Nói đến nhạc cụ dân tộc Việt Nam thì phải khẳng định rằng nước ta có một kho tàng nhạc cụ cổ truyền hết sức đa dạng và phong phú. Mỗi nhạc cụ dân tộc đều có đặc tính riêng, tất cả vẻ đẹp âm thanh của nó, tạo nên bản sắc độc đáo của âm nhạc. Cùng 10Hay khám phá những nhạc cụ dân tộc độc đáo nhất chỉ có tại Việt Nam.
1. Nhạc cụ dân tộc Đàn Bầu
Đàn bầu hay “Độc huyền cầm” là loại đàn một dây của người Việt. Đàn bầu được chia làm hai loại là: đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Dây đàn có chiều dài chạy suốt thân, làm bằng dây tơ tằm, về sau thay bằng dây sắt. Cần đàn ngày xưa làm bằng tre nay được làm bằng sừng trâu.
Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm khô sau thay bằng gỗ tiện giống hình quả bầu nậm. Trục lên dây làm bằng tre hoặc bằng gỗ và đặt áp vào phía người ngồi chơi đàn. Que gẩy đàn được vót bằng giang hoặc song với một đầu vót nhọn và được làm bông lên. Chính đầu bông xơ này đã tạo cho tiếng đàn ấm hơn. Đàn bầu có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam.
2. Sáo Trúc
Từ xưa đến nay, sáo trúc gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam. Vật liệu chính là trúc hay tre có đường kính 1,5 cm, chiều dài 30 cm. Thân ống được khoét một lỗ thổi có gắn lưỡi gà và 6 hoặc 10 lỗ bấm.
Sáo trúc có thể diễn đạt nhiều sắc thái cung bậc với âm vực rộng trên hai quãng tám. Âm sắc trong sáng, tươi tắn gợi nhớ khung cảnh đồng quê Việt Nam bốn mùa yên ả. Sáo trúc có thể biểu diễn độc tấu nhiều bài bản phức tạp. Ngoài ra sáo trúc còn hòa tấu cùng dàn nhạc cổ truyền, nhạc nhẹ, giao hưởng và thính phòng.
3. Đàn nhị
Đàn nhị hay “ Đàn cò” là một nhạc cụ thuộc bộ dây, nhóm kéo bằng cung vĩ. Cấu tạo gồm có năm phần: cần đàn, thùng đàn (tức ống đàn hay gọi là bát nhị), thủ đàn, ngựa đàn và dây đàn. Đàn nhị có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm thanh trong sáng, rõ ràng, mềm mại.
Đàn nhị có kỹ thuật diễn tấu với những ngón vuốt, nhấn, rung, khá đa dạng. Đây là nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc như: Dàn Nhã nhạc, phường bát âm, ban nhạc chầu văn, chèo, tuồng, cải lương, …
4. Đàn Tam thập lục
Đàn tam thập lục có mặt đàn cấu tạo hình thang cân làm bằng gỗ nhẹ xốp. Cầu đàn, thành đàn làm bằng gỗ cứng, mặt đàn đặt so le hai hàng, mỗi hàng 18 ngựa. Cần đàn bên trái có 36 móc để mắc dây, bên phải có 36 trục để lên dây. Dây đàn làm bằng kim khí, que đàn làm bằng hai thanh tre mỏng. Âm vực của tam thập lục khá rộng khoảng gần 4 bát độ.
Nghệ sĩ sử dụng hai chiếc que tre mảnh gõ lên các sợi dây đàn tạo nên âm thanh. Đàn Tam Thập Lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương. Đàn đệm cho hát, độc tấu, tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
5. Đàn Nguyệt
Mặt thùng đàn có hình tròn như mặt trăng, còn có tên là đàn Kìm. Thùng đàn có đường kính từ 38 đến 40 cm, dày không quá 8 cm. Phía cuối thùng đàn có gắn một cái thú vừa là ngựa đàn, vừa là chỗ mắc dây. Cần đàn làm băng gỗ cứng, dài 90 cm, trên gắn 10 phím cao cách nhau không đều.
Kỹ thuật chơi đàn Nguyệt khá phong phú: tay phải cổ ngón phi, vê, gõ, bịt,… tay trái có ngón rung, nhấn, luyến, láy, giật, vuốt, … Đàn Nguyệt thường được dùng để biểu diễn các thể loại nhạc dân ca của Việt Nam. Ngoài ra, còn được dùng thường xuyên trong ban nhạc chầu văn, tài tử, phường bát âm,…
6. Khèn
Khèn là nhạc cụ thuộc bộ hơi có cấu trúc khá phức tạp gồm nhiều ống trúc xếp cạnh nhau. Một đầu cắm xuyên qua bầu gỗ hình bắp chuối làm hộp cộng hưởng. Nhạc cụ này khá quen thuộc của đồng bào các dân tộc: Thái, Mường, H’Mông, … Người Mường thổi khèn đệm cho những điệu hát, người H’Mông dùng tiếng khèn để giao duyên trai gái.
Khèn H’Mông có 6 ống, khèn Thái có 12 ống bó thành 2 hàng gọi là khèn bè. Khèn bè có âm sắc giòn, mảnh và rè, mỗi ống phát ra 1 âm nhất định. Bên trong ống có lưỡi gà bằng đồng hay bạc giát mỏng. Trên mỗi ống có lỗ bấm gần lưỡi gà nằm phía ngoài bầu, còn lưỡi gà nằm trong bầu. Khèn bè là nhạc cụ đa thanh, âm vực rộng khoảng 1,5 quãng tám, có âm kéo dài .
7. Cồng chiêng – nhạc cụ dân tộc thuộc họ tự thân vang
Là những nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, xuất hiện từ thời văn hóa đồng thau Đông Sơn. Cồng chiêng được đúc bằng hợp kim đồng pha thiếc và chì. Loại có núm gọi là “Cồng” , loại không núm gọi là “Chiêng”. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.
Cồng chiêng có mặt trong âm nhạc của hầu hết các dân tộc Việt Nam. Cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên là giá trị nghệ thuật đã được khẳng định trong đời sống xã hội.
8. Đàn đáy
Loại đàn này không có đáy, khi chơi người ta thường dùng một sợi dây vải để đeo đàn. Đàn đáy thường gắn với hình thức nghệ thuật ”Hát Ả đào”. Đàn đáy gồm một thùng đàn hình thang cân, mặt đàn làm từ gỗ. Đáy đàn có thể không có hoặc để thủng một lỗ hình chữ nhật.
Đàn đáy có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm sắc giống đàn nguyệt, ấm áp dịu ngọt. Nghệ sĩ cần miếng khảy bằng que tre để đánh, ngày nay họ thường dùng miếng khảy nhựa. Kỹ thuật tay phải gồm có ngón khảy, hất, vê giống như cách diễn đàn nguyệt. Kỹ thuật tay trái gồm có ngón chùn, nhấn, láy, đánh chồng âm và hợp âm… Đàn đáy là nhạc cụ độc đáo thường dùng biểu diễn ca trù cùng với phách và trống chầu.
9. Đàn T’Rưng
T’Rưng là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang phổ biến ở Tây Nguyên. Trong dân gian, T’Rưng chỉ có 5 đến 7 ống lồ ô cắt dài ngắn khác nhau. Đàn t’rưng chuyên nghiệp có khoảng 12 đến 16 ống xếp thành hàng trên giá đàn.Các ống này được kết vào hai sợi dây chạy song song làm thành cây đàn.
Khi chơi đàn, người ta dùng hai chiếc dùi bọc vải mà gõ lên các ống. Đàn t’rưng có âm vực rộng gần 3 quãng tám. Có thể đánh chồng âm hoặc đồng âm nhưng 2 nốt cách nhau 1 quãng tám. Những ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao. Âm sắc của đàn t’rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng khá đặc biệt.
10. Đàn đá – nhạc cụ dân tộc gõ cổ nhất của Việt Nam
Đàn đá là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam. Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau, được chế tác bằng phương pháp đẽo thô sơ. Đá dài to, dày cho âm trầm trong khi đá nhỏ, mỏng thì cho âm cao. Vật liệu làm đàn là những loại đá có ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Những phiến đá thô vô tri, vô giác đã được chế tác ra nhạc cụ và thật kỳ diệu. Từ những thanh đá ấy đã cất tiếng vọng của đại ngàn Tây Nguyên vang vọng tới ngày nay. Tiếng đàn như âm vang trầm hùng của núi rừng, tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá còn thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống.