Sống xanh đang là xu hướng tích cực và ngày càng phổ biến, thể hiện ở nhiều phương diện trong đời sống hằng ngày như tiêu dùng xanh, ẩm thực xanh, giao thông xanh hay bảo vệ động, thực vật. Bên cạnh đó, sử dụng các vật liệu xanh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, giải trí và kinh doanh cũng là một phần trong cuộc sống xanh của mỗi công dân hiện đại.
Hãy ghé qua 5 địa điểm cà phê thân thiện với môi trường sống sau đây nhé!
1. CÀ PHÊ GIÓ VÀ NƯỚC (Bình Dương)
Giữa hàng ngàn các quán cà phê được xây dựng từ bê tông, cốt thép, tại Thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã mọc lên một công trình có vật liệu hoàn toàn từ cây tầm vông. Đó chính là Cà phê Gió và Nước – một trong những địa điểm khá hấp dẫn cho những ai yêu thích môi trường thiên nhiên.
Cây tầm vông vốn là hình ảnh rất quen thuộc về làng quê Việt Nam từ bao đời, nay đã trở thành vật liệu trong một công trình kiến trúc độc đáo và hài hoà với thiên nhiên của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cùng cộng sự.
Ngay khi đặt những bước chân đầu tiên vào khuôn viên rộng 1400 mét vuông của thiên đường cà phê Gió và nước, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tươi mát và thư thái của thiên nhiên trong lành. Bởi lẽ bao bọc xung quanh quán là rất nhiều cây tầm vông cao lớn, xanh tươi. Người ta như có cảm giác bước vào một thế giới khác, xa với cái ồn ào, bụi bặm chật chội ở khu dân cư bên ngoài.
Toàn bộ quán được thiết kế từ 7000 cây tầm vông tuyển chọn kỹ càng. Chúng được mua về từ các làng quê ở TP.HCM, Tây Ninh và Bình Dương, với tuổi đời từ 5 đến 7 năm. Sau đó, tầm vông được xử lý theo phương pháp truyền thống là ngâm xuống bùn sau đó hun khói để cây không bị mối mọt, sử dụng được lâu hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mĩ.
Nhìn mặt hồ bằng phẳng, tròn trịa nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị. Khách đến đây luôn cảm thấy đáy hồ sâu thăm thẳm đến nỗi không dám thò chân. Nhưng khi nhân viên của quán bước xuống làm vệ sinh, thì thật bất ngờ, nước trong hồ chỉ quá mắt cá chân một chút. Ảo giác này xuất phát từ việc kiến trúc sư đã sơn đen đáy hồ, khiến cho chúng ta có cảm giác hồ rất sâu. Thật ra, từ sự thú vị này, chủ quán đã tiết kiệm được đáng kể nguồn nước bơm vào hồ định kỳ.
Một điều đặc biệt nữa là mặt sàn của quán thấp hơn so với mặt hồ khoảng nửa mét. Dụng ý của người thiết kế là muốn khách tận hưởng trọn vẹn làn gió mát đưa từ mặt hồ sang. Như vậy, công trình đang sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo thành máy điều hòa tự nhiên, tiết kiệm được năng lượng và chi phí vận hành máy điều hoà nhiệt độ.
2. CÀ PHÊ TƯỢNG (Q.10, TP.HCM)
Có lẽ chẳng mấy ai nghĩ rằng những thứ tưởng chừng chỉ còn có thể bỏ đi như giấy báo, vỏ xe cũ, những trái bắp khô lại trở thành vật trang trí vô cùng độc đáo cho một quán cà phê ở Sài Gòn khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú vì sự độc đáo của nó. Và nhất là những ai đã trót yêu thích sự sáng tạo trong kiến trúc, thích tận dụng những gì mình đang có thì quán cà phê Tượng ở đường Thành Thái quận 10 là một địa chỉ rất đáng để tham khảo.
Vốn là một kiến trúc sư, những gì mà anh Phạm Thanh Truyền mong muốn là tạo được một nơi chốn cho những ai đam mê nghệ thuật. Nó còn là nơi để anh chuyển tải ý tưởng của mình thành hiện thực, biến nó là địa điểm để hàn huyên với bạn bè sau những giờ làm việc căng thẳng. Và cũng là nơi để anh sáng tạo, biến những gì cũ kỹ, tưởng chừng bỏ đi trở nên có sức sống.
Vì lẽ đó quán chỉ trang trí bằng những vât liệu đơn giản nhất, tạo nên một không gian mộc mạc, giản dị, ấm cúng nhưng đầy cảm hứng nghệ thuật. Nội thất hoàn toàn là những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi nhưng được chủ quán sắp đặt khéo léo tạo thành một không gian vô cùng độc đáo.
Mặt tiền quán là tấm rào gỗ đơn giản, phía trên là bảng hiệu được uốn từ dây thừng, trông như cảnh trí trong phim cổ trang. Những mảnh gỗ này đều là gỗ tạp, bỏ đi, được anh tận dụng, chế tác nó lại cho phù hợp với phong cách và dùng trang trí.
Trên trần nhà, những quả bầu hồ lô khô, bắp khô, lá khô được treo lủng lẳng không theo một quy tắc nào. Các bức tường thì được trang trí bằng giấy báo đã ố vàng. Tuy vậy, điều đó lại làm cho thực khách vô cùng ấn tượng.
Ý tưởng ra đời của quán cà phê này cũng rất giản dị. Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền nhận thấy vấn đề tái chế phế liệu ở Việt Nam vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức, vì vậy anh mở quán với mong muốn góp phần tác động đến nhận thức của mọi người về việc tận dụng những thứ bỏ đi.
3. CÀ PHÊ BỒN CẦU (Q. Bình Thạnh, TP.HCM)
Nếu có dịp đi qua Quận Bình Thạnh, quý vị đừng ngần ngại ghé vào quán cà phê mang tên Toilet Kingdom trên đường D2. Tại sao quán lại có tên là Toilet Kingdom? Có thể quý vị sẽ bị “choáng” vì toàn bộ nội thất trong quán cà phê này đều là những món đồ để dùng trong nhà vệ sinh.
Bồn cầu chính là ghế ngồi, còn chiếc bàn được tạo hình phá cách từ bồn rửa mặt. Kế bên bộ bàn ghế đặc biệt này là cuộn giấy vệ sinh, luôn sẵn sàng cho khách sử dụng. Còn có cả vòi hoa sen phía trên, nhưng chúng ta đừng lo bị ướt, nó chỉ là một cái đèn thắp sáng.
Ấn tượng hơn cả là các bức tường được chủ quán trang trí bằng những hình khối rất hóm hỉnh, chẳng hạn như hình ảnh một chàng trai đang tiểu tiện bên chiếc bồn cầu. Điều này có thể khiến những ai đến đây lần đầu ngượng ngùng, xấu hổ. Thế nhưng, tất cả sự sáng tạo này không hề phản cảm, mà theo anh Hồng Phúc – chủ quán Toilet Kingdom, đó là cách tạo sự khác biệt trong hàng ngàn quán cà phê ở Sài Gòn.
Sự sáng tạo chưa dừng lại ở đó. Tất cả ly, chén, đĩa ở quán cà phê này đều mô phỏng những vật dụng có trong toa lét. Thậm chí, thức ăn còn được tạo hình na ná như “chất thải”, khiến ai có trí tưởng tượng dồi dào sẽ khó mà thưởng thức nổi.
4. CÀ PHÊ BATO (Q.1, TP.HCM)
Tổ hợp giải trí Bato vừa mới khai trương không lâu, chủ quán là chị Vân Thanh – người gốc Hà Nội. Vốn là dân kiến trúc, cộng với cảm hứng sáng tạo không ngừng nghỉ, chị quyết định mở ra mô hình tổ hợp giải trí này. Ban đầu, thiết kế quán xuất phát từ những cảm hứng bay bỗng của chị, dần dần phong cách quán được định hình rõ ràng hơn.
Nếu một lần bước vào, chúng ta sẽ cảm nhận ngay không khí trầm mặc, cổ kính như hồn của phố cổ Hà Nội được chị Vân Thanh đưa vào. Diện tích Tổ hợp giải trí Bato khá rộng, hơn 500 mét vuông, nhiều cây xanh. Giữa trung tâm Sài Gòn, có được một không gian như thế là điều hiếm có.
Đầu tiên khi bước vào Tổ hợp giải trí Bato là ẩm thực street style, nghĩa là phong cách ẩm thực đường phố. Đúng với phong cách đó, nội thất của quán ăn vô cùng đơn giản, được làm chủ yếu từ đồ tái chế như bao bố, vỏ chai…
Bước vào trong một chút, chúng ta sẽ được thưởng thức các món ăn dân dã, đặc trưng xứ Bắc như ba rọi nướng lá bưởi, gà nướng lá chanh, chả cá Lã Vọng. Ngoài ra còn có các món ăn nghe khá lạ tai như phở cuốn, phở chiên phồng…
5. CHỢ CONTAINER (Q. Tân Phú, TP.HCM)
Vì nhiều lý do khác nhau mà tại các bến cảng trên khắp cả nước, hàng ngàn thùng container nằm chất đống như một bãi rác khổng lồ, phơi mình giữa nắng mưa. Quả thật, để càng lâu thì càng lãng phí và gây nguy hại cho môi trường.
Với mong muốn kinh doanh tiết kiệm và thân thiện với môi trường, Hoàng Tuấn Anh đã hình thành ý tưởng rất độc đáo, đó là xây dựng một khu chợ phiên bằng thùng container. Thời gian đầu đi vào hoạt động, Chợ phiên Eco Box Container của ông chủ 30 tuổi đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới trẻ Sài Gòn cũng như cộng đồng mạng.
Sau một thời gian tìm hiểu, Tuấn Anh nhận thấy thật lãng phí và nguy hại cho môi trường nếu như hàng ngàn thùng container cũ nằm bất động ở một sân bãi nào đó. Và cũng thật lãng phí nếu một công trình xây dựng từ bê tông – cốt thép sẽ bị đập đi khi xây trên đất quy hoạch. Từ những suy nghĩ rất thấu đáo đó đã giúp anh hình thành nên ý tưởng rất độc đáo, đó là Khu chợ phiên Eco box Container.
Gần 50 thùng container cũ được xếp sát lại nhau, mỗi thùng chia thành 2 gian hàng đối xứng, có diện tích từ 15 đến 30 mét vuông. Từ những container cũ kỹ, xám xịt bị bỏ hoang, nay đã trở thành những ki-ốt tiện nghi, thoáng mát và đủ màu sắc. Các bạn trẻ đến đây có thể thoả sức chụp hình lưu niệm với các container được sơn màu cờ của nhiều nước trên thế giới.
Cảm ơn bài viết của đọc giả Trung Kiên !