Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển mạnh ngành du lịch hơn cả Thái Lan hay Malaysia. Nhưng tại sao ngành du lịch của chúng ta vẫn không có gì đặc biệt, nổi bật để thu hút được nhiều du khách quốc tế. Cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á đang trở lên quyết liệt hơn với quy mô và tính chất mới do có yếu tố công nghệ mới và toàn cầu hóa. Sự cạnh tranh này cả về dòng vốn đầu tư và thu hút khách, cả về chất lượng và hiệu quả kinh doanh và xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Trong chuyên trang tuần này trên website 10Hay.com sẽ đưa ra một vài giải pháp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển bắt kịp xu hướng hiện nay của thế giới.
1. An toàn cho du khách tại Việt Nam nên chú trọng
Tệ nạn xã hội là một vấn đề cần quan tâm chặt chẽ bởi lực lượng công an và quần chúng nhân dân nhằm đảm bảo tính an toàn và hài lòng của du khách khi du lịch Việt Nam. Cướp bóc trên đường phố, móc túi, ăn xin…trở thành một trong những cái sốc đầu tiên của du khách khi đến nước ta. Họ sợ hãi và không an tâm khi lưu trú trong các nhà nghỉ, khách sạn hay tham quan các danh lam thắng cảnh bởi nơm nớp lo sợ. Để Việt Nam là điểm đến an toàn và đáng tin cậy thì vấn nạn cướp bóc, móc túi hay ăn xin cần được giải quyết triệt để.
2. Dịch vụ tại các điểm đến chuyên nghiệp, hiện đại hơn
Lực lượng lao động du lịch tuy đông đảo nhưng tỷ lệ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp du lịch thấp, hơn nữa chất lượng đào tạo du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thích ứng kịp với xu hướng hội nhập, cạnh tranh toàn cầu. Đánh giá mặt bằng chung chất lượng nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp và chất lượng phục vụ. Ngành du lịch thực sự thiếu đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp du lịch kiểu mẫu của thời đại với yêu cầu cạnh tranh và hội nhập cao. Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch và ứng với các ngôn ngữ thuộc thị trường mục tiêu vẫn chưa sẵn sàng đầy đủ.
3. Sáng tạo sản phẩm cho du lịch nổi bật
Sản phẩm du lịch chậm đổi mới; phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vồn, công nghệ nên khai thác những tài nguyên có sẵn hoặc sao chép để hình thành sản phẩm du lịch. Sự nghèo nàn, ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, đặc sắc; thiếu đồng bộ và thiếu liên kết là thuộc tính phổ biến của sản phẩm du lịch hiện nay và là điểm yếu chính của du lịch Việt Nam. Kết quả là sản phẩm, dịch vụ du lịch có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sản phẩm trùng lắp, suy thoái nhanh. Vì vậy tính chất độc đáo, giá trị nguyên bản và ý tưởng của sản phẩm du lịch rất nghèo nàn và trùng lắp giữa các vùng miền. Quá trình phát triển sản phẩm chưa được nghiên cứu bài bản vì vậy chất lượng và giá trị hàm chứa trong sản phẩm thấp.
4. Cải tạo giao thông tại các thành phố lớn TPHCM, Hà Nội
Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Hiện tại trong số ít các sân bay quốc tế chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 cửa ngõ chính đón khách quốc tế bằng đường không; chưa có cảng biển đáp ứng yêu cầu đón tàu du lịch; hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông đến các điểm du lịch chưa đồng bộ và chất lượng thấp, chưa kết nối thành mạng lưới. Vì vậy những trở ngại về cơ sở hạ tầng tiếp tục là điểm yếu cần đầu tư dài hơi.
5. Đa dạng hóa hình thức du lịch theo xu hướng chung của thế giới
Nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống mang tính độc đáo, nguyên bản, giá trị tự nhiên có tính nguyên sơ, hoang dã hay giá trị sáng tạo và công nghệ cao với tính hiện đại, tiện nghi. Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Thêm vào đó chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch. Đây là thách thức vô cùng lớn về quan điểm, nhật thức và chuyên môn kỹ thuật. Du lịch Việt Nam nếu không nắm bắt kịp xu hướng này sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, mất thị phần và hiệu quả thấp dẫn tới sự quay lưng của du khách với điểm đến sẽ là thảm họa.
6. Nâng cao chất lượng quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Xúc tiến quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Một số địa danh du lịch được quốc tế biết đến như Hạ Long, Sapa, Hà Nội, Huế, Hội An, Đà Lạt, Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng hình ảnh vẫn chưa đậm nét.
7. Thay đổi nhận thức du lịch từ cấp quản lý nhà nước
Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch du lịch còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa được như mong muốn. Công tác quản lý đảm bảo phát triển bền vững, an ninh, an toàn, văn minh du lịch còn thiếu kinh nghiệm và chưa có tầm nhìn dài hạn nên kém hiệu quả và thiếu tính bền vững; quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức giao tiếp văn hóa, ứng xử văn minh với khách du lịch cho cán bộ, hướng dẫn viên và người dân sở tại. Ban quản lý các khu, điểm du lịch phải bố trí nhân viên bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
8. Bảo vệ và gìn giữ các khu di tích văn hóa mang tính lịch sử
Không gian danh thắng và di sản văn hóa bị xâm hại: việc khai thác nguồn tài nguyên vì mục đích kinh tế đã phá vỡ cảnh quan, dẫn đến môi trường ô nhiễm, làm mất không gian thiêng của di tích. Chỉ có lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, bảo vệ và tu bổ tốt cho di tích là điều kiện tốt cho việc học tập, nghiên cứu và gắn liền với việc phát triển du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế đồng thời vẫn giữ gìn được những đặc sắc văn hóa của địa phương.
9. Xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện
Thiếu nụ cười thân thiện để giữ chân du khách: qua khảo sát, có tới 80 – 85% lượng khách quốc tế không muốn quay trở lại, trong khi đó, khách nội địa lại có xu hướng đi du lịch nước ngoài. Hàng năm, lượng khách các nước ASEAN vào Việt Nam khoảng 1 triệu lượt, trong khi đó, khách Việt Nam tới các nước ASEAN là 2,5 triệu lượt. Tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch bảo đảm thuận tiện, tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật. Xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch trên tinh thần, thái độ hết lòng phục vụ vì sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
10. Phát triển dịch vụ có lợi cho sức khoẻ và sắc đẹp
Những điểm đến tại Việt Nam cần tạo những khu vực không hút thuốc lá, không bán và phục vụ rượu mạnh, bổ sung các thực đơn tăng cường rau, củ, quả chứng minh được nguồn gốc, các món ăn ít béo, đường, calo hoặc ít carbohydrate, các đồ uống ít calo và ít cafein, tăng cường tổ chức câu lạc bộ sức khoẻ với những dụng cụ, thiết bị thể thao, phòng tập yoga, sân tennis, sân tập gofl mini, bể bơi, bể sục, phòng tắm nước khoáng, ngâm thuốc bắc, nơi phơi nắng hoặc các phòng matxa… ; các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh thời đại như các bệnh gut, tiểu đường, tim mạch …
10 giải pháp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển có lẽ là chưa đủ để vực dậy nền du lịch còn thấp kém, thiếu chuyên nghiệp và mang tầm vĩ mô cao như các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng không có gì là quá muộn nếu chúng ta chịu học hỏi và sửa đổi những điều chưa đúng, chưa hay để du lịch Việt Nam là điểm đến quan trọng trong những năm tới. Những định hướng phát triển du lịch Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập và hiệu quả đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, yếu tố truyền thống để phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế.