Mắt là một trong 5 giác quan giúp con người cảm nhận thế giới xung quanh qua chức năng thị giác. Tác dụng chính của đôi mắt là tiếp nhận những hình ảnh từ thế giới bên ngoài, thông qua dây thần kinh thị giác truyền tín hiệu đến vỏ não cho ta thấy được hình ảnh của các sự vật, hiện tượng,…Bên cạnh đó, đôi mắt còn thể hiện được tình cảm, vẻ đẹp, tính cách, thái độ,…của mỗi người thông qua những sắc thái đa dạng của ánh mắt. Vì vậy, đôi mắt còn được ví như cửa sổ tâm hồn. Cho nên bạn cần tìm hiểu những cách bảo vệ đôi mắt sáng khỏe.
Chính vì nhiều chức năng quan trọng, ý nghĩa đối với cuộc sống mà đôi mắt cần được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận. Hiện tại, có một điều đáng lo ngại là tỷ lệ các bệnh về mắt ngày càng tăng dần do nhiều người chủ quan trong vấn đề gìn giữ đôi mắt sáng khỏe. Những người mắc bệnh về mắt ngày càng trẻ hóa chứng tỏ công tác tuyên truyền sức khỏe về đôi mắt chưa được thực hiện một cách hiệu quả.
Những bệnh thường gặp và gây giảm thị lực của mắt như đục thủy tinh thể, loét giác mạc, glaucoma, cận thị, loạn thị, chấn thương mắt,…Để tránh mắc phải những bệnh trên, để có đời sống tâm hồn vui vẻ, lạc quan, ý nghĩa, chúng ta cần phải nắm vững những biện pháp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. Sau đây sẽ là 10 cách bảo vệ đôi mắt cơ bản và quan trọng nhất:
1. Điều chỉnh ánh sáng nơi học tập, làm việc
Đây là vấn đề quan trọng nhất trong những biện pháp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. Ánh sáng nơi làm việc, học tập cần được điều chỉnh sao cho vừa phải, không sáng quá, không quá mờ, đủ để cho mắt hoạt động bình thường, không thường xuyên điều tiết. Cường độ ánh sáng phù hợp là đảm bảo sao cho chúng ta cảm thấy thoải mái khi nhìn mọi vật, không thường xuyên bị mỏi mắt. Nếu mắt thường xuyên phải điều tiết sẽ rất dễ bị giảm thị lực. Điều chỉnh vị trí, số lượng các cửa sổ, chọn loại đèn có cường độ sáng phù hợp là những cách làm cụ thể để tạo một môi trường ánh sáng tốt cho đôi mắt hoạt động.
2. Cung cấp đầy đủ vitamin A
Vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với mắt, đặc biệt là chức năng thị giác. Sắc tố nhạy cảm với ánh sáng nằm ở võng mạc là rhodopxin gồm protein và dẫn xuất của vitamin A. Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà cần phải bổ sung từ thức ăn. Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến bệnh quáng gà, khô giác mạc, thậm chí mù lòa. Những đối tượng dễ thiếu vitamin A gồm trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người già. Nhu cầu vitamin A hàng ngày ở trẻ em là 400µg và người trưởng thành là 750µg. Vitamin A có nhiều trong gan động vật, cà rốt, lá bông cải xanh, khoai lang,…
3. Điều chỉnh tư thế ngồi khi học tập, làm việc
Ngồi sai tư thế, duy trì một tư thế không thích hợp khi học tập, làm việc sẽ dễ ảnh hưởng đến thị lực. Tư thế ngồi tạo một khoảng cách quá gần hoặc quá xa đối với chữ viết, sách báo, tài liệu làm cho mắt điều tiết nhiều sẽ dễ mắc các tật cận thị, viễn thị. Vì vậy, cần phải điều chỉnh tư thế ngồi làm việc, tạo một khoảng cách phù hợp giữa mắt và vật (trung bình là 30-40 cm) sao cho mắt điều tiết ít nhất để đảm bảo đôi mắt khỏe mạnh lâu dài.
4. Ăn nhiều cá
Trong cá, đặc biệt là gan cá, có chứa hàm lượng cao vitamin A (6,5mg/100g cá). Vì vậy, ăn nhiều cá sẽ có lợi cho mắt vì cung cấp nhiều vitamin A cho hoạt động thị giác. Bên cạnh đó, gan cá cũng chứa nhiều vitamin D giúp ích cho sự hấp thu canxi của cơ thể. Đồng thời, cá còn là một thức ăn dễ tiêu hóa, ăn cá sẽ tránh được các chứng khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi.
5. Đeo kính râm khi đi ngoài nắng
Đeo kính râm khi đi ngoài nắng là một biện pháp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe khá quan trọng. Trong ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia cực tím, có thể gây thoái hóa võng mạc. Việc đeo kính râm sẽ hạn chế được tác dụng có hại này của ánh mặt trời. Mặt khác, kính râm còn giúp chống độ chói của ánh nắng, mắt sẽ ít điều tiết và ít bị mỏi, giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ.
6. Hạn chế làm việc lâu với máy vi tính
Ánh sáng từ màn hình máy vi tính, laptop, truyền hình nói chung là những loại ánh sáng không ổn định, có tần số dao động nhanh, không tốt cho thị lực của mắt. Nếu tiếp xúc, làm việc với loại ánh sáng này thường xuyên và lâu dài, mắt sẽ phải điều tiết liên tục và giảm thị lực nhanh chóng. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, để bảo vệ đôi mắt, không nên làm việc với máy tính quá 3 giờ liên tục hoặc quá 5 giờ không liên tục trong một ngày.
7. Biết cách thư giãn đôi mắt
Sau những giờ hoạt động, các cơ ở mắt thường co nhiều và dễ bị mỏi. Cần thư giãn đôi mắt bằng cách xoa bóp nhẹ các cơ ở vùng mắt, nhắm mắt trong một vài phút hoặc nhìn ra xa, chú ý vào những vật màu nhạt như màu xanh nước biển, màu lục, vàng nhạt. Thông thường, bạn có thể nhìn vào cây xanh, khung cảnh trong công viên, vào nền xanh của bầu trời,…để thư giãn.
8. Có công cụ bảo hộ mắt khi làm việc
Đây là một biện pháp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe rất quan trọng. Khi làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, ánh sáng chói, ánh sáng cường độ mạnh, nơi có nhiều tia cực tím, tia hồng ngoại,…cần phải có công cụ che chắn, bảo hộ mắt để hạn chế các bệnh lý về mắt, hạn chế tổn thương mắt, thoái hóa võng mạc.
9. Vấn đề sử dụng thuốc nhỏ mắt
Đây là một nội dung quan trọng trong các biện pháp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt bao gồm các thuốc kháng sinh, kháng viêm, dinh dưỡng mắt,…Tùy theo từng bệnh lý ở mắt mà chọn loại thuốc phù hợp. Tốt nhất, bạn nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Vì khi dùng không đúng loại thuốc sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như loét giác mạc, mờ mắt, đục thủy tinh thể,…
10. Khám mắt định kỳ
Khám mắt định kỳ là một biện pháp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe rất cần thiết. Khám mắt sẽ giúp phát hiện sớm những bệnh lý ở mắt và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng về sau. Đồng thời, khám mắt giúp đánh giá được thị lực của mắt, phát hiện được các tật khúc xạ ở mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị để điều chỉnh cho phù hợp (bằng cách điều chỉnh ánh sáng nơi làm việc hoặc đeo kính thuốc).
Xem thêm: