Kì thi Đại học_Cao đẳng là kì thi bước ngoặt quan trong cuộc đời mỗi con người. Có thể đây là kì thi quyết định ngành nghề, tương lai sau này của mỗi cá nhân, nó mang theo mơ ước của bản thân, kì vọng, niềm tin của gia đình. Chính vì vậy đã vô hình đặt lên vai các sĩ tử trước khi bước vào kì thi Đại học_Cao đẳng một nhiệm vụ thiêng liêng và cũng hết sức khó khăn. Để có hướng đi đúng đắn hoàn thành tốt kì thi lớn này các sĩ tử cần lưu ý các điều sau:
1. Xác định mục tiêu phù hợp
Trước khi bắt tay vào ôn tập cần phải có hướng, có mục tiêu ôn tập đúng đắn, phù hợp. Hiện nay, ngành nghề rất đa dạng, nhưng việc chọn ngành, chọn nghề với các bạn học sinh không phải điều dễ dàng. Điều ưu tiên hàng đầu trong việc chọn ngành là đam mê. Rất nhiều trường hợp chọn ngành không theo sở thích, mà chạy theo đám đông, theo yêu cầu của gia đình, khi vào học tập sẽ dẫn tới chán nản, không có động lực, không có hứng thú, ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập. Việc xác định được đam mê, bạn sẽ có mục tiêu rõ ràng để cố gắng, học tập, rèn luyện cho một kì thi tốt. Ắt hẳn, bạn muốn trở thành một bác sĩ, đạt điểm 10 môn toán, bạn sẽ cố gắng khác cái cách bạn muốn trở thành người công nhân và đạt trung bình môn toán.
2. Phương pháp học tập hiệu quả
Ngay sau khi xác định được mục tiêu, bạn phải bắt đầu học thật sự ngay từ ngày đầu tiên. Không có một thủ khoa nào chỉ bắt đầu học từ một hay hai tháng trước kì thi. Mỗi môn học có một cách học khác nhau, nên tham khảo phương pháp học của các bạn,các anh chị học tốt, từ đó xác lập phương pháp cho riêng mình. Đồng thời cũng nên thay đổi phương pháp nếu thấy chưa hiệu quả
Với các môn học thuộc lòng hãy sử dụng sơ đồ tư duy, các môn tự nhiên hãy ứng dụng làm bài tập. Thay vì học cá nhân bạn hãy học nhóm, nhóm có thể là 2 tới 3 bạn, không nên chọn nhóm có quá nhiều người.
Trong quá trình học tập, ôn luyện cần kiên định thực hiện mục tiêu, tăng tốc trước kì thi.
3. Quản lí thời gian
Hãy biết cách phân bổ thời gian hợp lí, không nên học một môn trong một thời gian dài, cần học xen kẽ các môn học theo một tiến trình. Nhưng phần kiến thức trọng tâm hãy ưu tiên nhiều thời gian hơn. Tuyệt đối không nên dồn kiến thức để ôn tập trong những ngày gấp rút. Hãy lập ra một thời khóa biểu cho riêng mình và kiên định thực hiện theo nó.
4. Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc hiệu quả
Thời gian nhiều hay ít không thể đánh giá được hiệu quả học tập của bạn, tất nhiên việc phân bố thời gian hợp lí, có nhiều thời gian sẽ tốt hơn cho tâm lí. Nhưng học tập nhiều thời gian khác việc học tập dề dà. Thay vì ngồi học cả buổi tối, kèm lướt facebook, nghe nhạc, nói chuyện,… thì việc bạn tập trung học tập trong 1h tới 2h chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
5. Chú trọng sức khỏe
Sức khỏe là yếu tố đặc biệt quan trọng học tập cũng như trong bất cứ công việc nào. Những sĩ tử thường quá căng thẳng mà bỏ bữa, điều này tuyệt đối không nên. Hãy bổ sung nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn nhiều rau, củ, quả, bổ xung vitamin. Bên cạnh đó cần ngủ đủ giấc, không thức quá khuya. Nhiều bạn chọn cách học vào ban đêm, khi không gian yên tĩnh, song việc đó kéo dài rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe và não bộ. Thời gian bộ óc tiếp thu hiệu quả là lúc sáng sớm khoảng 4-5 giờ trở đi. Vào giờ đó, bầu không khí còn tĩnh lặng, tâm hồn thanh thản sẽ giúp bạn dễ tập trung hơn. Ngoài ra, bạn còn có một khoảng thời gian từ 7h – 10h. Và trước khi lên giường ngủ, bạn còn có một giờ nữa để nhẩm lại bài. Không nên uống các chất kích thích như nước chè, cà phê, rất có hại cho sức khỏe.
6. Bồi bổ tinh thần
Hai điều mà các sĩ tử hay mắc phải đó là “căng thẳng” và sự “lười biếng”. Căng thẳng làm hiệu quả học tập không cao, chúng ta chỉ nên học trong thời điểm tinh thần thoải mái và đầu óc minh mẫn nhất. Thay vì đăm đăm sách vở, hãy tham gia các hoạt động thể thao, nói chuyện với bạn bè, nghe một bản nhạc hay xem một bộ phim yêu thích. Ngoài ra, bạn hãy chăm chỉ bằng cách gắn liền niềm vui với học tập, nỗi khổ với sự lười biếng.
7. Tự hệ thống hóa kiến thức
Những ngày cận kề thi, bạn hãy hệ thống hóa kiến thức bằng cách nhẩm lại nội dung lớn, để mục lớn, phần kiến thức hổng kịp thời bù đắp. Xác định mỗi môn học ôn trong bao nhiêu thời gian, xác định nhiệm vụ của ngày, tuần.
8. Chuẩn bị đầy đủ trước khi bước vào phòng thi
Trước khi đi thi hãy ăn những món ăn quen, không nên nhịn ăn hoặc ăn quá nhiều để đảm bảo sức khỏe.
Khi đi thi, nên có 1 người lớn đi theo, chủ động tới hội đồng thi sớm để phòng những sự cố, đồng thời có tâm thế tốt để bước vào phòng thi. Đứng trước các thí sinh, hãy bắt chuyện, mỉm cười, có thể cuộc nói chuyện đó sẽ giúp bạn quên căng thẳng mà lại thêm được những người bạn. Hãy chuẩn bị đầy đủ đồ dùng trước khi đi thi và kiểm tra lại một lần trước khi vào phòng thi, tuyệt đối không mang điện thoại hay thiết bị điện tử vào phòng thi.
9. Tự tin trong phòng thi
Khi vào phòng thi, điều quan trọng nhất là có niềm tin vào chính mình và phải có tư duy tích cực bởi đến lúc vào thi rồi thì không còn thời gian cho việc ôn lại kiến thức nữa, chỉ có lấy những gì mình đã học ra để làm bài thôi, vì thế, bạn phải chắc chắn với kiến thức của mình và tin rằng mình sẽ làm được. Nên đọc kỹ đề thi trước khi đặt bút vào làm, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, không nên “hoảng” khi gặp câu khó mà cần bình tĩnh xem xét vấn đề và vận dụng tốt nhất những kiến thức đã học được để làm bài.
10. Đại học không phải con đường duy nhất để tiến thân
Mỗi người có một khả năng khác nhau và con đường dẫn tới thành công với người này chưa chắc đã là con đường dẫn tới thành công cho người khác, nhưng để dẫn tới thành công thì đều phải có nghị lực và lòng quyết tâm. Vì thế, các bạn sắp bước vào kỳ thi đại học không nên tưởng tượng rằng mình không đỗ đại học sẽ phải đối mặt với mọi người ra sao hay nghĩ cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ, vì đại học chắc chắn không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, và nếu có rớt đi nữa thì cũng nên nhớ đó chưa phải là kết thúc mà biết đâu lại là sự khởi đầu cho những điều mới còn tốt đẹp hơn.
Chúc các bạn thành công!