Cùng với sự phát triển đất nước hiện nay, nhu cầu về điện của nước ta đang tăng mạnh qua từng năm. Để đáp ứng nhu cầu đó và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chính phủ đã khởi động rất nhiều dự án nhiệt điện lớn trong vài năm gần đây. 10Hay.com giới thiệu đến bạn Top 10 nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam hiện nay để mọi người tiện theo dõi.
1. Nhiệt điện Vũng Áng
Trung tâm điện lực Vũng Áng (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) có 5 nhà máy với tổng công suất 6.300 MW.
Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1 được khánh thành ngày 17/9/2015 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng thầu EPC là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Nhà máy có công suất 1200 MW (2×600 MW) đã đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 01 từ ngày 31/12/2014 và tổ máy số 02 từ ngày 12/5/2015.
NMNĐ Formosa, công suất 1.500MW đang xây dựng 04 tổ máy (650 MW) gồm 02 tổ máy khí đốt và 02 tổ máy đốt than. Các tổ máy đã hoàn thiện và phát điện thương mại từ giữa năm 2015.
NMNĐ Vũng Áng 2 có công suất 1.320 MW, gồm 2 tổ máy được xây dựng theo hình thức BOT do Tập đoàn Mitsubishi liên doanh với Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2 triển khai đầu tư. Theo dự kiến, nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy số một vào năm 2018.
NMNĐ Vũng Áng 3 gồm 4 tổ máy với tổng công suất 2.400MW. Dự án này được tách thành 2 dự án độc lập, mỗi dự án thành phần công suất 1.200MW. Công trình do tổ hợp các nhà đầu tư gồm: Sông Đà, BIDV, BITEXCO và AEI khu vực châu Á triển khai. Dự kiến, thời gian hoàn thành dự án đến năm 2021.
2. Nhiệt điện Vĩnh Tân
Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân có tổng số vốn đầu tư khoảng 7,2 tỷ USD, gồm 4 nhà máy và 1 cảng biển, với tổng công suất lên đến 5.600MW, được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Trong đó, NMNĐ Vĩnh Tân 1 có tổng vốn đầu tư 1,75 tỉ USD đã chính thức được khởi công ngày 18-07-2015. Công trình có công suất 1.200 MW với 2 tổ máy được đầu tư BOT do liên doanh 2 nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 95% vốn, phần còn lại do Tổng Công ty Điện lực Vinacomin đối ứng. Dự kiến, tổ máy 1 sẽ vận hành cuối năm 2018, tổ máy thứ 2 sẽ hòa lưới điện quốc gia vào giữa năm 2019.
Riêng NMNĐ Vĩnh Tân 2 và 3 sẽ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn từ 2011 – 2015. Được biết, nhà máy có tổng công suất lắp đặt 1.244MW với 2 tổ máy và đã chính thức vận hành thương mại ngày 21-03-2015.
Do nhu cầu mở rộng dự án, NMNĐ Vĩnh Tân 4 đã được khởi công vào 23/04 vừa qua. Công trình gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 600 MW. Nhà thầu triển khai dự án mở rộng này là Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương.
3. Nhiệt điện Sông Hậu
Dự án Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu được xây dựng trên diện tích 360ha, tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Dự án có tổng công suất thiết kế 5.200MW, sẽ được chia làm 3 giai đoạn (GĐ), GĐ1 sẽ xây dựng NMNĐ Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW, GĐ 2 và 3 sẽ xây dựng 2 NMNĐ có công suất mỗi nhà máy là 2.000MW.
NMNĐ Sông Hậu 1 có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy (2x600MW), diện tích xây dựng 115ha do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban QLDA Điện lực Dầu Khí Sông Hậu 1 là đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý dự án. Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm Tổng thầu EPC. Dự kiến sẽ được đưa vào vận hành năm 2019.
Theo thông tin cuối gần nhất, dự án NMNĐ Sông Hậu 2 đang trong đang trong giai đoạn hoàn tất các thỏa thuận cuối cùng trước khi bắt đầu thực hiện.
4. Nhiệt điện Kiên Lương
Trung tâm điện lực Kiên Lương được Chính phủ đồng ý cho Itaco thực hiện vào năm 2008 có quy mô 4.400-5.200 MW.
Theo kế hoạch, cuối năm 2013, NMNĐ Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia nhưng hiện nay trên công trường vẫn còn ngổn ngang, bừa bộn. Cuối năm ngoái, sau nhiều lần chính quyền thúc giục, dự án đã chính thức khởi động lại sau một thời gian dài trì trệ.
5. Nhiệt điện Long Phú
Trung tâm nhiệt điện Long Phú được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2007, có 3 dự án NMNĐ đốt than với tổng công suất là 4.400MW.
Ngày 7/9/2015, tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản lý Dự án Điện lực Long Phú 1 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Liên doanh nhà thầu Power Machines-PTSC đã tổ chức lễ khởi công đóng cọc đại trà NMNĐ Long Phú 1. Dự án gồm 2 tổ máy có công suất 1.200MW. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2018.
NMNĐ 2 có tổng công suất 1.200 MW, dự kiến năm 2019 sẽ đi vào hoạt động. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam, cũng là dự án có vốn FDI lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay. Tập đoàn Tata (Ấn Độ) này cũng đang muốn đầu tư tiếp Dự án Nhiệt điện Long Phú 3 (công suất 2.000 MW).
6. Nhiệt điện Duyên Hải
Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) có tổng công suất khoảng 4.400MW, gồm 4 NMNĐ đốt than công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống và cảng than lớn nhất ĐBSCL hiện nay, với tổng vốn đầu tư hơn 5tỷ USD.
NMNĐ Duyên Hải 1 gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.245MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 7,8 tỷ kWh mỗi năm. Nhà máy đã được đưa vào vận hành thương mại, chính thức phát điện lên lưới điện quốc gia đầu năm nay.
Ngày 29/12/2015, NMNĐ Duyên Hải 2 (công suất 2x600MW) đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý giao cho công ty Janakuasa – Malaysia làm chủ đầu tư.
Dự án NMNĐ Duyên Hải 3 cũng đã được khởi công vào tháng 12/2012. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.245 MW (2×622,5 MW)
Ngày 13/12/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Phát điện 1 đã khởi công xây dựng NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng, gồm 1 tổ máy công suất 660 MW và bến cảng số 2
7. Nhiệt điện Phú Mỹ
Trung tâm điện lực Phú Mỹ là một tổ hợp gồm 5 nhà máy nhiệt điện do Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ quản lý, gồm Phú Mỹ 1, 2-1, 2-2, 3 và 4, với tổng công suất 3.900 MW.
Nhà máy đặt tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nguồn nhiên liệu cung cấp cho các nhà máy là khí thiên nhiên Nam Côn Sơn và mỏ Bạch Hổ, và dầu ở chế độ sau bảo trì, với mức tiêu thụ khoảng 10 triệu m³ khí/ngày.
8. Nhiệt điện Mông Dương
Sáng 22/10/2011, tại thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đã làm lễ khởi công xây dựng NMNĐ Mông Dương 1, với 2 tổ máycó tổng công suất lắp đặt là 1.080 MW. Sau 5 năm xây dựng, đầu năm nay (26/01), nhà máy đã đi vào phát điện thương mại. Nhà máy là một trong ba nhà máy của Trung tâm Điện lực Mông Dương (tổng công suất 3.400 MW).
NMNĐ Mông Dương 2 được công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương tổ chức lễ công bố khánh thành vào 26/10 năm ngoái. Nhà máy được đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn AES (Mỹ), Posco Power (Hàn Quốc) và China Investment Corporation (Trung Quốc). Công trình bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất thô 1.240MW, đã đi vào vận hành thương mại tháng 4/2015 và sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm vận hành.
Dự án Nhiệt điện Mông Dương 3 đang trong quá trình hoàn tất, dự kiến nhà máy có công suất 1.240MW, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ được xây dựng ở khu vực Đầm Hà, Quảng Ninh.
9. Nhiệt điện Ô Môn
Trung tâm nhiệt điện Ô Môn được quy hoạch với tổng công suất (CS) 2.800MW với các dự án Ô Môn 1 (CS 660MW), Ô Môn 2 (CS 720MW), Ô Môn 3 (CS 700MW) và Ô Môn 4 (CS 720MW).
NMNĐ Ô Môn 1 do EVN làm chủ đầu tư, Công ty Nhiệt điện Cần Thơ làm đại diện, Công ty Tư vấn điện lực Tokyo (TEPSCO) tư vấn thiết kế, liên danh Mitsubishi Heavy Industries và Mitsubishi Coporation trúng thầu xây dựng. Nhà máy đã được đưa vào vận hành thương mại.
Dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 do EVN làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư các dự án khoảng 2 tỷ USD, tiêu thụ khoảng 4 tỷ m3 khí/năm. Cùng với NMNĐ Cà Mau, Trung tâm Điện lực Ô Môn dự kiến sẽ đáp ứng tốt nhu cầu về điện trong khu vực và nước bạn Campuchia.
10. Nhiệt điện Quỳnh Lập
Trung tâm điện lực Quỳnh Lập có tổng công suất 2.400 MW, xây dựng trên diện tích khoảng 283ha, thuộc quy hoạch KCN Đông Hồi, KKT Đông Nam. Dự án chia thành 2 giai đoạn: Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (quy mô 2x600MW/nhà máy).
Ngoài 10 nhà máy, trung tâm nhiệt điện lớn trên, nước ta vẫn còn rất nhiều dự án nhiệt điện lớn khác mà các bạn có thể chưa biết: Nhiệt điện Hải Hậu, Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhiệt điện Nhơn Trạch, Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh,…
Chúc các bạn may mắn tìm được cơ hội và việc làm ở một trong những dự án nhiệt điện trên. Do các dự án có thể mở rộng, chuyển đổi hoặc hủy bỏ nên mọi thông tin ở trên chỉ mang tính thời điểm. Rất hoan nghênh các bạn ở những địa phương có dự án trên cung cấp thêm thông tin mới nhất về dự án để bài viết được cập nhật kịp thời.