Bảng xếp hạng “ Top 10 trường đại học hạnh phúc nhất TP.HCM ” do Công Ty Cổ Phần Chỉ Số Tín Nhiệm EBIV thực hiện lần 1 đã chứng kiến sự áp đảo của các các khối ngành kinh tế.
Vị trí quán quân năm nay đã thuộc về Đại Học Luật TP.HCM, một tên tuổi hàng đầu về đào tạo luật ở Việt Nam. Sự xuất hiện của ĐH Luật TP.HCM ở vị trí đầu đã thực sự gây bất ngờ lớn khi những người khổng lồ về khối ngành kinh doanh như ĐH Ngoại Thương Cơ Sở 2, ĐH Kinh Tế TP.HCM..luôn được mặc định là những thương hiệu thu hút nhất với đối với học sinh.
Top 10 năm nay một lần nữa khẳng định vị trí hàng đầu của các trường ĐH lớn. Đâu là bí quyết giúp các trường Top 10 chinh phục trái tim sinh viên?
TOP 10 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠNH PHÚC NHẤT TP.HCM
* Theo Chỉ Số Hài Lòng Sinh Viên SSI ( Student Satisfaction Index)
Quý phụ huynh và các bạn học sinh lớp 12 có thể tham khảo chia sẻ của sinh viên để chọn trường phù hợp với con em mình tại đây
Sau khi phân tích hơn 5200 khảo sát, chúng tôi đã thu được nhiều kết quả rất bất ngờ. Đáng chú ý là ” thủ tục hành chính” đang nổi lên như một nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ sinh viên không hài lòng tăng cao.
Thủ tục hành chính, học phí…quả bom nổ chậm
Ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của sinh viên, nhưng qua khảo sát, 25.8% sinh viên không đánh giá cao chính sách học phí, thủ tục hành chính và thái độ làm việc của các bộ phận liên quan. Cá biệt, có những trường tỉ lệ này lên tới 50%.
“Học phí cao hơn nhiều trường khác trong khi chất lượng phòng học thì không tốt, giờ học buổi sáng bắt đầu quá sớm, nếu có thể bắt đầu lúc 7h thì sẽ tốt hơn. Hy vọng trường nghĩ biện pháp cải thiện nạn kẹt xe và kẹt thang máy. Về chất lượng giảng dạy của giảng viên, tôi thấy rất tốt, thầy cô dạy sâu và kỹ, đưa ra nhiều ví dụ thực tế, dễ tiếp thu bài hơn. Trường nên tổ chức nhiều hoạt động tập thể để các khoa, viện, các lớp thi đấu, giao lưu với nhau”
( N.B.N, Sinh Viên Đại Học Công Nghiệp Tp HCM )
Những đề xuất và góp ý của sinh viên chưa được giải quyết triệt để, bức xúc tồn đọng về những yếu kém đã dẫn tới mức độ hài lòng của sinh viên ở nhóm trường này thấp hơn 10% so với mặt bằng chung. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của trường khi những sinh viên không hài lòng có xu hướng khuyến khích người thân, bạn bè không thi vào nhóm trường này.
Phong trào đoàn hội mạnh – vũ khí bí mật hài lòng sinh viên
Các trường có phong trào đoàn hội mạnh, chất lượng, thu hút đông đảo sinh viên tham gia luôn mang lại những luồng gió mới cho môi trường học tập của sinh viên. Khảo sát cho thấy rằng hơn 85% sinh viên của 3 trường dẫn đầu đánh giá cao các hoạt động đoàn hội. Thực tế trong những năm qua, nhiều sự kiện cấp thành và những buổi hội thảo chuyên môn liên trường gần như là sân chơi độc quyền của các trường kinh tế tốp đầu. Ngược lại mối quan tâm của sinh viên các trường tốp cuối (không thuộc Top10) lại tập trung về thủ tục hành chính (57%) và học phí (63%).
Những yếu tố chính sinh viên quan tâm khi tham gia vào các đội, nhóm, câu lạc bộ là rèn luyện kỹ năng mềm, học hỏi kinh nghiệm. Nhóm trường có cơ chế mở và trao quyền hành động nhiều hơn cho sinh viên có mức độ hài lòng cao hơn.
“Trước khi vào học cứ nghĩ mọi thứ sẽ khô khan, nhưng vào rồi thì mới thấy được ULaw tuyệt vời như thế nào. Ở đây mọi người sẽ được tham gia các hoạt động xã hội, tham dự các buổi hội thảo, tọa đàm rất hữu ích. Trong môi trường này còn có rất nhiều con người đầy nhiệt huyết, thân thiện và gần gũi. ULaw là một môi trường tốt để trau dồi và củng cố kiến thức cho tương lai”
( N.V.K.N, sinh viên Trường Đại Học Luật Tp. HCM )
Câu chuyện phong trào đoàn hội một lần nữa khẳng định xu hướng muốn hành động và thể hiện mình của sinh viên. Thành công của các trường top đầu cho thấy nếu nhà trường thực sự đầu tư nghiêm túc vào môi trường học tập, văn hóa học hỏi, hành động, khuyến khích và tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện mình sẽ nâng cao đáng kể mức độ hài lòng.
Chất lượng giảng viên – Chìa khóa chất lượng giáo dục
Chất lượng giảng viên luôn là yếu tố cơ bản để thúc đẩy chất lượng giáo dục. Khảo sát cho thấy tỉ lệ sinh viên hài lòng với chất lượng giảng viên ở các trường top đầu cao hơn 15% so với các trường còn lại.
Một sinh viên tên N.T.H chia sẻ ” 3 năm học tập tại trường ĐH Tài Chính-Marketing, tôi nhận thấy trường có nhiều điểm mạnh về công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên khá hiệu quả, môi trường học tập thân thiện và có nhiều hoạt động học tập, giải trí cho sinh viên. Tuy nhiên còn một vài điểm chưa hài lòng lắm là cơ sở vật chất của trường chưa thực sự đồng bộ ở các cơ sở, bên cạnh một số giảng viên giảng dạy nhiệt tình thì vẫn còn một số giảng viên giảng dạy chưa thật sự thu hút lắm, việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên chưa thật sự hiệu quả.“
Có một thực tế đáng báo động là có gần 4/5 số sinh viên được phỏng vấn cho biết rằng họ đã gặp phải ít nhất một giảng viên “sáng mang giáo án đi – chiều mang giáo án về’’, chỉ giảng cho hết giờ. Thiết nghĩ các trường nên công khai kết quả đánh giá giảng viên, tạo tinh thần thi đua cải tiến và văn hóa chịu trách nhiệm. Có như vậy mới khuyến khích được sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Báo cáo chỉ số hài lòng sinh viên SSI-HCM được xây dựng trên nền tảng phỏng vấn chuyên sâu với mẫu là 200 sinh viên và nghiên cứu định lượng với quy mô mẫu khảo sát 5125 sinh viên đến từ hơn 25 trường đại học tại Tp. Hồ Chí Minh (01.03.2016-20.04.2016).
Bài viết được gởi từ Trưởng nhóm nghiên cứu: Austin Carter