Kỹ năng sơ cứu là những thao tác cần được thực hiện một cách nhanh chóng và gấp rút trong những trường hợp khẩn cấp, cấp cứu ban đầu. Trong những tình huống cấp cứu mà hiện trường nơi xảy ra vụ việc cách xa bệnh viện, phương tiện cấp cứu khó tiếp cận do địa hình, thời tiết,…thì những thao tác sơ cứu hết sức có ý nghĩa góp phần cứu sống nạn nhân hoặc người bệnh.
Những tình huống cấp cứu có thể xảy ra như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rắn độc cắn, ong đốt, ngộ độc thức ăn, đuối nước, điện giật, dị vật đường thở, tai biến mạch máu não,…và nhiều tình huống khác nữa. Trong những trường hợp này, nếu được sơ cứu thích hợp, người bệnh, người bị nạn sẽ giảm nguy cơ tử vong khoảng 40%. Vì vậy, trước một trường hợp cấp cứu, bạn đừng nên lúng túng, vội vàng mà bình tĩnh xử trí theo những gì mình đã biết để sơ cứu một cách có hiệu quả.
Sau đây sẽ là 10 kỹ năng sơ cứu mà bạn cần biết để sẵn sàng ứng dụng vào thực tế nếu có những tình huống cấp cứu xảy ra:
1. Kỹ năng sơ cứu người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động
Người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động có thể bị một chấn thương hoặc đa chấn thương bao gồm vết thương chảy máu, chấn thương sọ não, gãy xương, chấn thương những cơ quan bên trong như lách, dạ dày, gan,…Điều đầu tiên là bạn cần phân loại xem bệnh nhân nào phải được ưu tiên xử trí trước (trong trường hợp có nhiều người bị nạn cùng lúc). Nhanh chóng gọi điện thoại cho xe cấp cứu, đồng thời kêu gọi nhiều người đến trợ giúp. Đưa người bị nạn ra vị trí an toàn, cố định xương gãy, cầm máu vết thương, vận chuyển nạn nhân thật nhẹ nhàng bằng băng ca tự chế. Tránh động tác vội vàng xốc, vận chuyển gấp gáp, mạnh bạo sẽ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
2. Kỹ năng sơ cứu người bị điện giật
Người bị điện giật hầu hết bị ngưng tim ngưng thở. Đầu tiên, bạn phải tiếp cận một cách an toàn, ngắt nguồn điện, đưa nạn nhân ra vị trí thông thoáng. Tiếp theo là thực hiện thao tác sơ cứu: hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Tần số xoa bóp và thổi ngạt là: 15 lần xoa bóp + 1 lần thổi ngạt trong trường hợp có 2 người cấp cứu; hoặc 30 lần xoa bóp + 2 lần thổi ngạt khi chỉ có 1 người cấp cứu.
Kỹ thuật thổi ngạt: hớp 1 hơi dài, áp sát miệng mình vào miệng nạn nhân và thổi mạnh sao cho lồng ngực nhô lên là được.
Kỹ thuật xoa bóp tim ngoài lồng ngực: xoa bóp vừa đủ mạnh (ép sâu 3-5 cm), vừa đủ nhanh (khoảng 100 lần/phút) để kích thích lại nhịp tim.
3. Kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước
Khi thấy một người đang hốt hoảng trên mặt nước, nhanh chóng ném cho họ bất cứ vật gì mà họ có thể bám vào và nổi lên được, hoặc bơi ra cứu nạn nhân vào bờ. Với những người bị ngạt nước và ngưng tim ngưng thở, cần tiến hành thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực tương tự như cấp cứu người bị điện giật. Tuy nhiên, trước hết cần ấn nhẹ vùng bụng để nước trong dạ dày trào ra ngoài. Đồng thời, móc hết những dị vật trong mũi và miệng nạn nhân để thông thoáng đường thở. Nhanh chóng gọi cấp cứu trước khi sơ cứu.
4. Kỹ năng sơ cứu người bị tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não. Đối với một trường hợp tai biến xảy ra đột ngột, người bệnh bất tỉnh thì nên vận chuyển một cách nhẹ nhàng bằng băng ca hoặc xe lăn, hoặc nhiều người bế bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Tránh trường hợp vội vã vận chuyển bệnh nhân sẽ làm cho tình trạng tai biến nặng thêm. Nếu bệnh nhân thở yếu, cần cho thở oxy hoặc bóp bóng hoặc hà hơi thổi ngạt nếu ngưng thở.
5. Kỹ năng sơ cứu rắn độc cắn
Rắn độc gồm có hai họ chủ yếu là họ rắn lục và họ rắn hổ. Tùy theo loại rắn cắn thuộc họ nào mà có hướng xử trí đôi chỗ khác nhau. Tuy nhiên, trước tiên ta có thể dùng một số chất thoa vào vết rắn cắn để làm giảm lượng nọc độc như thuốc tím, nước oxy già, mủ đu đủ, mật trăn,… Tránh dùng các biện pháp dân gian không hiệu quả như trích máu, cục đá đen, chích điện,…
Đối với người bị họ rắn lục cắn: lấy gạc đắp nhẹ lên vết thương, không chèn ép quá chặt. Để vết thương thấp hơn tim và nhanh chóng đi đến cơ sở y tế.
Đối với người bị họ rắn hổ cắn: quấn băng theo hình xoắn ốc từ vị trí vết thương lên phía trên, độ chặt vừa đủ để lọt 1 ngón tay. Để vết thương thấp hơn tim và nhanh chóng đi đến cơ sở y tế.
6. Kỹ năng sơ cứu ong đốt
Ong đốt có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong nhanh chóng trong vòng 10 phút đến vài giờ. Vì vậy, vấn đề sơ cứu khá quan trọng đối với bệnh nhân. Dùng thuốc sát khuẩn như oxy già, cồn 70 độ, Betadin rửa vết thương nơi ong đốt. Sau đó dùng kẹp gắp ngòi còn lại để hạn chế hấp thu nọc. Băng ép chi bị đốt, nới 30 giây mỗi 3-5 phút. Tháo các nhẫn, vòng ở tay bị ong đốt. Tiếp theo, thoa thuốc kháng viêm lên những vết đốt. Tránh trích nặn máu vết thương vì có thể làm nọc ong hấp thu vào máu nhanh hơn. Sau đó, đưa bệnh nhân đến trạm y tế gần nhất.
7. Kỹ năng sơ cứu ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn do những nguyên nhân như ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn (nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu vàng, Shigella, Salmonella, thương hàn, tả,…), thức ăn chứa độc tố (nấm độc, cá nóc, khoai mì, cóc,…). Triệu chứng chung của ngộ độc là đau bụng, nôn ói, rối loạn nước điện giải, có thể tiêu chảy. Đứng trước một tình huống ngộ độc thức ăn, bạn cần phải xác định bệnh nhân đã ăn phải thức ăn nào dẫn đến ngộ độc. Tiếp theo, cho bệnh nhân uống than hoạt (nếu có) để hấp thu bớt độc tố. Uống dung dịch Oresol hoặc nước dừa muối để phòng rối loạn nước điện giải. Sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
8. Kỹ năng sơ cứu bỏng
Vết bỏng nếu không được xử trí tốt sẽ dẫn đến các biến chứng như hoại tử da, cơ, nhiễm trùng, để lại sẹo xấu. Vì vậy, để xử trí một vết bỏng, bạn cần xác định mức độ bỏng. Đối với vết bỏng nhỏ, nông trên bề mặt da chỉ cần rửa vết bỏng bằng betadin hoặc nước muối sinh lý, sau đó băng lại. Đối với vết bỏng sâu và rộng, bỏng hóa chất thì cần rửa vết bỏng nhiều lần bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Sau đó, thoa kem vaselin lên vết bỏng rồi băng lại. Tránh dùng các biện pháp dân gian như thoa kem đánh răng, nước mắm, dầu ăn,…lên vết bỏng.
9. Kỹ năng sơ cứu người lên cơn co giật
Có nhiều bệnh lý biểu hiện bằng cơn co giật như động kinh, hysteria, uốn ván, sốt cao co giật, hạ canxi máu, hạ đường huyết,…Trước một trường hợp co giật chưa rõ nguyên nhân, biện pháp sơ cứu chung là chèn que đè lưỡi, đũa, muỗng nhựa hoặc những vật không sắc bén vào miệng người bệnh để tránh cắn phải lưỡi. Nghiêng đầu người bệnh sang một bên để tránh hít phải nước bọt, chất nôn vào phổi. Đồng thời, giữ cho người bệnh nằm ở vị trí an toàn, không để té ngã, chấn thương. Đảm bảo môi trường xung quanh thông thoáng để người bệnh dễ thở, không bị thiếu oxy não. Sau khi qua cơn co giật, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chữa trị thích hợp.
10. Kỹ năng sơ cứu vết thương động mạch
Vết thương động mạch rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân vì máu ở động mạch chảy với vận tốc rất nhanh, người bệnh sẽ bị mất máu nhanh chóng nếu không được cầm máu kịp thời. Vì vậy, khi có một trường hợp bị vết thương động mạch, bạn cần phải cầm máu bằng một hoặc nhiều biện pháp như:
– Dùng ngón tay hoặc nắm tay đè ép vào đoạn mạch phía trên nơi tổn thương.
– Băng ép: dùng gạc vô khuẩn và băng cuộn đặt lên vị trí của vết thương rồi băng chặt lại (dùng để cầm máu cho những vết thương nhỏ và trung bình).
– Băng chèn: dùng một vật cứng như cuộn băng, mảnh gỗ đặt chèn lên động mạch ở đầu vết thương rồi băng chặt lại (dùng cho những trường hợp vết thương động mạch sâu và miệng rộng).
– Garo động mạch: đây là biện pháp cầm máu hiệu quả nhưng có nguy cơ cao gây hoại tử đoạn chi phía dưới vết thương do thiếu máu nuôi. Dùng dây garo quấn chặt lên động mạch phía trên vết thương.
Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu tạm ổn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Xem thêm: