Bắn bi, súng phốc, pháo đất,…. là những trò chơi rất quen thuộc của trẻ em nhưng ngày nay nhiều trò chơi đã bị mai một thay vào đó là game online, mạng xã hội!. Hãy cùng MinhTamBlog xem lại ‘Top 10 trò chơi phổ biến của trẻ em Việt Nam thời xưa‘
1. Trò đánh chuyền
Trò chơi của con gái. Số người chơi 2-5 người. Đồ chơi gồm có 10 que nhỏ và một quả tròn nặng (cái). Cầm cái ở tay phải tung lên không trung và nhặt từng que. Lặp lại cho đến khi cái rơi xuống đất là mất lượt. Chơi từ bàn 1 (lấy một que một lần tung cà) bàn 2 (lấy hai que một lần) cho đến 10, vừa nhặt quả chuyền vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn. Một mốt, một mai, con trai, con hến,… Đôi tôi, đôi chị… Ba lá đa, ba lá đề v.v. Hết bàn mười thì chuyền bằng hai tay: chuyền một vòng, hai vòng hoặc ba vòng và hát: “Đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột…” khoảng 10 lần là hết một bàn chuyền, đi liền mấy ván sau và tính điểm được thua theo ván.
2. Trò đánh quay ( chơi cù)
Kỹ thuật chủ yếu của trò đánh quay gọi là bổ, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây quay vào con quay bắt đầu từ điểm mấu quấn dây tiếp xúc với thân quay theo vòng rộng dần. Người chơi giữ chặt đầu dây còn lại (hoặc quấn vào ngón tay) để bổ con quay, nghĩa là lăng cho con quay văng ra và thường kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con quay quay được nhiều vòng hơn. Theo động tác bổ có thể phân ra thành ba cách chính:
Ra quay: người chơi hơi cúi xuống và khuỵu chân, để con quay ở khoảng ngang bụng rồi lăng con quay ra, tay giật dây di chuyển gần như song song với mặt đất
Bổ thượng: người chơi đứng thẳng, tay cầm quay cao ngang gáy rồi ném quay xuống theo phương thẳng đứng, tay giật dây di chuyển từ dưới lên trên.
Bổ vát: cách thực hiện gần như bổ thượng nhưng không theo phương thẳng đứng mà theo đường chéo.
Có 3 kiểu chơi phổ biến đó là: Chơi biểu diễn (còn gọi là đồng triệt), Hầm (còn gọi là đồng hầm), Ăn vố, trả vố
3. Trò đánh sỏi
Các bé gái mê tít trò này với luật chơi không quá khó. Người chơi trước sẽ thảy một viên đá lên, chụp nhanh một viên khác phía dưới sao cho không chạm tay vào các viên xung quanh và bắt được viên đang rơi xuống. Cứ lần lượt cho đến bốn trong số năm viên đá. Nếu không chụp kịp hay chạm vào các viên đá xung quanh, người chơi sẽ nhường phần chơi cho người kế tiếp.
4. Trò bắn bi
Kỹ thuật chơi chính là động tác bắn bi, ở miền Bắc có các cách thường dùng sau đây:
Kẹp viên bi giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, móng của ngón giữa tiếp xúc với đốt ngón tay cái. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay trỏ cho viên bi bắn ra.
Ngón tay trỏ cuộn viên bi vào giữa, gập ngón tay cái vào phía trong ở phía sau bi. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay cái cho bi bắn ra.
Kỹ thuật bắn bi đòi hỏi độ khéo léo, chính xác để trúng mục tiêu theo những cự ly khác nhau. Khi bắn có thể dùng tay kia làm bệ tỳ để viên bi ở độ cao thuận lợi hơn tùy từng tình huống. Các kỹ thuật trên chỉ có độ chính xác khoảng dưới 1 mét.
Ở miền Nam:
Bi được bắn bằng 2 tay, tay trái ngón cái, trỏ và giữa kẹp viên bi, tay phải ngón cái chấm đất ngón giữa đặt sau viên bi, nhắm mục tiêu rồi bật ra. Kỹ thuật bắn này có độ chính xác đến 10 mét.
5. Thả diều
Bầu trời diều là cả vùng ước mơ của trẻ con trên cánh đồng hay những dòng sông. Những cánh diều được làm bằng các nan tre làm sườn tựa như hình thoi, giấy tập hay giấy màu được phết keo (hồ) dán lên và nối đuôi dài bằng dây ni-lông hay giấy. Diều được mắc vào cuộn dây thật dài và thả ngược gió lên bầu trời nhờ sợ khéo léo của người chơi.
6. Trốn tìm
Được yêu thích không kém chính là trò chơi trốn tìm . Để chơi trò này, bạn cần càng nhiều người càng tốt để tăng phần kịch tính và hồi hợp. Đầu tiên những người tham gia sẽ chơi oẳn tù tì với nhau, người thua cuối cùng sẽ đứng sát vào vách tường và bắt đầu đếm trong khi tất cả những người khác sẽ chọn chỗ núp an toàn cho mình. Khi mọi người đã tìm được chỗ ẩn trốn thì người còn lại sẽ bắt đầu đi tìm những người đang ẩn nấp xung quanh. Điểm đặc biệt là người thắng trò chơi oẳn tù tì sẽ hồi hợp hơn người thua vì vừa phải chọn chỗ trốn, vừa phải lo lắng vì sợ bị phát hiện.
7. Súng phốc
Từ các ống tre được dùi lỗ, các cậu bé đặt các viên giấy vo tròn vào và thục que tre để “đạn” bay vào kẻ địch. Có thể sẽ bị đau nhưng con trai lại rất thích cảm giác mạnh như thế!Trò chơi súng phốc được con trai rất yêu thích nhưng lại là nỗi kinh hãi của con gái một thời. Con gái cứ nhìn thấy đám con trai cầm súng phốc là rủ nhau chạy trốn. Trò chơi thú vị nhưng nguy hiểm nay hầu như không còn.
8. Súng chuối
Súng chuối rất dễ làm. Khi cắt nhát nhớ cách nhau chừng 7-8 cm trên sống thân tàu chuối và khi chơi thì kéo các miếng thân súng rời đó lên và dùng tay vuốt mạnh. Các cậu con trai rất kết trò làm súng bằng sống tàu chuối để nghe tiếng phập, phập của thân súng va vào các nhát cắt nửa rời rất sướng
9. Trò pháo đất
Trò pháo đất chỉ trẻ em vùng nông thôn mới hay chơi. Pháo được làm từ đất sét hoặc đất thịt lấy từ dưới ruộng lên, nặn thành khuôn xong rồi thi nhau cho nổ. Người chiến thắng là người có pháo nổ to, lỗ thủng rộng. Trước có nhiều hội thi pháo đất ở Thái Bình, Hải Dương.
10. Kéo mo cau
Vào mùa mo cau rụng, trẻ con vùng quê tha hồ lấy mo cau làm xe kéo. Trò này cũng gây hứng thú với các bạn ở thành thị. Các bé chỉ cần tước bỏ các lá cau khô quanh sống cau và lấy sống đó làm tay nắm. Chiếc mo sẽ là ghế ngồi cho một hay nhiều bé ngồi lên. Bạn kéo sẽ là người dùng sức kéo chiếc mo cau về phía trước.