Việc dành nhiều thời gian bươn trải ngoài xã hội vì cơm áo gạo tiền, các bậc cha mẹ thường mắc những sai lầm nuôi dạy con cái. 10Hay.com giới thiệu đến bạn 10 sai lầm của cha mẹ trong cách nuôi dạy con ngày nay.
1. Ép con ăn
Với rất nhiều cha mẹ Việt, điều quan trọng nhất trong chuyện ăn uống của con là hôm nay con ăn được mấy bát mà không quan tâm cách con ăn đã đúng hay chưa, có gì nguy hại sức khỏe không. Việc ép con ăn một cách thái quá sẽ khiến trẻ nhỏ bị ám ảnh, sợ về bữa ăn
2. Thương cho roi cho vọt
Nhiều cha mẹ vì suy nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt” hay quá tức giận mà đánh con không thương tiếc. Nhưng suy nghĩ và hành động này sẽ khiến các bé cảm thấy vô cùng sợ hãi và nghĩ rằng chúng không được cha mẹ yêu thương để từ đó dần trở nên xa cách với cha mẹ. Không những thế, đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ vì thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn đã trở nên nhút nhát, tự kỷ, hay giật mình và rất khó giao tiếp với mọi người xung quanh.
Chính vì vậy việc đánh đòn con là điều thật sự tối kỵ và cũng là sai lầm khi nuôi dạy con mà bạn cần tránh bởi hậu quả của nó sẽ rất khôn lường đấy.
3. Khoe ảnh con lên mạng xã hội
Cha mẹ theo lẽ tự nhiên thường vô cùng tự hào về thiên thần bé bỏng của mình và luôn muốn lưu giữ những khoảnh khắc bé lớn lên. Tuy nhiên việc đăng những bức ảnh này lên mạng xã hội có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà các bậc phụ huynh chưa lường trước được. Khi bạn đăng ảnh con cái của bạn lên mạng xã hội thì đồng thời bạn đã cung cấp thông tin con bạn lên mạng xã hội. Cha mẹ không biết rằng điều đó là tiếp tay cho kẻ xấu làm hại con mình.
4. Áp đặt suy nghĩ của con
Bạn nghĩ rằng bạn đúng là ép buộc trẻ phải làm theo ý của bạn mọi lúc, mọi nơi? Bạn cho rằng như thế là tốt cho các bé? Không hoàn toàn đâu nhé, chính sai lầm khi nuôi dạy con này của bạn sẽ khiến các bé yêu luôn căng thẳng và không thể vui vẻ, thoải mái để có thể phát triển tốt những khả năng mà chúng có và hòa nhập với thế giới bên ngoài. Thêm vào đó, khi sự ép buộc của bạn chạm đến “giới” hạn chịu đựng của trẻ thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Thay vào đó hãy luôn tôn trọng ý kiến của các bé, luôn tâm sự, trao đổi với con về tất cả những vấn đề trong cuộc sống, giúp con tự lựa chọn, tự quyết định đúng đắn, có như thế các bé mới có thể phát triển tốt về thể chất và tinh thần, tăng cường tính tự lập và khả năng chịu trách nhiệm về những gì liên quan đến chúng, hiệu quả lắm nhé.
5. Nuông chiều con thái quá
Nhiều cha mẹ vì quá thương con nên luôn chiều chuộng con quá mức, làm thay hết mọi việc cho con, chúng muốn cái gì là được cái đó và….hậu quả là các bé yêu nhà bạn không thể tự lập, không biết làm bất cứ việc gì vì từ việc lớn đến việc nhỏ đều được cha mẹ “gánh vác” hết, đặc biệt là sẽ dẫn đến tình trạng một khi bé yêu đòi hỏi điều gì mà không được đáp ứng thì quay sang khóc lóc, tức giận, không nghe lời của cha mẹ, rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, các bạn cần xác định là yêu thương con chứ không nên nuông chiều con quá mức bởi đây là sai lầm khi nuôi dạy con rất nhiều người gặp phải đấy.
6. Bệnh thành tích
Tâm lý thành tích vẫn còn nặng, nhiều bậc phụ huynh vẫn giữ thói quen “khảo” con về điểm số mỗi ngày, mỗi tuần. “Hôm nay con được mấy điểm?”, “Bài kiểm tra vừa rồi được bao nhiêu?”…. là những câu hỏi cửa miệng của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết xử lý cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi, cá tính của con.
Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng, đôi khi câu hỏi về điểm số vô tình trở thành gánh nặng của con mình. Chương trình học nặng, học trò phải đối mặt với bệnh thành tích ở trường học nhưng không nỗi sợ nào với con trẻ lớn hơn sự kỳ vọng của chính cha mẹ. Ánh mắt buồn bã, tiếng thở dài thất vọng từ của cha mẹ đủ sức mạnh “giết” con trẻ hơn bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài.
7. Dành quá ít thời gian cho con
Vì cơm áo gạo tiền, các bậc làm cha mẹ trong xã hội ngày nay dường như ít quan tâm đến con cái mình, họ thậm chí không biết chúng làm gì, ở đâu. Song khi có chuyện bất trắc xảy ra, phụ huynh thường khắc khe, xét nét, quy chụp là do lỗi của con trẻ khiến các em dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Một ngày cha mẹ thường đi làm từ sáng đến tối, con cái thì đi học đủ các buổi. Vì thế đòi hỏi cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc hỏi han con hơn để mỗi khi thấy trẻ con thay đổi gì về tâm lý, thể trạng, người lớn sẽ có mặt kịp thời để can thiệp, giúp trẻ vượt qua khó khăn
8. Quát mắng con
Có thể các bạn không biết nhưng tâm hồn trẻ thơ rất mỏng manh, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Những câu nói khó nghe, những lời chê bai, thờ ơ, lạnh nhạt của bạn, các bé đều có thể cảm nhận được và ghi nhớ rất lâu. Từ đó, trong suy nghĩ của chúng hình ảnh của cha mẹ sẽ có những nét lệch lạc nhất định.
Chính vì vậy, để trẻ luôn nghe lời, phát triển đúng hướng bạn tuyệt đối không nên nói với trẻ những câu khó nghe như: “Con thật ngu dốt”, “Con chẳng được tích sự gì”, “ con đừng làm phiền mẹ nữa”, “con lúc nào cũng là đứa trẻ hư”,…. Bởi đây là sai lầm khi nuôi dạy con mà rất nhiều người đã gặp phải khiến các bé trở nên gan lì hơn, ít nghe lời và xa cách cha mẹ hơn rất nhiều đấy.
9. Dọa nạt con
Người lớn thường dọa nạt với mục đích buộc các bé phải ngoan. Tuy nhiên, có những câu dọa “quá đà” có thể ảnh hưởng đến tinh thần còn non nớt của bé, khiến bé sợ hãi, hoảng loạn thậm chí bị ám ảnh. Trẻ nhỏ khi chạy vào phòng tối không có ai thì ngay lập tức bị dọa: “có con ma trong đó”, “vào đấy con ngáo ộp bắt”. Chỉ từ những câu nói thoáng qua của mẹ đã vô tình ảnh hưởng đến tâm trí con. Khi nói xong mẹ có thể quên, nhưng trẻ thì sẽ nhớ nó như một nỗi ám ảnh. Từ đó, bé sẽ sợ hãi, bất an, hạn chế khám phá và vui chơi.
Nếu cha mẹ lạm dụng việc dọa nạt trẻ, có trẻ nhớ nhưng cũng có trẻ sợ hãi diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến bé thu mình lại với thế giới xung quanh.
10. Không làm một người chồng/ vợ tốt
Cách cha mẹ đối xử với nhau rất quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ ở một đứa trẻ, đặc biệt là khi trẻ đang lớn. Nếu các bạn đối xử không tốt với nhau, hoặc nếu các bạn chọn cách giải quyết mọi việc bằng cách gào thét vào mặt nhau, đồng nghĩa với việc các bạn đang đẩy con mình vào cách giải quyết tương tự.
Con trẻ thường học bằng cách nhìn việc bố mẹ làm hơn là nghe nói suông. Vậy nên bạn, với tư cách là người làm bố mẹ, hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng, để đứa trẻ cảm nhận được giá trị và tình cảm gia đình, giúp bé cảm thấy gia đình là một tổ ấm an toàn cho bé.
Những đứa trẻ cần được phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Hãy là những người cha, người mẹ thông minh, tinh tế trong cách nuôi dạy con.