Người xưa từng có câu “Mồm miệng đỡ chân tay” để nhấn mạnh cho chúng ta thấy, giao tiếp là yếu tố rất quan trọng để quyết định thành bại của một người, cũng như quyết định các mối quan hệ của người ấy. Ngoài ra, nghệ thuật giao tiếp cũng được nhắc nhiều trong những quyển sách nổi tiếng như: Đắc nhân tâm, Sức mạnh của ngôn từ,…Vậy, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là, giao tiếp như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Trả lời cho câu hỏi ấy, 10Hay.com xin gửi đến bạn top 10 kỹ năng giao tiếp cần nhớ và áp dụng đúng cách.
1. Phải dũng cảm để giao tiếp
Tại sao lại phải dũng cảm? Và việc đó mang lại ý nghĩa gì?
Thực ra, có rất nhiều người trên thế giới mắc chứng “sợ giao tiếp”, nên khi đối diện với một người hoặc một nhóm người, họ dễ nảy sinh cảm giác sợ hãi, muốn trốn chạy. Cảm xúc ấy chính là nguyên nhân khiến bộ não của họ trì trệ, khiến họ không biết nói gì, cũng không biết thể hiện cử chỉ, hành động thế nào cho phải.
Đây cũng chính là kỹ năng quan trọng nhất trong nghệ thuật giao tiếp, hãy cho người khác thấy sự tự tin của bạn. Nếu không có kỹ năng này, bạn sẽ không thể áp dụng những kỹ năng tiếp theo. Hít thở một hơi thật sâu có thể giúp bạn bình tĩnh hơn trước khi giao tiếp với ai đó, và tập giao tiếp dần dần, từ từ với những người bạn cho đến khi có thể giao tiếp với những người hoàn toàn xa lạ.
2. Rèn luyện tư duy và bổ sung kiến thức
Bạn không thể giao tiếp với một bộ sáo rỗng, vậy nên việc rèn luyện tư duy và bổ sung kiến thức là vô cùng quan trọng. Kiến thức không chỉ là một trong những thước đo giá trị một con người, mà còn giúp chính bạn cảm thấy tự tin hơn. Sẽ chẳng ai muốn giao tiếp với những người cái gì cũng mù tịt. Hãy để người khác nhận thấy lợi ích của việc nói chuyện với bạn.
3. Biết lựa chọn chủ đề
Cụ thể là bạn phải lựa chọn chủ đề mà người ấy quan tâm, hoặc cả hai cùng quan tâm. Nếu bạn chọn chủ đề chỉ mình bạn quan tâm, đảm bảo bạn sẽ độc thoại và cuộc giao tiếp đi vào ngõ cụt trong giây lát. Ai về nhà nấy, thế là hết.
Vậy nên, muốn cuộc nói chuyện kéo dài và đạt hiệu quả cao, bạn cần làm cho đối phương thấy hào hứng với chủ đề mà bạn nói, đó cũng là cách tốt nhất để khơi gợi ham muốn giao tiếp của đối phương.
Ví dụ, thấy một người đang đọc tiểu thuyết tình cảm, bạn đừng bắt chuyện bằng cách nói về chủ đề sách kinh tế nhé, đảm bảo cuộc nói chuyện chẳng thể kéo dài được lâu, mà bạn còn bị xem là thiếu ý tứ nữa.
4. Biết lắng nghe
Có lẽ không ai từng trải qua thời học sinh mà không một lần nghe giáo viên nhắc nhở, rằng: “Người nói phải có người nghe”. Thời học sinh, nói chuyện trong lớp thì thôi, không tính nữa, lúc đó còn nhỏ mà. Nhưng nếu ra đời, các bạn không học cách lắng nghe thì sẽ khó mà có được những mối quan hệ tốt.
Mỗi người đều có những câu chuyện và số phận riêng muốn được chia sẻ cho mọi người biết, nhưng lại ít ai làm vậy vì họ không tìm thấy sự tin tưởng đối với người khác. Học cách lắng nghe chính là chiếc chìa khóa giúp bạn mở cửa trái tim của mọi người, nhận được sự tin cậy và yêu mến. Chính bạn cũng thích những kẻ thích nhảy vào họng bạn phải vậy không? Như thế là thiếu tôn trọng người khác. Lắng nghe cũng giúp bạn hiểu rõ cảm xúc của đối phương để từ đó dẫn dắt câu chuyện theo hướng tích cực nhất. Đặc biệt là, trong quá trình lắng nghe, có thể bạn còn tìm thấy được những kiến thức vô cùng mới lạ.
5. Biểu cảm thích hợp
Không phải bạn cứ im lặng là người ta sẽ nghĩ rằng bạn đang lắng nghe. Thử hỏi nếu bạn nói chuyện với một người, mà người ấy cứ ngó nghiêng đi nơi khác, dù họ im lặng, thì bạn có muốn nói tiếp không. Chắc chắn là không thể rồi.
Để cho người khác biết bạn đang lắng nghe họ thì im lặng không thôi là chưa đủ, mà chúng ta còn cần tập trung ánh nhìn về phía họ và thể hiện những biểu cảm thích hợp. Ví dụ, khi đối phương kể chuyện cười, đương nhiên bạn phải cười, khi người đó tâm sự chuyện buồn, thì bạn phải thể hiện sự đồng cảm với họ…như vậy, họ sẽ nhận thấy rằng bạn rất trân trọng những gì họ chia sẻ, từ đó giúp họ có thêm tự tin để nói tiếp, cuộc đối thoại cũng theo đó mà kéo dài thêm ra.
6. Đặt câu hỏi phù hợp
Nghệ thuật đặt câu hỏi cũng quan trọng không kém trong một cuộc giao tiếp. Bạn biết đấy, hai hay nhiều người nói chuyện với nhau mà chỉ có một người độc thoại sẽ gây nên sự nhàm chán và bế tắc. Vì vậy, đặt câu hỏi chính là phương thức giúp cho cả hai đồng thời nói lên quan điểm hay tâm sự của mình. Có người hỏi, người đáp giúp đôi bên vừa hiểu nhau hơn, vừa có thể tìm kiếm những chủ đề mới mà cả hai cùng quan tâm. Nhưng đặt câu hỏi thế nào mới được coi là phù hợp? Để tôi lấy hai ví dụ đơn giản, từ đó bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho riêng mình.
-Ví dụ 1:
- +Người A: Ôi, mệt quá!
- +Người B: Làm gì mà mệt?
-Ví dụ 2:
- +Người A: Ôi, mệt quá!
- +Người B: Vậy hả? Có nhiều lắm không? Hay là cậu nghỉ ngơi chút đi.
Vậy đấy, nếu bạn thấy câu hỏi nào dễ chịu hơn thì hãy sử dụng phương pháp ấy để hỏi nhé!
7. Biết chuyển hướng câu hỏi sang người khác
Kỹ năng này đa phần dành cho những cuộc đối thoại gồm nhiều người. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, trong một cuộc đối thoại lớn, thường chỉ có vài người nói, số còn lại thì im lặng, có thể do không cùng quan điểm, hoặc do ngại giao tiếp. Những người không có kĩ năng giao tiếp thường ít khi để ý đến điều đó, họ chỉ nghĩ rằng, người khác im lặng chính là cơ “ngàn vàng” để họ thể hiện bản thân. Còn người biết cách giao tiếp thì không vậy, họ luôn muốn tất cả mọi người đều có thể tham gia vào cuộc đối thoại. Vì vậy, câu hỏi đáng lẽ dành cho họ, họ sẽ khéo léo chuyển chúng đi theo vòng tròn, khiến ai cũng được trả lời.
Ngoài ra, đây cũng là cách giúp bạn thoát khỏi những câu hỏi không muốn trả lời mà lại không làm mất lòng người hỏi, từ đó trở thành một người đối thoại thông minh.
8. Nói đúng cách và đúng lúc
Trong những trường hợp khác nhau thì yêu cầu giao tiếp cũng khác nhau, bạn không thể dùng cách giao tiếp của người này lên người khác được. Đôi khi, bạn cần phải “đâm lao theo lao”. Ví dụ, nói chuyện với một người phóng khoáng, thì đừng câu nệ quá nhiều. Ngược lại, nói chuyện với người quy cách, bạn phóng khoáng quá thì họ sẽ cho rằng bạn thiếu tôn trọng họ. Người ta xưng mày, tao, chi, tớ thì bạn đừng lịch sự bạn bè này nọ, họ sẽ không cảm thấy thoải mái, và cuộc giao tiếp rất dễ rơi vào ngõ cụt.
Thêm một điều chú ý nữa, là đừng cố gắng giao tiếp khi đối phương đang bận, vì như vậy bạn sẽ bị coi như một kẻ bất lịch sự đi phá đám người khác mà thôi.
9. Dám thừa nhận “Tôi không biết”
Có nhiều người quan niệm việc nói câu “Tôi không biết” là chuyện gì đó đáng xấu hổ lắm, như thể thừa nhận mình là kẻ ngu ngốc vậy. Nhưng các bạn à, kiến thức trên thế giới này là vô hồi vô tận, nên chẳng có ai đủ thông thái để nắm bắt tất cả. Hành động dám thừa nhận “Tôi không biết” sẽ khiến người khác quý mến bạn hơn vì đã dũng cảm chấp nhận điểm yếu của bạn thân, đồng thời cũng tạo cho người khác bạn chân thật và gần gũi, có ai tin tưởng được người ba hoa bảo rằng cái gì cũng biết? Đây cũng là cách tốt nhất để bạn học hỏi, tìm kiếm thông tin từ người khác. Và chắc chắn ai cũng cảm thấy vui vẻ khi được truyền đạt cho người khác sự hiểu biết của mình.
10. Lời hẹn thông minh
Điều cấm kị trong giao tiếp, chưa nói chuyện xong hoặc vừa dứt lời đã “phủi mông” đi ngay. Như vậy là thiếu tôn trọng đối phương. Bạn nên dành những lời như “Tiếc quá” hay “Đến giờ mình phải đi mất rồi” để bày tỏ rằng bạn vẫn đang còn muốn nói chuyện tiếp. Thêm vào đó là những câu hẹn cho lần hội ngộ tiếp theo. Chắc chắn ai cũng sẽ ấn tượng và yêu mến một người nhiệt tình như vậy.
Chúc các bạn tạo dựng được những mối quan hệ tốt nhờ những kỹ năng này. Và đừng quên chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!