Hải Dương là một trong những tỉnh miền Bắc quy tụ nhiều những danh lam thắng cảnh thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan và khám phá vùng đất yên bình nơi đây và cũng là nơi níu chân du khách với hàng trăm di tích văn hóa lịch sử và hàng ngàn câu chuyện về các danh nhân quân sự, văn học, danh y như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh….Hãy cùng 10Hay tìm hiểu Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hải Dương hấp dẫn du khách.
1. Khu di tích danh thắng Côn Sơn
Khu di tích danh thắng Côn Sơn thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khu di tích nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng – Kỳ Lân, gồm có núi non, chùa, tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử.
Bàn Cờ Tiên: Từ chùa Côn Sơn du khách leo khoảng 600 bậc đá sẽ thấy một khu đất bằng phẳng, nơi đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Ðứng từ đây du khách có thể nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn.
Giếng Ngọc: Giếng nằm ở sườn núi Kỳ Lân, phía dưới chân của Ðăng Minh Bảo Tháp. Nước giếng trong vắt và xanh mát quanh năm, uống vào sẽ thấy khoan khoái dễ chịu, nước ở giếng thường được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa.
Thạch Bàn: là hai tảng đá sói kết, mặt tương đối bằng phẳng, nằm cách nhau gần 100m, bên cạnh suối Côn Sơn. Tương truyền, đây là nơi Nguyễn Trãi thường ngồi ngắm cảnh, làm thơ và suy nghĩ vận nước. Thạch Bàn nhỏ hơn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh khi Người đến thăm Côn Sơn.
2. Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nay là Khu di tích lịch sử-văn hóa Kiếp Bạc.
Đền Kiếp Bạc được xây dựng từ năm Canh Tý (1300). Qua cổng tam quan là vào một sân rộng tục truyền là “Bãi Kiếm, hai bên sân là 2 dãy nhà dài, để khách thập phương dừng chân sửa soạn mâm lễ vật. Sau đó, đi một cửa sẽ tới một khuôn viên nhỏ có hồ, có hoa và hòn non bộ, ở giữa đặt một bàn thờ nhỏ. Tiếp đến là 2 gian nhà đại bái lớn và hậu cung nằm liền nhau. Lễ hội Đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Mỗi mùa hội khách thập phương về dự có tới chục vạn người, dưới sông hàng nghìn con thuyền lớn nhỏ, trên bộ hàng vạn xe cộ ngược xuôi, trống phách vang lừng, cờ bay phất phới.
3. Đảo Cò Chi Lăng Nam
Nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Là điểm du lịch sinh thái “độc nhất vô nhị” của miền Bắc, với hàng vạn chú cò, vạc, chim nước cùng quần tụ giữa không gian xanh mát của một vùng quê thanh bình.
Với diện tích trên 20ha, đảo cò Chi Lăng Nam là một dải đất nổi rộng hơn 7.000 m2, được phủ kín bởi những rặng tre xanh nghiêng mình soi bóng, trở thành ngôi nhà chung của nhiều loài chim, đông nhất là tập đoàn cò, vạc. Đến thăm đảo cò ấn tượng đầu tiên với du khách sẽ là cảm giác choáng ngợp trước khung cảnh hàng vạn chú chim đậu san sát trên các tầng cây, trông xa như những cành hoa điểm đầy bông trắng. Nhộn nhịp nhất là lúc bình mình vừa ló dạng, và hoàng hôn chiều ráng. Trên một chiếc xuồng cỡ nhỏ, người chèo xuồng sẽ chầm chậm dạo quanh hồ, cho du khách thỏa thích quan sát cuộc sống sinh động của các loài chim. Bạn sẽ càng thích thú khi được xem tổ, ngắm những chú cò con tập tễnh, đôi chân vẫn còn chưa vững… Đây sẽ là nơi mang đến cho bạn những khoảnh khắc hòa mình cùng thiên nhiên.
4. Động Kính Chủ
Động Kính Chủ nằm ở sườn núi phía Nam của núi Dương Nham thuộc thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. có độ cao 20m so với triền ruộng chân núi, cửa động hướng Nam, đầy đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, là nơi cư trú thuận lợi của những người tiền sử.
Ở đây còn thấy hình động vật được khắc trên vách đá và công cụ lao động của người xưa. Trong động Kính Chủ có chùa thờ Phật, thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và có nhiều tượng tạc bằng đá mô tả những sự kiện điển hình trong kinh Phật. Du khách đến thăm động điều có xúc cảm sâu lắng trước vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên, của núi sông nhờ những người thợ đá làm nên và đã được ở đây ghi lại trên 40 tấm bia ở vách động. Đây là một di sản không phải hang động nào cũng có.
5. Đền Cao An Phụ
Đền Cao An Phụ nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Hải Dương còn có tên gọi khác là đền An Sinh Vương Trần Liễu tên chữ là An Phụ Sơn Từ. Đền Cao An Phụ huyện Kinh Môn như một dải lụa điểm xuyết cho bức tranh đồng bằng Bắc Bộ.
Được xây dựng từ thời Trần, các công trình kiến trúc hiện nay được trùng tu, tôn tạo, khôi phục nhiều hạng mục, mở rộng phạm vi khu di tích xứng với tầm vóc của danh nhân: như đền chính, nghi môn ngoại, nghi môn nội và công trình văn hóa như chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo. Thả bộ dọc theo con đường bê tông hun hút lên tận tam quan ngoại hai bên là những hàng thông xanh rờn đang ngày đêm vi vu gió thổi xào xạc, khiến cho lòng nhẹ nhàng hơn. Đứng trên đỉnh cao nhất, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn khung cảnh thơ mộng hữu tình của trời mây non nước, những dòng sông uốn lượn như dải lụa, cánh đồng bạt ngàn chia thành từng ô vuông vức, những ngôi làng nhỏ phân khu địa phận, những con đường dọc, ngang. Tất cả tạo nên một bức tranh muôn màu.
6. Đền thờ Chu Văn An
Đền thờ Chu Văn An nằm giữa bốn bề bát ngát thông xanh và tiếng suối reo ở vùng núi Chí Linh, thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đền mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, thờ thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370).
Bước vào khuôn viên khu di tích, ngay từ cổng lên đền chính nổi bật chữ “Học” được viết theo nét bút thư pháp trông xa như một tấm thảm nhung trải lên các bậc đá để bước lên Đền. Ngôi đền chính được thiết kế theo kiểu “chồng diêm” tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt, nhà bia cũ, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thiếp vàng… Cả ngôi đền nằm giữa bát ngát thông xanh trong ánh chiều vàng thu cũng như lung linh trong sắc màu huyền thoại về một Nhà giáo tài, đức vẹn toàn. Đây là điểm du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống của rất nhiều du khách, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước.
7. Đền Tranh
Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm tại xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Thờ vị thần sông nước coi khúc sông, đây là một ngôi đền lớn thờ nhân vật mang tính huyền thoại theo tín ngưỡng dân gian.
Ngôi đền này ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông, đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới được dân chúng giữ tên gọi là Đền Tranh. Đền Tranh qua ba lần chuyển dời cùng nhiều lần trùng tu tôn tạo, đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và tích hợp được nét đẹp của văn hóa Việt. Nửa thế kỳ trôi qua, thị trấn đã trải qua những thăng trầm qua hai cuộc chiến tranh, đền Tranh được dựng lại và tôn tạo trên địa phận thôn Tranh Xuyên xã Đồng Tâm. Không những đền được tôn tạo lại rất bề thế uy nghiêm mà còn được mở rộng rất nhiều, bên cạnh còn có chùa Tranh mới được xây dựng thêm. Không chỉ ngày hội mà ngày thường khách đến lễ cũng rất đông.
8. Văn Miếu Mao Điền
Văn Miếu Mao Điền thuộc địa phận xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi thờ Khổng Tử và 8 vị Đại khoa Nho học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An,…các bậc nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của tỉnh Hai Dương.
Văn miếu trấn Hải Dương được khởi dựng vào thời Lê Sơ (1428-1527). Công trình này gồm 5 gian bái đường và 3 gian chính tẩm đặt trên một gò đất cao. Tại nơi đây diễn ra các hoạt động : Lễ hội truyền thống, tuyên dương học sinh giỏi, gặp mặt các tiến sỹ Hải Dương thời hiện đại, hội thảo khoa học, diễn xướng văn nghệ dân gian, hội trại học sinh sinh viên … Với những hoạt động có ý nghĩa trên, Văn miếu Mao Điền xứng đáng là nơi tôn vinh văn hiến tỉnh Đông và là địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước về thăm tỉnh Hải Dương.
9. Hang Mả táng treo
Nằm ở điểm cuối cùng của cánh cung Đông Triều, dãy núi Dương Nham và Nhẫm Dương thuộc địa phận huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đang ẩn chứa trong lòng những điều bất ngờ, thú vị.
Theo những người dân nơi đây kể lại, trước đây dân phát hiện trong hang có một mộ táng treo trên vách hang, đến khoảng những năm 1980, mộ bị mất. Cửa hang nằm nghiêng nên khá rộng, nhưng hiện do quá trình khai thác đá, cửa hang bị lẹm vào tới nửa mét, khiến đường vào rất khó. Đây sẽ là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước
10. Các làng nghề
Làng rối nước Thanh Hải, Thanh Hà: Rối nước Thanh Hải Thanh Hà Hải Dương là một loại hình nghệ thuật được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012. Trong lễ hội đền và các ngày lễ chùa thường có biểu diễn Múa rối nước, do phường rối nước trình diễn nghệ thuật để phục vụ dân làng và khách thập phương.
Làng gốm sứ Chu Đậu: Là gốm sứ cổ truyền Việt Nam đã được sản xuất tại vùng mà nay thuộc làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Minh Tân và Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Về Chu Đậu du khách ẽ được tìm hiểu về dòng Gốm cổ Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới và tự tay làm cho mình những sản phẩm ý nghĩa.
Làng thêu Xuân Nẻo: Thuộc thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Nơi đây có kinh nghiệm làm nghề thêu tranh Gia Truyền nhiều đời, được biết đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước và cả nước ngoài. Du khách sẽ được ngắm nhìn những đường khâu tinh tế từ bàn tau khéo léo của những người đang miệt mà trong tác phẩm khi đến với Xuân Nẻo.
Trên đây là những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hải Dương đẹp và thú vị dành cho những bạn có niềm đam mê khám phá những vùng miền khác nhau trên khắp tổ quốc. hy vọng sau bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết về Hải Dương hơn và kinh nghiệm cho những chuyến đi của mình đến với Hải Dương. Hãy like và share nếu cảm thấy bài viết bổ ích nhé. Và cũng đừng quên comment ý kiến đóng góp của các bạn cho 10Hay.