Nhà cổ là những công trình kiến trúc được xây dựng từ thời xưa, mang phong cách cổ điển với những quy tắc riêng biệt và điển hình đã được con người sử dụng trong lịch sử. Những ngôi nhà cổ ở nước ta đã được xây dựng với số lượng rất nhiều vào thời vua chúa đến thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Có những ngôi nhà đã bị tàn phá bởi chiến tranh hoặc hư hỏng theo thời gian, nhưng cũng có những ngôi nhà vẫn được bảo vệ, vẫn trường tồn cho đến ngày hôm nay.
Dù được xây dựng theo nhiều kiểu cách, dưới những thời đại khác nhau nhưng điểm chung nhất của những ngôi nhà cổ là thể hiện được tài hoa, tri thức và truyền thống trong kiến trúc cổ Việt Nam. Đó là những nét đặc sắc trong kiến trúc cung đình giao hòa với kiến trúc dân gian mang đậm bản chất dân tộc.
Sau đây 10Hay.com xin giới thiệu đến mọi người top 10 ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam, những ngôi nhà có sức sống bền bỉ, vẻ đẹp cổ kính, quý phái và thanh cao:
1. Nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng
Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được xây dựng vào năm 1810, là một trong những kiến trúc nhà ở cổ nhất xứ Thanh và là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam.
Nhà được làm chủ yếu bằng gỗ với 29 cột cái, mái nhà được lợp bằng 16.000 viên ngói vảy cá. Hai xà chính của ngôi nhà được làm bằng gỗ táu với nhiều nét chạm trổ độc đáo, tinh xảo tạo nên vẻ đặc trưng, cổ kính cho ngôi nhà.
2. Nhà gỗ của quan Tổng đốc Sơn Tây
Tọa lạc giữa vùng đất học Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ngôi nhà 5 gian làm bằng gỗ lim và vàng tâm là ngôi nhà của quan Tổng đốc Sơn Tây Đào Trọng Kỳ, người có công đào sông giúp dân thoát cảnh cơ hàn là một trong số rất ít công trình nhà cổ được bảo tồn cho đến nay. Nhà mang vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ, quý phái của giới quan chức ngày xưa.
Ngôi nhà được xây dựng vào những năm 1890 trên nền đất cổ của cha ông để lại. Ba bậc tam cấp chạy dài suốt mặt tiền nhà được ghép bằng các tảng đá xanh tự nhiên nguyên khối. Tường nhà được xây bằng gạch đất nung bản mỏng. Đặc biệt, công trình được xây toàn bằng vôi, cát, không có xi măng, sắt thép.
3. Nhà cổ làng Lộc Yên
Nằm cách thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam hơn 30km, làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) nổi tiếng với những ngôi nhà cổ đẹp. Trong đó, có ngôi nhà gần 200 năm của ông Nguyễn Đình Hoan. Ngôi nhà nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, hướng ra cánh đồng lúa, cao hơn những nhà trong làng khoảng 50m.
Nhà nằm trong khuôn viên rộng hơn 4ha, phía trước ngôi nhà có bể cá, vườn cây cảnh. Toàn bộ căn nhà cũng như bàn, ghế, sập,…còn chắc chắn. Ngôi nhà nổi tiếng không chỉ vì đẹp mà còn gắn với giai thoại 2 lần ông Ngô Đình Diệm hỏi mua nhưng không được. Nhà rộng hơn 100m2, làm bằng hàng trăm mét khối lõi gỗ mít rừng do những người thợ mộc nổi tiếng làm trong suốt 12 năm.
4. Nhà cổ Phùng Hưng
Nhà cổ Phùng Hưng tọa lạc tại số 04 Nguyễn Thị Minh Khai, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Nhà cổ Phùng Hưng là nơi chứng kiến sự ra đời của tám thế hệ gia đình Phùng Hưng. Năm 1985, ngôi nhà này đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam như một kiểu mẫu về lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao.
Nhà cổ Phùng Hưng là kiến trức tổng hợp của 3 trường phái: Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà có kết cấu khá độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách Á Đông.
5. Nhà của công tử Bạc Liêu
Nhà của công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Ngôi nhà đã hấp dẫn biết bao du khách bởi vẻ đẹp quý phái, thanh cao. Với không gian khoáng đãng và kiến trúc hài hòa, nhà được xem là góc phố đẹp nhất của người dân Bạc Liêu.
Được xây dựng từ năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế, ngôi biệt thự khoát lên mình một vẻ Tây Âu hiện đại và sang trọng. Nằm trong hệ thống nhà hàng khách sạn của công tử Bạc Liêu, ngôi nhà nổi bật bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ: những chiếc đèn màu vàng lung linh, hai đại sảnh rộng rãi, những hoa văn trang trí đẹp mắt,…
6. Nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ
Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy mỗi năm tiếp đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhà cổ Bình Thủy mang kiến trúc Pháp, là sự kết hợp giao lưu văn hóa Đông – Tây, được thể hiện nhiều họa tiết, hoa văn đẹp mắt.
Ngôi nhà rộng năm gian hai chái, sân trước lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung tao nhã. Nhà rất rộng rãi với sáu hàng cột gỗ lim đen bóng. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Đến tham quan nhà cổ, du khách còn được đàm đạo với gia chủ để hiểu thêm những điều lý thú khác về cuộc sống và sinh hoạt của những gia đình thời xưa.
7. Ngôi nhà cổ 300 tuổi ở Hà Nội
Nằm ở phía tây của thủ đô, sâu bên trong một con ngõ nhỏ ở xã Đông Ngọc, nhà thờ dòng họ Đỗ hiện vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cách đây 3 thế kỷ. Đây là một nhà thờ họ hiếm hoi được xây dựng theo kiến trúc như một đình làng. Giá trị của ngôi nhà dễ nhận thấy nhất qua đôi hạc đứng trên mình hai con rùa và hai tấm bia ở gian dĩ tòa nhà tiền tế.
Qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được các hoành phi, câu đối, hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa,…Trong gần 100 ngôi nhà cổ ở làng Đông Ngạc, nhà thờ dòng họ Đỗ được đánh giá là cổ nhất và có giá trị nhất.
8. Nhà cổ Tấn Ký
Nhà cổ Tấn Ký tọa lạc tại số 101, Nguyễn Thái Học, Minh An, thành phố Hội An, Quảng Nam. Trải qua hơn 200 năm, nhà cổ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kết cấu và kiến trúc như ngày đầu mới xây dựng. Đây là điểm dừng chân thú vị trong hành trình khám phá nét cổ kính của phố cổ Hội An.
Vốn là nơi gia đình họ Lê sinh sống 7 đời, chủ hiệu buôn Tấn Ký xây dựng ngôi nhà từ giữa thế kỷ 18. Gỗ là nguyên liệu chính để xây nhà. Bên cạnh đó còn có các loại đá và gạch lát. Đá đem về từ Thanh Hóa giữ cho những cột gỗ không bị mục. Gạch lát nền là loại gạch Bát Tràng, mùa hè mát, mùa đông ấm. Đây là ngôi nhà cổ đầu tiên vinh dự trở thành Di sản quốc gia và cũng là ngôi nhà cổ duy nhất ở Hội An hân hạnh đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, chính khách trong và ngoài nước.
9. Nhà cổ làng Cự Đà
Không chỉ có nhà ba gian, năm gian, làng Cự Đà còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây cách đây cả trăm năm. Làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 20km. Làng nổi bật vẻ cổ kính bởi những ngôi nhà mang phong cách truyền thống.
Tại đây, người dân vẫn lưu giữ những ngôi nhà ba gian, năm gian lợp ngói. Ngoài các ngôi nhà cổ, làng còn có những chùa, miếu được xếp hạng di tích quốc gia. Có thể nói làng Cự Đà là một điểm đến thú vị đối với những người muốn tìm hiểu nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
10. Nhà cổ Nam Bộ
Nhà cổ Nam Bộ nằm trong khuôn viên của làng du lịch Mỹ Khánh tại địa chỉ số 335, lộ Vòng Cung, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Nhà cổ là một địa điểm tham quan để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khách du lịch gần xa.
Đã hơn 100 năm tuổi, nhà cổ Nam Bộ mang một âm hưởng rất xưa không chỉ về kiến trúc mà còn về nếp nhà, nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt và cuộc sống đời thường của tầng lớp có địa vị ở vùng đất Nam Bộ thời trước. Khi vào nhà, du khách sẽ cảm nhận được một phong cách cao sang, chiêm ngưỡng những nét chạm trổ trên gỗ khá tinh tế nằm rải rác trong nhà từ tủ thờ đến những vật dụng được bảo quản và trưng bày tại đây. Không gian yên tĩnh, mát mẻ của ngôi nhà sẽ tạo cho du khách một cảm giác yên bình và thanh thản.
Xem thêm:
- Top 10 hồ lớn nhất ở Việt Nam bạn đã đến chưa
- Top 10 di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận