Tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) từ 90mmHg trở lên. Huyết áp được đo bằng máy huyết áp kế, thông dụng nhất là máy huyết áp đồng hồ có một túi hơi quấn quanh cánh tay. Tăng huyết áp đã được y học ghi nhận từ rất lâu và đang là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng không chỉ ở các nước đang phát triển mà ngay cả ở những nước phát triển.
Bệnh tăng huyết áp thường gặp ở người trưởng thành. Tần suất bệnh tăng huyết áp ở Mỹ là 26 % người có độ tuổi lớn hơn 17. Ở Đức, tần suất tăng huyết áp khoảng 20% ở người trưởng thành. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành khoảng 7 – 10%. Người dân ở thành phố dễ bị tăng huyết áp hơn so với người sống ở nông thôn. Tần suất tăng huyết áp tăng theo độ tuổi.
Phần lớn những người bị tăng huyết áp có triệu chứng không rõ ràng và không đặc hiệu. Bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não, suy tim, suy thận,…Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp sẽ có nhiều lợi ích, giúp điều trị ngay từ giai đoạn bệnh nhẹ và tránh được những biến chứng về sau.
Sau đây 10Hay.com giới thiệu 10 dấu hiệu nhận biết bệnh tăng huyết áp điển hình nhất mà mỗi người cần nắm vững để phát hiện và có hướng xử trí phù hợp cho bản thân cũng như những người trong gia đình:
1. Đau đầu
Đau đầu là một triệu chứng thường gặp nhất của bệnh tăng huyết áp. Đau thường lan khắp đầu, gây cảm giác căng cơ ở đầu, đau nhói từng cơn theo mạch đập. Theo nghiên cứu của tác giả Bùi Văn Tân, triệu chứng đau đầu chiếm 50,3% số bệnh nhân tăng huyết áp. Người bệnh thường mua thuốc giảm đau để uống mà không biết mình đang bị tăng huyết áp.
2. Chóng mặt, xây xẩm
Đây cũng là một dấu hiệu phổ biến của một người mắc bệnh tăng huyết áp. Thông thường, người bệnh cảm thấy chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế. Cảm thấy mọi thứ xoay xung quanh mình hoặc bản thân đang xoay xung quanh mọi vật. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy tối tăm trời đất thoáng qua khi từ tư thế ngồi hoặc nằm chuyển sang đứng. Triệu chứng này chiếm 46,8% những bệnh nhân tăng huyết áp.
3. Mệt mỏi
Mệt mỏi là một triệu chứng thường gặp khi bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, triệu chứng này không đặc trưng và người bệnh thường không để ý đến. Có thể chỉ là cảm giác mệt khi làm việc nhẹ cho đến trạng thái mệt mỏi thường xuyên. Người bệnh thường nghĩ mình bị suy nhược cơ thể do thức khuya, làm việc nhiều hoặc ăn uống không đầy đủ mà ít khi nghĩ đến tăng huyết áp.
4. Khó thở
Khó thở do bệnh tăng huyết áp thường là khó thở nhẹ, khó thở khi làm việc nặng, một vài trường hợp nặng có thể lên cơn khó thở kịch phát về đêm. Người bệnh sẽ có cảm giác bị cản trở khi hít vào. Khác với khó thở do các bệnh lý về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, người bệnh sẽ bị khó thở cả hít vào và thở ra, đồng thời có các triệu chứng đi kèm như ho, khạc đàm, có tiền sử hút thuốc lá hoặc dị ứng.
5. Đau ngực
Đau ngực có thể do những bệnh lý từ tim như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định. Đau thường xuất phát ở giữa ngực, cảm giác như thắt nghẹn, siết chặt, lan lên vai trái và tay trái, đôi khi lan xuống cẳng tay và bàn tay trái. Cơn đau kéo dài từ 5 đến dưới 30 phút, giảm khi nghỉ ngơi. Triệu chứng đau ngực chiếm tỷ lệ 28,9% các bệnh nhân tăng huyết áp.
6. Hồi hộp, đánh trống ngực
Hồi hộp, đánh trống ngực cũng là triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp nhưng không điển hình nên thường dễ bị bỏ qua. Người bệnh có cảm giác lo lắng, hồi hộp, tim đập mạnh, nặng ở ngực. Triệu chứng này chiếm tỷ lệ 25,8% các bệnh nhân tăng huyết áp.
7. Nóng bừng mặt
Người bệnh tăng huyết áp thường có dấu hiệu đỏ mặt, nóng bừng mặt từng cơn. Nguyên nhân do huyết áp tăng làm cho mạch máu phản ứng giãn nở. Triệu chứng này cũng rất dễ bị bỏ qua. Theo một số nghiên cứu, có 23,3% người bệnh tăng huyết áp có triệu chứng nóng bừng mặt, nhưng 95% trong số họ đã không để ý đến triệu chứng này.
8. Cơn yếu nửa người
Cơn yếu nửa người là một dấu hiệu có thể gặp ở những người bị tăng huyết áp. Nguyên nhân do thiếu máu não thoáng qua, gây ra bởi mảng xơ vữa, cục máu đông bít tắc tạm thời một động mạch nhỏ ở não. Người bệnh cảm thấy yếu nhẹ nửa người so với nửa người đối diện, có thể kèm theo dị cảm, giảm cảm giác da ở nửa bên bị yếu.
9. Mờ mắt
Mờ mắt là một dấu hiệu muộn của bệnh tăng huyết áp, xuất hiện khi mạch máu ở mắt đã bị tổn thương. Soi đáy mắt có thể phát hiện và xác định mức độ tổn thương mạch máu võng mạc do tăng huyết áp. Mờ mắt trong tăng huyết áp thường xuất hiện từ từ và không cải thiện khi sử dụng các thuốc nhỏ mắt hoặc đeo kính thuốc.
10. Xuất huyết
Xuất huyết có thể là dấu hiệu sớm, cũng có thể là dấu hiệu muộn khi tăng huyết áp đã có biến chứng. Biểu hiện của xuất huyết bao gồm chảy máu mũi, tiểu ra máu hoặc nặng hơn là xuất huyết dạ dày, xuất huyết não nguy hiểm đến tính mạng.
Những người trẻ tuổi nếu xuất hiện từ 3 dấu hiệu kể trên, hoặc những người trên 40 tuổi, có bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, bệnh tim mạch, nội tiết,… nên đi khám sức khỏe, đo huyết áp để tầm soát bệnh tăng huyết áp và được điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng về sau.
Xem thêm: