Trang trí nhà cửa vào những ngày cuối năm là việc mà dường như tất cả gia đình nào cũng làm để chuẩn bị đón những ngày Tết vui tươi và hạnh phúc nhất. Dù cho bận rộn, vất vả cho công việc đến đâu thì mỗi người đều dành chút thời gian để tân trang lại ngôi nhà thân thương của mình sau một năm dài đã cũ kỹ. Những hoạt động quen thuộc như lau nhà, quét sân, quét vôi, sơn tường, lau chùi bộ lư hương, rửa chén bát, và tưng bừng nhất là hoạt động mua sắm những đồ vật để trang trí cho ngày Tết.
Một câu hỏi không kém phần quan trọng được đặt ra là chúng ta nên mua những gì cho những ngày đầu năm mới, và những đồ vật nên có trong nhà vào ngày Tết Nguyên Đán là gì? Có những đồ vật đem lại sự may mắn, xua đuổi đi cái nghèo khó, xui rủi, nhưng cũng có những món đồ kiêng kỵ mà bạn không nên mua, không nên để chúng có mặt trong nhà vào dịp Tết. Để trả lời câu hỏi này, bài viết sau đây sẽ cùng bạn tham khảo 10 đồ vật nên có trong nhà vào ngày Tết Nguyên Đán cùng với lời ước nguyện an khang, may mắn và vạn sự như ý:
1. Cây nêu
Một trong những đồ vật nên có trong nhà vào ngày Tết Nguyên Đán chính là cây nêu. Mặc dù hiện nay, phong tục dựng cây nêu ngày Tết dần mất đi, hình ảnh cây nêu chỉ còn xuất hiện không nhiều tại những ngôi nhà ở vùng quê, vùng thôn bản, nơi ở của các dân tộc thiểu số nhưng ý nghĩa cũng như giá trị nhân văn của việc dựng cây nêu ngày Tết vẫn còn được lưu truyền.
Việc dựng cây nêu ngày Tết có ý nghĩa khá rộng tùy theo địa phương, dân tộc, tập quán của từng cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, tựu trung lại, ý nghĩa sâu sắc và chiếm phần lớn chính là trừ ma quỷ, thờ phụng thần linh, tổ tiên, xua đi những điều không may của năm cũ, và để đánh dấu vị trí sinh tồn của con người trước bọn tà ma.
2. Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một trong những đồ vật nên có trong nhà vào ngày Tết Nguyên Đán mà mọi người không thể không nhớ. Ngũ quả thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy- Hỏa – Thổ, những yếu tố được cho là cấu thành của vũ trụ. Mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây thay đổi tùy theo quan niệm, phong tục tập quán của từng địa phương. Theo triết lý phương Đông thì 5 quả phải có 5 màu sắc khác nhau.
Mâm ngũ quả ngày Tết biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của mọi người, thể hiện mong ước cho những điều tốt lành sẽ đến vào năm mới, thể hiện sự sung túc, đầy đủ, nhiệm màu như màu sắc cùng sự sum xuê của “Ngũ quả”,…Những quả có thể được người Việt Nam trưng bày trên mâm ngũ quả gồm: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, lê, lựu, chuối, phật thủ, táo, dưa hấu,…
3. Chậu hoa mai, hoa đào
Hoa mai, hoa đào là những loài hoa của mùa xuân, hoa của ngày Tết. Vì vậy, những chậu hoa mai, hoa đào là những đồ vật nên có trong nhà vào ngày Tết Nguyên Đán với ý nghĩa đầu tiên là chúng ta sẵn sàng chào đón Tết đến, xuân về cùng thiên nhiên, trời đất.
Đối với hoa mai, sau Giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may, vì người xưa có câu “Hoa khai phú quý”. Đặc biệt, nếu xuất hiện bông hoa 6 cánh thì chắc chắn sang năm mới sẽ có nhiều điều tốt lành đến với gia đình bạn. Đồng thời, từ “mai” phát âm gần giống với từ “may” nên việc chưng hoa mai trong nhà sẽ đem đến sự may mắn cho gia chủ.
Đối với hoa đào, theo phong tục từ xa xưa, người dân trồng đào trong nhà với mong ước được bình an trong năm mới và xua đuổi tà ma trong những ngày này. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng vào khoảng thời gian từ đêm Giao Thừa cho tới mùng 1 Tết, nếu hoa đào trổ bông, hoa có 3 lớp trên đài, màu đỏ thắm thì việc làm ăn của gia đình trong năm mới sẽ được thuận lợi hoặc bất ngờ nhận được nhiều tài lộc.
4. Nồi thịt kho trứng
Vào những ngày Tết, trong nhà của mỗi người không nên thiếu một nồi thịt kho trứng. Theo quan niệm của ông bà ta, việc có nồi thịt kho trong nhà vào dịp Tết thể hiện được sự no đủ, ấm cúng, dào dạt tình thương yêu giữa những thành viên trong gia đình. Còn trong thực tế, việc nấu một nồi thịt kho có nhiều công đoạn. Do vậy, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau, từ đó thắt chặt tình thân thương giữa mọi người. Nồi thịt kho trứng hoàn thành với hương vị mặn nồng, màu sắc bắt mắt, có thịt, có trứng thể hiện được niềm hạnh phúc của sự đoàn viên, sum vầy.
5. Câu đối đỏ
Ông bà ta ngày xưa có phong tục viết câu đối Tết vào sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán, sau khi làm lễ tạ ơn trời đất, gia tiên, gia chủ quần áo chỉnh tề, tinh tươm ngồi vào bàn và viết câu đối, cốt bộc lộ ý nguyện cho họ hàng, gia tộc một năm mới an khang, thịnh vượng. Những câu đối Tết thường được viết trên giấy đỏ vì màu đỏ tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, trường tồn, cho sự may mắn. Đồng thời, màu đỏ của câu đối cũng hài hòa và làm nổi bật thêm màu của hoa mai vàng, hoa đào hồng thắm, bánh chưng, bánh tét xanh tươi. Ý nghĩa của hai câu đối luôn là lời cầu chúc tốt đẹp, tài lộc, sức khỏe, an khang.
6. Tranh Tết
Tranh Tết cũng là một đồ vật nên có trong nhà vào ngày Tết Nguyên Đán. Những bức tranh có chủ đề như Múa Lân, Phát Tài, Mã Đáo Thành Công, Giàu Sang, Phúc Lộc Thọ,… nên được treo lên vào những ngày Tết để thể hiện sự sung túc, đầy đủ, no ấm của gia đình. Đồng thời, việc treo những bức tranh Tết làm cho khung cảnh trong nhà trở nên đầy màu sắc hơn, rực rỡ hơn, không khí vui tươi hơn, náo nức hơn, điềm may, điềm phúc lành sẽ đến nhiều hơn.
7. Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng ở miền Bắc hay bánh tét ở miền Nam là hai loại bánh thường được nấu vào những ngày Tết. Việc có bánh chưng, bánh tét trong nhà thể hiện được gia đình vui vẻ đón Tết, thể hiện được sự sung túc, no đủ của gia đình. Đồng thời, bánh chưng, bánh tét cũng có thể làm món ăn ngon tiếp đãi khách khứa, bạn bè, hàng xóm, bà con đến chơi vào dịp Tết.
8. Bao lì xì
Bao lì xì cũng là một đồ vật nên có trong nhà vào ngày Tết Nguyên Đán. Mọi người, mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em đều rất thích được lì xì vào dịp Tết. Thông thường, tiền lì xì người lớn dành tặng cho trẻ nhỏ sẽ nhiều hơn mọi ngày nên bọn trẻ rất thích được lì xì. Còn tiền lì xì của con cháu biếu bố mẹ, ông bà thường mang ý nghĩa may mắn, sức khỏe, tình yêu thương. Tuy nhiên, trong bao lì xì cũng có thể không phải tiền mà là một mẫu giấy in những lời chúc may mắn, chữ thư pháp, hình may mắn,…Dù dưới hình thức nào thì bạn cũng nên chuẩn bị sẵn những bao lì xì trong nhà vào dịp Tết để tạo thêm không khí vui vẻ, phấn khởi mừng xuân.
9. Bánh mứt
Hiển nhiên, những ngày Tết không thể thiếu được bánh mứt, món đặc trưng chỉ có vào dịp Tết. Dù có bận rộn đến đâu thì dường như mọi nhà đều chuẩn bị sẵn một hộp bánh mứt thơm nồng trên bàn để thể hiện gia đình đang sẵn sàng đón Tết trong sự vui tươi, hăng hái, phấn khích. Đồng thời, bánh mứt còn dùng để tiếp khách đến thăm nhà hoặc để thưởng thức hương vị. Một số loại mứt được xem là tốt cho sức khỏe như: mứt gừng, mứt dừa, mứt hồng, mứt bí, mứt me.
10. Nước ngọt, rượu bia
Trong những ngày Tết, bạn cũng nên chuẩn bị vài kết nước ngọt, rượu bia trong nhà để sẵn sàng tiếp khách. Việc hàng xóm, bạn bè, bà con xa đến nhà chơi vào những ngày đầu năm là một điều rất quen thuộc đối với mọi người. Để tiếp đãi, chúng ta không thể nào thiếu được những thức uống quen thuộc như các loại nước ngọt có gas, nước yến, rượu bia.
Xem thêm: