Vàng da là tình trạng da màu vàng hơn bình thường so với màu da của người châu Á. Vàng có thể từ nhẹ đến nặng như màu củ nghệ. Khi có triệu chứng vàng da, ta thường nghĩ ngay đến các bệnh về gan mật. Tuy nhiên, bệnh gây vàng da không chỉ có hệ gan mật mà còn bao gồm nhiều bệnh lý khác, có cả lành tính lẫn ác tính.
Những bệnh gây vàng da có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn. Vàng da được xem là bình thường ở trẻ sơ sinh dưới 10 ngày tuổi do cơ thể chưa hoàn thiện về tổ chức. Vàng da bình thường ở người lớn có thể do ăn nhiều cà rốt, đu đủ, bí đỏ,… Ngoài những trường hợp trên thì vàng da được xem là bệnh lý và cần phải được điều trị sớm.
Trong cơ thể có chứa một nồng độ nhất định chất Bilirubin (gồm bilirubin tự do và bilirubin kết hợp). Khi nồng độ chất này cao hơn mức bình thường sẽ gây nên triệu chứng vàng da trên lâm sàng. Tùy vào loại và lượng bilirubin tăng mà màu sắc và mức độ vàng da sẽ thay đổi. Vàng da có thể đi kèm với vàng mắt, nước tiểu màu vàng đậm.
Sau đây sẽ là 10 bệnh gây vàng da thường gặp nhất. Mỗi bệnh có những triệu chứng và dấu hiệu riêng giúp bạn dễ nhận biết và có hướng xử trí phù hợp.
1. Sốt rét
Sốt rét là một bệnh gây vàng da thường gặp ở các nước Đông Nam Á, người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh. Bệnh do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium gây ra thông qua trung gian truyền bệnh là muỗi Anophen. Bệnh thường diễn tiến thành cơn vào một thời điểm nhất định trong ngày. Mỗi cơn gồm 3 giai đoạn theo thứ tự: giai đoạn rét run, giai đoạn sốt, giai đoạn hồi phục. Khi ký sinh trùng phá vỡ hồng cầu để vào máu, vàng da sẽ xuất hiện do hồng cầu bị vỡ giải phóng nhiều bilirubin.
2. Thiếu máu tán huyết tự miễn
Thiếu máu tán huyết tự miễn là một bệnh thuộc hệ miễn dịch, có thể do bẩm sinh hoặc di truyền, bệnh thường gặp ở trẻ em. Lúc này, hồng cầu trở thành kháng nguyên lạ và cơ thể sẽ sản xuất kháng thể để chống lại hồng cầu. Bệnh gây vàng da trên lâm sàng do hồng cầu bị kháng thể phá vỡ, giải phóng lượng lớn bilirubin vào máu. Trẻ bị bệnh có triệu chứng thiếu máu: da vàng, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi mất gai, yếu ớt, gan lách có thể to. Cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa Nhi để điều trị bệnh.
3. Thiếu men G6PD
Thiếu men G6PD là một bệnh gây vàng da thường gặp ở trẻ em. Trên thế giới có khoảng 400 triệu người mắc phải. Nam giới thường bị bệnh hơn nữ giới do bệnh di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính X. Men G6PD cần thiết cho các phản ứng sinh hóa để hồng cầu bền vững trước những tác nhân oxy hóa. Khi thiếu men G6PD, hồng cầu dễ bị vỡ đưa đến hiện tượng tán huyết, giải phóng lượng lớn bilirubin gây triệu chứng vàng da. Hiện tại, bệnh chưa có thuốc điều trị. Chủ yếu là phòng bệnh bằng cách tránh ăn đậu Fava, tránh các thuốc có thể gây tán huyết.
4. Viêm gan do rượu
Những người nghiện rượu lâu năm thường bị viêm gan. Do rượu khi uống vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành một chất độc với gan. Uống rượu lâu ngày, tế bào gan bị phá hủy nhiều dẫn đến viêm gan, dần dần tiến triển thành xơ gan. Đây là một bệnh gây vàng da do tăng cả bilirubin gián tiếp và trực tiếp trong máu. Điều trị bệnh chủ yếu bằng các thuốc hỗ trợ gan và ngưng uống rượu.
5. Viêm gan siêu vi
Thường gặp nhất là viêm gan siêu vi B,C. Bệnh gây vàng da nhẹ, đôi khi khó nhận thấy. Vàng da chỉ xuất hiện khoảng 1 tháng, sau đó giảm dần. Về sau, khi viêm gan tiến triển đến giai đoạn xơ gan và ung thư gan thì vàng da xuất hiện trở lại và ngày càng nặng hơn. Bệnh có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn. Điều trị bệnh bằng các thuốc hỗ trợ gan và thuốc kháng virus.
6. Áp xe gan
Áp xe gan là một ổ mủ hình thành trong gan do amip Entamoeba Histolytica hoặc vi khuẩn gây nên. Triệu chứng của bệnh bao gồm đau hạ sườn phải, sốt, gan to, đau. Siêu âm có thể phát hiện ổ áp xe trong gan. Bệnh gây vàng da từ nhẹ đến nặng tùy vào kích thước ổ áp xe. Điều trị bệnh bằng các thuốc diệt amip, kháng sinh, chọc hút ổ áp xe. Cần phải tiến hành quá trình điều trị sớm để tránh biến chứng vỡ ổ áp xe gây tràn dịch màng tim, màng phổi rất nguy hiểm.
7. Sỏi đường mật chính
Sỏi đường mật chính thường gặp ở các nước đang phát triển do tình trạng giun chui lên ống mật và gây ra sỏi. Triệu chứng điển hình của sỏi đường mật chính là đau hạ sườn phải, sốt, vàng da. Siêu âm có thể thấy hình ảnh của viên sỏi trong đường mật. Bệnh gây vàng da mức độ trung bình đến nặng, nước tiểu có màu vàng đậm. Nguyên nhân do sỏi trong đường mật cản trở sự lưu thông của mật xuống ruột non. Do đó, mật sẽ thấm vào máu gây tăng bilirubin trong máu (chủ yếu là bilirubin trực tiếp).
8. Nhiễm Leptospira
Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira gây nên, lây truyền chủ yếu qua đường da, niêm mạc do tiếp xúc với nước, bùn đất, nước tiểu của động vật bị nhiễm xoắn khuẩn. Đặc điểm nổi bật của bệnh là hội chứng nhiễm độc toàn thân (sốt, môi khô, lưỡi dơ, mặt hốc hác, rối loạn nước, điện giải) và hội chứng tổn thương gan, thận. Bệnh gây vàng da do độc tố của xoắn khuẩn Leptospira gây hoại tử tế bào gan và phá hủy hồng cầu làm tăng bilirubin trong máu.
9. Ung thư gan
Ung thư gan là một bệnh ung thư đứng thứ 6 trong các loại ung thư trên thế giới. Ung thư gan nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 28 %. Nếu điều trị muộn khi ung thư đã di căn thì tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 2 %. Triệu chứng ung thư gan rất nghèo nàn, bao gồm: sụt cân, mệt mỏi, vàng da nhẹ, có thể đau ở vùng gan. Bệnh gây vàng da do khối u chèn ép vào các đường mật trong và ngoài gan, gây ứ mật dẫn đến tăng bilirubin trong máu. Đồng thời, do tế bào gan bị hủy hoại nên không còn khả năng chuyển hóa bilirubin tự do làm cho nồng độ chất này tăng cao gây nên vàng da.
10. Ung thư tụy
Tụy là một tuyến nội tiết và ngoại tiết quan trọng của cơ thể. Hiện nay, chưa biết được nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư tụy. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư tụy cao ở những người nghiện rượu, béo phì. Thể ung thư tụy thường gặp nhất là u đầu tụy. Khối u chèn ép vào đường mật làm cản trở sự lưu thông mật xuống tá tràng, mật sẽ thấm vào máu làm tăng bilirubin trong máu. Từ đó dẫn đến vàng da, vàng củng mạc mắt, nước tiểu vàng sậm. Kèm theo đó là các triệu chứng như sụt cân, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sụt cân,…
Xem thêm: