Làng nghề là một đơn vị hành chính cổ xưa mà cũng có nghĩa là một nơi quần cư đông người, sinh hoạt có tổ chức, có kỷ cương tập quán riêng. Làng nghề không những là một làng sống chuyên nghề mà cũng có hàm ý là những người cùng nghề sống hợp quần thể để phát triển công ăn việc làm. Cơ sở vững chắc của các làng nghề là sự vừa làm ăn tập thể, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc và các cá biệt của địa phương. Các làng nghề truyền thống hầu hết tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định… Một số ít rải rác ở các vùng cao và châu thổ miền Trung và miền Nam. Các sản phẩm làng nghề làm ra thương mang đậm sự tinh tê, hòa hợp với thiên nhiên, mang giá trị cao về thẩm mỹ và kinh tế.
Sau đây là một số làng nghề truyền thống nổi tiếng và đã được hình thành lâu đời ở Việt Nam. Dưới chân núi Ngũ Hành Sơn là làng đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng, một làng nghề truyền thống đặc trưng của Đà Nẵng đã gần 400 năm tuổi. Nơi đây là cái nôi đã cho ra đời vô vàn những tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ đá, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.
1. Làng đá non nước
Mỗi tác phẩm đá điêu khắc ở làng đá mỹ nghệ Non Nước đều được đẻo gọt kỳ công, chạm trổ tinh xảo, thể hiện nét tài hoa, tinh túy của các nghệ nhân – những người am hiểu từng thế đá và thổi hồn vào đá bằng cả tài năng, tâm huyết của mình. Ngay cả những hòn đá nhỏ thô ráp cũng được các nghệ nhân khéo léo tạo tác thành nhiều món đồ lưu niệm và trang sức nhỏ xinh, làm quà kỷ niệm cho du khách hay mua về dành tặng người thân.
2. Tranh Đông Hồ Bắc Ninh
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ – xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Tranh Đông Hồ có sức sống lâu bền và sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hoá người Việt. Đó là hình ảnh những đàn lợn, đàn gà với đám cưới chuột, hình ảnh những cô thiếu nữ hứng dừa hay độc đáo với cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…
3. Làng Rượu Bàu đá
Theo tương truyền, thuở xưa có một người phụ nữ tên Đấu quê ở huyện Tây Sơn (Bình Định), lấy chồng về làng Bàu Đá và đem theo nghề nấu rượu gia truyền. Để có được rượu ngon, bà đã phải dùng nước đựng trong bàu của gia đình mình để nấu rượu, bởi vậy mà rượu mới thơm ngon và có hương rất riêng, khác hẳn các loại rượu khác. Sau khi bà mất, bà đã để lại công thức nấu rượu gia truyền cho người dân trong làng. Để tưởng nhớ công ơn của bà, người dân làng Bàu Đá đã lấy tên bà để đặt tên cho thứ rượu tuyệt hảo này, nhưng để không phạm huý, người ta đã gọi lái sang là Bàu Đá (bà Đấu). Về đồ nghề làm rượu, người ta sử dụng củ tre có hình cong, ruột đục rỗng để làm ống dẫn rượu từ lò ra chum. Chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi. Trong thời gian nấu, thông thường người ta chỉ để lửa liu riu, tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để thêm hay bớt lửa. Chính vì cách nấu cẩn thận này mà rượu Bàu Đá có hương vị rất tinh khiết và đậm đà.
4. Gốm Bát Tràng
Làng Gốm Bát Tràng nằm ven Sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Bát Tràng có nghĩa là Cái Sân Lớn, là mảnh đất dành cho chuyên môn. Tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng. Năm dòng họ lớn gồm các họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia đình con cháu dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Họ dừng chân tại vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng. Ngày nay làng Gốm Bát Tràng chuyên sản xuất các Gốm Sứ với nhiều công năng khác nhau từ: đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ cúng, sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ, v.v.v. Tại đây các dòng họ vẫn giữ được chất nghề do cha ông truyền lại, khiến các sản phẩm đều có nét đặt trưng và tinh xảo riêng. Sản phẩm Gốm Sứ cũng từ đó được biết đến xa gần, xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.
5. Múa rối Nhân Hòa
Phường rối Nhân Mục thường trổ tài trong không khí tưng bừng của những ngày lễ hội như đón mừng năm mới, mừng Quốc khánh hay lễ hội Trạng Trình… Địa điểm biểu diễn ngay tại thủy đình, thường dựng trong hồ có non bộ ở miếu Cựu Điện. Trong tiếng vỗ tay, tiếng hò reo của người xem, tiếng nhạc vang lừng, đàn cờ ngũ sắc bật lên từ mặt nước, pháo hoa phụt sáng rực rỡ, chú Tễu vén bức mành ra chào khán giả, giới thiệu lý do buổi biểu diễn. Từ lúc đó, khoảng mặt nước nhỏ hẹp trở thành sân khấu sinh động: khi thì diễn cảnh thửa ruộng với hình tượng ‘chồng cày,vợ cấy,con trâu đi bừa’, lúc diễn cảnh tát ao, tát hồ, cá quẫy đầy mặt nước, trẻ nhỏ cầm nơm úp cá, cất vó; lúc sới vật tưng bừng trai làng đua tài, gái làng xúm xít… Gần đây, ông Trần Văn Phước, trưởng phường rối nước thôn Nhân Mục còn sáng tạo ra nhiều trò mới như Thạch Sanh đánh trăn tinh, bát âm cử nhạc, lễ hội chọi trâu, hát chầu văn… Phường rối nước của làng đoạt huy chương Bạc trong Liên hoan múa rối chuyên nghiệp toàn quốc.
Sự độc đáo của rối nước Nhân Hòa ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và nước ngoài.
6. Làng cau Cao Nhân
Làng cau Cao Nhân là một làng nghề trồng cau truyền thống lâu đời của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; là vựa cau nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ; quê hương của giống cau Liên Phòng, là nơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam xuất khẩu cau tính đến nay và là làng kinh doanh buôn bán cau hàng đầu Việt Nam. Là địa phương duy nhất được công nhận làng nghề truyền thống sản xuất và chế biến cau, làng cau Cao Nhân vẫn giữ được những nét đặc trưng của một làng quê Việt thuần nông và hiện đã trở thành một trong những địa điểm du lịch sinh thái thuộc ngoại thành Hải Phòng. Cau trồng ở Cao Nhân là giống cau liên phòng, còn gọi là cau truyền bẹ (một số tài liệu gọi là cau tứ quý), một giống cau ra quả quanh năm (giống khác ra quả theo mùa) và có tuổi thọ cao (đến 70 năm vẫn cho quả). Cây cau Cao Nhân mỗi năm ra 12 tàu lá, trổ khoảng 5 buồng quả, nhưng cây chỉ ôm được 3 đến 4 buồng quả. Mặc dù quả không to nhưng sai và đều (200-300 quả/buồng[13]), ức buồng ngắn, cành dẻo, tua (tóc) quả to, cứng và có độ dài đều. Khi ăn cau giòn mềm, ngọt (do sơ mềm), đậm nước, hạt cau rất nhỏ; quết trầu có màu đỏ tươi.
7. Làng đúc Mỹ Đồng
Làng đúc Mỹ Đồng là một làng nghề truyền thống của xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trong đó, nghề rèn được hình thành từ rất sớm, đã từng nổi tiếng nhất vùng, được duy trì và phát triển đến tận ngày nay. Nghề đúc Mỹ Đồng được hình thành từ đầu thế kỷ XX và bắt đầu nổi tiếng từ năm 1938, khi các nghệ nhân trong làng đúc bộ phận giữ thăng bằng đuôi, gọi là “con rùa đối trọng” nặng khoảng một tấn cho con tàu ngoại quốc bị hỏng ở cảng Hải Phòng, từng được mệnh danh làng nghề “vua biết mặt, nước nhớ tên”. Hiện nay, Mỹ Đồng là một trong số ít địa phương có khu công nghiệp làng nghề, là một trong những làng nghề lớn sản xuất hàng cơ khí phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời trở thành một trong những địa điểm du lịch sinh thái thuộc ngoại thành Hải Phòng. Làng nghề Mỹ Đồng đã góp phần rất lớn để xã Mỹ Đồng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
8. Làng thêu Văn Lâm
Nằm trong quần thể khu du lịch Tam Cốc Bích Động là làng nghề thêu ren Văn Lâm.Không biết xuất hiện từ bao giờ nhưng theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì làng nghề có từ cách đây hàng ngàn năm. Người xưa kể rằng vào thời Trần nhà vua đóng quân ở nơi này và chính hoàng hậu Trần Thị Dung là người đã mở lớp thêu ren đầu tiên và được lưu truyền đến ngày nay. Làng nghề thêu ren Văn Lâm được tỉnh công nhận năm 2006. Tháng 11/2007 vừa qua Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã công nhận Văn Lâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước.
9. Làng nghề nón lá Huế
Từ lâu chiếc nón bài thơ gắn với tà áo dài đã trở thành biểu tượng của con người và du lịch Huế. Để mục sở thị những chiếc nón lá thân thương và tìm hiểu thêm về văn hóa, con người xứ Huế, bạn nên ghé thăm làng nghề làm nón nơi đây. Nghề làm nón lá đã xuất hiện ở Huế hàng trăm năm nay với nhiều làng nón như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… Một chiếc nón lá đơn sơ, mộc mạc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng khi đến đây bạn sẽ hiểu thêm sự vất vả, kỳ công cũng như khéo léo của những đôi bàn tay chân chất. Người làm phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ… để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp.
10. Làng nghề mấy tre đan
Làng Phú Vinh nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh tế, hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Đây còn là địa điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến. Các sản phẩm mây tre đan ở đây đa dạng, trải qua thời gian đã được kết hợp cả màu sắc truyền thống và hiện đại với những nét tinh tế độc đáo riêng của làng nghề. Không chỉ làm ra những vật dụng hàng ngày như: khay, đĩa, rổ, rá,…người dân nơi đây còn thể hiện nét tài hoa trong những món đồ lưu niệm đẹp mắt, đòi hỏi kỹ thuật cao như: khung ảnh, đồ trang trí, tranh chân dung, hoành phi, câu đối,…và cả những sản phẩm nội thất cho những ai ưa sự độc đáo như: bàn ghế, bình hoa, đèn ngủ,…Chỉ từ những sợi mây, thanh tre trắng phau, người thợ làng nghề với đôi bàn tay như có thần có thể tạo ra những mặt hàng đẹp mắt, hấp dẫn nhiều khách hàng. Bằng sự sáng tạo, khéo léo của mình, người dân ở đây đã sản xuất ra không biết bao nhiêu những loại đồ mây tre đan đơn giản, mộc mạc đậm chất làng quê.
Trong sự tồn tại lâu đời, và được nhiều thế hệ tiếp nối nhau, các làng nghề Việt Nam luôn giữ được vẻ mộc mạc của người dân và đồng thời vẫn luôn nổ lực để phát triển hơn nữa những nghành nghề cha ông truyền lại. Các sản phẩm sản xuất từ làng nghề không những có giá trị về kinh tế cao, đồng thời cũng thể hiện được sự tính tế, tỉ mỉ trong mỹ nghệ và đạt giá trị lớn trong du lịch…