Bệnh ngoài da hay bệnh thuộc chuyên khoa Da liễu là những bệnh gây nên thương tổn trên da, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác hoặc toàn cơ thể. Bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè vì các yếu tố nắng nóng, mồ hôi, vệ sinh kém cộng hưởng với nhau làm cho sức đề kháng của da suy giảm, vi trùng dễ xâm nhập và gây bệnh ở da.
Bệnh ngoài da có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh sẽ dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm khuẩn huyết, đỏ da toàn thân, viêm da mạn tính,…Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh và điều trị thích hợp các bệnh ngoài da là một điều quan trọng không nên xem thường.
Bệnh ngoài da có khá nhiều loại. Sau đây 10Hay.com xin giới thiệu 10 bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè với tần suất cao và cách phòng những bệnh ấy:
1. Sạm da
Sạm da là sự thay đổi nhiều về sắc tố melanin có trong da làm cho tình trạng da của người bệnh bị đẹn sạm hơn so với da bình thường của mình. Melanin là một sắc tố quan trọng giúp da có thể chống lại tác hại của tia cực tím, sự lão hóa của da.
Sạm da là một bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè vì ánh nắng của mùa hè có cường độ cao hơn, chứa hàm lượng tia cực tím nhiều hơn nên dễ gây sạm da nếu da không được che chắn, bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Tỷ lệ sạm da do đi ngoài nắng chiếm 85%. Để đề phòng sạm da, bạn nên che chắn kỹ càng khi đi ngoài nắng, đặc biệt là những lúc nắng gắt vào buổi trưa và chiều bằng các đồ vật như nón, kính râm, áo khoác, váy chống nắng, bao tay,…
2. Viêm nang lông
Viêm nang lông là tình trạng nhiễm trùng của các nang lông. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở những nơi cọ sát nhiều. Các yếu tố như mồ hôi, da dầu và mỹ phẩm có thể gây tắc nang lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh. Khi bị viêm nang lông, những vị trí lỗ chân lông sẽ bị viêm đỏ, có mủ, ngứa. Mụn có thể vỡ làm chảy ra chất dịch màu vàng.
Để phòng bệnh, bạn cần vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, hạn chế để da tiếp xúc nhiều với ánh nắng, khói bụi. Hạn chế cào gãi gây trầy da, xước da. Hạn chế sử dụng nhiều loại mỹ phẩm trên da gây kích ứng da, dị ứng, viêm da.
3. Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè vì vi khuẩn gây mụn phát triển mạnh ở môi trường nóng ẩm. Mụn xuất hiện nhiều ở da nhờn, vị trí ở mặt và một số nơi khác như cổ, ngực, vai, bụng, lưng. Mụn có thể dẫn đến vết thâm hoặc để lại sẹo.
Để hạn chế bị mụn trứng cá vào mùa nóng, cần giữ vệ sinh da, nhất là da vùng mặt. Thường xuyên rửa mặt với nước sạch để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn bám trên da. Có thể thoa kem dưỡng ẩm da. Đồng thời, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, bổ sung thêm vitamin A, C, E cũng là những biện pháp tăng sức đề kháng cho da.
4. Viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là tình trạng da bị viêm không phải do vi trùng mà do phản ứng với chất gây dị ứng như ánh nắng nóng, gió, bụi, chất bẩn,…Vùng da bị dị ứng sẽ xuất hiện phản ứng viêm đỏ, nổi mề đay, sẩn ngứa, có thể nổi mụn mủ do bội nhiễm vi khuẩn.
Để phòng bệnh, cần giữ da khô ráo, sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh bằng nước sạch. Khi đi ngoài trời nắng cần phải che chắn da kỹ càng, hạn chế để da tiếp xúc với những yếu tố gây kích ứng từ môi trường.
5. Nấm da
Bệnh nấm da do nhiều chủng nấm khác nhau gây nên, làm tổn thương ở da, tóc và móng. Đây là một bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè vì khí hậu nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại nấm phát triển và gây bệnh trên da. Những vị trí trên da có thể bị nấm như cổ, nách, bẹn, kẽ ngón tay, ngón chân, da đầu, móng,…Thương tổn do nấm thường gây ngứa và chậm lành, dễ dẫn đến bội nhiễm.
Phòng bệnh nấm da, cần vệ sinh da sạch sẽ, giữ da luôn thoáng mát. Không mặc chung quần áo, không dùng chung khăn mặt, khăn tắm, chăn, gối với người đang bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh nấm da.
6. Chốc
Chốc là một bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè và hay gặp ở trẻ em từ 2-6 tuổi. Biểu hiện của bệnh là những nốt mụn gây ngứa hoặc đau, có quầng viêm đỏ xung quanh. Lúc đầu chất dịch trong, sau đó nhanh chóng hóa mủ rồi khô lại đóng mày màu vàng mật ong. Bệnh xảy ra lác đác và có thể gây thành dịch nhỏ ở những trại hè.
Để phòng bệnh chốc cho trẻ, cần hướng dẫn các bậc cha mẹ vệ sinh trẻ kỹ càng, nhất là vào mùa nóng. Điều trị tích cực những trường hợp mới phát bệnh để tránh gây thành dịch. Không cho trẻ tiếp xúc hoặc lại gần những người đang bị bệnh chốc.
7. Áp xe nóng (Mụn nhọt)
Áp xe nóng ở da hay còn gọi là mụn nhọt, là một ổ viêm mủ do vi khuẩn có tên là tụ cầu vàng gây ra, xuất hiện ở mặt, cổ, nách, mông, khu vực lông tóc,…Ổ áp xe lúc đầu nhỏ, gây ngứa, sau lớn dần gây đau nhức nhiều cho đến khi bị vỡ và chảy nước. Trong môi trường nóng của mùa hè, da chúng ta rất dễ bị trầy xước do cào gãi nhiều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nên ổ áp xe.
Phòng bệnh bằng những biện pháp như: giữ da sạch sẽ, khô thoáng, hạn chế cào gãi. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nếu trên da có vết thương, cần sát khuẩn thường xuyên, giữ sạch, không để tiếp xúc với vật bẩn. Hạn chế dùng chung đồ cá nhân với người khác.
8. Lang ben
Tác nhân gây ra bệnh lang ben có tên là Pityrosporum Orbiculare. Tổn thương ở vùng da không phơi ra ánh sáng là những dát màu cà phê sữa, vàng nhạt, nâu,…Trên mặt dát có vẩy nhẹ, cạo rơi ra như dăm bào. Vị trí thường gặp: cổ, ngực, mạn sườn, phía trong cánh tay, có thể lan ra bụng, lưng, mặt, phía trong đùi. Bệnh gây cảm giác ngứa râm ran như kim châm.
Để phòng bệnh lang ben, cần vệ sinh da sạch sẽ thường xuyên, giữ khô các nếp bẹn, kẽ ngón chân, ngón tay. Hạn chế mặc quần áo lót quá chật, nhất là khi lao động. Đối với người ra mồ hôi nhiều, hàng ngày nên thoa bột talc vào bẹn, kẽ, quanh thắt lưng để phòng vi nấm.
9. Ghẻ
Ghẻ là một bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabies gây ra, còn gọi là cái ghẻ. Bệnh thường gặp ở trẻ em, bùng phát mạnh vào mùa hè. Những người mắc bệnh ghẻ là nguồn lây chính, lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc lây gián tiếp qua sử dụng chung quần áo, chăn gối, mùng, chiếu với người bị bệnh.
Để phòng bệnh ghẻ, cần vệ sinh cá nhân hàng ngày. Tránh sử dụng chung quần áo, chăn màn, khăn,… với người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ghẻ. Điều trị cho những người đang bị bệnh ghẻ và tất cả những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân để hạn chế lây lan.
10. Thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh hay gặp ở các nước nhiệt đới, thường bùng phát thành dịch vào những tháng hè nóng nực. Tác nhân gây bệnh là một loại virus có tên Varicella zoster. Thương tổn là những mụn nước, bóng nước nhiều kích cỡ nổi trên nền hồng ban không tẩm nhuận. Khi lành đóng mày màu đen, có thể để lại sẹo. Người bệnh là nguồn bệnh duy nhất, lây chủ yếu bằng đường hô hấp qua những giọt nước bắn ra từ người bệnh.
Phòng bệnh chủ yếu bằng cách không tiếp xúc gần gũi với người đang mắc bệnh thủy đậu, cách ly bệnh nhân thủy đậu để hạn chế lây lan. Đồng thời, chúng ta có thể tạo miễn dịch chủ động bằng biện pháp tiêm văc xin phòng ngừa bệnh thủy đậu hiện rất phổ biến tại Việt Nam.
Xem thêm: