Trong dịp Tết Nguyên Đán, người Việt Nam ta nói chung có những phong tục, thói quen giống nhau từ Bắc tới Nam, đó là những hoạt động như đưa ông Táo về trời, chưng hoa, chưng mâm ngũ quả, đón giao thừa, rước ông bà, hái lộc đầu năm, xông đất đầu năm, lì xì, mừng tuổi,… Đó đều là những hoạt động đã có từ lâu đời, quen thuộc đối với đại đa số người dân ở nước ta. Mỗi việc làm, mỗi tập tục đều mang những ý nghĩa nhất định nhưng tựu trung lại vẫn là ước nguyện may mắn, hạnh phúc và tiền tài trong năm mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những phong tục gần gũi, quen thuộc ấy thì cũng tồn tại những phong tục, những tín ngưỡng, niềm tin khá lạ lẫm, độc đáo của một bộ phận dân tộc thiểu số ở các vùng như Tây Nguyên, miền núi Tây Bắc. Họ có những hoạt động mà theo nhiều người là rất đặc biệt nhưng mang những ý nghĩa rất sâu xa, thiết thực. Vậy những phong tục đón Tết kỳ lạ đó là gì? Trong bài viết sau đây, 10Hay sẽ giới thiệu đến bạn đọc top 10 phong tục đón Tết kỳ lạ ở Việt Nam để mọi người cùng tham khảo và mở rộng sự hiểu biết:
1. Phong tục “Vỗ mông tỏ tình” của người HMông
Tập tục “vỗ mông” gắn liền với ngày xuân của người HMông đã từ lâu đời. Đây là một nét văn hóa độc đáo và cũng là lời tỏ tình có một không hai của người HMông. Vào ngày Tết, dưới những chân núi thường tụ tập đông đảo các thanh niên nam nữ người HMông để cùng nhau vui xuân. Khi một người con trai cảm thấy thích một cô gái nào thì anh ta sẽ vỗ vào mông của cô gái đó, cầm tay và dắt đi đến một nơi riêng tư, lãng mạn và kín đáo để tâm tình thâu đêm suốt sáng.
2. Phong tục “Tết Nhảy” của người Dao
Người Dao đón năm mới bằng Tết Nhảy với quan niệm rằng Tết là thời gian để vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng bà con, làng xóm. Tết Nhảy này nhằm giúp mọi người rèn luyện sức khỏe và võ nghệ để có một năm mới tràn đầy sức sống. Trong Tết Nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Người tham dự Tết Nhảy sẽ múa liên tục cả ngày lẫn đêm, ai mệt thì nghỉ, người khác sẽ thay thế, cứ như vậy trong suốt thời gian diễn ra Tết Nhảy.
3. Phong tục “Cướp chồng” ở Tây Nguyên
Vào dịp Tết Nguyên Đán, một số dân tộc ở Tây Nguyên như Giẻ Triêng, Cil, Churu,… tổ chức lễ hội cướp chồng. Lễ cướp chồng phải diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích có thể trả lại nhưng đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi chàng trai chấp nhận.
4. Phong tục “Đón năm mới bằng tiếng sấm” của người Thái
Tết cổ truyền của một số đồng bào Thái tại Nghệ An, Thanh Hóa không dựa vào lịch ngày tháng cụ thể mà phần lớn lại phụ thuộc vào lẽ tự nhiên của Trời Đất. Hễ trời chuyển mùa sau khi bà con thu hoạch mùa màng xong, cùng với tiếng sấm đầu tiên vang lên cũng là lúc giao thời sang năm mới. Lúc này, mọi việc chuẩn bị đón Tết của đồng bào tại đây mới chính thức bắt đầu. Sau khi nghe thấy tiếng sấm, chủ nhà sẽ gọi các thành viên trong gia đình dậy, đồng thời chạm vào các vật dụng trong nhà để đánh thức chúng dậy cùng đón năm mới. Dựa vào chính tiếng sấm đó, già làng sẽ đưa ra dự báo về năm sau. Tiếng sấm càng rền vang chứng tỏ cả năm sau đó mùa màng càng bội thu, mưa thuận gió hòa.
5. Phong tục “Thờ bát nước lã” của người Pà Thẻn
Trên mỗi bàn thờ của người Pà Thẻn tại Hà Giang đều có một bát nước lã dùng để thờ cúng quanh năm. Bát nước này phải luôn được đậy kín và không bao giờ để cạn hết nước. Phải chờ đến tháng 6, chủ nhà mới được mở chiếc bát ra để cho thêm nước vào.
Vào đêm giao thừa, nhà nào cũng sẽ đóng kín cửa, từ cửa ra vào, cửa sổ, cửa hậu,… cẩn thận cài then và bịt hết những lỗ hở ra ngoài. Trong nhà, gia chủ sẽ hạ bát nước xuống để lau chùi sạch sẽ và thay nước mới để chào đón năm mới đến. Những hành động trên đều phải giữ bí mật trong nhà. Người Pà Thẻn quan niệm, nếu những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc ai khác nhìn thấy thì cả gia đình đó năm sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn vất vả, đau ốm liên miên,…
6. Phong tục “Đánh thức gia súc cùng đón Tết” của người Lô Lô
Vào đêm 30 Tết, tất cả đồng bào Lô Lô đều thức để chờ tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong bản. Theo người dân địa phương, tiếng gà gáy chính là điểm báo hiệu bắt đầu một năm mới. Lúc đó, chủ nhà sẽ cử người đi đánh thức những con gia súc trong nhà dậy để cùng đón Tết với gia đình. Đồng thời, một lễ cúng cũng được tổ chức ngay tại nhà của người Lô Lô để cầu chúc sức khỏe, tiền bạc cho cả gia đình. Tại đây, đàn ông được cúng bằng gà trống còn phụ nữ sẽ dùng gà mái để cúng.
7. Phong tục “Đi ăn trộm lấy may” của người Lô Lô
Người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì cho năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay lấy những vật có giá trị. Với người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn với người Lô Lô ở Mèo Vạc thì số may mắn là số 3, có thể lấy trộm 3 củ tỏi, 3 lá rau. Điều thú vị là khi đi lấy trộm vào đêm giao thừa, họ sẽ không rủ nhau mà lặng lẽ không để chủ nhà bắt được.
8. Phong tục “Đón giọng gà” của dân tộc Pu Péo
Đây là một phong tục khá thú vị của người Pu Péo. Vào rạng sáng của đêm giao thừa, họ sẽ canh chừng những con gà trống. Khi gà đang vỗ cánh chuẩn bị cất tiếng gáy thì họ sẽ ném quả pháo vào chuồng làm lũ gà bị giật mình. Khi đó chúng sẽ nhảy lên loạn xạ và thi nhau gáy. Lập tức ngay lúc đó mọi người cùng hò hát vang trời. Người Pu Péo quan niệm ai hát to, át được tiếng gà thì năm mới sẽ mạnh khỏe, hát hay, gặp được nhiều điều may mắn và hạnh phúc.
9. Phong tục “Dán giấy đỏ” của người Cao Lan
Trước Tết Nguyên Đán khoảng 2 ngày, người Cao Lan sẽ mang giấy đỏ để dán ở khắp nơi, từ cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên cho đến chuồng trâu, chuồng gà,… Khi đó, mỗi căn nhà của người Cao Lan đều được nhuộm màu đỏ rực rỡ. Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Họ sẽ dán giấy đỏ ở những nơi quan trọng với mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng, gặp nhiều may mắn.
10. Phong tục “Dính tro và ném xôi lên mái nhà” của người Giẻ Thiêng
Dân tộc Giẻ Thiêng ( Quảng Nam và Kon Tum) lại đón Tết theo một cách khá mới mẻ. Đó là tục lệ Cha Chả, có nghĩa là dính than. Vào ngày 26, 27 tháng Chạp hàng năm, những chàng trai to cao khỏe khoắn của làng sẽ lên rừng đốn củi đốt thành tro và mang về. Những người ở nhà sẽ nấu xôi chuẩn bị bằng cách nắm xôi vào các cây khô để đốt cho cháy thành than. Tất cả số tro này sẽ được tung lên cao, mọi người đứng chụm lại sao cho hứng được càng nhiều tro vào người càng tốt. Họ quan niệm ai hứng được nhiều nhất sẽ là người may mắn, hạnh phúc nhất trong năm tới.
Xem thêm: