Bên cạnh những bãi biển xinh đẹp, những công viên du lịch hoành tráng, những khu vườn quốc gia rộng lớn thì những hồ nước ngọt cũng là một thể loại thắng cảnh tuyệt vời cho khách du lịch. Đến tham quan những hồ lớn nhất ở Việt Nam, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mênh mông, êm đềm của thiên nhiên sông nước mà còn có thể được thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình ven hồ, được chèo thuyền thư giãn hoặc hòa mình vào dòng nước mát mẻ, trong lành.
Những hồ lớn nhất ở Việt Nam có thể là hồ tự nhiên hoặc hồ nhân tạo phục vụ cho hoạt động của các nhà máy thủy điện nhưng tựu trung lại vẫn là những hồ nước ngọt nổi tiếng với nguồn nước dồi dào, diện tích lưu vực rộng lớn, mang vẻ đẹp nên thơ, tráng lệ, có giá trị cao cho lĩnh vực du lịch.
Sau đây 10Hay.com xin giới thiệu 10 hồ lớn nhất ở Việt Nam, những điểm dừng chân lý thú mà du khách không nên bỏ qua trong hành trình tham quan của mình:
1. Hồ Ba Bể (Bắc Cạn)
Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở Việt Nam, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể. Về địa hình, hồ như một khối nước khổng lồ nằm giữa lưng chừng vùng núi đá vôi. Ba nhánh của hồ thông nhau và có tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Đến tham quan tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thư giãn khi chèo thuyền trên hồ, khám phá các hang động và chiêm ngưỡng dòng thác hùng vĩ ở thượng nguồn.
2. Hồ Thác Bà (Yên Bái)
Hồ Thác Bà là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, cách Hà Nội 160km về phía Tây Bắc. Đây là nguồn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ Thác Bà có hơn 1300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động.
Đến đây, du khách sẽ được đặt vé một chỗ trên thuyền để khám phá khắp hồ, thưởng thức cảm giác làm cần thủ hay nằm dài ngắm cảnh đất trời thi vị. Khung cảnh nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, HMông, Dao,…
3. Hồ Gươm (Hà Nội)
Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm là một hồ nước ngọt nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội, gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa Vàng vào thế kỷ 15. Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ còn có những di tích lịch sử khác như tượng vua Lý Thái Tổ, cầu Thê Húc, Tháp Bút, đền thờ vua Lê,…Hồ gắn liền với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình, đức văn tài võ trị của dân tộc. Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình.
4. Hồ Tây (Hà Nội)
Hồ Tây còn có tên gọi là hồ Mù Sương, hồ Trâu Vàng, Tây Hồ, là hồ lớn nhất thủ đô Hà Nội. Đến Hồ Tây vào bất cứ thời điểm nào, bạn có thể khám phá những nét đẹp đặc trưng hiếm có, thư giãn với không khí trong lành, dòng nước mát mẻ. Bên cạnh tham quan hồ, du khách cũng có thể ghé thăm một số di tích khác gần đó như làng Nghi Tàm, làng Nhật Tân, đền Sóc thờ Thánh Gióng, đền Đồng Cổ, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc,…
5. Hồ Tơ Nưng (Gia Lai)
Hồ Tơ Nưng là một hồ nước ngọt nằm phía Tây Bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố khoảng 7km, nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng cao khoảng 500m so với mực nước biển. Hồ là nơi ẩn náu của các loài chim như bói cá, cuốc đen, kơ túc, kơ vông,…Hồ còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên gồm đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá chày, cá đá,…
Ngày 16/11/1988, hồ Tơ Nưng được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích danh thắng, tuy chưa được khai thác nhiều cho du lịch nhưng chính vẻ hoang sơ của nó đã hấp dẫn rất nhiều lượt du khách.
6. Hồ Lăk (Đăk Lăk)
Hồ Lăk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai ở Việt Nam sau hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có các dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh, những kiến trúc lịch sử như biệt điện của Hoàng đế Bảo Đại, nhà dài của người M’Nông.
Hồ rộng trên 5km, mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng. Theo truyền thuyết, hồ được tạo ra bởi anh hùng Lăk Liêng người dân tộc M’Nông.
7. Hồ Biển Lạc (Bình Thuận)
Hồ Biển Lạc thuộc xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng 100km về phía Tây Bắc. Đường đến hồ gập ghềnh và khá xa khu dân cư. Vì vậy, đây là địa điểm thu hút các tay phượt đến trải nghiệm. Từ xa, hồ Biển Lạc hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Mặt hồ không gợn chút sóng, rất thanh bình và yên ả.
Diện tích hồ khá rộng khoảng 1000ha, đứng trước hồ tựa như đứng trước mặt biển mênh mông, như lạc giữa núi rừng bát ngát. Vì vậy, hồ có tên gọi là Biển Lạc. Chính vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ nên nơi đây sẽ là một triển vọng phát triển du lịch trong tương lai.
8. Hồ Trị An (Đồng Nai)
Hồ Trị An là một hồ nước nhân tạo nằm trên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hồ là nơi chứa nước cung cấp cho hoạt động của nhà máy thủy điện Trị An. Hồ Trị An mang vẻ đẹp hữu tình của nước, của cây xanh và những hòn đảo nhỏ.
Một chuyến khám phá lòng hồ trên thuyền, thưởng thức những món sản vật như cá lăng, cá chuột sẽ làm cho chuyến du lịch của bạn trở nên càng ý nghĩa, thú vị. Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan rừng quốc gia Nam Cát Tiên ở thượng nguồn.
9. Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh – Bình Dương)
Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, không chỉ là nguồn cung cấp nước trọng yếu của lưu vực mà còn sở hữu vẻ đẹp non nước xanh biếc, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách.
Vị trí địa lý của hồ Dầu Tiếng giáp 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, trong đó lưu vực chủ yếu nằm trên địa phận huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Hồ được khởi công xây dựng vào ngày 29/4/1981 và hoàn thành vào ngày 10/01/1985. Diện tích mặt hồ lên đến 270 km2, dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước.
Hồ Dầu Tiếng cùng với núi Bà Đen và tòa Thánh Tây Ninh tạo thành một tuyến liên hoàn cho chuyến du lịch Tây Ninh.
10. Hồ Xuân Hương (Lâm Đồng)
Hồ Xuân Hương là một hồ đẹp nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Xung quanh hồ có rừng thông, các bãi cỏ, vườn hoa. Đây là địa điểm du khách ưa thích đi dạo bộ hoặc xe ngựa khi đến tham quan thành phố Đà Lạt.
Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo, có chu vi khoảng 5km, rộng 25ha. Hồ có hình trăng lưỡi liềm đi qua nhiều địa danh du lịch của thành phố Đà Lạt như vườn hoa thành phố, công viên Yersin, Đồi Cù,…
Xem thêm: