Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào lớn đối với dân tộc Việt Nam ta đúng với câu “Vang danh năm châu, chấn động Địa Cầu”. Chiến thắng này có giá trị lịch sử vô cùng to lớn khi một dân tộc nhỏ bé với sự đồng lòng đoàn kết đã chống lại được một đế quốc thực dân hùng mạnh. Chúng ta luôn vinh danh và không bao giờ bỏ quên những anh hùng đã làm nên chiến thắng vang dội này. Hôm nay 10Hay xin được quay ngược dòng lịch sử để giới thiệu lại với các độc giả những hùng tráng mà cuộc chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 đã ghi dấu lại, để toàn thể đồng bào Việt Nam đang sinh sống trong và ngoài nước cùng nhớ về nước Việt Nam mình đã làm nên một chiến thắng lịch sử như vậy bằng chính lòng yêu nước của mình.
Ý nghĩa lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam từ 1945 đến 1954, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là trận tiêu diệt lớn nhất của Quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký hiệp định Giơnevơ (21/7/1954). Kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, đây cũng là thắng lợi chung của các dân tộc nhỏ yếu trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Chiến thắng này cũng chứng minh chân lý của thời đại “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”.
Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đất nước nhỏ bé đã đánh bại một đất nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ trên toàn thế giới. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của cách mạnh tháng Tám, giải phóng hoàn toàn Miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và Miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước.
Nguyên nhân dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5
- Về phía Pháp: Sau gần 9 năm kháng chiến Pháp bị tổn thất lớn và sa lầy ở Đông Dương, Quân đội VNDCCH đã chiếm phần lớn miền núi phía Bắc, Liên khu 3, Liên khu 5 và phần lớn ĐBSCL. Điện Biên Phủ là một cứ điểm chiến lược án ngữ cửa ngõ Tây Bắc đồng bằng Bắc bộ, Thượng Lào.
Được Mĩ giúp sức pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một “Pháo đài bất khả xâm phạm” gồm hơn 16 tiểu đoàn lính Âu-Phi lúc cao nhất tới 16200 quân, dài 10km rộng 5km trang bị hiện đại gồm súng phun lửa, súng đại liên nhiều nòng có thiết bị quan sát và bắn vào ban đêm. Pháp và Mĩ còn tuyên bố rằng nếu tấn công vào Điện Biên Phủ chủ lực Việt Minh sẽ bị nghiền nát.
- Về phía Việt Nam: Kể từ sau năm 1950 do nối thông biên giới với Trung Quốc, lại được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung Quốc và Liên Xô, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh rất nhiều, với các sư đoàn (đại đoàn) bộ binh và các trung đoàn pháo binh, công binh đã có kinh nghiệm đánh tiêu diệt cấp tiểu đoàn của quân Pháp trong phòng ngự kiên cố.
Trong khi đó quân đội ta đã trưởng thành có cơ sở kinh nghiêm và sở trường đánh địch ở vùng rừng núi , hậu phương của ta đã vững mạnh , có thể đảm bảo viện binh cho chiến trường
Do vậy , sau sự so sánh tương quan lực lượng thì tháng 3-1954 chúng ta bắt đầu chiến dịch Điên Biên Phủ và dành được thắng lợi to lớn. Đây là trận quyết chiến chiến lược của QĐNDVN.
Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp người làm nên chiến công lớn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu diễn ra cách đây đã 63 năm, nhưng “Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp” luôn là cụm từ được người dân cất lên với lòng tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này. Trong lòng nhân dân, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Chất nhân văn trong con người “Võ Đại tướng” ở mặt trận Điện Biên Phủ được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: Với tập thể, với bộ đội, với đối phương và với chính bản thân.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất- như chính ông cũng từng thừa nhận. Tại thời điểm đó, không phải không có những ý kiến trái chiều, thậm chí không đồng tình với việc thay đổi phương châm tác chiến khi mà “giờ G” đã cận kề, bộ đội đã ở tư thế sẵn sàng nổ súng mở màn chiến dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, bằng sự phân tích khoa học, sát thực với tình hình thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bình tĩnh, kiên trì thuyết phục để tìm bằng được sự đồng thuận của các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch về quyết định thay đổi phương châm tác chiến một cách kịp thời.
Và chính quyết định đó đã mang lại chiến thắng rực rỡ, chấn động đến như vậy.
Kết quả của trận đánh Điện Biên Phủ
Dù quân Pháp đã phải gia tăng quân số lên đến 16.000 người, họ đã không thể nào lật ngược thế cờ. Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Thiệt hại về phía Pháp là 1.747 tới 2.293 người chết, 5.240 tới 6.650 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh. Toàn bộ 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội Quân đội Quốc gia Việt Nam bị tiêu diệt. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706, gồm 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Thiệt hại về phía Mỹ là 2 phi công chết và 1 bị thương.
Về không quân, Pháp bị tổn thất 59 phi cơ bị phá hủy, trong đó có 3 máy bay khác bị phá hủy trước ngày 13 tháng 3 năm 1954, 2 trực thăng cũng bị phá hủy. Ngoài ra còn có 186 phi cơ khác bị trúng đạn và hư hại ở các mức độ khác nhau. Phía Mỹ có 1 phi cơ C-119 bị bắn rơi. Về trang bị nặng, Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháo binh ở Điện Biên Phủ. Phía QĐNDVN thu giữ 3 xe tăng, 28 đại bác, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu cùng rất nhiều đạn dược, quân trang quân dụng khác.
Thiệt hại về phía Quân đội Nhân dân Việt Nam theo hồ sơ quân y của Việt Nam là 4.020 người chết, 9.691 người bị thương, và 792 mất tích.
Các địa điểm du lịch còn ghi dấu ấn chiến thắng lẫy lừng
- Đồi A1: Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng tương hoa. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc
- Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát: Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.
- Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía đông. Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh
- Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ: Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vào cuối năm 2003, bảo tàng Điện Biên Phủ đã tiến hành nâng cấp và chỉnh lý lại khu trưng bầy. Đến nay bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề trận chiến lịch sử.
Dù chiến tranh đã qua đi và đất nước đang được sống trong cảnh thanh bình nhưng con cháu không thể nào quên được những chiến công lẫy lừng, những hy sinh lớn lao để cho cuộc sống hôm nay được tươi đẹp, bình an. 10Hay muốn gửi đến bài viết này cho các thế hệ sau biết đến một thời đại hào hùng, một dân tộc kiên cường không bao giờ khuất phục trước ngoại xâm bao giờ.