Thói quen là những phản xạ có điều kiện thông qua quá trình học tập và rèn luyện mà có được. Thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, công việc của mỗi người. Thói quen của con người gồm có những mặt tích cực và tiêu cực. Một người sẽ dễ dàng thành công nếu trong con người của anh ta tồn tại nhiều thói quen tích cực và ít thói quen tiêu cực.
Trong các mặt của đời sống con người thì sức khỏe giữ vai trò quan trọng. Liên hệ với thói quen hàng ngày, điều ý nghĩa nhất là giảm thiểu những thói quen xấu có hại cho sức khỏe và phát huy những thói quen tốt. Những thói quen tiêu cực có nhiều tác động không tốt đến sức khỏe con người, ví dụ như tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh phổi, giảm chất lượng sức khỏe, loãng xương,… và nhiều hệ lụy khác. Trong đó, giảm trí nhớ là một trong số những hậu quả được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây.
Sau đây sẽ là 10 thói quen gây giảm trí nhớ thường gặp nhất mà mỗi người nên biết để xóa bỏ chúng, cải thiện thành thói quen tốt nhằm giữ gìn, bảo vệ trí nhớ, nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc:
1. Thức khuya
Thức khuya là một trong những thói quen gây giảm trí nhớ thường gặp nhất. Vì nhiều lý do như: làm việc, xem phim, chơi game, ôn bài,…mà nhiều người thức khuya quá 23 giờ. Những người này có nguy cơ suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần những người ngủ sớm. Bên cạnh đó, thức khuya còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim mạch, các bệnh suy nhược.
2. Làm việc quá sức
Làm việc quá sức là một thói quen gây giảm trí nhớ thường gặp ở những người lao động trí óc như học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, các nhà khoa học,…Khi tế bào não hoạt động quá nhiều sẽ dễ bị suy yếu và giảm tuổi thọ. Điều đó đồng nghĩa với việc trí nhớ bị suy giảm nhanh, hệ thần kinh bị lão hóa sớm so với những người làm việc ở mức độ vừa phải.
3. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây giảm trí nhớ mà còn tiềm ẩn nguy cơ của nhiều bệnh khác như bệnh phổi, dạ dày, tim mạch,…Người hút thuốc lá dễ bị suy nhược thần kinh gấp 3 lần so với người không hút thuốc. Trong thuốc lá chứa nhiều chất độc và chất gây nghiện. Tất cả các chất này khi tác động đến hệ thần kinh đều dẫn đến hậu quả là suy giảm trí nhớ.
4. Uống nhiều rượu
Rượu là chất ức chế thần kinh thông qua thụ thể GABA ở não. Uống rượu nhiều làm cho quá trình ức chế ở não diễn ra thường xuyên. Đồng thời, những người nghiện rượu thường bị thiếu vitamin B1 – là một chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy, bộ não sẽ dần bị suy yếu, trí nhớ giảm sút. Về lâu dài có thể dẫn đến hội chứng Korsakoff bao gồm các triệu chứng như: hay quên, bịa chuyện, rối loạn cảm giác, suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ,…
5. Trùm chăn khi ngủ
Khi ngủ, chúng ta chỉ còn những cử động hô hấp tự động đủ để duy trì hoạt động tối thiểu của các cơ quan trong cơ thể. Nếu như ta trùm chăn khi ngủ thì lượng oxy trong khí hít vào sẽ giảm, đồng thời lượng CO2 tăng lên. Điều này diễn ra thường xuyên sẽ làm cho các tế bào não bị suy yếu và chết dần. Vì các nơron ở não rất nhạy cảm với sự thiếu oxy nên dù giảm một lượng rất ít cũng dẫn đến giảm chức năng não, giảm trí nhớ.
6. Ít vận động
Trí nhớ cũng là một phản xạ có điều kiện, đòi hỏi quá trình tiếp thu, bảo tồn và tái hiện lại của con người phải bền bỉ và hoàn hảo. Nếu chúng ta ít vận động, có lối sống tĩnh tại, không rèn luyện trí nhớ thì lâu dài sẽ dẫn đến giảm trí nhớ do giảm khả năng tiếp nhận thông tin, khả năng lưu trữ thông tin và khả năng nhớ lại. Tương tự như một cỗ máy, nếu chúng ta vận hành thường xuyên thì cỗ máy đó hoạt động trơn tru, mạnh mẽ. Nếu chúng ta không sử dụng trong một thời gian dài thì khi sử dụng lại sẽ gặp những trục trặc do quá trình rỉ sét, ăn mòn, khô dầu nhớt,…
7. Ăn uống thiếu chất
Vấn đề ăn uống thiếu chất là một thói quen gây giảm trí nhớ thường gặp ở đối tượng trẻ em, người cao tuổi. Một số vi chất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh, cho quá trình ghi nhớ gồm có: vitamin A, B, đồng, kẽm, sắt,…Những chất này được dự trữ trong cơ thể rất ít và cần phải được cung cấp từ thức ăn. Trẻ em và người cao tuổi nếu không được chăm sóc chu đáo, không được cung cấp chế độ ăn đầy đủ chất thì rất dễ bị suy giảm trí nhớ: ở trẻ em sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ, ở người cao tuổi dễ mắc bệnh sa sút tâm thần.
8. Lạm dụng thuốc ngủ
Tương tự như rượu, các loại thuốc ngủ có tác dụng ức chế lên hệ thần kinh trung ương thông qua thụ thể GABA. Nếu chúng ta lạm dụng thuốc ngủ kéo dài thì hoạt động não bộ và trí nhớ sẽ suy yếu dần do quá trình ức chế diễn ra thường xuyên. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, những người lạm dụng thuốc ngủ có nguy cơ bị sa sút tâm thần gấp 4-5 lần những người không hoặc ít sử dụng thuốc ngủ.
9. Lạm dụng chất kích thích
Những chất kích thích điển hình gồm có: caffein, amphetamin (thuốc lắc), cocain, nicotin,…Những chất này khi dùng với lượng vừa phải, thời gian ngắn thì có tác dụng kích thích hoạt động của hệ thần kinh, tăng sự thức tỉnh, tăng khả năng tập trung, ghi nhớ. Nhưng nếu sử dụng lâu dài ở mức độ lạm dụng thì sẽ phản tác dụng do bộ não bị kích thích thường xuyên, không có thời gian nghỉ ngơi nên sẽ bị suy yếu dần. Đặc biệt là các chất ma túy như amphetamin, cocain còn gây tổn thương đến hệ thần kinh.
10. Căng thẳng tâm lý thường xuyên
Đây là một thói quen gây giảm trí nhớ mà không ít người khó khắc phục. Do áp lực, tính chất công việc, những mâu thuẫn trong cơ quan, tại gia đình,…mà một người có thể rơi vào trạng thái stress, căng thẳng thần kinh. Nếu không kịp thời ổn định tâm lý, có hướng thích ứng phù hợp thì cơ thể dễ bị suy nhược, bộ não giảm hoạt động, trí nhớ suy yếu. Vì vậy, để gìn giữ trí nhớ thật tốt, mỗi người nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng tâm lý bằng một số biện pháp như nghe nhạc, yoga, tìm đến bác sĩ tâm lý để nhận được sự tư vấn,…
Xem thêm: