Bệnh cơ xương khớp là những bệnh lý gây rối loạn chức năng sinh lý của các khớp, dây chằng, cơ bắp, thần kinh, gân, cột sống. Hệ thống cơ xương khớp đóng vai trò quan trọng để tạo ra bộ khung cho cơ thể. Rối loạn về cơ xương khớp thường là các bệnh thoái hóa, viêm nhiễm, thấp. Điều này thường dẫn đến đau nhức, hạn chế vận động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người bệnh.
Trong những năm gần đây, bệnh cơ xương khớp không còn là căn bệnh của người già nữa mà đã xuất hiện rộng rãi ở mọi lứa tuổi. Với hơn 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi mắc các bệnh cơ xương khớp, Việt Nam đang được xếp vào một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh này cao của khu vực và thế giới.
Nguyên nhân bệnh có liên quan đến viêm nhiễm, tuổi tác, nghề nghiệp, mức độ hoạt động, lối sống,… Các tổn thương cơ xương khớp thường khó lành và khó có thể phục hồi lại như ban đầu. Việc điều trị bệnh thường kéo dài và dai dẳng do tính chất dễ tái phát của bệnh. Thuốc chữa các bệnh cơ xương khớp có thể gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến gan và dạ dày.
Sau đây, chúng ta cùng điểm qua những bệnh cơ xương khớp thường gặp nhất hiện nay:
1. Bệnh Gout
Bệnh Gout hay viêm khớp Gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin, làm tăng axit uric trong máu, dẫn đến lắng đọng tinh thể urate ở tổ chức (bao hoạt dịch khớp, các tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận). Bệnh thường gặp ở nam (90%), thường khởi phát ở cuối những năm 30, đầu những năm 40 tuổi. Bệnh có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển của xã hội và gia tăng tuổi thọ.
Biểu hiện của bệnh bao gồm sưng đau không đối xứng các khớp bàn ngón I bàn chân, khớp cổ chân, gối, cổ tay,…kèm theo sốt cao, rét run, mệt mỏi. Triệu chứng viêm khớp tăng tối đa trong khoảng 24-48 giờ và kéo dài từ 3-10 ngày rồi khỏi hoàn toàn.
2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý khớp mạn tính thường gặp, đồng thời là một bệnh tự miễn điển hình với các biểu hiện toàn thân, tại khớp và ngoài khớp ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh thường diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề, cần điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp hữu hiệu để hạn chế tàn phế.
Triệu chứng điển hình của bệnh là hiện tượng viêm màng hoạt dịch ăn mòn ở các khớp ngoại biên, đối xứng, diễn biến kéo dài, tiến triển từng đợt xu hướng tăng dần, dẫn đến tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp, dính khớp và mất chức năng hoạt động của khớp. Bệnh thường gặp ở nữ giới. Tỷ lệ bệnh ở nước ta là 0,55% dân số > 15 tuổi.
3. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh cơ xương khớp thường gặp ở người già nhưng gần đây có xu hướng trẻ hóa. Thoái hóa khớp là một quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp. Kết hợp với tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.
Vị trí thường gặp nhất của bệnh thoái hóa khớp: khớp gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ. Triệu chứng của bệnh bao gồm đau ở các khớp, hạn chế vận động khớp, có tiếng lạo xạo khi cử động khớp và biến dạng khớp hoặc cột sống.
4. Loãng xương
Loãng xương là một bệnh lý gây ra do rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương cho người bệnh. Nguyên nhân do mất cân bằng giữ hormon sinh dục và hormon vỏ thượng thận, giảm canxi trong máu do chế độ ăn thiếu canxi hoặc giảm hấp thu canxi ở ruột, do lão hóa các tế bào tạo xương,…
Loãng xương thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Khi đã có triệu chứng, thường khối lượng xương đã bị giảm ít nhất 30%. Những biểu hiện bệnh bao gồm: đau xương âm ỉ có khi đau dữ dội, đau mỏi cơ, co cứng cơ, cột sống bị gù vẹo, biến dạng,…Bệnh diễn tiến kéo dài, tăng dần nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
5. Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh khớp mạn tính, quan trọng nhất trong các nhóm bệnh khớp liên quan đến cột sống. Bệnh thường gặp ở nam giới, trẻ tuổi, liên quan chặt chẽ tới yếu tố cơ địa (HLA-B27) và yếu tố nhiễm khuẩn khớp.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là hiện tượng viêm các khớp ở trục (cột sống thắt lưng, cột sống cổ), khớp cùng chậu hai bên và các khớp lớn ở ngoại biên (khớp háng, khớp gối). Thường không đối xứng, diễn biến kéo dài, có thể làm bệnh nhân tàn phế rất sớm vì dính khớp háng và khớp gối.
6. Viêm đa cơ
Viêm đa cơ là một bệnh mô liên kết đặc trưng bởi viêm hệ cơ. Nguyên nhân chưa được biết nhưng nghi ngờ có phản ứng tự miễn do nhiễm virus. Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở tuổi 5-15 và 50-70 tuổi. Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh gấp 2 lần nam giới. Tổn thương cơ chủ yếu ở gốc chi.
Biểu hiện thường gặp của bệnh gồm đau cơ, yếu cơ, tổn thương cơ có thể đưa đến nói khó, nuốt khó, nhìn đôi,…Các biểu hiện khác như viêm nhiều khớp, chán ăn, gầy sút, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, yếu cơ hô hấp có thể đưa đến viêm phổi, suy hô hấp,…
7. Lao cột sống
Lao cột sống là tổn thương viêm tại cột sống do sự hiện diện của trực khuẩn lao gây bệnh. Bệnh thường thứ phát sau lao phổi, lao ruột, lao màng não. Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm dấu hiệu nhiễm lao: sốt về chiều, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, nổi hạch gốc chi. Dấu hiệu tại cột sống bao gồm: đau vùng cột sống bị tổn thương, đau liên tục, tăng dần, ít đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Đau tăng khi vận động, chịu lực. Cột sống cứng đờ, hạn chế các động tác cúi, ngửa, nghiêng.
8. Viêm khớp nhiễm trùng
Viêm khớp nhiễm trùng là tổn thương viêm tại khớp do vi khuẩn có mặt trong dịch khớp trực tiếp gây bệnh. Vi khuẩn gây bệnh gồm tụ cầu, liên cầu, phế cầu, não mô cầu, E.coli, thương hàn,…Đường vào của vi khuẩn bao gồm tại chỗ như chấn thương khớp, cạnh khớp, các ổ nhiễm khuẩn cạnh khớp, tiêm vào khớp,…Đường thứ phát sau nhiễm trùng toàn thân, vi khuẩn từ máu xâm nhập vào khớp.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh: sưng đau tại khớp, sốt cao, gầy sút, mệt mỏi, môi khô, lưỡi dơ. Thường có dấu tràn dịch khớp do tăng tiết dịch khớp. Có thể kèm theo nổi hạch ở các vị trí gần khớp, teo cơ do ít vận động.
9. Thấp khớp
Bệnh thấp khớp là bệnh gây ảnh hưởng đến các khớp xương. Bệnh gây đau, sưng, cứng khớp. Bệnh thường xảy ra ở nhiều khớp và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Những người mắc bệnh này thường ốm yếu, mệt mỏi và hay bị sốt.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, thường bắt đầu ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể mắc bệnh. Nguyên nhân của bệnh có liên quan đến các yếu tố như gen di truyền, tiếp xúc nhiều với xăng dầu, thuốc trừ sâu, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại, ít vận động,…
10. Gãy xương
Gãy xương là một trong những bệnh cơ xương khớp thường gặp thuộc lĩnh vực ngoại khoa. Nguyên nhân gãy xương thường do chấn thương bởi tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt hoặc do những bệnh lý tại xương như loãng xương, u xương, viêm xương,…
Triệu chứng gãy xương bao gồm vận động bất thường, lạo xạo xương, đau ở vị trí gãy, tụ máu hoặc lồi xương ra da. Gãy xương là một bệnh lý ngoại khoa cần phải điều trị cấp cứu vì nếu muộn có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp như nhiễm trùng, sốc chấn thương, hoại tử chi, biến dạng chi sau này.
Xem thêm: