Từ cuối thế kỷ 19, kiến trúc Việt Nam đã thể hiện sự du nhập phong cách xây dựng và quy hoạch đô thị châu Âu và sự giao lưu văn hoá Pháp và văn hoá Á Đông. Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975), kiến trúc Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ. Đã ra đời nhiều đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, làng xóm mới. Có những công trình kiến trúc lớn và có giá trị cao về nghệ thuật. Nói chung, kiến trúc Việt Nam ngày nay bao gồm 04 mảng lớn: thiết kế nội thất, thiết kế kiến trúc, thiết kế quy hoạch đô thị, thiết kế môi trường và quy hoạch vùng.
Nói đến kiến trúc Việt Nam đương đại, có lẽ chúng ta không khỏi choáng ngợp trước một rừng các công trình kiến trúc mới đang vươn lên hàng ngày ở các đô thị từ cấp trung ương tới cấp địa phương, thậm chí ở cả những khu vực mà trước đây thường được coi là hẻo lánh. Hình thái kiến trúc của các công trình xây dựng ở thời kỳ này đã trở nên đa dạng hơn các thời kỳ trước đây rất nhiều. Bên cạnh đó, có những công trình kiến trúc nổi tiếng, độc đáo không chỉ giúp du khách “nhớ mặt đặt tên”, các công trình kiến trúc ấy còn là niềm tự hào của cả dân tộc, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.
Sau đây, mời bạn cùng 10hay điểm qua danh sách 10 công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam:
1. Trường mầm non Farming Kindergarten
Trường mầm non Farming Kindergarten tại Đồng Nai là một công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Với ý tưởng thiết kế một công trình xanh, bền vững, Công ty Pou Chen Vietnam tại tỉnh Đồng Nai đã xây dựng nhà trẻ Farming Kindergarten cho con của 23.000 công nhân ngay cạnh nhà máy làm việc của họ.
Nhà trẻ được xây dựng và vận hành với một chi phí thấp bằng việc trồng rau trên mái để cung cấp thực phẩm rau sạch cho các bữa ăn kết hợp với việc trồng hoa giun tại các lam đứng tạo lớp cách nhiệt, môi trường xanh mát, trong lành cho trẻ em mà không cần sử dụng điều hòa nhiệt độ. Công trình không những tạo ra không gian vui chơi linh hoạt cho trẻ qua ba sân trong và mái xanh chạy dài liên tục mà còn cho trẻ em năng động, hiểu rõ về thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên để tồn tại trong thế kỷ 21.
2. Công trình “House for trees”
“House for trees” là công trình được xây dựng trên một lô đất trống thuộc Quận Tân Bình, TP.HCM, nơi có mật độ dân cư đông đúc với những ngôi nhà nhỏ chen chúc nhau. Dựa trên ý tưởng những chậu cây xanh, Tân Bình House for trees được chia làm 5 lăng trụ có thể trồng được cây xanh trên mái. Khoảng đất trống giữa 5 lăng trụ được tận dụng làm thành những khu vườn nhỏ, tại đây, với những mảng xanh ở khắp mọi nơi, gia chủ có thể tận hưởng bầu không khí vô cùng trong lành tinh khiết.
Từ nội thất, các không bán gian ngoài trời cho đến những khu vườn tràn ngập bóng cây, tất cả như hòa quyện vào căn nhà nhằm tạo ra một sự gắn kết tuyệt đối giữa không gian bên trong và bên ngoài.
3. Nhà Hội nghị Đại Lải
Nhà Hội nghị Đại Lải là một công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam từng đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế năm 2013. Công trình Bamboo Dailai Complex gồm nhà hàng Bamboo Wing và nhà Hội nghị Đại Lải nằm trong khu nghỉ mát tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), cách thành phố Hà Nội 50 km.
Vật liệu chính để làm hai công trình này đó là tre và luồng được thiết kế theo kiểu đối lập: không gian mở với không gian đóng, cấu trúc tre cong với cấu trúc tre thẳng, cấu trúc cân bằng với cấu trúc nhịp dài. Bằng việc sử dụng vật liệu tự nhiên vô cùng gần gũi với con người, du khách có thể trải nghiệm các không gian khác nhau đồng thời nhiều loại hình sự kiện có thể được tổ chức trong các không gian đa dạng của hai công trình này.
4. Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam đã tồn tại từ lâu đời. Đây là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, điểm đến của du khách trong và ngoài nước, là nét đặc trưng của du lịch Việt Nam. Cho tới nay, tròn 130 năm, trải qua nhiều biến động chính trị, lịch sử, Nhà thờ Đức Bà vẫn là công trình kiến trúc tuyệt tác của đô thị Sài Gòn.
Là một công trình khá đặc biệt về quy hoạch – nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông quảng trường, nhà thờ là một điểm nhấn trong không gian đô thị, có góc nhìn đẹp từ mọi phía. Nhà thờ Đức Bà xứng đáng là một tuyệt tác kiến trúc, là một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình cũng ghi nhận sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hóa – kiến trúc Đông – Tây. Không chỉ những du khách ở xa đến, mà chính những người dân Sài Gòn hàng ngày đi qua vẫn thán phục trước vẻ đẹp tráng lệ, giản dị, uy nghiêm mà gần gũi.
5. Văn miếu Quốc Tử Giám
Một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam từ thời phong kiến tồn tại cho đến ngày hôm nay là Văn miếu Quốc Tử Giám. là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam Kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Với hơn 700 năm hoạt động đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, nay Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi.
6. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam không thể không nhắc đến đó là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng đá hồng màu mận chín.
Lăng được thiết kế để có độ bền vững cao, chống được bom đạn và động đất cường độ 7 richter. Ngoài ra còn có công trình bảo vệ đặc biệt chống lụt phòng khi Hà Nội bị vỡ đê. Kính quan tài phải chịu được xung lực cơ học lớn. Lăng còn được thiết kế thêm “buồng đặc biệt” để có thể giữ thi hài tại chỗ trong trường hợp có chiến tranh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa 5 ngày một tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Mùa nóng (từ 01/4 đến 31/10): Từ 7h30 đến 10h30; mùa lạnh (từ 01/11 đến 31/3 năm sau): Từ 8h00 đến 11h00; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm, Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng: tháng 10 và tháng 11. Ngày 19/5, 2/9 và Mồng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
7. Hoàng Thành Huế
Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội. Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình.
Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm”. Hoàng Thành Huế từ lâu đã trở thành biểu tượng của vùng đất cố đô xưa, thu hút khách du lịch đến tham quan, khám phá và tìm hiểu về văn hóa lịch sử của các triều đại phong kiến xa xưa.
8. Babylon Hotel
Babylon Hotel là một khu nghỉ dưỡng với sự đan xen hài hòa của cây xanh, đá tự nhiên và tre đem đến môi trường hoàn hảo giúp cho du khách dễ dàng thanh lọc tâm trí và thư giãn tối đa. Khối khách sạn nhiều tầng được đặt tên Babylon nổi bật với mặt đứng kết hợp giữa lam bê tông và cây xanh xen kẽ, là điểm nhấn thị giác hấp dẫn theo hướng nhìn từ bờ biển.
Cây xanh được trồng dọc các hành lang, ban công và mọi nơi trong khu nghỉ dưỡng, nó góp phần vào cảnh quan thiên nhiên của khu nghỉ dưỡng. Khi du khách đi bên trong khách sạn, họ có cảm giác như đang đắm mình trong thiên nhiên nhiệt đới nhờ vào hệ thống cây xanh được trồng dọc mặt đứng và hành lang, từ trong phòng tắm cũng có thể nhìn thấy không gian xanh ngoài ban công.
Khu nghỉ dưỡng sẽ đem lại sự thư giãn tối đa và làm tươi mới lại sức khỏe cũng như thanh lọc tinh thần cho du khách nhờ vào không gian thiên nhiên thân thiện và với những hoạt động thể chất như thể thao bãi biển, Yoga, tắm hơi.
9. Nhà thờ Con Gà
Là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam tọa lạc tại vùng đất Tây Nguyên, đồng thời là điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch Đà Lạt, nhà thờ Chánh Tòa hay nhà thờ Con Gà là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất Đà Lạt. Với vẻ đẹp cổ kính, nhà thờ Con Gà tạo cho du khách một ấn tượng đặc biệt về kiến trúc và sự hoành tráng hiếm thấy trên cao nguyên Langbiang.
Là nhà thờ lớn nằm ngay trung tâm thành phố, nhà thờ Con Gà hàng năm thường tổ chức nhiều lễ lớn, phục vụ đời sống tôn giáo của người dân địa phương. Nhà thờ Con Gà thực sự là một công trình kiến trúc Roman tuyệt đẹp mang phong cách châu Âu, với tổng thể hình chữ thập dài 65m, rộng 14m với điểm cao nhất là tháp chuông cao 47m.
Không chỉ là nhà thờ lớn nhất ở Đà Lạt, có tầm quan trọng về mặt tôn giáo, lịch sử và nằm trong tổng thể kiến trúc chung của thành phố, nhà thờ Con Gà còn là một trong những biểu tượng gắn liền với Đà Lạt mù sương.
10. Cầu sông Hàn
Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng. Cầu được khánh thành ngày 29 tháng 3 năm 2000. Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông, có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét. Không chỉ là biểu tượng gắn liền với thành phố du lịch Đà Nẵng, cầu Sông Hàn còn là niềm tự hào của Việt Nam khi đây là công trình cầu quay đầu tiên do những kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công.
Đây cũng là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Vào khoảng 1h đêm mỗi ngày, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của sông Hàn để mở đường cho tàu thuyền lớn đi qua. Sau 4h cầu sẽ quay trở lại như cũ. Dù hiện nay Đà Nẵng đã có thêm một số cây cầu bắc qua sông Hàn, nhưng chỉ có cầu sông Hàn mới gợi lên nhiều cảm xúc cho du khách khi đến với thành phố này.
Xem thêm: