Hiện nay ở nước ta, miền Bắc đang tiến vào những ngày mùa đông lạnh với nền nhiệt dưới 20 độ C, trong khi miền Nam vẫn là những ngày nắng nóng. Mùa đông đến với thời tiết se lạnh, mưa gió, hanh khô dễ khiến nhiều người mắc bệnh, trong có có đối tượng trẻ em. Trẻ có sức đề kháng yếu với các tác nhân gây bệnh nên dễ dàng mắc phải một số bệnh thường gặp trong thời tiết lạnh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, cúm, ho, viêm họng,…
Xuất phát từ thực trạng đó, nhiều cách phòng chống bệnh cho trẻ trong mùa đông đã được các bác sĩ khuyến cáo và nhắc nhở những bậc phụ huynh nhằm bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất cho con em của mình. Có nhiều biện pháp từ đơn giản đến phức tạp, tuy nhiên, người lớn chúng ta đều có thể làm được nhằm giữ gìn sức khỏe cho trẻ. Qua đó, chúng ta sẽ có thêm hiểu biết, có thêm kinh nghiệm trong chăm sóc trẻ, những đứa em, những đứa con tương lai sau này.
Sau đây, bài viết xin chia sẻ 10 cách phòng chống bệnh cho trẻ trong mùa đông để bạn đọc tham khảo và tích lũy thêm kiến thức nhé:
1. Giữ ấm cơ thể trẻ
Một trong những cách phòng chống bệnh cho trẻ trong mùa đông rất quan trọng đó là giữ ấm cơ thể trẻ. Việc giữ ấm sẽ có hiệu quả đặc biệt phòng những bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm long đường hô hấp, cảm cúm,…Tuy nhiên, không phải cứ mặc nhiều áo quần ấm cho trẻ là được mà bạn cần cho trẻ mặc nhiều lớp áo khác nhau giúp cho việc giữ ấm được tốt hơn và bé có thể cởi bớt 1 hoặc 2 lớp khi cảm thấy nóng. Đặc biệt, cần thường xuyên mang tất chân, găng tay, khẩu trang, đeo khăn quàng cổ và đội mũ len cho trẻ bởi đây là những bộ phận rất nhạy cảm với tiết trời lạnh. Ngoài ra, bạn phải hạn chế tuyệt đối việc cho trẻ ra nơi gió lạnh, có nhiều gió lùa để trẻ tránh bị cảm lãnh nhé!
2. Đảm bảo ăn chín, uống chín
Đảm bảo ăn chín, uống chín là một nguyên tắc vàng trong vấn đề dinh dưỡng cho trẻ. Dù mùa lạnh bạn có bận rộn đến đâu thì vẫn giữ thói quen cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu chín, uống nước đun sôi để nguội. Điều này không những giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động ổn định, lành mạnh mà còn giúp phòng các bệnh tiêu chảy nhiễm trùng, ăn không tiêu, ngộ độc thực phẩm mà một khi những bệnh này xảy ra sẽ làm sức đề kháng của trẻ suy yếu thêm, dễ mắc các bệnh trong mùa lạnh.
3. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong từng khẩu phần ăn hàng ngày là một cách phòng chống bệnh cho trẻ trong mùa đông mà các bà mẹ không nên bỏ qua. Giữ chế độ ăn đầy đủ chất như mọi ngày, trẻ bú mẹ vẫn tiếp tục bú mẹ, trẻ ăn dặm cần cho ăn theo ô vuông thức ăn với đủ “tô màu bát bột”, đủ thành phần cần thiết. Không nên cho trẻ ăn kiêng trong mùa lạnh. Như vậy mới giúp cho hệ thống miễn dịch của trẻ hoạt động ổn định, có khả năng đề kháng nhiều bệnh dễ mắc phải khi trời lạnh.
4. Uống nước ấm
Khi mùa đông về, chúng ta nên cho trẻ uống đủ nước, tốt nhất là nước ấm có nhiệt độ từ 37 độ trở lên và không quá nóng. Nước ấm giúp kích thích tiêu hóa, thông đường thở, tăng cường độ hô hấp sẽ tống xuất các chất cặn bã, vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Đồng thời, nước ấm không gây kích thích niêm mạc nên không dẫn đến tổn thương đường hô hấp của trẻ. Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp cho da bé mịn màng, hồng hào, không bị xanh tái, trầy xước, nhiễm khuẩn do khí hậu lạnh.
5. Khuyến khích trẻ vận động
Vào những ngày trời lạnh, các bé thường rất ngại vận động và đây cũng là nguyên nhân khiến sức đề kháng của bé bị suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trong mùa đông. Do đó, để phòng bệnh mùa đông cho trẻ hiệu quả, bạn cần khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn bằng các biện pháp như tập thể dục buổi sáng hoặc chơi đùa cùng trẻ, cho trẻ tham gia các câu lạc bộ thể dục để tập luyện đều đặn hàng ngày hay đơn giản là nhờ các bé làm việc nhà với những công việc đơn giản, vận động nhiều hơn. Trẻ vận động nhiều sẽ có sức khỏe tốt hơn, khả năng phòng ngừa bệnh tật hiệu quả hơn và phát triển toàn diện hơn rất nhiều.
6. Hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người
Cần phải hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người, vì sức đề kháng của trẻ yếu nên dễ bị lây các bệnh đường hô hấp từ những trẻ khác như viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, hoặc một số bệnh khác như thủy đậu, sởi, ho gà,… Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể lây bệnh cho trẻ. Vì vậy, để giữ gìn sức khỏe của con em bạn, tốt nhất nên để trẻ ở nhà, đừng đưa trẻ đi dạo công viên, chợ búa, siêu thị,…
7. Giữ vệ sinh thân thể trẻ
Một vấn đề mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua đó là giữ vệ sinh thân thể cho trẻ. Thường xuyên súc miệng, đánh răng, rửa mũi cho trẻ để loại bỏ những chất cặn bã, vi khuẩn, giúp đường thở thông thoáng. Trẻ sẽ hô hấp đều đặn, mạnh mẽ, tăng khả năng đề kháng với vi khuẩn, có sức khỏe tốt để chống lại những bệnh trong mùa đông.
8. Giữ vệ sinh cá nhân
Bên cạnh việc giữ vệ sinh thân thể trẻ, cha mẹ cũng nên giữ gìn vệ sinh cá nhân nhất là khi chế biến thức ăn và những khi chăm sóc trẻ. Rửa tay sạch trước khi nấu ăn cho trẻ, khi đút cho trẻ ăn, khi trực tiếp dùng tay tiếp xúc, bồng bế, vỗ về trẻ. Như vậy sẽ có nhiều ích lợi, hạn chế phát tán vi khuẩn từ tay chân của người lớn sang trẻ em, hạn chế gây nhiễm khuẩn cho trẻ.
9. Vấn đề tiêm chủng
Tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ theo chương trình tiêm chủng y tế quốc gia là một việc làm cần thiết giúp trẻ có một hệ miễn dịch lành mạnh, không chỉ chống chọi được những bệnh dễ mắc phải trong mùa đông mà còn những bệnh khác nữa như bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, lao. Vậy thì không có lý do gì mà bạn không đưa trẻ đi tiêm chủng, đúng không nào?
10. Vấn đề sử dụng thuốc cho trẻ
Đây là một vấn đề rất quan trọng mà các bậc phụ huynh cần phải chú ý. Mỗi khi thấy trẻ không khỏe như ho, sốt, sổ mũi,…cha mẹ thường lo lắng và đến tiệm thuốc tây tự ý mua này kia cho trẻ uống mà không biết mình đang hành động sai. Vào mùa đông, trẻ dễ có một số phản xạ bình thường như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ (cũng có thể do tiêm ngừa). Vì vậy, bạn không nên lo lắng quá mà hãy cho trẻ ăn uống đầy đủ như mọi ngày. Bạn chỉ nên sử dụng thuốc cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hoặc sử dụng những loại dược liệu thông thường được sự cho phép của bác sĩ mà thôi.
Xem thêm: