Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thế giới công nghệ lưu giữ hình ảnh của các hãng máy ảnh nổi tiếng nhất trên thế giới đã cho ra đời những sản phẩm máy ảnh tuyệt hảo ngày nay. Những chiếc máy ảnh nhỏ gọn, tiện lợi, đa chức năng đã dần thay thế những chiếc máy ảnh to nặng cồng kềnh ngày xưa và đưa thế giới đến một kỷ nguyên số hóa với những trải nghiệm mới lạ đầy sáng tạo nhờ sự cải tiến công nghệ liên tục này. Vậy bạn đã biết 10 thương hiệu máy ảnh nổi tiếng nhất hiện nay chưa? Mời bạn cùng 10hay.com tìm hiểu về các hãng máy ảnh này nhé!
1. Canon – Nhật Bản
Khởi nghiệp chỉ với số nhân viên ít ỏi và đi lên bằng niềm đam mê kỹ thuật số cháy bỏng, Canon đã sớm trở thành hãng sản xuất máy ảnh nổi tiếng hàng đầu thế giới và là một tập đoàn toàn cầu đa phương tiện. Trong hơn 60 năm qua, nhãn hiệu này đi đầu trong việc tạo ra dòng máy ảnh siêu mỏng và một vài tính năng cải tiến nhất cho các dòng máy ảnh chuyên nghiệp.
Dòng ống kính của Canon là một trong số các loại ống kính “khủng” nhất hiện nay. Một trong những cuộc cách mạng kỹ thuật mới nhất của Canon là cho ra đời mặt kính thủy tinh cực mỏng. Thiết bị này cho phép cắt giảm chiều rộng của máy ảnh đến một nửa. Trong những năm gần đây, Canon đã đi đầu trong việc thay thế công nghệ CCD bằng công nghệ CMOS. Khi bạn muốn sở hữu một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, chỉ cần tính năng này cũng đủ để bạn quyết định loại máy cho mình. Canon luôn tự hào là nhãn hiệu máy ảnh có bộ vi xử lý tốt nhất. Hiện nay với tên gọi Digic II, bộ vi xử lý của họ làm cho các máy ảnh nhanh hơn, cho phép điều chỉnh màu sắc hình ảnh tốt hơn.
Máy ảnh kỹ thuật số compact, hội tụ công nghệ máy ảnh tiên tiến của nhãn hiệu này đã phát triển trong những năm qua và tiếp tục nhận được những nhận xét tích cực từ phía khách hàng. Canon có tất cả các dòng máy ảnh với tính năng vượt trội cho các thợ chụp ảnh nghiệp dư, bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp.
2. Nikon – Nhật Bản
Nikon phát triển từ một công ty chuyên sản xuất các loại ống nhòm có lăng trụ siêu nhỏ, khởi sự từ năm 1917 và với cái tên ban đầu là Nippon Kogaku K.K, sau đó công ty này mở rộng ra lĩnh vực sản xuất kính thiên văn, kính hiển vi, dụng cụ đo lường, dụng cụ nghiên cứu và ống kính camera. Năm 1932, công ty Nippon Kogaku K.K được chính thức gọi là Nikkor, hãng cũng được công nhận là thương hiệu của ống kính camera. Năm 1946, người dùng chính thức biết đến Nikon là thương hiệu sản xuất máy ảnh, riêng với thương hiệu Nikkor thì vẫn được quen gọi cho các dòng ống kính.
Có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản, Nikon là thương hiệu máy ảnh dẫn đầu thế giới về các sản phẩm hình ảnh và công nghệ. Thương hiệu này tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Dòng máy ảnh Nikon COOLPIX giúp người sử dụng định hình lại cách chụp ảnh và chia sẻ với người khác. Dòng máy ảnh kỹ thuật số SLR của Nikon tiếp tục trở thành cuộc cách mạng công nghệ của hãng này. Nikon còn mang lại cơ hội cho những ai đam mê chụp ảnh tốc độ và chất lượng cao với độ bền của công nghệ máy ảnh SLR kỹ thuật số.
Trong 90 năm qua, Nikon đã liên tục cải tiến công nghệ nhiếp ảnh, hình ảnh và ngành công nghiệp quang học. Công nghệ Nikon đi đầu trong ngành công nghiệp camera với chất lượng đáng tin cậy. Độ tin cậy của thương hiệu Nikon dựa trên sức mạnh công nghệ cao cấp và các hoạt động R & D được phát triển liên tục từ khi thành lập công ty vào năm 1917 đến nay.
Nikon cung cấp cho bạn cả những kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản và nâng cao, giúp bạn phát triển kỹ năng chụp ảnh của mình. Tìm hiểu các vấn đề cơ bản về sáng tạo hình ảnh và sử dụng chiều sâu cũng như các kỹ thuật nâng cao như tránh ánh sáng, sử dụng sáng tạo sự cân bằng trắng và cài đặt màu sắc. Nikon mang đến cho bạn những kỹ thuật hình ảnh vượt bậc để bạn thỏa sức tác nghiệp với cảm hứng của mình.
3. Sony – Nhật Bản
Công ty công nghiệp Sony, gọi tắt là Sony, là một tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, với trụ sở chính nằm tại Minato, Tokyo, Nhật Bản, và là tập đoàn điện tử đứng thứ 5 thế giới với 81,64 tỉ USD (2011).
Được thành lập vào tháng 5/1946 tại Nihonbashi Tokyo và được mang tên là Tokyo Tsushin Kogyo K.K với số vốn ban đầu là 190.000 yên. Vào tháng 1/1958 công ty này đổi tên thành Sony. Đến nay Sony được biết đến như là một trong những công ty hàng đầu thế giới về điện tử, sản xuất tivi, máy ảnh, máy tính xách tay và đồ dân dụng khác.
Về máy ảnh DSLR của Sony vẫn chưa được ưa chuộng bằng Canon và Nikon, song cũng luôn đứng trong Top 3 về thị phần và không ngừng tăng lên theo thời gian.
4. Fujifilm – Nhật Bản
Fujifilm là một tập đoàn Nhật Bản nổi tiếng với các sản phẩm phim chụp ảnh và máy ảnh. Fujifilm có 223 công ty con chuyên nghiên cứu, sản xuất, và phân phối sản phẩm, với các cơ sở sản xuất ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Fujifilm còn sản xuất các thiết bị lưu trữ máy tính như CD-R và DVD. Phim chụp ảnh Fuji thường cạnh tranh với sản phẩm tương tự của Kodak. Sản phẩm của cả hai hãng này được bán rộng rãi tại hơn 200 nước.
Đến nay, Fujifilm vẫn giữ nhiều nét thiết kế cổ điển trong các sản phẩm của mình. Chiếc máy chụp ảnh lấy liền của hãng được ra mắt vào năm 1998 với tên gọi Instax Mini 10 và phát triển cho đến ngày nay với tên gọi Instax Mini 8
5. Leica – Đức
Leica là hãng sản xuất máy ảnh cũng như ống kính lừng danh trên thế giới đến từ Đức. Từ khi được khai sinh vào năm 1914 cho đến nay, hãng luôn đi đầu về chất lượng cũng như kiểu dáng của máy ảnh hay ống kính.
Nơi cho ra đời những sản phẩm trứ danh của Leica nằm ở vùng Solms nước Đức. Sở dĩ các kỹ sư, chuyên gia của Leica có thể cho ra đời một kiệt tác Leica hoàn hảo, chất lượng cao là bởi vì họ đều dùng máy ảnh Leica từ lâu hoặc họ đều là các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đam mê nhiếp ảnh cho nên những trải nghiệm về máy Leica của họ đều rất chính xác.
Leica sử dụng cảm biến CCD từ Kodak. Sau khi cảm biến CCD được lắp gọn trong máy, các kỹ sư tiếp tục lắp khung ngoài cho máy, với việc khung máy được thiết kế chắc chắn đảm bảo các thiết bị bên trong được bảo vệ một cách tốt nhất.
Sau khi hoàn thành lắp ráp các thành phần bên trong máy, việc tiếp theo là cài đặt phần mềm cho máy cũng như kiểm tra các lỗi nếu có. Một chiếc Leica hoàn chỉnh có khoảng 1800 bộ phân riêng biệt. Sau khi test những lỗi cơ bản, máy tiếp tục qua khâu kiểm tra kỹ thuật như các nút bấm, độ chính xác của hệ thống lấy nét, độ nhạy cũng như ổn định của cảm biến CCD.
Việc kiểm tra ống kính Leica đều do con người với đôi mắt dày dặn kinh nghiệm tiến hành, Leica không dùng máy để kiếm tra để đảm bảo độ chính xác cao nhất cho các sản phẩm của mình.
Ắt hẳn ban lãnh đạo cũng như các kỹ sư ở Leica rất tự hào về lịch sử của công ty, với bề dày hàng trăm năm và hàng loạt các mẫu máy ảnh đỉnh cao, hiếm có nhà sản xuất máy ảnh nào có thể theo kịp.
Trên đây chỉ là một phần công đoạn sản xuất máy ảnh, ống kính của Leica. Hầu như các công đoạn đều được làm thủ công với độ tinh xảo cao bởi kinh nghiệm của những kỹ sư lâu năm. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giá của một sản phẩm Leica bao giờ cũng trên trời, với những công nghệ cũng như độ cầu kỳ như thế này thì quả đáng đồng tiền bát gạo.
6. Samsung – Hàn Quốc
Tập đoàn Samsung là một tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc có tổng hành dinh đặt tại Samsung Town, Seoul. Tập đoàn có nhiều công ty con, hầu hết hoạt động dưới thương hiệu Samsung, là tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc.
Samsung được sáng lập bởi Lee Byung-chul năm 1938, được khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ. Ba thập kỉ sau, tập đoàn Samsung đa dạng hóa các ngành nghề bao gồm chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán và bán lẻ. Samsung tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử vào cuối thập kỉ 60, xây dựng và công nghiệp đóng tàu vào giữa thập kỉ 70. Sau khi Lee mất năm 1987, Samsung tách ra thành 4 tập đoàn – tập đoàn Samsung, Shinsegae, CJ, Hansol. Từ thập kỉ 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện thoại di động và chất bán dẫn, đóng góp chủ yếu vào doanh thu của tập đoàn.
Đối với máy ảnh SamSung, tuy gia nhập thị trường Việt Nam chưa lâu nhưng Samsung đã tạo được dấu ấn với người tiêu dùng. Samsung cũng cho ra mắt nhiều dòng máy ảnh kỹ thuật số đa phương tiện, có nhiều ưu điểm vượt trội, dễ dàng sử dụng với mức giá cả hợp lý giúp bạn lưu giữ được những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc sống.
Samsung cũng là một trong những thương hiệu đi đầu trong việc áp dụng những công nghệ chung của hãng vào các sản phẩm máy ảnh kỹ thuật số, điển hình việc cho ra mắt máy ảnh chạy hệ điều hành Android hay điện thoại lai máy ảnh, sáng chế ra máy ảnh có màn hình trong suốt. Điều này chứng tỏ sự nỗ lực sáng tạo không ngừng của hãng trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
7. Olympus – Nhật Bản
Là hãng máy ảnh lớn của Nhật Bản và có dòng OM-D bán chạy trên thế giới nhưng tại Việt Nam, Olympus vẫn khá chật vật để tìm được chỗ đứng cho riêng mình. Sau gần một năm không có nhà phân phối chính thức, Olympus gần đây mới chính thức quay trở lại thị trường với hàng loạt mẫu sản phẩm cao cấp.
Không giống như phần lớn máy mirrorless tại Việt Nam hiện nay sử dụng cảm biến CMOS APS-C, Olympus đi theo hướng khác với cảm biến Micro Four Thirds. Thiết kế của máy cũng theo xu hướng hoài cổ nhưng góc cạnh và cá tính hơn so với Fujifilm. Theo đại diện của Olympus, một ưu điểm mà hãng rất tự tin trên dòng máy của mình là hệ thống chống rung 5 trục trên cảm biến thay vì ở trên ống kính.
Đắt nhất trong loạt máy mới bán ra OM-D E-M1 có cảm biến độ phân giải 16 megapixel cùng kiểu dáng mang dáng dấp máy DSLR chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, model đáng chú ý nhất lại là Olympus OM-D E-M5 Mark II. Sản phẩm này gây nhiều tiếng vang khi trưng bày tại CP+ 2015 diễn ra hồi đầu năm cùng với EOS 5Ds của Canon. Máy có thân hình hoài cổ, vỏ hợp kim chắc chắn, khả năng chống thời tiết khắc nghiệt. Model này cũng được sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài ra, Olympus cũng đưa ra nhiều model khác như E-M10, dòng Pen E-PL7, dòng Tough siêu bền chống nước và khoảng 18 mẫu ống kính khác.
8. Pentax – Nhật Bản
Pentax là thương hiệu máy ảnh có lượng máy và ống kính không nhiều như Canon, Nikon nhưng chất lượng và giá cả sản phẩm ngày càng chinh phục được người dùng.
Pentax có nhà máy sản xuất máy ảnh và ống kính tại khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Hiện thương hiệu máy ảnh Pentax thuộc sở hữu của hãng Ricoh (Nhật Bản).
Máy ảnh DSLR Pentax được đánh giá cao về chất lượng màu sắc của ảnh chụp và ống kính giá rẻ. Tuy nhiên, số lượng máy không nhiều và thị hiếu người dùng lâu nay chỉ chuộng Canon và Nikon theo kiểu truyền khẩu, nên còn ít người chọn mua máy ảnh Pentax.
9. Panasonic – Nhật Bản
Tập đoàn Panasonic có trụ sở chính tại Osaka, Nhật Bản, là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong việc chế tạo và phát triển các thiết bị điện tử đáp ứng cho tiêu dùng, doanh nghiệp và công nghiệp. Panasonic có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 với việc thành lập nhà máy đầu tiên Panasonic AVC Networks Vietnam (PAVCV) tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009, Panasonic được Forbes Global 2000 bình chọn là công ty lớn đứng thứ 89 và nằm trong danh sách 20 doanh nghiệp kinh doanh bán dẫn.
Panasonic cho ra mắt những ống kính với các tính năng độc đáo như ống kính chất lượng cao Leica Dicomar hay ống kính Wide Angle với góc rộng 12x zoom quang học. Bất kỳ khách hàng nào, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, cũng có thể chọn được cho mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số Panasonic hoàn hảo để chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
10. Kodak – Mỹ
Với khẩu hiệu “You press the button, we do the rest” (Bạn nhấn nút, chúng tôi sẽ làm phần còn lại), chiếc máy ảnh Kodak đầu tiên do George Eastman tạo ra, được giới thiệu năm 1888. Nhãn hiệu này ngày càng cải tiến trong việc sử dụng công nghệ kết hợp hình ảnh với thông tin.
Kodak là dòng máy ảnh ra đời sớm nhất. Năm 2001, Kodak hợp tác với tập đoàn Microsoft trong việc chuyển hóa ảnh qua cửa sổ Window. Máy ảnh kỹ thuật số Kodak đang gia tăng số lượng các loại máy ảnh cũng như cải tiến công nghệ. Nhãn hiệu này đã cho ra đời những chiếc máy ảnh công nghệ cao như Kodak Professional DCS Pro SLR/c. Lợi thế của các dòng máy ảnh kỹ thuật số Kodak là chúng có thể lưu trữ gần như 13.890.000 pixel, một đặc tính mà chưa có công ty nào cung cấp. Tính năng này làm cho máy ảnh kỹ thuật số Kodak được thế giới biết đến như một thương hiệu máy ảnh nổi tiếng và đáng tin cậy.
Những chiếc máy ảnh Kodak mới nhất đang dần được giới thiệu trong thị trường. Một số trong số đó là Easyshare Point-and-Shoot Series, đó là các dòng C và CX gọn nhẹ và giá cả hợp lý. Dòng Z và DX có High Zoom có thiết bị thu nhỏ để nâng cao chất lượng ảnh. Thậm chí còn có dòng máy ảnh bỏ túi nhỏ gọn, dòng Easyshare Pocket, đặc biệt phù hợp với khách du lịch.
Trong 10 thương hiệu máy ảnh trên đây, Nhật Bản vẫn là nước có nhiều thương hiệu dẫn đầu nhất (7 thương hiệu), kế đó là Đức, Mỹ và Hàn Quốc. Cuộc chiến giữa các thương hiệu vẫn tiếp tục và chúng ta hãy đón chờ xem thứ hạng này có thay đổi trong những năm tiếp theo không nhé!