Việt Nam đang đặt quan hệ ngoại giao với 178 nước trên thế giới. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước có mối quan hệ bền vững với ta. Theo số liệu thống kê, 116 nước có vốn đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã đưa ra thống kê tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2016. Trong thời gian này, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11.284 tỷ USD; tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Hàn Quốc
Hàn Quốc hiện là nước có vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Hàn Quốc đứng đầu về tổng vốn đăng ký và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Đến tháng 6/2016, Hàn Quốc đã có 5.364 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 48,6 tỷ USD. Mỗi dự án FDI của nước này trung bình chỉ đạt 9,3 triệu USD. Con số này thấp hơn quy mô trung bình một dự án FDI ở nước ta khoảng 4,5 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn FDI của Hàn Quốc như Samsung, LG, Lotte,…luôn là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Hàn Quốc tập trung chủ yếu vào các dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản. Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh là những nơi thu hút nhiều FDI Hàn Quốc nhất trong 6 tháng đầu năm nay.
Nhật Bản
Sau Hàn Quốc, Nhật Bản là nước có vốn đầu tư vào Việt Nam cao thứ hai. Lũy kế đến tháng 6/2016, Nhật Bản có 3.117 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 39,8 tỷ USD. Nhật Bản trở thành nhà đầu tư chiến lược khi nhiều tên tuổi lớn của Nhật Bản như Honda, Toyota,..xây dựng tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật Bản xem Việt Nam là nơi có chi phí nhân công rẻ, và là một thị trường hứa hẹn trong lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Điển hình, Aeon đã mở 3 trung tâm tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Ngoài ra, Nhật Bản có xu hướng quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 6% vốn FDI của Nhật năm 2015.
Singapore
Vốn FDI của Singapore đổ vào Việt Nam tăng mạnh. Tính đến nay, Singapore có 1.643 dự án với tổng số vốn đầu tư là 38 tỷ USD. Dòng vốn FDI của Singapore đã chảy vào 18/21 ngành kinh tế của nước ta. Công nghiệp chế biến, hoạt động kinh doanh bất động sản được Singapore tập trung nhiều nhất. Quy mô vốn bình quân một dự án của nhà đầu tư Singapore là 22,7 triệu USD. Singapore đang trải nguồn vốn đến hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh chiếm số vốn cao nhất với 799 dự án. Hà Nội đứng thứ 2 với 256 dự án và 4,65 tỷ USD.
Đài Loan
Vốn đầu tư trực tiếp FDI của Đài Loan rót vào Việt Nam đạt 31,7 tỷ USD, với 2.525 dự án còn hiệu lực. Trên 10/21 ngành kinh tế của nước ta được các nhà đầu tư Đài Loan đầu tư. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải chiếm khoảng 7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng kể đến, tập đoàn lớn trong ngành da giày Đài Loan chọn Việt Nam làm điểm dừng chân cho các nhà máy mới của mình.
Quần đảo Virgin (BVI)
Tính lũy kế đến tháng 6/2016, BVI 654 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 20 tỷ USD. Quần đảo Virgin xếp thứ 5/116 nước có vốn đầu tư vào Việt Nam. Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, Công ty TNHH Trung tâm thương mại Vinacapital, Công ty TNHH Worldon Việt Nam… đều là các dự án lớn đến từ BVI.
Hồng Kông
Hồng Kông hiện có 1043 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đạt khoảng 16,6 tỷ USD. Trong hệ thống phân ngành kinh tế của ta hiện nay, Hồng Kông đã đầu tư vào 17/21 ngành. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được chú trọng với 502 dự án và 7,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là ngành sản xuất điện và hoạt động kinh doanh bất động sản. Lần lượt chiếm 2,65 tỷ USD và 2,46 tỷ USD tổng vốn đầu tư.
Với 38 dự án và 3,08 tỷ USD vốn đầu tư, Hải Dương đứng đầu về thu hút FDI từ các nhà đầu tư Hồng Kông. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Khánh Hòa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… Các lĩnh vực có công nghệ cao, thân thiện với môi trường nên được chú trọng đẩy mạnh, thu hút hơn nữa các nhà đầu tư Hồng Kông.
Malaysia
Malaysia đứng thứ hai trong số các nước ASEAN về lượng vốn FDI rót vào Việt Nam. Với 547 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng kí đạt 13,9 tỷ USD. Tuy xét về số lượng dự án cũng như tổng số vốn đều thua Singapore, nhưng vốn FDI của nước này cũng đạt được kết quả nhất định. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập là cơ hội lớn về đầu tư và thương mại cho các nước thành viên và nước ngoài.
Hoa Kỳ
Nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực. Hoa Kỳ đứng trong Top 10 nuóc đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Các khoản đầu tư lớn từ Intel, General Electric, Microsoft, AIG, Coca-Cola…hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua.
Đầu tư từ Hoa Kỳ vào nước ta còn khiêm tốn, với 816 dự án, 10,9 tỷ USD vốn đầu tư. So với Singapore, Malaysia, thì con số ấy vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có của Việt Nam. Nguyên nhân chính là vẫn còn nhiều rào cản trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.
Trung Quốc
Lũy kế tháng 6/2016, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 10,7 tỷ USD, với 1.445 dự án còn hiệu lực. Trung Quốc hiện đang thực hiện đa dạng hóa đầu tư. Đầu tư vào bất động sản, tài chính và hạ tầng cơ sở giao thông đang có xu hướng tăng lên, trải dài từ bắc vào nam. Trung Quốc đầu tư theo hình thức trực tiếp (100% vốn) và các hợp đồng BOT, BT, BTO… Đáng kể nhất là dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận, vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Thái Lan
Sau hiệp định TPP, Thái Lan càng tấn công ồ vào Việt Nam hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, FDI của Thái Lan đạt 9 tỷ USD, có 459 dự án đầu tư vào Việt Nam. Các đại gia Thái Lan xem lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được là thị trường màu mỡ nhất. Tiếp theo, là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Cuối cùng là các ngành bán lẻ, xây dựng…AEC được thành lập mới đây chính là cơ hội để Thái Lan thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam – nhân công rẻ, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Xem thêm: Top 10 nước giàu nhất Đông Nam Á