ông bà, cô dì, chú bác để nhận tiền lì xì đầu năm mới. Số tiền tuy không lớn nhưng lại là niềm vui của trẻ nhỏ mỗi khi nhắc Tết là hớn hở, thậm chí có đứa không ngủ được trong những ngày cận Tết vì quá mong chờ Tết để nhận tiền lì xì thật nhiều.
8. Phong tục xin chữ đầu năm
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân “tồn cổ” vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ. Theo tục lệ người Việt Nam, cứ từ mùng 2 Tết trở đi, mọi người đã nô nức đi xin chữ cầu may cho một năm mới an lành hạnh phúc. Những nét chữ thư pháp uyển chuyển như rồng bay phượng múa, thể hiện khiếu thẩm mỹ của người xin chữ và khả năng viết chữ đẹp của người cho chữ.
9. Phong tục ăn canh khổ qua
Ngày Tết, người Việt thường chuẩn bị một nồi canh khổ qua nhồi thịt hầm hay khổ qua hầm xương để dâng cúng ông bà tổ tiên và sau đó dọn trong mâm cơm tất niên cho con cháu dùng với ngụ ý mọi đau khổ sẽ qua hết. Món canh khổ qua đăng đắng nhưng đậm đà và ngon ngọt vị thịt heo tươi vừa ngon miệng vừa có tác dụng ẩn ý xua đuổi đau khổ, tai ương trong năm cũ qua hết để đón năm mới, tuổi mới nhiều thành công và hạnh phúc hơn.
10. Phong tục chọn màu đỏ may mắn ngày năm mới
Theo quan niệm màu đỏ là màu phát tài và may mắn, màu chủ đạo trong ngày Tết của Việt Nam ngập tràn sắc mà chói lóa: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ. Người Việt Nam cũng thích chưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào… Ngay việc chọn trang phục màu đỏ để mặc cũng là một phong tục rất được ưa chuộng trong ngày Tết khi đến chúc tết hay diện trong ba ngày xuân.
Phong tục đặc sắc trong Tết cổ truyền Việt đã và đang ngày càng mai một trong thời hiện đại khi mà con người bị thế giới mạng hay internet chi phối trong đời sống rất nhiều. Tuy nhiên, người Việt vẫn thường tranh thủ những ngày tết này nhắc nhở con cháu các phong tục tập quán tốt đẹp cần được duy trì và phát triển để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phương Đông.