Trẻ ở giai đoạn từ 24 tháng trở bắt đầu phát triển một số kỹ năng như: đi đứng, tập giao tiếp, nhận biết con số và hình vẽ, khả năng tập trung, phân biệt các dạng hình khối và làm quen với các âm thanh khác nhau. Đây cũng là giai đoạn các bé tò mò về thế giới xung quanh, do hạn chế chân đi chưa vững nên cha mẹ thường lo lắng cho bé mỗi khi tham gia hoạt động nào. Sự năng động cùng hiếu kỳ của bé đôi khi khiến phụ huynh bối rối, không biết nên chơi cùng con như thế nào để vừa giúp con phát triển kỹ năng vừa khiến con vui vẻ hào hứng. Minhtamblog.com xin chia sẻ với các anh chị phụ huynh top 10 trò chơi mà cha mẹ có thể cùng chơi với bé ở nhà như sau:
1. Gõ trống
Các bạn có thể tận dụng một vài vật dụng ở nhà cũng như trong đồ chơi của bé như: trống lắc, muỗng, nồi, chảo, chuông, chũm chọe, trống chẳng hạn. Bạn có thể dùng những đồ vật này gõ theo giai điệu âm thanh mà bé yêu thích. Dù không giỏi nhạc lý nhưng bạn vẫn có thể mô phỏng những âm thanh đơn giản như tiếng mưa rơi, tiếng túc tắc xe cộ, tiếng trống lân sư tử… để giúp bạn hào hứng và phân biệt được các tiếng động khác nhau. Sau đó khuyến khích bé tự cầm đồ vật và mô phỏng tiếng âm thanh của chính bé muốn tạo ra.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: khả năng phối hợp các vật dụng với nhau, kỹ năng lắng nghe, và khám phá âm nhạc.
2. Dựng nhà
Đây là trò chơi mà đa số chúng ta yêu thích khi còn bé. Đó là tự dựng lên một căn nhà bằng thùng carton, chui vào trong đó nằm và nhập vai như người lớn. Và bé nhà bạn cũng vậy, trẻ con thích chơi trò đó vô cùng. Bạn hãy tận dụng thùng carton lớn và một số đường hầm nhựa có thể mua ở những cửa hàng đồ chơi cho bé để dựng cho bé một căn nhà. Khuyến khích con tham gia cùng bạn trong hoạt động này, vừa giúp bé tự lập vừa làm nhà theo đúng ý bé. Chú ý, nhà của bé nên có lối đi ra đi vào, ít nhất cần có 1 cánh cửa đóng và 1 cửa sổ cho giống một căn nhà nhỏ hơn. Sau đó, cha mẹ có thể “giả vờ” làm khách đến chơi, gõ cửa hoặc bấm chuông, hỏi con: “Có ai ở nhà không?” và chơi trò nhập vai với bé.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: kỹ năng tương tác xã hội, khả năng vận động và khám phá môi trường xung quanh.
3. Gọi điện thoại
Bạn hoàn toàn có thể tận dụng những chiếc điện thoại cũ và những điện thoại đồ chơi của con để cùng con chơi trò này. Bạn đưa cho bé một ống nghe, và bạn cũng dùng một ống nghe. Khuyến khích con nói chuyện qua điện thoại, hoặc đóng giả như đang gọi điện cho người khác. Nhớ sử dụng giọng nói vui vẻ, hài hước và nhắc đến những nhân vật hoạt hình hoặc người thân mà con yêu thích. Nếu có thể, bạn hãy ghi âm giọng nói của bé lại rồi bật cho bé nghe để trò chơi vui hơn, bạn và bé sẽ có những giây phút cười thoải mái bên nhau.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng tương tác xã hội.
4. Xây lâu đài cát
Bạn hoàn toàn có thể cho bé chơi trò này ngay tại nhà bằng việc chuẩn bị các vật dụng sau: cát sạch, một ít nước, xẻng nhựa và một bồn tắm lớn dành cho bé. Bạn hãy đổ bao cát vào bồn tắm, cho bé 1 xô nước nhỏ ngay bên cạnh, để trong cát một cái xẻng nhựa. Cho trẻ ngồi vào bồn tắm đó để tự do chơi và xây cát theo hình dạng chúng muốn. Cha mẹ có thể chơi cùng con bằng cách nói chuyện và cùng hát với con, hướng dẫn con cách xây cát, khuyến khích chúng bắt chước hành động của bạn. Hoặc bạn có thể để con chơi một mình, hoặc nếu được, rủ thêm một bé bằng độ tuổi con bạn, cho hai đứa trẻ chơi cùng sẽ phát triển rất tốt.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: chơi sáng tạo, kỹ năng vận động, kích thích xúc giác, phát triển kỹ năng tương tác xã hội.
5. Giao tiếp qua lõi giấy
Trò chơi này vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần tận dụng lại lõi giấy sau khi sử dụng. Nói và mô phỏng những âm thanh hài hước với bé thông qua lõi giấy. Quan sát cách con phản ứng khi nghe giọng bạn qua lõi giấy như thế nào. Khuyến khích con phản hồi với bạn qua lõi giấy. Đây là cơ hội cho trẻ thực hành mô phỏng âm thanh mới và giúp trẻ nói tốt hơn bằng cách bắt chước âm thanh của cha mẹ.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: Phân biệt cách loại âm thanh và tập phản hồi.
6. Hành động theo hướng dẫn
Những điều bạn có thể làm cho trò này đó là nhờ con làm giúp bạn một số việc nhỏ như: nhặt quả bóng đưa lại cho bạn, gọi con tới để lấy đôi giày của chúng, tìm những vật dụng nhỏ trong nhà… Giúp con phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng cách hướng dẫn con cách để làm những việc nhỏ đó. Qua đây, bạn cũng có thể quan sát con khi chúng tự làm mọi việc như thế nào.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: nhận dạng được hướng đi, khả năng ghi nhớ đồ vật
7. Vẽ mặt mèo
Đơn giản, bạn chỉ cần lúc bé không chú ý, chấm một dấu son môi đỏ lên khuôn mặt của bé. Rồi dẫn bé ra trước gương. Nếu bé nhận ra điểm khác biệt trên gương mặt của mình, bé sẽ cố xóa vết son đi. Điều này chứng tỏ con đã bắt đầu biết nhận thức về bản thân của mình. Còn nếu bé chưa phản ứng, đừng lo lắng, bé sẽ sớm nhận ra thôi. Bạn có thể đặt một chiếc mũ ngớ ngẩn lên đầu bé và xem cách bé cởi nó ra như thế nào nhé.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: tự nhận thức về bản thân.
8. Đếm số
Trẻ thích đếm các ngón tay và ngón chân của chúng. Mỗi khi bạn chạm vào ngón tay của chúng hãy bật ra số đếm để bé nhận biết các con số. Không nhất thiết là bé cần phải đếm số theo thứ tự bạn nhé. Thay vào đó, hãy chỉ cho con biết nhận dạng khối lượng nhiều hay ít hoặc cách đếm con số bằng các cách đơn giản như sau: Đếm bậc cầu thang, đếm số bong bóng nước khi thổi, đếm số khi đèn giao thông đổi từ màu đỏ sang đèn xanh.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: kỹ năng đếm số căn bản.
9. Viết
Bạn hãy tận dụng một chiếc đĩa dẹt lớn hoặc một khuôn bánh cookie khổ lớn, dùng bột ngũ cốc hoặc bánh quy vụn cho vào khuôn. Chỉ cho bé cách viết bằng một tay trên các mảnh vụn, bạn hướng dẫn bé viết theo bạn. Dùng những ký hiệu đơn giản như đường thẳng, đường tròn hoặc nguệch ngoạc miễn bé bắt chước được theo bạn. Lưu ý nhỏ là trẻ hay cho tay vào miệng nên bạn cần đổ chất liệu mà bé có thể ăn được vào khuôn bánh nhé.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: kỹ năng viết tay, nhận biết nguyên nhân-hậu quả.
10. Ghép hình
Trò ghép hình này sẽ phức tạp hơn một chút. Bạn cần chuẩn bị một đường hầm chơi cho bé, bộ xếp hình đơn giản một chút. Một đầu bạn sẽ để khung hình bé cần ghép, đặt đường hầm ở giữa, đầu kia là các mảnh ghép. Bạn hướng dẫn cho bé cách chơi để ghép hình thành công cần đưa từng mảnh ghép qua đường hầm. Trò chơi này sẽ giúp bé “đi qua đi lại” bằng đường hầm để hoàn thành nhiệm vụ.
Kỹ năng bé học được qua trò chơi này là: khả năng tập trung, phát triển cảm giác, biết cách thực hiện một chuỗi nhiều hành động.
Trên đây là top 10 trò chơi thú vị và vô cùng đơn giản để cha mẹ có thể phát triển kỹ năng cho bé đồng thời tận hưởng khoảng khắc quý giá bên nhau. Minhtamblog.com xin chúc các bạn và con tham gia các trò chơi vui vẻ nhé!