Nhà thờ là nơi để thờ phụng, cầu nguyện của các tín đồ tôn giáo thuộc các đạo như: Ki-tô, Hồi, Cao Đài. Nhà thờ là một địa điểm mang tính tâm linh, tinh thần quan trọng, đóng vai trò như một trung tâm giáo lễ linh thiêng nhất trong đạo. Mỗi tôn giáo có một mô hình kiến trúc nhà thờ riêng, thờ một Đấng tối cao riêng.
Tại Việt Nam có một số loại hình nhà thờ quen thuộc như nhà thờ Họ để thờ cúng tổ tiên trong dòng họ (cư dân Việt ở các vùng đồng bằng); nhà thờ Ki-tô giáo gồm nhà thờ Công giáo và nhà thờ Tin Lành, phổ biến trên cả nước; nhà thờ Hồi giáo có mặt ở những vùng có dân tộc Chăm sinh sống ở Nam Bộ; nhà thờ Cao Đài có mặt ở một số tỉnh Nam Bộ như An Giang, Bến Tre, Trà Vinh.
Nước ta không chỉ có những ngôi chùa cổ kính mà còn có nhiều nhà thờ cổ với hàng trăm năm tuổi, đa số được xây dựng vào thời Pháp thuộc, khi mà đạo Cơ Đốc được truyền bá vào Việt Nam. Sau đây, 10hay xin giới thiệu đến độc giả top 10 nhà thờ cổ nhất Việt Nam từ Bắc vào Nam để mọi người mở rộng tầm hiểu biết:
1. Nhà thờ đá Sa Pa
Nhà thờ đá Sa Pa được xây dựng năm 1895, tính đến nay, nó đã được 122 năm tuổi. Người Pháp xây dựng nhà thờ này nhằm truyền bá đạo Cơ Đốc vào vùng đất miền núi Tây Bắc Việt Nam. Nhà thờ mang lối kiến trúc Gothic phương Tây.
Hướng của nhà thờ có ý nghĩa tâm linh quan trọng: Cổng nhà thờ quay về phía Đông, được xem như hướng đón nguồn ánh sáng của Chúa Trời. Khu tháp chuông phía cuối nhà thờ là hướng Tây, nơi sinh thành của Chúa Kitô.
Toàn bộ nhà thờ bao gồm tường, nền nhà, tháp chuông, sân và bờ kè xung quanh được xây bằng đá, được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm. Đặc biệt trần ở phần gác chuông nhà thờ là hỗn hợp của vôi, rơm, sắt chưa cần phải sửa chữa lần nào.
Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 6.000 m2, nhà thờ đá Sapa có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: khu nhà thờ, dãy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà chăn nuôi, nhà thiên thần, khu Vườn Thánh.
2. Nhà thờ Lớn Hà Nội
Được xây dựng từ năm 1887 đến nay, Nhà thờ Lớn Hà Nội đã có 130 tuổi. Nhà thờ được thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic châu Âu thời Trung cổ. Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục. Đây cũng là một nhà thờ cổ tại thành phố này, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.
3. Nhà thờ Phú Nhai
Nhà thờ Phú Nhai ở tỉnh Nam Định còn có tên gọi khác là Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Phú Nhai. Đây là nhà thờ Công giáo Rôma thuộc Giáo phận Bùi Chu, Việt Nam. Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Xuân Trường hơn 1 km. Đây là một trong những ngôi nhà thờ cổ nhất Việt Nam và có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam. Nhà thờ Phú Nhai nguyên thủy được tạo dựng bằng gỗ vào năm 1866 do linh mục Chính xứ xây dựng.
4. Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120 km về hướng Nam. Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía Bắc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ. Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.
5. Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nét đặc trưng của du lịch Việt Nam.
Nhà thờ do kỹ sư người Pháp tên Bourard chỉ huy xây dựng, bắt đầu khởi công từ năm 1877 và đến năm 1880 thì hoàn thành. Nhà thờ phần nào mô phỏng theo kiểu mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris. Công trình kiến trúc kỳ vĩ với hai tháp chuông cao 57m, Thánh đường dài 133m, ngang 35m và cao 21m. Dưới hai lầu chuông đặt 6 chuông lớn.Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất.
6. Nhà thờ Mằng Lăng
Một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam tọa lạc tại tỉnh Phú Yên đó là nhà thờ Mằng Lăng. Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892, trong khuôn viên rộng 5.000m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá.
Nhà thờ nhỏ nhưng có khuôn viên thoáng mát rợp cây xanh với những hàng cây sa-kê mạnh mẽ. Đặc biệt trước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều hình điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên.
7. Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang
Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang được cha sứ Louis Vallet khởi công xây dựng vào năm 1928 và hoàn thành vào năm 1933. Ngoài tên gọi chính thức là Nhà Thờ Chánh Toà Kitô Vua, nhà thờ còn có các tên gọi khác như: nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Đá, nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ Núi,…
Nhìn từ xa, nhà thờ Chánh Toà Nha Trang tựa như một lâu đài cổ được xây dựng bằng đá phiến màu xám. Công trình nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic với bố cục chắc chắn thể hiện qua những khối lập thể nhỏ dần, vươn cao, cửa vòm đầu nhọn,…là đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo phương Tây.
8. Nhà thờ Chợ Quán
Nằm trong một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây xanh trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM, nhà thờ Chợ Quán được biết đến như thánh đường Công giáo cổ nhất của mảnh đất Sài Gòn. Sau nhiều lần xây dựng rồi bị đập phá, mãi đến năm 1882, cha Nicolas Hamm về kế nhiệm đã đặt nền móng cho ngôi nhà thờ mới. Trải qua 6 đời cha sở, ngôi nhà thờ Chợ Quán mới chính thức khánh thành vào ngày 16/02/1896, chính là ngôi nhà thờ ngày nay.
Nhà thờ được xây theo kiến trúc Gothic với tháp chuông nhọn, nhiều cổng vòm cao được chống đỡ bằng các cột trụ lớn, nhỏ. Tháp chuông nhà thờ Chợ Quán khá đồ sộ, gồm có 3 tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và đỉnh tháp. Không chỉ là một cơ sở tôn giáo quan trọng, ngày nay nhà thờ Chợ Quán còn là điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân quanh khu vực và nơi tham quan thú vị của nhiều du khách khi đến TP.HCM.
9. Nhà thờ Hàm Long
Nhà thờ Hàm Long là một nhà thờ của Giáo hội Công giáo Rôma, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Việt Nam. Đây là một trong những nhà thờ lớn ở Hà Nội và cũng là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam. Nhà thờ tọa lạc ở số 21 phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, công trình do kiến trúc sư người Việt, Doctor Thân (quê ở Hạ Hồi, Thường Tín, Hà Tây) du học ở Pháp thiết kế. Nhà thờ hoàn thành tháng 12/1934, cao 17m.
Đáng chú ý là ở đây người ta dùng nhiều chất liệu xây dựng trong dân gian như: rơm hồ vôi, nứa, giấy bản,… để tạo các vòm cuốn, gây hiệu quả phản âm khi hành lễ mà không cần đến những thiết bị âm thanh hiện đại. Trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các hoạ tiết dây thừng như kiểu dây áo dòng Phanxicô.
10. Nhà thờ An Thái
Nhà thờ Giáo xứ An Thái (Kẻ Bưởi) là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, tọa lạc tại phường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo như lời các cụ trong giáo xứ kể lại thì ngôi nhà thờ này được xây dựng vào những năm 1893-1907, kể từ đó đến nay trải qua những biến cố thăng trầm của dòng lịch sử, ngôi nhà thờ vẫn vững chắc như là dấu chỉ của Đức tin vững vàng trong lòng mỗi người giáo dân An Thái nói riêng và của cả Giáo Hội Việt Nam nói chung.
Với khoảng 125 nhân danh, có lẽ đây là giáo xứ có số nhân danh ít nhất của Tổng Giáo phận Hà nội. Tuy nhiên giáo xứ vẫn có Thánh lễ vào tất cả các ngày trong tuần. Đặc biệt là thánh lễ chủ nhật và các ngày đại lễ, luôn có khoảng 500 – 600 người tham dự, phần nhiều trong số đó là sinh viên, học sinh, và những người di dân từ các giáo xứ miền quê lên đây làm ăn sinh sống.
Xem thêm:
- Top 10 ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam
- Top 10 ngôi chùa nổi tiếng ở miền Tây