Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu, bệnh ở người được chia thành 3 nhóm chính, đó là: bệnh truyền nhiễm (bệnh lây), bệnh không truyền nhiễm (bệnh không lây) và bệnh do tai nạn (tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…). Trong những năm gần đây, xu hướng tiến triển là sự gia tăng tỷ trọng bệnh không truyền nhiễm và tai nạn, cùng với sự giảm tỷ trọng bệnh truyền nhiễm. Điều này đồng nghĩa với việc số người mắc các bệnh không lây và bị tai nạn ngày càng tăng lên, trong khi số người mắc các bệnh lây có xu hướng giảm.
Đây không phải là một điều đáng mừng vì phần lớn những bệnh không truyền nhiễm là những bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài và gần như là suốt đời, nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức lao động, hiệu quả làm việc cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội.
Nói sâu hơn về nhóm bệnh không truyền nhiễm, ta có thể kể đến như là những bệnh về tim mạch, nội tiết, ung thư, bệnh phổi mãn tính, suy tủy, suy gan,…Hầu hết và gần như toàn bộ những bệnh không truyền nhiễm là những bệnh mà người bệnh khi mắc phải là cần uống thuốc điều trị lâu dài. Bệnh ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe, khả năng lao động, làm việc, tuổi thọ của người bệnh, gây tốn kém thời gian, tiền bạc. Tùy từng loại bệnh, với sự tuân thủ quá trình điều trị kéo dài, uống thuốc đầy đủ, liên tục của người bệnh thì có bệnh ổn định hoàn toàn, người bệnh sẽ sinh hoạt và làm việc như một người bình thường; có bệnh tiến triển ngày càng nặng dần làm suy yếu sức khỏe của bệnh nhân; cũng có bệnh xuất hiện những đợt thuyên giảm xen kẽ những đợt trở nặng và cần phải tăng cường điều trị.
Tuy nhiên, trong nhóm bệnh truyền nhiễm, cũng có những bệnh mạn tính, tức là khi nhiễm rồi thì không thể điều trị hết được mà phải uống thuốc kéo dài để ngăn chặn sự trở nặng của bệnh. Một trong số đó là bệnh HIV-AIDS. Trong phạm vi của bài viết này không đề cập đến HIV-AIDS vì thời gian sống và kỳ vọng sống của người bệnh không dài (chỉ khoảng 10 năm).
Sau đây là thống kê 10 bệnh phải uống thuốc điều trị suốt đời xếp theo thứ tự phổ biến của bệnh. Phần lớn là các bệnh mạn tính không lây, thời gian sống của người bệnh kéo dài trung bình trên 15 năm nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, có lối sống lành mạnh, hợp lý, khoa học.
1. Tăng huyết áp:
Tăng huyết áp hay dân gian còn gọi là lên máu, lên tăng xông, cao huyết áp. Một người bị tăng huyết áp khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) cao hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) lớn hơn 90 mmHg. Tăng huyết áp phần lớn là không có nguyên nhân rõ rệt. Theo thống kê, hiện tại có khoảng 1 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp, con số này tại Việt Nam là 10 triệu người và vẫn đang tăng lên không ngừng. Tăng huyết áp nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù mắt,… Người bệnh tăng huyết áp cần phải uống thuốc điều trị suốt đời để giữ cho huyết áp được ổn định trong mức cho phép. Nếu tuân thủ đúng lời dặn của bác sĩ tim mạch, người bệnh vẫn có sức khỏe tốt và làm việc, sinh hoạt như những người bình thường.
2. Bệnh mạch vành:
Bệnh mạch vành là một danh từ chung chỉ những bệnh liên quan đến mạch máu nuôi tim như đau thắt ngực ổn định, thiếu máu cục bộ cơ tim, đau thắt nhực không ổn định, đau thắt ngực không điển hình, nhồi máu cơ tim. Bệnh khá phổ biến và cũng là một trong những bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong hàng đầu. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 17,5 triệu người tử vong do bệnh mạch vành. Tại Việt Nam, có trên 16,3% dân số trên 25 tuổi mắc bệnh mạch vành (thống kê năm 2015). Những yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành là hút thuốc lá, béo phì, chế độ ăn nhiều mỡ, ít vận động thể lực, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, gia đình có người mắc bệnh mạch vành,…Để điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế các biến chứng, người bệnh cần phải uống thuốc duy trì suốt đời, thay đổi lối sống như: chế độ ăn ít mỡ, tập thể dục, bỏ thuốc lá,…
3. Đái tháo đường:
Đái tháo đường hay dân gian còn gọi là bệnh tiểu đường vì biểu hiện của bệnh là đường xuất hiện trong nước tiểu. Người bệnh đái tháo đường có mức đường huyết trong máu cao thường xuyên (trên 200mg% ở thời điểm bất kỳ, và cao hơn 126 mg% lúc đói), dễ bị nhiều biến chứng nếu kiểm soát đường huyết không tốt như: nhiễm trùng da, bàn chân, các biến chứng về tim mạch (nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim,…), thần kinh (thoái hóa dây thần kinh, viêm não,…), hô hấp (viêm phổi), và nhiều biến chứng toàn thân khác. Theo thống kê năm 2013, trên thế giới có đến 382 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Dự báo đến năm 2035, con số này sẽ tăng lên đến 592 triệu. Vì vậy, việc tuân thủ điều trị của người bệnh là rất cần thiết và bắt buộc. Vì là một bệnh mạn tính nên người bệnh đái tháo đường cũng phải uống thuốc suốt đời để giữ đường huyết được ổn định, tránh những biến chứng cho cơ thể.
4. Động kinh:
Động kinh là một bệnh thuộc chuyên khoa Tâm Thần Kinh, do sự phóng điện quá mức từ các tổ chức não, biểu hiện bằng những cơn co giật trên lâm sàng. Theo thống kê của nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ bệnh động kinh chiếm khoảng 0,5-0,7% dân số, tỷ lệ mắc bệnh hàng năm là 20-70 người trên 100000 dân và có xu hướng tiếp tục tăng. Tính chất nguy hiểm của bệnh thể hiện ở việc người bệnh trong cơn co giật do động kinh sẽ mất hết ý thức, dễ bị tai nạn, cắn lưỡi, hoặc nguy hiểm đến tính mạng (nếu bị té sông, đang chạy xe trên đường,…). Cơn co giật do bệnh động kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong mọi thời điểm. Vì vậy, người bệnh động kinh cần phải uống thuốc điều trị gần như suốt đời để kiểm soát sự bùng phát các cơn động kinh. Đồng thời, người bệnh cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya, làm việc quá sức; hạn chế các thức uống kích thích như trà, cà phê, hạn chế stress trong cuộc sống, trong công việc.
5. Tâm thần phân liệt:
Tâm thần phân liệt được biết đến là một rối loạn tâm thần nặng nhất trong tất cả các bệnh tâm thần. Tỷ lệ bệnh trong dân số chiếm khoảng từ 0,3-1%. Theo thống kê trên thế giới có khoảng trên 25 triệu người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ngày nay, do tình hình kinh tế xã hội diễn tiến phức tạp, áp lực công việc ngày càng cao, stress trong cuộc sống ngày càng nhiều nên tỷ lệ bệnh tâm thần phân liệt cũng có xu hướng gia tăng. Đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt là bệnh kéo dài mãn tính và rất thường xuyên tái phát. Vì vậy, người bệnh cần phải uống thuốc liên tục và suốt đời để hạn chế tái phát cơn, hạn chế sự trở nặng của bệnh và duy trì hoạt động, lao động bình thường với gia đình, xã hội.
6. Viêm gan siêu vi B:
Viêm gan siêu vi B là một trong số ít những bệnh truyền nhiễm (bệnh lây lan) mà người bệnh phải uống thuốc lâu dài. Ở người trưởng thành, chỉ có 10% người nhiễm virus viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan mạn tính. 90% người nhiễm còn lại, cơ thể sẽ tự tạo miễn dịch, kháng thể tiêu diệt virus. Tỷ lệ người bệnh viêm gan B ở Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 18-20% dân số. Bệnh rất dễ lây lan và con đường lây mạnh nhất theo nhiều nghiên cứu gần đây là đường máu. Một người nếu đã được bác sĩ chẩn đoán bị viêm gan siêu vi B mãn tính thì cần phải uống thuốc suốt đời để khống chế sự nhân lên và sự tấn công của virus, kéo dài quá trình dẫn đến xơ gan, ung thư gan về sau.
7. Hội chứng thận hư:
Hội chứng thận hư là bệnh tổn thương một tổ chức ở thận gọi là cầu thận, gây nên tình trạng tiểu protein ồ ạt, làm cho cơ thể dễ bị phù, dễ bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân của bệnh rất đa dạng bao gồm: viêm cầu thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh nhiễm độc kim loại chì, thủy ngân, nhiễm liên cầu trùng,…Bệnh thường gặp ở trẻ em, chiếm 10-30% tổng số trẻ bị bệnh thận. Tuổi trung bình mắc bệnh tại Việt Nam là 8,7 tuổi. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng như suy thận, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, thậm chí có thể tử vong. Người mắc hội chứng thận hư nói chung phải uống thuốc điều trị suốt đời để kiểm soát tình trạng tiểu đạm và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.
8. Hở van tim:
Hở van tim có thể xảy ra ở trả em do bẩm sinh hoặc ở người lớn (do chấn thương, phẫu thuật, viêm nhiễm,…). Đặc trưng của bệnh này là tình trạng xanh tím, sức khỏe yếu, dễ ngất và âm thổi của tim. Hở van tim có thể xảy ra ở 1 hoặc nhiều van như van 2 lá, van 3 lá, van động mạch phổi, van động mạch chủ. Mức độ hở càng nhiều thì bệnh càng nặng, tuổi thọ bệnh nhân càng giảm. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim nhanh chóng. Đối với những trường hợp hở van tim mức độ trung bình đến nặng, việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật sửa van hoặc thay van tim sinh học hoặc van tim nhân tạo. Sau khi được sửa van hoặc thay van, người bệnh cần phải uống thuốc liên tục để duy trì sự ổn định của van, ngăn ngừa huyết khối (cục máu đông) có thể làm tắc van gây nhồi máu cấp rất nguy hiểm đến tính mạng.
9. Bệnh Parkinson:
Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa của một tổ chức thần kinh, dẫn đến sự suy giảm khả năng vận động, lời nói và nhiều chức năng khác. Biểu hiện của bệnh là sự run tay, chân, quanh miệng, chậm chạp khi vận động, khi nói chuyện, suy giảm dần trí nhớ và nhận thức. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, chiếm tỷ lệ 1-1,5% người trên 65 tuổi. Bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng và nặng dần nếu không được điều trị kịp thời. Trong những trường hợp nặng, người bệnh thậm chí sẽ chỉ nằm một chỗ và không thực hiện được bất kỳ một động tác nào. Vì vậy, khi đã phát hiện mắc bệnh Parkinson, cần phải uống thuốc điều trị liên tục từ đó đến suốt đời để kéo dài thời gian sống của người bệnh (có thể trên 15 năm), làm chậm quá trình trở nặng của bệnh, giúp người bệnh sinh hoạt, đi lại như một người bình thường.
10. Ung thư tuyến giáp:
Ung thư tuyến giáp là một bệnh có tiên lượng tốt nhất trong tất cả các loại bệnh ung thư nói chung. Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng về sau. Tỷ lệ mắc bệnh không cao, chỉ chiếm 1,3-2,7 trên 100000 dân. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật tuyến giáp, người bệnh cũng cần phải uống thuốc thay thế hormon giáp suốt đời. Vì tuyến giáp đã bị cắt mất, nếu thiếu hormon giáp trạng thì cơ thể sẽ bị rối loạn trầm trọng. Hormon giáp là một loại hormon tác động đến toàn cơ thể, duy trì sự ổn định của các cơ quan và kích thích sự phát triển, trưởng thành của cơ thể. Vì vậy, việc uống thuốc thay thế hormon giáp suốt đời sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là một liệu pháp điều trị bắt buộc đối với tất cả người bệnh ung thư tuyến giáp nhằm duy trì cuộc sống bình thường.
Ngoài những bệnh kể trên, vẫn còn khá nhiều bệnh phải uống thuốc điều trị suốt đời nhưng tỷ lệ mắc bệnh không cao hoặc thời gian sống của người bệnh ngắn (dưới 5 năm) như: lupus ban đỏ hệ thống, HIV-AIDS, các loại ung thư, suy tủy, các bệnh tự miễn,…Nói chung, người mắc các bệnh mạn tính cần phải lạc quan và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thốc đều đặn và liên tục để duy trì cuộc sống bình thường, tích cực làm việc, lao động, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.