Những điều nên làm trong đêm Giao thừa năm mới là một số quan niệm của người Hoa về việc giữ bình an và may mắn cho năm mới trong đêm giao thừa và bữa ăn tất niên. Mong rằng mọi người lưu tâm vận dụng để có một năm mới thuận lợi, tốt lành vì ông bà ta cũng thường dạy rằng “có kiêng có lành”. Website 10Hay.com tổng hợp và chia sẻ 10 điều nên làm trong đêm giao thừa đến bạn đọc trong nước và hải ngoại để đón tết cổ truyền thật vui vẻ, đầm ấm bên gia đình, bạn bè nhân dịp tết.
1. Chuẩn bị mâm cỗ dâng cúng thần năm mới
Đây là công việc quen thuộc của các bà, các chị dù bận trăm công ngàn việc ngày cuối năm nhưng lúc nào cũng chuẩn bị mâm cúng tân niên thật trang trọng và đầy đủ. Mâm cỗ cúng thần gồm có hoa quả, dừa trái, bánh in, trầu cau, trà rượu và áo giấy dâng cúng đêm giao thừa hay còn gọi là đêm trừ tịch đưa tiễn ông thần của năm cũ và chào đón ông thần năm mới đến ngự trong nhà.
2. Bữa cơm tất niên cúng ông bà
Bữa cơm tất niên trước dâng cúng ông bà, cha mẹ đã khuất nay dịp tết được về sum họp cùng con cháu trong ba ngày tết, sau là các thành viên tề tựu lại sau một năm lao động, học hành ít khi có dịp cùng nhau dùng bữa cơm gia đình. Tùy từng hoàn cảnh mà mâm cơm tất niên của mỗi nhà cũng khác nhau nhưng chung quy là những món ăn đặc biệt ngày Tết như bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua, miến xào rau củ, chả giò, chả nem…
3. Theo dõi Cầu Truyền Hình khắp nước
Chương trình Cầu Truyền Hình diễn ra từ 18h chiều đến 24h đêm giao thừa với hình ảnh sống động từ mọi miền Tổ quốc trong không khí nhộn nhịp đón chào mùa xuân mới, mùa xuân thịnh vượng của đất nước. Kết thúc chương trình đặc biệt mừng Xuân là những lời chúc Tết của Chủ Tịch nước gởi tới người dân cả nước, mong mọi người hưởng một cái Tết vui vẻ, an toàn giao thông và thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
4. Dạo chợ hoa ngày 30 Tết
Chợ hoa ngày 30 Tết rất vội vàng kẻ mua người bán để còn kịp về đón giao thừa cùng gia đình nên không khí tất bật, giá cả bất thường. Do đó bạn có thể mua được cành đào hay cành mai với giá mà những ngày 25, 26 khó mà mua được. Niềm vui nho nhỏ đó cũng đem lại cho bạn nhiều may mắn, bình an trong năm mới. Dạo chợ hoa ngày 30 Tết bạn sẽ cảm nhận khoảnh khắc không gian và thời gian trôi đi, con người vội vã quay về gia đình trước khi đưa tiễn năm cũ và chào đón năm mới với nhiều tin yêu và hy vọng hơn.
5. Mua vôi
Nghe có vẻ lạ với những thế hệ 8X, 9X thời bây giờ nhưng tập tục ăn trầu của ông bà xưa dạy rằng ‘đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi’ ngụ ý vôi làm đẹp trang trí nhà cửa còn muối thì đem lại nhiều cơ hội và vận may chắc chắn, mặn mà như vị mặn của muối vậy. Phong tục dân gian mua vôi cuối năm cũng bắt nguồn từ việc làm bánh mứt cũng cần vôi giữ cho thực phẩm giòn ngon.
6. Đón xem pháo hoa Giao thừa
Những màn pháo hoa sáng rực bầu trời hòa cùng tiếng ca chào đón mùa xuân mới vang lên trong giây phút Giao thừa làm cho chúng ta xúc động và hân hoan mong chờ mọi việc hanh thông, sở cầu như ý trong năm mới. Tết xưa người ta đốt pháo trước nhà để ‘tống cựu nghinh tân’ thì tết nay nhà nước thay bằng những màn trình diễn pháo hoa tại nhiều điểm trong cả nước để chào đón năm mới an toàn cho mọi người dân.
7. Cúng Giao Thừa hay Lễ Trừ Tịch
Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới. Lễ Trừ Tịch theo người Tàu còn là một lễ khu trừ ma quỷ. Tục Tàu xưa vào ngày trừ Tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc chín mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ, do đó có danh từ Trừ Tịch. Lễ Trừ Tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là lễ Giao Thừa.
8. Mừng tuổi bố mẹ, ông bà
Theo phong tục Việt Nam, ngay sau khi cúng Giao thừa thì con cháu mừng tuổi bố mẹ, ông bà bằng phong bì lì xì màu đỏ cầu chúc người cao tuổi trong nhà sống lâu, sống khỏe cùng con cháu. Phong tục này thể hiện tính hiếu thảo, kính trọng các đấng sinh thành, người cao tuổi trong dịp năm mới.
9. Hái lộc đầu năm
Lộc là những cành lá mà người cầu xin gặp trên đường đi, sau khi khấn vái thì ngắt vài lá cây mang về nhà cất giữ làm lộc làm ăn, con cái hay tiền của sẽ đến như ý muốn trong năm mới. Bên cạnh phong tục hái lộc hay xin lộc đầu năm thì người Việt còn chú trọng hướng xuất hành năm mới ngay sau giờ phút Giao thừa nữa.
10. Xuất hành đầu năm
Mang ý nghĩa vô cùng quan trọng cho một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi, cơ hội làm ăn tấn tới cho nên các thương gia, người kinh doanh buôn bán thường xem kỹ ngày giờ, hướng tốt theo vận mệnh năm tuổi của mình để xuất hành hay khởi hành một vòng ngày đầu năm. Thường người ta sẽ chọn giờ xuất hành sau lễ cúng Giao thừa 1-2 tiếng để đạt được sự hanh thông và may mắn nhất vì thời điểm đó rất linh thiêng, chuyển giao hoàn toàn sang năm mới.
Điều nên làm trong đêm giao thừa năm mới rất nhiều nhưng tùy theo phong tục tập quán của địa phương nơi bạn cư ngụ mà áp dụng nhằm đem lại cuộc sống viên mãn, hạnh phúc trong đưa tiễn năm cũ và khi chào đón năm mới. Hy vọng bài viết đem lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị và 10Hay kính chúc độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng và phát tài nhé.