Lý do không nên gộp tết Nguyên đán và tết Dương lịch là ý tưởng được bàn tới trong những năm gần đây và lại tiếp tục có rất nhiều ý kiến trái chiều của các bạn trẻ, nhà văn, các nhà sử học, giáo sư, người nông dân…Tuy nhiên, theo quan điểm của một người con Việt Nam từng trải qua rất nhiều cái tết cổ truyền của dân tộc, được thấm đẫm những bài thơ, áng văn miêu tả về tết Nguyên đán của nước ta thì dịp Tết không chỉ có giá trị tinh thần cho người sống mà còn là dịp để con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn tổ tiên, ông bà. Do đó, bài viết trong chuyên mục Xuân Đinh Dậu 2017 với chủ đề 10 lý do không nên gộp tết Nguyên Đán và tết Dương lịch với niềm thiết tha mong đợi thế hệ trẻ hãy tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không nên có thái độ a dua, toa rập với lối sống hiện đại nhưng thiếu sự sâu sắc và thấu hiểu.
1. Giữ gìn ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc là sum họp
“Tết cổ truyền là văn hóa truyền thống có từ hàng mấy ngàn năm. Tết cổ truyền là nét đặc trưng gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam. Nói gì thì nói, người ta đi làm cả năm chỉ có những ngày Tết để trở về sum vầy bên gia đình, cớ sao nói bỏ. Chúng ta có Tết của chúng ta, người phương Tây có Tết của họ sao lại đi bỏ văn hóa của ta để theo văn hóa của họ… Tôi cho là bất hợp lý”, Giáo sư Hoàng Chương, GĐ Trung Tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã nói.
2. Tết Nguyên Đán được tính theo thời tiết, thuận theo khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam
Nghệ sĩ Trung Dân cũng nhắc lại “cách đây không lâu các nhà khảo cổ đã chứng minh được đồng bằng sông Hồng là một trong những trung tâm duy nhất lúa nước của cư dân Bách Việt hay còn gọi là người Việt Cổ chúng ta. Có được văn minh lúa nước, có được bộ lịch âm lịch, người Việt Nam đã ăn Tết theo mùa và được tính theo Tiết mà ngày nay đã được gọi là Tết.”. “Thần nông là người đầu tiên dạy cho người dân đất Việt trồng lúa nước. Nền văn minh lúa nước đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nông nghiệp, đời sống văn hóa của người đất Việt và cho tới ngày hôm nay người Việt chúng ta vẫn còn sử dụng.
3. Các giá trị truyền thống Tết Nguyên đán vẫn tồn tại trong thế giới hiện đại
Tết cổ truyền nông nghiệp không tồn tại hay phát xuất ở vùng hiện nay là lãnh thổ phía Bắc sông Hoàng Hà của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vốn là lãnh thổ gốc của cư dân du mục phương Bắc. Tết cổ truyền nông nghiệp gắn liền với văn hóa nước mắm và tục trầu cau Việt Nam – Đông Nam Á. Đây là vấn đề tranh luận cần được khép lại khi Tết cổ truyền đã được sử dụng hàng ngàn năm nay, là nền tảng của nền văn hóa ẩm thực lúa nước đặc sắc lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, là nhà bếp trị bệnh cho cả thế giới trong thời đại hội nhập toàn cầu.
4. Chúng ta cắt giảm thời gian đón Tết Dương lịch
Khi một nền kinh tế của một quốc ban giao với các nước trên thế giới thì họ vẫn giữ gìn nét đẹp văn hóa của nước họ, tự hào và hãnh diện giới thiệu cùng bạn bè quốc tế các phong tục tập quán có từ thời ông cha, tổ tiên của chúng ta. Quan điểm tích cực nhất là hòa hợp với văn hóa phương Tây chứ không thể hòa tan, đồng hóa. Chúng ta có thể không quan trọng tết Dương lịch và dành toàn thời gian ngắn ngủi vài ngày để đón tết cổ truyền của dân tộc đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình, người thân.
5. Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và sum vầy cùng gia đình
Nhiều người cho rằng lý do để tiết kiệm thời gian thì thật là vô lý. Một xã hội hay một chế độ con người được nghỉ nhiều nhưng cuộc sống vẫn ổn thì tiến bộ và năng suất làm việc tăng gấp bội sau kì nghỉ lễ. Còn tiết kiệm thời gian ư? Kẹt xe mất nhiều thời gian lắm, cà phê, bia bọt, thủ tục hành chính hay công chức vác ô đến công sở ngốn nhiều thời gian lắm. Công việc chỉ cần vài người làm nhận con cháu vào cả đống giết thời gian nhiều lắm. Họp hành tốn nhiều thời gian lắm. Có gộp nên gộp hết các tổ chức về mối chính quyền cho gọn trong khi tết cổ truyền chỉ nghỉ chừng vài ngày thì có lý do gì chúng ta phải gộp.
6. Tết Nguyên Đán là tết đoàn viên
Trong lòng bất kì người con xa quê dù nơi đất khách quê người hay hải ngoại xa xôi nhưng nhìn tháy hình ảnh tất bật của phiên chợ tết ngày cuối năm hay cành mai cành đào khoe sắc sẽ có cảm giác bùi ngùi, xuyến xao nhớ cảnh quê cha đất mẹ trong những ngày tiễn năm cũ đón năm mới. Qủa là không sai khi gọi tết Nguyên Đán là tết đoàn viên khi cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm tất niên ngoài kia gió xuân lành lạnh mang hơi thở của đất trời nhẹ nhàng sưởi ấm lòng người con đi xa quay về thăm gia đình, cha mẹ. Không có cái tết nào ý nghĩa hơn cái tết sum vầy, đoàn viên.
7. Nhớ ơn tổ tiên, ông bà là gìn giữ phong tục tết Cổ truyền
Từ bao đời nay, ông bà ta dạy rằng con cháu các thế hệ sau hải giữ gìn nề nếp gia phong, noi gương theo những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta. Phong tục tập quán của chúng ta là hiếu kính ông bà, thờ phụng tổ tiên nên con cháu thường về thanh minh mồ mả, chăm sóc nhà cửa, trang hoàng bàn thờ, cúng mâm cơm tất niên… nhằm nhắc nhở thế hệ sau về hình ảnh, vai trò của cha ông đã sinh thành và dưỡng mệnh cho chúng ta có ngày hôm nay.
8. Tết Nguyên đán mang tính phổ quát, quần chúng hơn Tết Dương lịch
Ngày Tết Nguyên Đán phủ sóng khắp cả nước từ đồng bằng tới vùng núi, từ Bắc chí Nam chung lòng đón năm mới và ai ai cũng mong chờ năm mới nhiều may mắn, bình an. Điều người ta cần trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán không phải là lợi nhuận kinh doanh, tỉ giá chứng khoán… mà chính là tình cảm yêu thương của bà con chòm xóm, sự mong mỏi đứa con xa quê quay về với gia đình. Những việc xuất phát từ đáy con tim nên rất thiêng liêng và khó thay đổi nếu bạn là người Việt Nam, đã làm con được mong chờ hay bây giờ làm cha mẹ mong chờ lại đứa con của mình cũng quay về như mẹ bạn từng mong bạn ngày xưa ấy.
9. Tết Nguyên Đán gắn liền với nhiều biến cố lịch sử
Khi con em chúng ta học về lịch sử dân tộc, chắc chắn sẽ hỏi về những chiến dịch, chiến công của mùa xuân 1975 hay tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân thì chúng ta sẽ giải thích như thế nào nếu không còn tết Nguyên Đán. Tết Âm lịch là khoảng thời gian rất quan trọng, cốt lõi của nó chính là những tập quán gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam.
10. Chúng ta không thể thay đổi thói quen tính lịch theo mặt trăng trong dân gian
Trong xã hội truyền thống của phương Đông, trong đó có Việt Nam, là xã hội nông nghiệp nên hay tính lịch theo mặt trăng (Âm lịch) chúng ta mừng lúa mới, mừng năm mới theo tết Nguyên Đán. Còn Dương lịch gắn liền với phương Tây, dựa trên lịch của người công giáo. Hai nền văn hóa có nhiều sự khác biệt về tín ngưỡng, phong tục, văn hóa … nên không thể gộp Tết Nguyên Đán và Tết Dương lịch lại làm một.
Những lý do không nên gộp tết Nguyên Đán với tết Dương lịch là rất nhiều và gây tranh cãi từ nhiều năm nay của các tầng lớp xã hội trên mạng xã hội, báo chí…Chung quy một điểm mấu chốt là chúng ta sống và thụ hưởng các giá trị hiện đại nhưng xin đừng quen nguồn gốc, cội rễ của mình khi hội nhập cùng thề giới. Điều này làm cho người nước ngoài càng nể phục người Việt Nam biết ăn ở và hiếu đạo.