Trường hợp du thuyền bị lật trên sông Hàn tối ngày 4/6 đã rung lên hồi chuông cảnh báo về an toàn giao thông đường thủy. Bi kịch xảy ra do sự chủ quan của chủ tàu thuyền và người dân không biết bơi dẫn đến chết đuối khi tàu chìm.
Ngay bây giờ, bạn cần chú ý đến những cảnh báo sau để bảo vệ an toàn khi đi học, đi làm, đi chơi bằng đường thủy nhé.
1. Học bơi để tự bảo vệ tính mạng
Điều cảnh báo đầu tiên cho mọi người dân chính là hãy học bơi trước khi bị chìm. Bạn cần phải biết bơi càng sớm càng tốt để bảo vệ tính mạng của mình trước. Nếu bơi giỏi, bạn mới nghĩ đến việc cứu người được. Hãy đăng kí học ở những trung tâm dạy bơi có huấn luyện viên giàu kinh nghiệm để bạn mau chóng học kỹ thuật bơi nhanh nhất. Trong quá trình học, bạn cũng sẽ biết cách để nổi trên mặt nước khi bị đuối nước hay chuột rút.
2. Xem dự báo thời tiết
Nếu bạn đi học hay làm việc thường xuyên bằng tàu thủy, vậy bạn cần theo dõi dự báo thời tiết mỗi ngày. Nếu phải đi ra xa bờ, hãy đảm bảo thời tiết hôm đó tốt cho việc khởi hành. Và nhớ nhanh chóng trở lại bờ ngay lập tức nếu thấy thời tiết có chuyển biến xấu.
Bạn cần có tinh thần của một ngư dân khi tiếp xúc thường xuyên với giao thông đường thủy.
3. Tìm nơi tổ chức du lịch uy tín
Trường hợp đi du lịch, bạn nên đăng kí theo đoàn uy tín, đừng đi đơn lẻ trên những con thuyền của cư dân bản địa nếu cảm thấy không đảm bảo. Một tour du lịch theo đoàn, sẽ sẽ cung cấp đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho du khách. Họ sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn toàn diện cho khách.
4. Kiểm tra tàu
- Độ mới của tàu: Tàu mới sẽ đảm bảo an toàn hơn tàu cũ. Tàu cũ hay mới , bạn có thể đánh giá tổng quát xem tàu có bị mục không, tàu có bị chồng chành và lấy lại thăng bằng nhanh chóng hay không.
- Tình trạng của người lái tàu: Nếu thấy người lái tàu nếu có trạng thái thiếu tỉnh táo, say xỉn hay buồn ngủ, thì bạn đã có lí do rời khỏi thuyền rồi. Bạn không thể đặt sự an toàn của mình vào tay của những người lái tàu thế này được.
- Kiểm tra thiết bị an toàn trên tàu: Không đi tàu chở quá nhiều người, không ngồi dồn về 1 bên tàu, không đi tàu không đủ áo phao, phao cứu sinh và hãy mặc áo phao ngay lúc mới lên tàu. Nếu không đủ áo phao, hãy nhường cho người già, trẻ em và phụ nữ có thai nhé.
- Thông tin bảo hiểm: Trên một vé đi tàu thủy đều có tính phí bảo hiểm cho du khách. Với tàu lớn, bạn hãy hỏi thông tin về bảo hiểm tai nạn, những giải pháp khi có sự cố xảy ra…Đừng ngần ngại kiểm tra những thông tin này bằng mọi cách, thậm chí, với nhiều tàu uy tín, họ sẽ thông tin sẵn cho bạn để chứng minh sự chuyên nghiệp của mình.
5. Thực hiện đúng quy định khi lên tàu
- Không ngồi dồn về một phía.
- Nghiêm cấm mang những đồ hôi thối bốc mùi, dễ cháy nổ lên tàu.
- Không đùa giỡn quá nhiều, rượt đuổi nhau trên boong, đầu tàu, thuyền để giữ thăng bằng trên thuyền.
- Khi du lịch, du khách không được đùa giỡn quá mức như dìm nước nhau, giả chết đuối…Ngồi ngay ngắn, không được nghiêng người ra lan can tàu, nếu không bạn có thể rơi xuống nước. không để trẻ con đi lại lung tung, nhất là khi có lắc lư mạnh.
- Không được tự tiện chạm vào các công tắc điện trên tàu.
- Ban đêm, không dùng đèn pin chiếu xuống nước, vì có thể làm lạc hướng hoa tiêu của tàu…
6. Chống say sóng bằng mọi cách
- Mua thuốc chống say sóng: Đi tàu trên những con rạch êm đềm như miền tây sẽ ít bị sóng ảnh hưởng. Nhưng ở biển thì ngược lại, diện tích sóng to gió mạnh làm thuyền bồng bềnh suốt chuyến đi dễ làm bạn say sóng. Vì vậy, bạn nên thủ sẵn miếng dán, thuốc chống say sóng, vòng chống nôn. Hãy uống hoặc dán một tiếng trước khi lên tàu. Vòng chống nôn giúp tăng sức nén lên phần mạch cổ tay, giúp bạn chế buồn nôn và khá an toàn, bạn có thể yên tâm sử dụng. hoặc bạn có thể uống trà gừng, kẹo gừng để hạn chế cảm giác say sóng.
- Đừng ăn quá no: thuyền dập dềnh nhiều sẽ làm thức ăn bị lộn ngược, càng làm bạn mệt mỏi hơn mà thôi. Bạn chỉ nên ăn nhẹ, không ăn những đồ khó tiêu hóa hay những đồ có tính kích thích và nhiều axit như chanh, cam.
- Vị trí ngồi: ở giữa thân tàu là thoải mái nhất. Bạn không nên ngồi ở đầu tàu hoặc mũi tàu để tránh bị tác động trực tiếp bởi những con sóng. Bạn cũng cần ngồi thẳng và hướng ra xa, không nên đọc sách, báo.
- Giữ ấm cơ thể: gần nước sẽ làm bạn lạnh nếu mặc áo quá mỏng manh, cho dù bạn đi du lịch vào mùa hè. Bị cảm lạnh cũng có thể làm bạn say sóng nhanh hơn.
7. Bỏ rượu lại trên bờ
Hãy để rượu trên bờ! Nếu bạn say xỉn mà bước lên tàu sẽ có nguy cơ ngồi không vững, và bạn có thể té ngã xuống nước khi tàu bị lắc lư mạnh. Rất nguy hiểm phải không nào, vậy hãy để rượu lại trên đất liền nhé.
8. Tránh xa các trạm và đập thủy điện
Tàu du lịch theo tour sẽ chạy theo lộ trình an toàn. Còn những trường hợp du lịch bụi hay đi đánh bắt cá chẳng hạn, bạn tuyệt đối đừng di chuyển gần khu vực trạm và đập thủy điện. Những nơi này có tốc độ dòng nước chảy bất thường do hoạt động sản xuất thủy điện. Chỉ trong một khắc, dòng nước thơ mộng trước mắt có thể biến thành dòng thác nguy hiểm, hút tàu thuyền về phía đập và tan nát.
Vì vậy, hãy di chuyển theo chỉ dẫn của các dấu hiệu và phao cảnh báo quanh các trạm và đập thủy điện nhé!
9. Luôn luôn cho ai đó biết mình đi đâu và khi nào mình trở về
Chẳng ai biết trước tai nạn nào có thể đến với mình. Bạn hãy chắc rằng mình đã thông báo chuyến đi chơi, đi học, chuyến làm việc của mình với người thân, bạn bè. Họ sẽ yên tâm hơn và biết chính xác điều gì đã xảy ra với bạn nếu có điều không may xảy ra.
10. Đủ bình tĩnh và kiến thức xử lý khi tàu chìm
Hãy đủ bình tĩnh và có kỹ năng ứng phó với tình huống hỗn loạn khi tàu chìm! Kỹ năng này bạn cần trang bị trước đó, và biện pháp ứng phó thế nào lại là một vấn đề khác.
Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, biển trải dài đất nước, nhưng xã hội lại không có chương trình học bơi bắt buộc. Năm nào cũng có người chết vì liên quan đến đuối nước vì không biết bơi. Hi vọng những lưu ý sẽ giúp bạn hành động ngay bây giờ để bảo vệ tính mạng của bản thân và gia đình mình.
Xem thêm: