Những nghề nghiệp có nguy cơ tai nạn cao nhất là những nghề tiềm ẩn sát xuất cao tai nạn lao động cũng như bệnh nghề nghiệp. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
Hiện nay, tình hình tai nạn lao động đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp. So với 6 tháng đầu năm 2015 số vụ tai nạn lao động, số nạn nhân và số người chết vì tai nạn lao động trong 6 tháng năm 2016 đều tăng. Trong lao động sản xuất, người lao động luôn phải tiếp xúc với các yếu tố liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động và vệ sinh môi trường. Trên thực tế không có ngành, nghề nào là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, một số ngành, nghề có những công việc nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hơn những ngành, nghề khác.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, 10 nghề nghiệp có nguy cơ tai nạn cao nhất đó là:
1. Khai khoáng, sản xuất than, dầu mỏ
Dẫn đầu trong top 10 nghề có nguy cơ tai nạn cao nhất là nghề khai khoáng, sản xuất than, dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Trong quá trình sản xuất, chế biến khoáng sản, người lao động không thể tránh khỏi sự tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động cho thấy nguy cơ bụi, tiếng ồn và hóa chất là 3 nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao gây nên các bệnh bụi phổi nghề nghiệp, bệnh điếc nghề nghiệp, ung thư phổ biến.
2. Sản xuất hóa chất
Ngành công nghiệp hóa chất là một ngành mà việc sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới bệnh nghề nghiệp cũng như tai nạn lao động.Trong năm 1997, các doanh nghiệp trong ngành đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn lao động. Tuy vậy, tai nạn lao động vẫn xảy ra, có những trường hợp dẫn tới hậu quả chết người. Đáng tiếc, trong năm 1997, toàn ngành công nghiệp hóa chất đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động chết người, làm 5 người chết ở những đơn vị sau: Công ty Phân lân Ninh Bình, Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam, công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, và gần đây nhất, trong quý I năm 1998 này đã có 2 tai nạn lao động chết người xảy ra ở công ty Apatit việt Nam và Công ty Xây lắp hóa chất.
3. Sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại
Mối nguy hiểm trong ngành sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại là nơi và nguồn phát sinh nguy hiểm do hình dạng, kích thước, chuyển động của các phương tiện làm việc, phương tiện trợ giúp, phương tiện vận chuyển cũng như các chi tiết gia công gây tổn thương cho người lao động trong quá trình lao động sản xuất như: kẹp, cắt, chặt, cán, kéo, xuyên thủng, va đập,…
Những tai nạn thường xảy ra có thể chia làm mấy loại như sau: vấp ngã, sập đổ, va đập, điện giật, đâm thủng, quần áo, tóc bị cuốn vào máy, bị máy cán, kẹp, cắt,…
4. Thi công công trình xây dựng
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có tới 30% trên tổng số vụ tai nạn lao động hiện nay rơi vào lĩnh vực xây dựng (trong đó 55% do ngã, 24% vướng các vấn đề về điện, 10% do sập đổ thiết bị trên công trình, 10% liên quan đến phương tiện bảo vệ cá nhân).
Có tới hơn 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, phần nhiều trong số họ chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động rất kém, chỉ biết làm lấy ngày công, ít khi quan tâm đến an toàn lao động. Trong khi các chủ thầu với kỹ thuật, công nghệ hạn chế, công tác giám sát thi công, đảm bảo an toàn lao động không được coi trọng là một trong số nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn lao động thương tâm.
5. Đóng và sửa chữa tàu biển
Trong ngành đóng và sửa chữa tàu biển, công nhân phải làm việc trong những điều kiện lao động nguy hiểm và độc hại, ở ngoài trời, trong các hầm tàu,…Các yếu tố độc hại trên tác động thường xuyên lên sức khỏe của công nhân. Ở hầu hết các công đoạn sửa chữa và đóng tàu đều tồn tại các yếu tố bất lợi có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, công nhân còn phải tiếp xúc với tiếng ồn và rung chuyển, bức xạ và nhiều tư thế lao động bất lợi.
6. Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
Nghề sản xuất, truyền tải và phân phối điện hay nói nôm na là thợ điện, là một trong 10 nghề nghiệp có nguy cơ tai nạn cao nhất. Trong quá trình khắc phục sự cố điện luôn có những tình huống bất ngờ, nguy hiểm. Trên trụ điện không chỉ có mỗi dây điện, đang sửa điện mà bất ngờ cáp viễn thông có tín hiệu kết nối, người thợ sẽ bị điện giật. Dù không nguy hiểm tính mạng, nhưng không có kinh nghiệm sẽ bị giật mình và dễ buông tay té ngã. Ngoài ra, mỗi lần giông gió, cây cối bị ngã chằng lên dây điện, hoặc mái tôn, biển hiệu quảng cáo rơi làm đứt đường dây, việc khắc phục cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Nếu như những công nhân điện lực phải vất vả ngược xuôi khắp mọi nẻo đường để khắc phục sự cố đường dây cho các công ty, đơn vị, gia đình để người dân an tâm sinh hoạt, sản xuất, thì công việc của các thợ điện cao thế còn gian nan hơn nhiều. Những đường dây điện cao thế chủ yếu xuyên rừng và ở địa thế hiểm trở nên các phương tiện cơ giới không thể đến tận nơi được. Vì vậy, tháng nào các thành viên trong đội sửa chữa điện cũng phải băng rừng, vượt núi để kiểm tra các tuyến đường dây. Gặp những đoạn đường trắc trở, như: kênh, suối,… nước ngập đến quá ngực, họ phải bơi qua để đến nơi làm là chuyện thường.
7. Chế biến, bảo quản thủy sản
Theo thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi năm ngành Thủy sản tiếp nhận và tạo việc làm cho khoảng 300.000 lao động (trong đó gần 70% thuộc lĩnh vực chế biến và dịch vụ). Song số lượng công nhân biến động thường xuyên, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là thời điểm “vào vụ”. Nguyên nhân của tình trạng trên là: điều kiện làm việc của người lao động chưa được bảo đảm. Hiện nay, cả nước có khoảng 97.000 tàu cá, phần lớn đã cũ, không đủ tiêu chuẩn an toàn.
Trong khi đó, việc khai thác hải sản ngoài khơi luôn phải đối mặt với thiên tai, vì vậy nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, lao động trong nhà máy chế biến thủy sản thường phải làm việc 12 giờ/ngày. Quá trình sản xuất họ thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại như: nước có hàm lượng muối và hóa chất ăn mòn cao,… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
8. Sản xuất sản phẩm dệt, may
Khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh trên 1.000 công nhân may tuổi từ 25-35 tại 3 doanh nghiệp ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai cho thấy, có tới 93% công nhân bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 16,7% nặng đầu, nhức đầu; 15,1% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai,…
Dệt may là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam nhưng với đặc thù là người lao động phải làm việc trong môi trường có nhiều tác nhân độc hại như bụi, rác thải, tiếng ồn, thiếu ánh sáng. Đây cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan đến phổi, phế quản. Bên cạnh đó, nguy cơ cháy nổ lại luôn tiềm ẩn.
9. Tái chế phế liệu
Thực tế nhận thấy, ngành tái chế phế liệu là một trong số ít ngành nghề luôn tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư cũng như người lao động trực tiếp. Theo thống kê, ngành, nghề tái chế phế liệu có môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động trực tiếp. Việc phải thường xuyên tiếp xúc với các chất thải, chất thải độc hại hoặc môi trường làm việc kém trong lành sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da và nhiều rủi ro khác.
10. Vệ sinh môi trường
Vệ sinh môi trường, đường phố thuộc loại nghề nặng nhọc mang tính công ích. Những công nhân làm nghề này đã phải vượt bao khó khăn, kể cả sức ép tâm lý, để làm cho thành phố sạch đẹp, họ gắn bó với nghề vì miếng cơm manh áo và nhận thức ý nghĩa công việc mình mang lại. Hiện nay lượng rác thải, nước thải sinh hoạt hàng ngày của người dân đang ngày càng tăng, điều đó đồng nghĩa với việc khối lượng công việc vệ sinh môi trường đô thị nhiều hơn, nặng nhọc hơn.
Công nhân vệ sinh thường phải đối mặt với nhiều rủi ro như: tai nạn giao thông, bị các đối tượng “tệ nạn” trêu ghẹo, đe dọa. Lượng rác thải, chất thải sinh hoạt hàng ngày sau khi công nhân vệ sinh thu gom được đem về tập kết tại các nhà máy, bãi xử lý. Việc phân loại, xử lý rác, phế thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp không thể dùng máy móc mà phải làm thủ công, hàng trăm mùi hỗn tạp, hôi nồng bốc lên từ mấy dãy nhà chứa rác cùng hàng trăm loại chất độc từ rác thải là một mối đe dọa lớn cho sức khỏe của những công nhân vệ sinh môi trường.
Xem thêm: