Ngày 04/02/2016, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được kí kết. Đây được xem là một Hiệp định mang tính bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam. Hãy cùng 10Hay điểm lại 10 lợi ích của Việt Nam khi gia nhập TPP.
1. Lợi ích thuế quan
Trong một điều khoản của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương có quy định “Trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác, mỗi Bên sẽ dần dần loại bỏ thuế quan của mình đối với hàng hóa có xuất xứ theo Biểu thuế của mình …”. Việc này thực sự có ý nghĩa quan trọng với các quốc gia thành viên. Hàng hóa xuất, nhập khẩu của mỗi quốc gia sẽ được đẩy mạnh bởi sự ưu đãi về thuế. Theo như Hiệp định, hàng rào thuế quan sẽ dần dần được loại bỏ.
Trong các quốc gia thành viên thì Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Vì vậy TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang hai thị trường này cũng như xâm nhập vào thị trường của các nước thành viên khác.
Xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên cũng chính là mục tiêu chính của TPP
2. Tiếp cận thị trường một cách toàn diện
Việt Nam đã có chính sách mở cửa, hội nhập từ lâu nhưng vẫn chưa thực sự phát triển. Nhưng với việc tham gia TPP hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam để tham gia vào thị trường kinh tế thế giới. Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít các rào cản hơn.
Trong một điều khoản của Hiệp định có quy định “Trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác, không Bên nào được ban hành hoặc duy trì lệnh cấm hoặc hạn chế đối với việc nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào của một Bên khác hoặc đối với việc xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu bất kỳ hàng hóa nào vào lãnh thổ của một Bên khác, ngoại trừ trường hợp quy định tại Điều XI của GATT 1994 và phần diễn giải …”
3. Thu hút đầu tư
TPP cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm một thị trường đầu tư ổn định và tiềm năng. Và thị trường Việt Nam là một trong những lựa chọn của họ. Bởi nhiều ưu đãi từ TPP, không chỉ các nhà đầu tư của các quốc gia thành viên mà ngay cả những nhà đầu tư khác từ ASEAN cũng tìm đến thị trường Việt Nam để được hưởng lợi nhiều hơn.
Tự do hóa thị trường đầu tư cũng là một nội dung quan trọng của Hiệp định TPP
4. Hoàn thiện thể chế
Việc tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là về cơ chế thị trường. Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn. Hiệp định TPP cũng đặt ra các tiêu chuẩn rất cao đối với bộ máy Nhà nước. Điều này góp phần giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính.
5. Lợi ích trong việc mua sắm công
Hiệp định TPP dành riêng một chương để quy định về mua sắm công. Việc mở cửa thị trường mua sắm công có thể mang lại những lợi ích nhất định như: minh bạch hóa thị trường công, giúp cải thiện điều kiện mua sắm công từ đó lựa chọn được các nhà cung cấp tốt hơn.
6. Tạo điều kiện kí kết các Hiệp định thương mại tự do khác
Hiện tại Việt Nam đã kí kết các Hiệp định thương mại tự do với hơn mười quốc gia khác, ví dụ như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Chi Lê, ASEAN – Trung Quốc… Đặc biệt việc gia nhập TPP lại càng nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để kí kết các Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác trên thế giới.
7. Thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước thường không có nhiều điều kiện để xuất khẩu hàng hóa. Bởi vì việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài có những tiêu chuẩn và quy định rất phức tạp, đặc biệt là hàng rào thuế quan. Trong khi đó, thị trường Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với những quy định từ TPP, sẽ mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tiếp cận thị trường quốc tế.
8. Các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng với nhau
TPP sẽ bắt buộc loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước. Điều này tạo điều kiện cạnh tranh công bằng cho các công ty tư nhân. Đồng thời cũng tạo động lực để các công ty nhà nước phát triển hơn.
9. Hoàn thiện các tiêu chuẩn lao động, môi trường trong nước
TPP đặt ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Góp phần giúp Việt Nam phát triển một cách lành mạnh và toàn diện hơn.
10. Các lợi ích xã hội khác
Tham gia TPP tạo ra cơ hội để kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Từ đó tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Đồng thời việc tăng trưởng kinh tế cũng góp phần cải thiện nguồn nhân lực và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Nói tóm lại, việc gia nhập TPP mang lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế, thể chế và xã hội cho Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển một cách toàn diện.
Xem thêm: