Hà Nam được biết đến với nhiều cảnh đẹp phong phú và hấp dẫn và có những địa điểm lịch sử nổi tiếng, những dãy núi cao, hang động kì ảo cùng rất nhiều lễ hội sôi động quanh năm và những món ăn đặc sản thơm ngon, ấn tượng. Cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ và cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình là nơi tham quan du lịch lí thú dành cho bạn. Hãy cùng 10Hay khám phá 10 địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nam hấp dẫn du khách.
1. Hồ Tam Chúc
Hồ Tam Chúc thuộc xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nơi đây là vùng ngập nước núi đá rất độc đáo, với phong cảnh nước non hùng vĩ, diện tích hồ trên 600ha.
Là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích rộng nhất nước ta với thảm thực vật phong phú và những ngọn núi nhỏ. Thong thả du thuyền giữa lòng hồ, du khách vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi non kỳ vĩ, vừa nghe những câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại đã từng gắn bó hằng trăm năm. Đến đây vào mỗi buổi sớm mai, ngắm nhìn mặt nước, cành cây, ngọn núi… bồng bềnh trôi trên mặt sương mù, ta có cảm giác như đặt chân tới chốn bồng lai tiên cảnh. Khi hoàng hôn đổ bóng, mặt hồ lăn tăn gợn sóng, phản chiếu bóng núi, mây trời khiến cảnh vật càng trở nên lung linh, huyền ảo trong muôn vàn tia nắng. đây là điểm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
2. Kẽm Trống
Kẽm Trống nằm ở địa bàn xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Là một khoảng trống nằm chen giữa hai dãy núi đá vôi do một con sông chảy ở giữa, một nét chấm phá, một bức tranh thuỷ mạc mà đất trời đã tạo nên.
Núi ở đây có nhiều ngọn cao thấp, có núi đá, núi đất, trong núi có rất nhiều hang động, nhiều miệng hang bên ngoài là một lỗ nhỏ hoặc một khe nứt nằm ẩn mình sau những khoảng đá to phải lách mình mới vào được. Nhưng bên trong mới thấy các hang động có diện tích khá rộng, nhiều hang xuyên hẳn qua một quả núi, có hang có thạch nhũ rủ xuống tạo nên những hình thù phong phú. Kẽm Trống như một nét chấm phá của tạo hóa với núi sông, đồng ruộng và cỏ cây, cảnh sắc của trời đất và con người tạo cho khu vực này một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa trầm lắng. Đây là một điểm hấp dẫn du khách đừng nên bỏ qua nhé!
3. Núi Ngọc – Chùa Bà Đanh
Núi Ngọc nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Là một ngọn núi đá vôi không cao lắm nằm sát mặt nước sông Đáy. Ở đây cây cối mọc nhiều, cây to cây nhỏ mọc chen nhau cành lá xum xuê, đặc biệt có một cây si cổ thụ tương truyền có tới hàng trăm tuổi do dân địa phương có ý thức giữ gìn. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ.
Ngôi chùa Bà Đanh ban đầu được xây dựng tranh tre nứa lá đơn sơ, đến năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông, khu rừng mới được mở mang quang đãng để xây chùa lại cho khang trang. Khu vực này cấm người dân làm nhà ở nên cảnh chùa càng thêm trang nghiêm, vắng vẻ. Chùa rất linh ứng lan truyền khắp nơi, khách thập phương về lễ rất đông. Có dịp đến Hà Nam, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Núi Ngọc – Chùa Bà Đanh, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.
4. Núi Cấm – Đền Trúc
Núi Cấm thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Là một thắng cảnh tuyệt đẹp và còn được biết đến với một “kho báu” với những cây sưa bạc tỷ. Núi Cấm đứng độc lập, trông xa có hình dáng giống như một con sư tử nằm, thảm thực vật ở đây phong phú. Theo đường mòn leo lên đỉnh Núi Cấm, du khách sẽ thấy có một bàn cờ thiên tạo bằng đá, tương truyền là nơi các vị tiên thường rủ nhau về chơi cờ, ngắm cảnh nhân gian. Từ trên cao, du khách còn có dịp ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh đẹp mắt.
Đền Trúc là ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, tổng thể thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung. Không gian quanh đền rợp bóng trúc, màu xanh hài hòa với mái ngói cổ kính, tường rêu phong trầm mặc. Trước kia, ở đây là cả một khu rừng trúc rộng lớn. Bây giờ, diện tích đã bị thu hẹp nhiều nhưng dấu tích của rừng trúc xưa vẫn còn lại qua các tầng mùn tích tụ rất dày.
5. Ngũ Động Sơn
Ngũ Động nằm trong khu vực núi cấm gồm có 5 động liên hoàn kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào trong lòng núi Cấm. Lối vào động lên cao, nhìn ra mặt sông Đáy, lối ra nằm bên kia vách núi do vậy không khí trong động rất thoáng mát.
Điều gây ấn tượng là hình khối những thạch nhũ, có cái mọc nhô lên từ mặt đất, có cái lại mọc từ vách động, trần động rủ xuống. Màu sắc nhũ, độ bóng, độ xốp của các nhũ rất đa dạng. Những hòn đá cổ, những nhũ đá mới ẩn sâu trong bóng tối khi có ánh sáng rọi vào do hơi nước phản chiếu ngời lên long lanh như châu ngọc.. Động có thể chứa được hàng nghìn người. Cảnh trí ở đây rất đặc biệt: Lúc bình minh ánh sáng rực rỡ rọi vào phản chiếu những sắc màu lung linh trên vách động, buổi trưa nắng lọt qua những khe lá trước động tạo thành màu xanh nhạt và buổi chiều là màu tím huyền ảo bởi ánh hoàng hôn…
6. Núi Chùa thôn Châu – Động Phúc Long
Núi Chùa là một trong số những ngọn núi nối đuôi nhau ở địa phận thôn Châu Sơn và thôn La Mát thuộc Kiện Khê. Núi do các khối đá vỉa xếp chồng chất, lởm chởm như đầu con rồng, phía nam núi có một mái đá nhô ra, dưới mái đá có những vỉa bò lan, nổi cộm lại thành miệng con rồng mà ngôi chùa như hạt ngọc nằm gọn trong miệng con rồng, nhiều vỉa đá xếp thành các bậc thang rất thuận tiện cho việc lên núi ngắm cảnh.
Động Phúc Long nằm trong khu vực núi Chùa thôn Châu, thuộc núi Kiện Khê. Từ đất bằng leo lên chừng 2m tới cửa động, từ cửa động đi vào chừng 5m tới một ngã ba, rẽ bên phải đi xuống dần hàng chục mét là động có nhiều thạch nhũ đẹp, rẽ bên trái là đường lởm chởm nhũ đá nhô lên, rủ xuống tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Động cũng có sức chứa vài trăm người. Động hài hòa với cảnh quan núi Chùa, ngay bên cạnh là đình và chùa thôn Châu, tạo thành một di tích thắng cảnh hấp dẫn đối với du khách gần xa.
7. Bát cảnh sơn
Núi cao, sông sâu, cây cối, chùa chiền… đan xen hữu tình đã làm nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ lẫn thơ mộng của danh thắng Bát Cảnh Sơn, thuộc xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam.
Leo lên đỉnh Tượng Lĩnh, du khách sẽ thấy được toàn cảnh bức tranh làng quê Kim Bảng với nhà ngói nhà tầng cùng đồng ruộng, một hồ nước rộng lớn, trong xanh trước mặt… Sự tráng lệ của thiên nhiên đã tạo cho những ngôi đền nơi đây diện mạo trang nghiêm lẫn thanh nhã, hùng vĩ mà thơ mộng. Hành trình khám phá Bát Cảnh Sơn sẽ còn nhiều điểm đến khác như chùa Ông, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Bông. Tuy một số nơi chỉ còn nền móng sót lại, nhưng sẽ là một hành trình dài và đầy trải nghiệm thú vị với du khách ưa thích du lịch tâm linh trong hành trình của mình.
8. Đền Tiên Ông
Đền Tiên Ông nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bát Cảnh Sơn ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Được xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m giống hình con vui phủ phục.
Du khách phải đi hết 108 bậc đá mới lên đền, trước mắt là một khung cảnh tuyệt vời, đền hình chữ tam: tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, và hậu cung 1 gian. Đền trước vốn nhỏ, sau nhiều lần trùng tu mới có được quy mô đồ sộ như ngày nay. Ở đây còn lưu giữ được nhiều thần phả, sắc phong và nhiều đồ thờ tự quý hiếm như hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương bằng đá, bằng đồng. Đặc biệt ở đây còn có 2 pho tượng, 1 bằng gỗ, 1 bằng đồng được thờ trong hậu cung.
9. Hang Luồn – Ao Dong
Ao Dong thuộc thôn Bút Phong, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Được tạo nên bởi các dãy núi cao, với rừng cây bên sườn núi, như một tấm gương lớn soi bóng thế núi hùng vĩ khắp phía, mặt nước ao xanh trong nhìn rõ những rong rêu đang uốn mình theo làn nước, bên trên là những thảm hoa súng bung nở…
Hang Luồn có chiều dài khoảng 400m, kích thước khá nhỏ, nhưng vòm cửa hang rộng với những tán cây xòa bóng. Mùa nước lên thuyền không thể đi vào hang do nước ngập kín cửa. Chưa bị bàn tay con người tác động và không bị ánh đèn làm biến sắc nên những thạch nhũ đủ các hình dáng trong hang vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cuốn hút. Hang Luồn, ao Dong với sự kết hợp hài hòa của núi non cây cỏ, trời xanh, nước biếc, quần thể động thực vật hoang dã phong phú là điểm du lịch sinh thái có giá trị của tỉnh Hà Nam.
10. Các làng nghề nổi tiếng
Làng trống Đọi Tam: làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Là một làng nghề làm trống lâu năm trong nghề làm Trống Cổ truyền, Làng trống có tục lệ cha truyền con nối, nhưng lại chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái, con rể. Nếu nhà nào vi phạm quy định thì sẽ bị đuổi khỏi làng hoặc là chịu lời nguyền sẽ không buôn bán được nữa.
Dệt lụa Nha Xá: Là một làng nghề dệt lụa truyền thống thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Vẻ đẹp của lụa Nha Xá từng làm cho những lái buôn, du khách thập phương say đắm với sự mềm mại, quyến rũ mà ghé chân lại khi ngang qua nơi này. Mặc dù khó khăn về vốn sản xuất và đầu ra cho sản phẩm, dù vậy, quy mô sản xuất của làng nghề đang tiếp tục mở rộng theo hướng công nghiệp, từng bước hiện đại hoá.
Làng thêu ren Thanh Hà: Thuộc Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Từ cách đây hơn 100 năm, người dân Thanh Hà đã làm quen với đường kim, sợi chỉ và cuộc sống của họ chẳng biết tự bao giờ đã gắn liền với nghề thêu ren. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những cánh hoa cứ dần hiện lên sống động dù để trang trí vào giữa tấm nệm hay góc khăn tay. Họ đang thổi hồn mình vào các bức tranh, nâng những sản phẩm của một nghề thủ công lên thành những tác phẩm độc đáo.
Làng mây tre đan Ngọc Động: Thuộc thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Là ngôi làng đã nổi tiếng từ lâu với những sản phẩm là hàng mây giang đan các loại vừa dùng làm đồ trang trí nội thất vừa làm đồ mỹ nghệ. Làng nghề đã tồn tại qua bao thăng trầm, lớp thợ hôm nay dám nghĩ dám làm để những sản phẩm của mình tiếp tục nối tiếp truyền thống của những người đi trước. Sản phẩm mây tre đan Ngọc Động được khẳng định chẳng những trên thị trường trong nước mà còn cả ở nước ngoài.
Trên đây là những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nam mà 10Hay đã chia sẽ. Hy vọng các bạn sẽ thấy có ích cho những chuyến đi của mình. Nếu thấy hay hãy share và comment ý kiến của bạn để giúp 10Hay hoàn thiện hơn nhé!