Kiến trúc Trung Quốc mang đặc điểm độc đáo là một phần quan trọng của nền văn minh Trung Hoa huy hoàng. Kiến trúc Trung Quốc cùng với kiến trúc phương Tây và kiến trúc I-xlam tạo thành ba hệ thống kiến trúc lớn của thế giới. Trong lịch sử, kiến trúc Trung Quốc coi trọng giao lưu với nước ngoài về đặc điểm nghệ thuật và phương pháp kỹ thuật, từng có ảnh hưởng quan trọng đối với kiến trúc các nước Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ,… Ngày nay, trong khi giữ lại phong cách truyền thống, kiến trúc Trung Quốc hiện đại cũng học tập đặc điểm nghệ thuật phương Tây, tiếp thu đủ mọi mặt, không ngừng phát triển.
Bộ mặt quốc gia Trung Quốc ngày nay phần nào được thể hiện qua những công trình kiến trúc tiêu biểu trong những năm gần đây. Đó là thiết kế của các tên tuổi lừng danh trong ngành kiến trúc, từ Rem Koolhaas – kiến trúc sư người Hà Lan từng đoạt giải thưởng kiến trúc danh giá Pritzker – cho đến tài năng mới nổi người bản địa Yansong Ma. Từ những đường cao tốc xuyên lục địa, tới các sân bay hay thành phố khổng lồ, Trung Quốc khiến du khách choáng ngợp trước những công trình ấn tượng.
Sau đây, 10hay mời bạn đọc cùng điểm qua danh sách top 10 công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện tại:
1. Vạn Lý Trường Thành
Khi nói đến những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Trung Quốc, không thể nào không nhắc đến Vạn Lý Trường Thành. Đây là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc liên tục được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 trước Công nguyên cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu.
Theo số liệu mới được công bố, Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 km. Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5 – 6m. Vạn Lý Trường Thành được liệt vào danh sách “Bảy kỳ quan thời Trung cổ của thế giới”. Năm 1987, Vạn Lý Trường Thành được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
2. Tòa nhà trụ sở đài truyền hình trung ương Trung Quốc
Tòa nhà trụ sở đài truyền hình trung ương Trung Quốc là một tòa nhà chọc trời được hoàn thành tháng 7 năm 2008 ở Bắc Kinh, Trung Quốc với chức năng là trụ sở mới của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). Tòa nhà trụ sở CCTV được thiết kế bởi công ty kiến trúc OMA có trụ sở tại Hà Lan. Hai kiến trúc sư chịu trách nhiệm chính của dự án là Ole Scheeren và Rem Koolhaas.
Đặc điểm nổi bật của tòa nhà trụ sở CCTV là hình dáng khác thường của công trình, nó bao gồm hai phần nhà tách rời (một phần dành cho phát sóng, một phần dành cho dịch vụ và các hoạt động khác của CCTV) được nối với nhau bởi phần mái lớn tạo thành một đa giác có múi chĩa ra. Theo CCTV, sở dĩ ý tưởng của OMA được chọn vì nó vừa đại diện cho hình ảnh của một thành phố Bắc Kinh mới, đồng thời thể hiện những ý tưởng kiến trúc và văn hóa mang tính đột phá, góp phần tạo dựng hình ảnh cho CCTV cũng như thúc đẩy sự phát triển của kiến trúc Trung Quốc
3. Nhà hát “Quả Trứng”
Là tác phẩm của kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu, nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc còn được gọi bằng cái tên “Quả Trứng”. Công trình này chính thức khánh thành vào năm 2007 với 3 thính phòng rộng lớn.
Nhà hát nằm bên cạnh quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. Nơi đây là trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn nhất Trung Quốc. Với công trình này, kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu đã giành chiến thắng trước kiến trúc sư người Nhật Arata Isozaki trong một cuộc thi kiến trúc quốc tế.
4. Quần đảo nhân tạo Stonehenge
Quần đảo nhân tạo Stonehenge được xây dựng tại ven biển tỉnh Hải Nam được ví như “Dubai của Trung Quốc”. Công trình này được thiết kế bởi Ma Yansong, một học trò của kiến trúc sư quốc tế Zaha Hadid. Đây là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Trung Quốc và cũng được xem là công trình có kiến trúc kỳ lạ, độc đáo.
5. Nhà hát Opera Quảng Châu
Nhà hát Opera Quảng Châu được xem là một công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Trung Quốc trong những năm gần đây. Điểm độc đáo của công trình gồm 2 khối tích được bọc trong lớp vỏ với vân hình tam giác được làm từ bê tông, kính,\ và thép. Tổ hợp này rộng 70.000 m2 và được đặt tại trung tâm của khu đô thị văn hóa của thành phố với mục đích tạo nên một mối liên kết giữa sông Pearl với phía nam đồng thời đóng vai trò phát triển chức năng đô thị thông qua việc kết nối bờ sông và cảng biển. Thiết kế còn mang tính biểu tượng như một cửa ngõ của Quảng Châu – một điểm đến văn hóa của châu Á.
6. Khu nghỉ dưỡng Sheraton Huzhou Hot Spring Resort
Sheraton Huzhou Hot Spring Resort là một khách sạn và khu nghỉ dưỡng sang trọng nằm tại Hồ Châu, Trung Quốc. Nó có biệt danh là “Khách sạn móng ngựa” và “Khách sạn donut” do hình dáng của nó. Khách sạn hình móng ngựa có 27 tầng nằm bên hồ Thái Hồ giữa Nam Kinh và Thượng Hải.
Khu nghỉ dưỡng 4 sao có 321 phòng, 37 khu biệt thự, 40 dãy phòng, một phòng tổng thống, đãi đậu xe, trung tâm chăm sóc sức khỏe và thể dục, 4 nhà hàng, 1 tiệm cà phê, 1 hồ bơi trẻ em và phòng có sân thượng. Thiết kế được vẽ bởi kiến trúc sư Yansong Ma và được xây dựng bởi Tập đoàn Shanghai Feizhou.
7. Tòa nhà “Đồng Vàng Quảng Châu”
Tòa nhà cao tầng có tên “Đồng Vàng Quảng Châu” này là một thiết kế của kiến trúc sư người Ý. Tòa nhà này cao tới 33 tầng và mang dáng vẻ đúng như một đồng tiền theo nghĩa đen. Tòa nhà hình tròn, cao 138 m, được xây dựng mô phỏng đồng tiền xu cổ của Trung Quốc. Tòa nhà khuyết phần giữa và được sơn màu vàng. Đây là trụ sở của Hongda Xingye, một tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng và hóa chất.
8. Sân vận động quốc gia Bắc Kinh
Sân vận động quốc gia Bắc Kinh, còn được gọi với cái tên thân mật “Tổ chim” hay “Mắt chim”, là một thiết kế độc đáo, không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Sân vận động tạo được ấn tượng nhờ thiết kế phần mặt ngoài theo hệ kết cấu trợ lực, có cảm giác không có sự ngăn cách giữa phần chính của sân và phần vỏ bọc ngoài cùng. Một hệ lưới sắt khổng lồ, trông giống một tổ chim với dây bện đan xen nhau đã tạo nên kết cấu đặc biệt này.
Người hâm mộ đến sân sẽ phải đi qua cấu trúc rối rắm này để bước vào những hành lang rộng rãi, bao bọc xung quanh khu vực ghế ngồi. Nơi đây có chức năng như những khoảng đệm, hay hệ thống phòng đợi lớn, với hàng loạt cửa hàng ăn uống, khu mua sắm phù hợp với người hâm mộ thể thao.
9. Trung tâm Tài chính thế giới Thượng Hải
Trung tâm Tài chính thế giới Thượng Hải là một tòa nhà chọc trời cao nhất ở Thượng Hải. Tòa nhà cao 101 tầng này được công ty Kohn Pedersen Fox thiết kế, cao 492 m, 101 tầng, hoàn thành năm 2008. Đây là tòa tháp cao nhất Trung Quốc và cao thứ tư thế giới sau tháp Đài Bắc 101 của Đài Loan, Willis Tower của Hoa Kỳ và tòa tháp cao nhất thế giới hiện nay- Burj Khalifa của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Chi phí xây dựng là 850 triệu USD.
10. Tháp truyền hình Thượng Hải
Tháp truyền hình Thượng Hải, hay còn gọi là tháp Minh Châu Đông Phương là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã trở thành công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố Thượng Hải. Tháp được thiết kế bởi kiến trúc sư Giang Huancheng và được hoàn thành năm 1994. Với độ cao 468 m, nó là tháp cao nhất châu Á và tháp cao thứ 3 thế giới.
Xem thêm:
- Top 10 hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới
- Top 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới