Côn Đảo là một trong những điểm du lịch miền biển hàng đầu thu hút nhiều người nhất hiện nay. Quần đảo Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có nhiều bãi tắm đẹp hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên nhất. Du lịch Côn Đảo luôn thu hút khách, nhất là các tháng hè trong năm. Là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, hiện nay Côn Đảo được nhiều du khách chọn làm thiên đường dành cho nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên. Năm 2011, Côn Đảo được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới. Côn Đảo cách Vũng Tàu 97 hải lý (180km). Có hai cách để đi đến Côn Đảo là bằng đường bộ + đường thủy hoặc đường hàng không.
Nổi tiếng là di tích lịch sử gắn liền với quá khứ đau thương của dân tộc, khi nhắc đến du lịch Côn Đảo, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến những nhà tù đáng sợ. Tuy nhiên các năm gần đây, khi du lịch biển đảo thành xu hướng mới, người ta đã phát hiện ra vẻ nguyên sơ và kỳ vĩ của vùng đảo xinh đẹp thuộc này. Biển xanh trong, cát trắng mịn, khí trời mát rười rượi đã khiến du lịch Côn Đảo trở nên hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà còn với người nước ngoài.
Sau đây 10Hay giới thiệu 10 điểm tham quan nổi tiếng tại Côn Đảo, hấp dẫn, thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Côn Đảo. Những nơi này không chỉ là thắng cảnh mà còn chứa đựng một bề dày lịch sử thiêng liêng, hào hùng, đậm đà bản sắc dân tộc.
1. Bãi Đầm Trầu
Du khách đi về hướng Bắc của đảo Côn Sơn để đến bãi Đầm Trầu. Bãi Đầm Trầu đã từng được ví như một dải lụa vàng thắt ngang tấm thảm xanh, nửa vắt ngang cánh rừng nửa buông xõa trên mặt biển. Một vách đá dựng đứng tôn thêm dáng núi uy nghi, một triền đá thoai thoải trải dài đến tận mép nước như chào mời thân thiện. Ấn tượng hùng vĩ của thế núi, cảm giác sâu thẳm của biển cả và sắc xanh bất tận là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai đến nơi này, ngay cả những du khách khó tính nhất cũng phải thấy mềm lòng. Chọn một địa điểm thích hợp và cùng ngồi kể nhau nghe truyền thuyết về bãi Đầm Trầu và Hòn Cau, bơi lội, tắm biển,…
Nếu muốn khám phá hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển như ở đồng bằng sông Cửu Long du khách đi bộ qua bên kia mõm đá để đến với bãi Đầm Trầu Nhỏ. Với nhiều loài thực vật ngập nước như cây bần, mắm, dừa nước,…mọc trên bãi bùn ven suối, vào mùa mưa có nước chảy từ trên các khe núi xuống và dòng nước trở nên ấm nên còn được gọi là suối nước nóng.
2. Các nhà tù Côn Đảo
Từ năm 1862 đến 1975, Côn Đảo được biết đến như một nhà tù tàn bạo dành cho những kẻ chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn cũ. Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp bao gồm các trại giam Bagne (Banh) I – hay còn gọi là Trại Phú Hải, Bagne II – Trại Phú Sơn, Bagne III – Trại Phú Thọ – Biệt lập chuồng gà, Bagne III phụ – Trại Phú Cường, Biệt Lập Chuồng Bò, Chuồng Cọp. Chính tại nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp đã giam cầm, xiềng xích, gông cùm và đủ các đòn tra tấn vô cùng tàn bạo để hòng dập tắt ý chí của các chiến sĩ cách mạng luôn mang trong mình ý chí đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Côn Đảo, năm 1955, Mỹ ngụy tiếp quản Côn Đảo. Chúng xây dựng thêm 4 trại giam mới gồm Trại 5 (Trại Phú Phong); Trại 6 (Trại Phú An); Trại 7 (Trại Phú Bình – Chuồng Cọp kiểu Mỹ) và Trại 8 (Trại Phú Hưng). Mỗi trại tù có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng giam biệt lập.
Ngày nay, Côn Đảo là một quần đảo thiên đường với vẻ đẹp quyến rũ, bí ẩn nhất Thế giới đi từ một “địa ngục trần gian”. Các trại trong hệ thống nhà tù Côn Đảo vẫn còn đó với 9 trại tù Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, Chuồng Cọp Pháp, Khu biệt lập Chuồng Bò, Trại Phú Phong, Trại Phú An, Chuồng Cọp Mỹ, và Trại Phú Hưng. Hệ thống nhà tù Côn Đảo được mở cho công chúng đến tham quan như là một bảo tàng nhỏ để khách du lịch Côn Đảo tìm về với lịch sử của hòn đảo này. Đó là những chứng tích, là lời tố cáo về tội ác của các thế lực xâm lược Việt Nam suốt 113 năm. Lịch sử đã qua đi để đến hôm nay, lớp lớp người Việt Nam khi nhắc đến Côn Đảo, ai cũng phải thổn thức, muốn được đến Côn Đảo một lần để tận mắt chứng kiến và cảm nhận những mất mát đau thương của hơn 20.000 chiến sĩ kiên cường yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại Côn Đảo.
3. Nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày.
Nếu một lần đến thăm Côn Đảo thì bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa nghĩa trang Hàng Dương và các nghĩa trang lớn khác trên cả nước đó là: dù ngày hay đêm thì nghĩa trang Hàng Dương vẫn luôn đông khách viếng thăm các liệt sỹ…. trong số đó đại đa số là đến viếng thăm phần mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu – nữ tử tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo.
Những dòng người tấp nập, ngược xuôi thắp nhang lên từng nấm mộ và có cả những đôi nam nữ trên đảo khoác tay nhau đi dạo. Về đêm, những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng và trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén nhang cháy đỏ làm cho nghĩa trang trở nên lung linh. Tiếng nhạc trầm trầm, dịu nhẹ phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác hòa cùng tiếng sóng đâu đó và tiếng gió vút qua những cành dương như một bản hòa tấu ru giấc ngủ ngàn đời của các anh hùng, liệt sĩ, những người con yêu nước nằm lại nơi này. Không có vẻ u uất thường thấy ở những nghĩa trang mà thay vào đó là một cảm giác ấm cúng trong lòng người đi viếng mộ.
4. Chùa Núi Một
Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự được xem là ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam, là một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp không thể bỏ qua khi đến du lịch Côn Đảo. Chùa Núi Một còn là một trong những địa danh ghi dấu ấn lịch sử bi hùng ở Côn Đảo.
Chùa Núi Một có phong thủy đẹp, tựa lưng vào núi và nhìn ra hồ An Hải tràn ngập sắc sen rộng bát ngát. Từ Chùa Núi Một có thể chiêm ngưỡng nhiều phong cảnh của Côn Đảo. Chùa Núi Một do Mỹ xây dựng năm 1964, để dành cho các quan chức quân đội trên đảo, và những người làm việc cho bộ máy hành chính của Mỹ thời đó, ngoài ra còn nhằm mục đích che đậy dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy tại nhà tù Côn Đảo thời đó.
Chùa Núi Một đã được khởi công tôn tạo ngày 13/8/2010 và khánh thành vào ngày 4/12/2011 để hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh và mang ý nghĩa mới là nơi hướng thiện, cầu an lành cho miền đảo biển, cầu siêu cho những người anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Chùa Núi Một là một trong những điểm đến về nguồn khi du lịch Côn Đảo, đi tour Côn Đảo để thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ của thế hệ hôm nay đối với cha ông đã hi sinh xương máu cho nền độc lập.
Ngày 04/12/2009, Chùa Núi Một đã đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.
5. Hòn Bảy Cạnh
Nằm về phía Đông của đảo Côn Sơn, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới hải đảo, về động vật hoang phân bố các đặc hữu, quý, hiếm như Sóc mun, Sóc đen Côn Đảo, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển…
Hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực bãi Bờ Đập là rừng ngập mặn nguyên sinh được hình thành trên nền cát lẫn san hô chết. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.
Ngọn Hải Đăng ở phía Đông Bắc đảo do Pháp xây dựng từ năm 1884 đến nay vẫn đang hoạt động, hướng dẫn tàu thuyền đi lại trong khu vực. Du khách đi theo đường mòn ven núi lên ngọn Hải Đăng để ngắm nhìn cảnh quan bao la và hùng vĩ của trời và biển Côn Đảo.
6. Miếu bà Phi Yến
Miếu Bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu là nơi thờ bà Phi Yến – Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh). Tại Côn Đảo, người dân địa phương tôn sùng nhất hai người phụ nữ như bậc Thánh nữ thiêng liêng, là bà Phi Yến và anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu.
Bà Phi Yến đã can ngăn việc “cõng rắn cắn gà nhà ” nhưng Nguyễn Ánh không những không nghe theo lời vợ, ông còn còn tức giận, nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn, nên định giết bà. Nhờ quân thần can xin, Nguyễn Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ, về sau núi đó được đặt tên là hòn Bà. Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển.
Bà Phi Yến, theo truyền thuyết được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về sống với dân làng Cỏ Ống để trông nom mộ hoàng tử Cải. Một lần, sau khi bị một kẻ xấu xúc phạm bà đã tự tử để thủ tiết với chồng. Nhân dân trên đảo vô cùng thương tiếc bà và đã lập nên ngôi miếu to, đẹp để thờ bà … hàng năm cứ vào ngày 18/10 âm lịch tại khu vực miếu Bà – Côn Đảo lại diễn ra lễ hội trang trọng do nhân dân trên đảo tổ chức để tưởng niệm và ghi nhớ công ơn của Bà Phi Yến – Vợ của Nguyễn Ánh, sau này là là Vua Gia Long – vị vua đầu tiên nhà Nguyễn. Đối với người dân trên đảo thì đây là một ngôi miếu hết sức linh thiêng và gắn liền với những câu chuyện bi thương về người phụ nữ tài sắc và lòng yêu nước.
7. Vườn quốc gia Côn Đảo
Trung tâm du khách Vườn quốc gia Côn Đảo nằm gần hồ Quang Trung, cách chợ Côn Đảo 1 km về phía Tây. Trung tâm du khách sẽ lập kế hoạch và điều phối, tổ chức cho du khách tham gia các loại hình, dịch vụ du lịch sinh thái rừng, du lịch sinh thái biển Vườn quốc gia Côn Đảo, đồng thời là điểm tiếp đón, giới thiệu các thông tin về giá trị tài nguyên thiên nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển của Vườn quốc gia Côn Đảo nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn đối với du khách và cộng đồng địa phương.
Đây là điểm du lịch hấp dẫn nằm trên đảo Côn Sơn, cách trung tâm Vườn khoảng 3 km về phía Tây, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, môi trường trong lành. Từ trung tâm Vườn du khách đi bộ khoảng một giờ trên đường mòn xuyên qua khu rừng sẽ đến Bãi Ông Đụng.
8. Sở Rẫy
Sở Rẫy nằm trên đảo lớn Côn Sơn, có độ cao 260m so với mực nước biển. Từ Trung tâm Vườn du khách đi theo con đường ven núi đến Vùng 3, sau đó tiếp tục leo núi theo đường mòn nhỏ để đến Sở Rẫy. Sở Rẫy là khu vực bằng phẳng, có diện tích khoảng 20 ha được hình thành từ thời thực dân Pháp để đày ải tù nhân khai hoang, trồng trọt hoa màu vào những năm đầu thế kỷ 20.
Đến Sở Rẫy du khách đi bách bộ tham quan, khám phá rừng mưa nhiệt đới hải đảo, quan sát các loài động vật hoang dã như chim, sóc đen Côn Đảo, khỉ đuôi dài Côn Đảo, thạch sùng Côn Đảo…, các khu nhà đá cổ do tù nhân xây dựng từ thời Pháp thuộc và lên chòi quan sát ngắm toàn cảnh thị trấn Côn Đảo, các hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của đảo, vịnh Côn Sơn và các hòn đảo xung quanh.
9. Hòn Cau
Hòn Cau khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hòn Cau là một trong hai đảo thuộc quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Phía trước Hòn Cau có bãi cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn hàng dừa và cây phong ba sừng sững chắn gió xanh bất tận, sâu lắng tiếng sóng vỗ rì rào, từng làn sóng tung bọt trắng xóa, kéo du khách hòa vào không gian tuyệt vời của đất, trời và biển. Hòn Cau cũng là một địa ngục trần gian khác nữa, giam giữ những nhà hoạt động cách mạng mà nổi tiếng nhất phải kể đến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào khoảng thời gian 1930 – 1931.
Đến với Hòn Cau, du khách được thăm di tích lịch sử giam giữ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tham quan rừng dừa, vườn cây ăn trái, tìm hiểu công tác bảo tồn thiên nhiên, bơi lội xem san hô… là những khoảnh khắc, những trải nghiệm đầy thú vị khó quên và tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ và môi trường trong lành.
10. Bảo tàng Côn Đảo
Bảo tàng Côn Đảo trước đây là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo. Đến với Bảo tàng, bạn có cơ hội tìm hiểu lịch sử hình thành Côn Đảo thông qua các hiện vật, cổ vật, hình ảnh và các tư liệu từ thời Pháp thuộc đến nay.
Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu trữ những trang sử bi hùng của hơn 113 năm “địa ngục trần gian” với giam cầm, đày ải của hệ thống nhà tù Côn Đảo, nơi kể những câu chuyện lịch sử bằng hiện vật. Các hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Côn Đảo làm rõ tội ác của thực dân và đế quốc; đồng thời thể hiện Côn Đảo là một trận tuyến, một trường học đấu tranh cách mạng của những người yêu nước Việt Nam.
Diện tích không gian trưng bày của Bảo tàng Côn Đảo là 1.700 m2. Với gần 2.000 tài liệu, hiện vật quý giá về sự trung kiên bất khuất, truyền thống đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam với 4 chủ đề: Côn Đảo – Thiên nhiên con người; địa ngục trần gian; trận tuyến và trường học; Côn Đảo ngày nay.
Bảo tàng Côn Đảo là địa điểm không thể thiếu trong chuyến tham quan, du lịch về nguồn tại Côn Đảo. Đây là điểm đến giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.