Những ngọn núi cao nhất Việt Nam phần lớn tập trung ở vùng núi phía Tây Bắc và có độ cao trung bình trên 2500m. Đó là những nơi thích hợp cho các bạn trẻ phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá vẻ đẹp cũng như sự hùng vĩ của núi đồi. Có những ngọn núi đã được khai thác trở thành địa điểm tham quan cho khách du lịch, cũng có những núi còn hoang sơ, chỉ một vài người đặt chân đến.
Leo núi hiện nay đã và đang trở thành trào lưu, sở thích của giới trẻ, nhất là những người yêu thích sự thử thách, phiêu lưu. Họ thường tìm đến những ngọn núi cao, hiểm trở, hoang sơ để thử sức mình. Và thành quả đạt được là những điều khá hấp dẫn và đầy khích lệ: khung cảnh huyền diệu giao hòa giữa mây trời và rừng cây, một tầm nhìn bao quát từ độ cao chót vót, sự lưu lại tên tuổi trên vách đá đánh dấu một quá trình chinh phục gian nan,…
Sau đây là top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam hiện nay được tổng hợp từ kinh nghiệm du lịch của nhiều người, những ngọn núi mà bạn nên khám phá để được tận hưởng những giây phút tuyệt vời và kỳ diệu nhất:
1. Phan – xi – păng (3143m)
Phan – xi – păng là ngọn núi cao nhất Việt Nam hiện nay với độ cao 3143m, nằm trên ranh giới giữa Lai Châu và Lào Cai. Phan – xi – păng là một trong 3 núi cao nhất thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, cũng là ngọn núi cao nhất trên bán đảo Đông Dương nên còn được gọi là “Nóc nhà Đông Dương”. Theo các nhà địa chất thì Phan – xi – păng hình thành từ kỷ Phấn Trắng – Đại Trung Sinh cách nay khoảng 100 triệu năm. Để chinh phục ngọn núi này, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ những vật dụng thiết yếu và cần thiết phải có người chỉ đường.
2. Phutaleng(3096m)
Đỉnh Phutaleng đã được một nhóm khai mở vào năm 2012, từ đó đã có một số đoàn tiếp tục chinh phục đỉnh núi này. Đây là một trong những đỉnh núi hoang vu và hiểm trở bậc nhất Việt Nam với độ cao 3096m. Núi nằm ở phía tây bắc đỉnh Phan – xi – păng, thuộc xã Tà Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
3. Pusilung(3076m)
Pusilung là khối núi nằm ở tây bắc tỉnh Lai Châu với độ cao 3076m, nằm giữa sông Đà và thượng nguồn sông Nậm Na, tại biên giới Việt Trung. Chưa ai leo đến đỉnh núi này vì tình hình an ninh tại đây khá phức tạp, đường đi hiểm trở, cheo leo. Núi có cấu tạo bởi đá granit, có các đai cao nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới. Nơi đây là nơi cư trú của tộc người La Hủ.
4. Bạch Mộc Lương Tử(3045m)
Độ cao chính thức của núi Bạch Mộc Lương Tử là 3045m, là núi cao thứ tư tại Việt Nam. Núi này mới được khai phá đường lên vào năm 2012, là một địa danh còn nhiều bí ẩn và cái tên còn khá xa lạ đối với nhiều phượt thủ. Bạn sẽ phải mất trung bình 3 ngày 2 đêm để chinh phục núi Bạch Mộc Lương Tử. Nơi đây được nhiều người mệnh danh là địa điểm săn mây lý tưởng.
5. Khang Su Văn(3012m)
Ngọn núi cao thứ 5 tại Việt Nam là Khang Su Văn với độ cao 3012m, tuy rất ít thông tin về ngọn núi được chia sẻ trên các diễn đàn du lịch. Ngọn núi này được đồn biên phòng Vàng Ma Chải, Lai Châu xác nhận nằm giữa hai cột mốc 79 – 80 trên đường biên giới Việt – Trung, thuộc xã Pa Vẩy Sử, huyện Phong Thổ.
6. Tả Liên(2990m)
Núi Tả Liên hay còn có tên gọi khác là núi Cổ Trâu, thuộc xã Tà Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, có độ cao 2990m. Đường lên đỉnh núi chỉ có một vài đoạn phải đi men theo sườn núi tương đối nguy hiểm. Một số loài vật như rắn, ong và sâu róm ở đây khá nhiều nên các phượt thủ cần hết sức thận trọng. Rừng trên núi Tả Liên còn rất hoang sơ vì có ít du khách đặt chân đến. Trong rừng có nhiều cây cổ thụ, nhất là cây phong. Khung cảnh nhìn từ trên đỉnh thật tuyệt với núi non hùng vĩ, rừng cây rậm rạp, hiểm trở.
7. Tà Chì Nhù(2979m)
Núi Tà Chì Nhù có độ cao 2979m, nằm trong địa phận huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Núi còn có tên gọi khác là Puluong. Khung cảnh trên đỉnh núi thật huyền diệu, lúc nào cũng ẩn hiện, mờ ảo trong những đám mây, trên một thảo nguyên thơ mộng với những đàn ngựa thong dong gặm cỏ. Đường đi lên đỉnh núi cũng khá đơn giản với những con đường mòn không mấy hiểm trở.
8. Nhìu Cô San(2965m)
Núi Nhìu Cô San còn được biết đến với tên gọi Núi Sừng Trâu, là núi thuộc hệ thống dãy Hoàng Liên Sơn, kéo dài từ Lai Châu đến Bát Xát, Lào Cai. Đây là một đỉnh núi còn hoang sơ, ít người biết đến, độ cao của núi là 2965m. Đường lên đỉnh núi không dài lắm nhưng phải vượt qua nhiều vách đá cheo leo với những bụi cây đầy gai. Bạn sẽ mất khoảng 2 ngày để chinh phục ngọn núi này. Tuy nhiên, rừng trên núi có nhiều thú dữ như hổ, báo, lợn rừng, bản thân người dân ở đây cũng rất ít khi đi vào rừng.
9. Lùng Cúng(2925m)
Lùng Cúng có độ cao 2925m, là đỉnh núi cao thứ 9 tại Việt Nam. Núi nằm ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Bạn sẽ phải mất 1 ngày đêm để chinh phục ngọn núi này. Đường lên núi có nhiều đoạn dốc cao nhưng cũng không quá khó để chinh phục. Trên đường có nhiều phong, rừng già rậm rạp và còn khá nguyên sơ. Trên đỉnh đã được san phẳng làm sân bay quân sự thời chiến tranh nên khá rộng rãi.
10. Nam Kang Ho Tao(2881m)
Núi Nam Kang Ho Tao thuộc bản Thào, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, với độ cao 2881m. Đường lên đỉnh núi khá xa với cung đường dài khoảng 20km, bạn sẽ phải mất 5 ngày 4 đêm để chinh phục ngọn núi này. Điều tạo nên vẻ đẹp của núi là những vách đá dựng cheo leo, những con suối và những ngọn thác hùng vĩ. Rừng ở đây rất rậm rạp, ít ánh sáng và mang đầy vẻ bí hiểm, ma quái.
Xem thêm: