Bệnh khó chữa trị ở trẻ em được khái quát là những bệnh thường gặp ở trẻ em hơn người lớn và khó chữa trị, hoặc những bệnh khi trẻ em mắc phải thì rất khó điều trị so với khi người lớn mắc phải. Bệnh khó chữa trị ở trẻ em có những đặc điểm chung là: trẻ em dễ mắc phải hoặc có thể mắc phải; khó chữa trị khỏi hoàn toàn hoặc tỷ lệ điều trị khỏi rất thấp, thời gian điều trị bệnh thường kéo dài, dai dẳng, tốn kém tiền bạc; hoặc trở thành bệnh mạn tính; hoặc để lại những di chứng về sau, ảnh hưởng không tốt đến tuổi trưởng thành, làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân.
Bài viết này không đề cập đến những bệnh gây tử vong sớm ở trẻ em như: ung thư, suy tủy, HIV/AIDS, chấn thương sọ não,…Đối với những bệnh được nêu lên trong bài viết này, nếu trẻ được điều trị duy trì theo đúng phác đồ thì có thể kéo dài cuộc sống đến tuổi trưởng thành. Một vài trường hợp sẽ phát triển như người bình thường, một số chậm phát triển hoặc có những di chứng kèm theo về sau.
Bệnh khó chữa trị ở trẻ em khá đa dạng và phức tạp. Sau đây xin giới thiệu 10 bệnh khó chữa trị ở trẻ em thường gặp nhất:
1. Tự kỷ
Bệnh tự kỷ thường khởi phát rất sớm khi trẻ < 3 tuổi, đây là một rối loạn tâm thần nặng. Trẻ mắc bệnh tự kỷ có xu hướng tự cô lập, không kết bạn, không biểu hiện sự liên hệ với cha mẹ và người thân. Trẻ có thể bị khiếm khuyết về ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi, rối loạn ăn uống, động kinh,… Việc điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em nói chung là khó khăn, lâu dài và chỉ cải thiện một phần. Có thể dùng liệu pháp giáo dục và hành vi, tâm lý liệu pháp và dùng một vài loại thuốc hướng tâm thần khi cần thiết.
2. Tăng động giảm chú ý
Bệnh tăng động giảm chú ý (viết tắt là ADHD) là một bệnh đáng lo ngại ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh này thường có biểu hiện tăng hoạt động, hiếu động quá mức, thường xuyên đùa nghịch, kém tập trung, kém chú ý. Vì vậy, việc học tập và sinh hoạt của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện tại đã có nhiều nghiên cứu về thuốc chữa bệnh tăng động giảm chú ý như Clonidin, Methylphenydat. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng, giá thành cao, đòi hỏi phải điều trị lâu dài nên rất tốn kém. Một số liệu pháp tâm lý và liệu pháp hành vi được xem như là cải thiện một phần sự tăng động ở trẻ như: tập thư giãn, mát xa, khen thưởng, cải thiện chế độ dinh dưỡng,…
3. Viêm gan siêu vi B
Trẻ em mắc bệnh viêm gan siêu vi B hầu như là do bị lây truyền từ bố mẹ, một số ít trường hợp do truyền máu bị nhiễm virus hoặc tiêm ngừa bằng bơm tiêm nhiễm virus. Ở trẻ em, 90% trường hợp nhiễm virus siêu vi B sẽ tiến triển thành viêm gan mạn tính sau 3 đến 6 tháng. Vì sức đề kháng của trẻ còn yếu, khả năng hấp thu và chuyển hóa thuốc ở cơ thể trẻ em chưa hoàn thiện như người lớn nên việc dùng các thuốc diệt virus viêm gan B gặp nhiều khó khăn. Quá trình điều trị thường kéo dài trong nhiều năm (có thể đến tuổi trưởng thành), giá thành của các loại thuốc khá cao, tỷ lệ thành công không mấy khả quan: chỉ 50 – 60% khỏi bệnh, những trường hợp còn lại tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
4. Tim bẩm sinh
Những bệnh tim bẩm sinh thường gặp ở trẻ em như: còn ống động mạch, hẹp hở van 2 lá, van 3 lá, thông liên nhĩ, thông liên thất, tứ chứng Fallot. Đa phần những bệnh này không thể dùng thuốc điều trị đơn thuần mà phải kết hợp với phẫu thuật tim. Tuy nhiên đối với thể trạng trẻ em thì phẫu thuật tim là một thao tác y khoa xâm lấn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ. Bên cạnh đó, chuyên khoa tim mạch can thiệp dành cho trẻ em ở nước ta chưa phát triển mạnh nên việc điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thử thách.
5. Viêm phổi
Hiện nay, do môi trường ngày càng bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm phổi ngày càng tăng. Đặc điểm đường thở của trẻ em là khả năng kháng khuẩn yếu, phản xạ kháng khuẩn chưa hoàn thiện kèm theo sức đề kháng yếu nên bệnh viêm phổi thường tiến triển nhanh và trở nặng, đặc biệt là viêm phổi mắc phải tại bệnh viện. Bên cạnh đó, do tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện nên có nhiều vi khuẩn đã kháng thuốc như tụ cầu, liên cầu, phế cầu,… làm cho việc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có 1 triệu trẻ em chết vì bệnh viêm phổi, chiếm 15% tổng số ca tử vong của trẻ.
6. Viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ là tình trạng viêm ở màng não do vi khuẩn sinh mủ gây nên. Những vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, phế cầu, não mô cầu. Ở trẻ em, bệnh cảnh thường không điển hình và bệnh có thể diễn biến nhanh chóng đưa đến tổn thương não gây tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề. Việc điều trị rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi trẻ phải nhập viện để theo dõi sát. Kháng sinh phải sử dụng đường tiêm tĩnh mạch, liều cao, đặc hiệu và phải là kháng sinh diệt khuẩn. Ở Việt Nam, bệnh viêm màng não mủ trẻ em có tỷ lệ tử vong cao: 18 – 30%. Số bệnh nhi có di chứng thần kinh chiếm tỷ lệ 15,2 – 20%.
7. Lao
Văc xin tiêm ngừa lao BCG trong chương trình tiêm chủng y tế quốc gia chỉ giúp trẻ phòng được hai thể của bệnh lao là lao kê và lao màng não. Còn những thể lao khác như lao phổi, lao màng phổi, lao hạch, lao ruột,… thì không phòng tránh được. Việc điều trị bệnh lao đòi hỏi thời gian 6 – 9 tháng liên tục. Thuốc kháng lao dễ gây dị ứng ở trẻ, nhiều tác dụng phụ, gây khó chịu nên trẻ em khó tuân thủ theo đúng theo đúng phác đồ của bác sĩ. Vì vậy, bệnh lao ở trẻ em hiện nay cũng là một bệnh khó chữa trị một cách triệt để.
8. Thalassemia
Thalassemia là bệnh khiếm khuyết di truyền trong sự tổng hợp chuỗi globin làm cho hemoglobin không bình thường, hồng cầu bị vỡ sớm gây thiếu máu. Biểu hiện ở trẻ bệnh Thalassemia là thiếu máu từ nhẹ đến nặng, gan lách to, biến dạng xương, chậm phát triển trí tuệ và thể chất,…Việc điều trị rất phức tạp và dường như phải kéo dài đến tuổi trưởng thành, bao gồm: truyền máu định kỳ, thải sắt, cắt lách khi có chỉ định, chủng ngừa một số loại vi khuẩn (não mô cầu, liên cầu, Hemophilus Influenzae).
9. Hemophilia
Hemophilia là một bệnh di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính X gây triệu chứng chảy máu kéo dài do thiếu một vài yếu tố đông máu. Gồm có hai thể bệnh là Hemophilia A và Hemophilia B. Trẻ mắc bệnh Hemophilia thường bị chảy máu da niêm, chảy máu chân răng, có thể có bướu máu, ói ra máu, đi tiểu ra máu,…Điều trị bệnh Hemophilia đòi hỏi thời gian kéo dài và khá tốn kém. Nguyên tắc chung là truyền định kỳ những chế phẩm có chứa yếu tố đông máu bị thiếu hụt trong cơ thể, hoặc truyền vào những thời điểm như: nhổ răng, phẫu thuật, chấn thương mất máu,… Đồng thời, cần phải hạn chế va chạm để tránh gây chảy máu.
10. Rối loạn Tic
Tic là những hành động hoặc âm thanh phát ra không hữu ý, xuất hiện không có mục đích, định hình, không nhịp điệu. Bệnh thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ 5 – 6%, trẻ trai gặp nhiều hơn trẻ gái 4 – 5 lần. Các Tic vận động như nháy mắt, nhún vai, vuốt tóc,… Các Tic âm thanh như tằng hắng, khục khịch, tặc lưỡi,…Trẻ bị Tic thường bị mất ngủ, kém tập trung, suy nhược thần kinh. Điều trị Tic bao gồm thuốc men và liệu pháp tâm lý – hành vi. Vấn đề khó khăn ở đây là chưa có nghiên cứu nào công bố thời gian điều trị kéo dài bao lâu, phải giảm liều thuốc như thế nào. Đồng thời, bệnh rất dễ tái phát nếu ngưng hoặc giảm liều một cách tùy ý. Đây là những điều còn tồn tại trong điều trị bệnh Tic.
Xem thêm: